»» Chương XIX đến chương XXI

Trưởng lão tăng kệ

Dịch giả: Thích Minh Châu


(Download file MP3
– 8.27 MB – Thời gian phát: 48 phút 11 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Chương XIX

 


Phẩm Năm Mươi Kệ

(CCLXII) Tàlaputta (Thera. 97)

Trong thời gian đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình kịch sĩ, trở thành thiện xảo trong nghề diễn kịch thích hợp với người trong gia tộc và trở thành lừng danh khắp Ấn Ðộ, như nhà lãnh đạo một ban hát với năm trăm nữ nhân, với sự huy hoàng của nghề kịch, ngài dự các lễ ở làng, ở thị trấn, ở cung điện vua, và rất được sủng ái và danh tiếng. Khi ngài trình diễn ở Ràjagaha với nhiều thành công, ngài đến yết kiến đức Phật và hỏi có phải một kịch sĩ khi trên sâu khấu giả danh sự thật, làm cho khán giả ưa thích, vui cười, người ấy sau khi chêt được sanh vào chư Thiên hay cười. Ðức Phật ban đầu không trả lời. Ðến khi hỏi lần thứ tư, đức Phật trả lời những ai khiến cho con người thiên về tình dục, tiêu cực tâm tư hoang mang khiến người ta mất nhiệt tình, người như vậy sau khi chết sẽ sinh vào địa ngục. Nhưng nếu có tà kiến thời bị sanh vào địa ngục và súc sanh. Tàlaputta khóc không phải vì đức Phật nói chỗ tái sanh, chỉ vì bị các kịch sĩ xưa lừa dối nói rằng kịch sĩ sẽ được sanh trong một đời sống hạnh phúc.

Rồi Tàlaputta nghe lời đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời tu tập, chứng quả A-la-hán. Rồi nêu rõ với nhiều chi tiết, như thế nào ngài chế ngự và làm cho trong sạch tâm tư, đi đến chỗ giác ngộ thâm sâu, ngài nói lên những câu kệ như sau:

I

1092. Khi nào ta sẽ đến,

Một mình, không có hai,

Ở trong những hang động,

Của các loại núi rừng,

Ta quán mọi sanh hữu,

Tất cả là vô thường,

Nay ta là như vậy,

Khi nào ta sẽ vậy?

1093. Khi nào ta sẽ là,

ẩn sĩ mang y vá,

Mang y vải màu vàng,

Không của ta, không ái,

Ðoạn trừ, diệt tham tâm,

Ðoạn luôn cả sân, si,

Ta đi đến khu rừng,

Sẽ trú trong an lạc.

1094. Khi nào ta thấy được

Thận này là vô thường,

Bị chết già áp bức,

Ổ giết chóc, bệnh tật

Ta sẽ trú trong rừng,

Một mình, quán vô úy

Khi nào sẽ là vậy?

1095. Khi nào ta sẽ lấy

Gươm sắc bén trí tuệ,

Chặt dây leo khát ái,

Với nhiều dây chằng chịt,

Sanh khởi lên sợ hãi,

Mang đến sự khổ đau.

Khi nào sẽ là vậy?

1096. Khi nào ta sẽ là,

Có sức mạnh rút gươm,

Gươm do tuệ tạo thành,

Là lửa sáng ẩn sĩ;

Với sức mạnh đập tan

Ác ma với Ma quân

Trên chỗ ngồi sư tử,

Khi nào sẽ là vậy?

1097. Khi nào ta sẽ được

Hội tụ với bậc thiện,

Ðược thấy giữa các vị,

Ðảm nhận các trọng pháp,

Tinh cần với các vị,

Thấy sự vật như thật,

Chiến thắng được các căn

Khi nào sẽ là vậy?

1098. Khi nào nhác đói khát

Gió, nóng, trùng bò sát,

Sẽ không não hại ta,

Ở Gi-ri-bhaje,

Ðang lo đến tự ngã,

Khi nào sẽ là vậy?

1099. Khi nào ta có thể

Chánh niệm, gã định tĩnh

Hiểu được với trí tuệ,

Bốn sự thật khéo giảng,

Bởi bậc Ðại ẩn sĩ,

Khi nào sẽ là vậy?

1100. Khi nào ta sẽ chuyên

Chú tâm vào an chỉ,

Thấy được với trí tuệ,

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Các pháp vô thường này,

Như lửa cháy hừng đỏ,

Khi nào ta sẽ vậy?

1101. Khi nào ta bị nói,

Với lời nói thô ác,

Không vì lý do ấy,

Tâm trí bị thất vọng.

Khi được lời tán thán,

Không vì lý do ấy,

Tâm tư được thỏa mãn.

Khi nào ta sẽ vậy?

1102. Khi nào nhiều như củi,

Cỏ, cây leo, thân cây,

Ta cân nhắc bình đẳng,

Những pháp vô lượng này,

Nội pháp và ngoại pháp,

Khi nào ta sẽ vậy?

1103. Khi nào mây đem mưa,

Với nước mới trong rừng,

Làm ướt y áo ta,

Ta đi trên đường ướt,

Con đường ẩn sĩ đi.

Khi nào sẽ là vậy?

1104. Khi nào nghe trong rừng,

Tiếng kêu của loài chim,

Chim công, có mào đầu.

Trong hang động núi rừng,

Ta an trú suy tư,

Ðể đạt quả bất tử,

Khi nào ta sẽ vậy?

1105. Khi nào với thần thông,

Ta có thể vượt qua,

Không chìm, không sợ hãi,

Sông Hằng, Yamunà,

Sông Sarasvati,

Với cửa sông hãi hùng,

Với nước ào vực sâu,

Khi nào sẽ là vậy?

1106. Khi nào, như con voi,

Trên chiến trường tấn công,

Ta sẽ phá tan tành,

Lòng dục đối dục cảnh,

Chuyên chú trong thiền định,

Từ bỏ mọi tịnh tướng,

Khi nào sẽ là vậy?

1107. Khi nào như người nghèo

Mắc nợ chưa trả được,

Bị kẻ giàu thúc bách,

Tìm ra được của chôn,

Ta sẽ được thoải mái,

Họ được lời giảng dạy,

Của vị Ðại ẩn sĩ,

Khi nào sẽ được vậy?

II

1108. Nhiều năm ta được ngươi,

Yêu cầu làm như sau:

Như vậy là vừa rồi,

Ngươi sống đời gia đình,

Nay ta đã xuất gia,

Do vậy, hỡi này tâm,

Do vì lý do gì,

Ngươi không có chuyên tâm?

1109. Này tâm, phải chăng ngươi,

Yêu cầu ta như sau:

Tại Giribbaje

Loài chim có lông sáng,

Ðón chào với tiếng kêu,

Sấm của Ðại In-da.

Hãy làm vị ấy vui,

Ðang tu thiền trong rừng.

1110. Trong gia đình, bạn bè,

Người yêu và bà con,

Các du hí ở đời,

Các đối tượng của dục,

Tất cả đều từ bỏ,

Ta chấp nhận thế này.

Hỡi này tâm, ngươi không

Bằng lòng với ta chăng?

1111. Việc này chỉ vì ta,

Ðây không vì người khác,

Khi đến thời vũ trang,

Sao lại còn than khóc?

Thế giới này toàn động,

Chờ đợi là như vậy.

Nên ta đã ra đi,

Tìm cầu đạo bất tử.

1112. Vị nói điều khó nói,

Tối thượng loài hai chân,

Bậc Y vương vĩ đại,

Ðánh xe điều ngự người,

Với tâm không tham dục,

Ngài khéo chế ngự được,

Người khó lòng chế ngự,

Chế ngự được tâm người,

Vọng động như con vượn.

1113. Các dục có nhiều vẻ.

Dịu ngọt, rất khả ý,

Ở đây, hàng phàm phu,

Vô trí, bị trói buộc.

Họ muốn chịu đau khổ,

Khi họ tìm tái sanh,

Dắt dẫn bởi tâm họ,

Họ chết trong địa ngục.

1114. Trong khu rừng vang lên,

Tiếng chim công, chim cò,

Chỗ trú xứ ưu tiên,

Của loài beo, loài cọp,

Ngươi sống tại chỗ ấy,

Chớ chờ đợi về thân,

Chớ có quá đam mê,

Này tâm, hãy khích lệ,

Hãy khuyên ta như trước,

1115. Hãy tu thiền, căn, lực

Hãy tu định giác chi,

Hãy giác chứng ba minh,

Trong lời dạy đức Phật,

Này tâm, hãy khích lệ,

Hãy khuyên ta như trước.

1116. Hãy tu tập con đường

Ðể đạt được bất tử,

Ðường đưa đến thể nhập,

Chỗ đoạn diệt mọi khổ.

Con đường có tám ngành,

Rửa sạch mọi uế nhiễm.

Này tâm, hãy khích lệ,

Hãy khuyên ta như trước.

1117. Hãy như lý quán sát,

Các uẩn là đau khổ,

Hãy từ bỏ xa ngươi,

Những nguyên nhân đau khổ.

Ngay trong thời hiện tại,

Hãy chấm dứt đau khổ,

Này tâm, hãy khích lệ,

Hãy khuyên ta như trước.

1118. Hãy như lý tuệ quán,

Là vô thường, là khổ,

Là không, là vô ngã,

Là tà ác, sát hại,

Hãy chế ngự tâm ngươi,

Chớ để nó chạy loạn.

Này tâm, hãy khích lệ,

Hãy khuyên ta như trước.

1119. Trọc đầu và xấu sắc,

Ði đến bị nguyền rủa,

Khi khất thực gia đình,

Tay cầm hình đầu lâu,

Nay ngươi có chú tâm,

Vào lời dạy Bổn Sư,

Vào lời Ðại ẩn sĩ,

Này tâm, hãy khích lệ

Hãy khuyên ta như trước.

1120. Hãy đi trên con đường,

Tự ngã khéo chế ngự,

Giữa các nhà, tâm ý

Không ái luyến các dục,

Như trăng vào tháng tròn,

Không có bợn mây mù.

Này tâm, hãy khích lệ,

Hãy khuyên ta như trước.

1121. Hãy sống trong rừng núi,

Ăn đồ ăn khất thực,

Sống tại chỗ nghĩa địa,

Mặc y lượm đống rác.

Chỉ có ngồi không nằm

Luôn vui hạnh Ðầu-đà,

Này tâm, hãy khích lệ,

Hãy khuyên ta như trước.

1122. Như người đã trồng cây,

Liền tìm cho được trái,

Nay ngươi ước muốn trái,

Há chặt rễ cây sao?

Này tâm, thật giống như,

Ví dụ ngươi đã làm,

Khi ngươi khích lệ ta,

Trong vô thường dao động.

1123. Ngươi, vô sắc, cô độc,

Kẻ lữ hành từ xa,

Nay ta sẽ không làm,

Theo lời nói của ngươi.

Các dục là khổ đau,

Cay đắng, sợ hãi lớn,

Tâm hướng vọng Niết-bàn,

Ta sẽ bước, đi tới.

1124. Ta đi tới xuất gia,

Không phải vì bất hạnh,

Không đùa vô liêm sỉ,

Không vì duyên tâm hứng,

Không bị đày đi xa,

Không vì nhân mạng sống,

Khi ta đã bằng lòng,

Này tâm, đối với ngươi.

1125. Ít dục được tán dương,

Bởi những bậc chân nhân,

Kể cả đoạn giả dối,

Và an tịnh đau khổ.

Như vậy, hỡi này tâm,

Khi ngươi khích lệ ta,

Còn nay ngươi đi ngược,

Ðiều ngươi trước quen làm.

1126. Khát ái và vô minh,

Ðáng thương và đáng ghét,

Sắc đẹp và lạc thọ,

Dục trưởng dưỡng hấp dẫn,

Tất cả đã quăng bỏ,

Ta không có cố gắng,

Ði đến một lần nữa,

Những đồ đã quăng bỏ.

1127. Này tâm, khắp mọi nơi,

Ta làm theo lời ngươi,

Trải qua nhiều đời sống,

Ngươi không tức giận ta,

Và thân nội sanh này,

Là lòng ngươi biết ơn!

Trên đường luân hồi dài,

Khổ do chính ngươi tạo.

1128. Này tâm, chính ngươi làm

Tác thành con người ta,

Chính ngươi làm, ta thành,

Thành một Bà-la-môn,

Thành vua chúa hoàng tộc,

Một ngày là người buôn,

Ngày kia thành nô tỳ,

Hoặc thành loại chư Thiên.

Tất cả đều do ngươi,

Chính do ngươi tác thành.

1129. Chính do nhân nhà ngươi,

Chúng ta thành Tu-la,

Chính do ngươi tác thành,

Ta rơi đáy địa ngục;

Một thời thành súc sanh,

Một thời thành ngạ quỷ,

Tất cả đều do ngươi,

Chính do ngươi tác thành.

1130. Ngươi sẽ không lừa ta,

Nhiều lần, nhiều thời nữa,

Như những người phù thủy,

Bày các trò ảo thuật,

Ngươi chơi lừa phỉnh ta,

Như chơi với người điên,

Này tâm, hãy nói ta,

Chỗ nào ta lỗi lầm.

1131. Trước tâm này lang thang,

Chạy chỗ này chỗ khác,

Chạy chỗ nó ưa thích,

Chạy chỗ nó vui sướng,

Nay ta chế ngự tâm,

Với như lý tư duy,

Như câu móc chế ngự,

Nhiếp phục con voi rừng.

1132. Với ta, bậc Ðạo Sư,

Xác định đời vô thường,

Ðời không có trường cửu,

Ðời không có kiên thực.

Này tâm, hãy đẩy ta,

Nhảy vào lời Phật dạy,

Khiến ta vượt bộc lưu,

Rất khó được vượt qua.

1133. Ta nay đã xuất gia,

Trong pháp Ðại ẩn sĩ

Những người giống như ta,

Không chấp nhận tổn thất.

1134. Rừng, biển, sông, đất liền,

Bốn phương, phụ trên dưới,

Tất cả là vô thường,

Ba hữu là hoạn nạn,

Này tâm, hãy đi đâu?

Ngươi sẽ hưởng an lạc.

1135. Kìa, kìa, hỡi này tâm,

Ðích ta thật vững chắc,

Người sẽ làm được gì,

Khiến ta phải quay lại,

Này tâm, ta đâu còn,

Tùy thuộc thế lực ngươi,

Không ai chịu xúc chạm,

Cái bị có hai miệng,

Gớm ghiếc thay cái vật,

Ðầy chín dòng chảy nước.

1136. Ôi, ngươi sẽ ưa sống,

Trên đảnh sườn núi cao,

Chỗ ở đàn heo nai,

Hay cảnh đẹp thiên nhiên,

Hay trong núi rừng sâu,

Thấm mát mưa nước mới,

Tại đấy ngươi sẽ thích,

Ngươi lấy hang làm nhà.

1137. Loài chim lông cổ đẹp,

Với mào đẹp, cánh đẹp,

Với lông nhiều màu sắc,

Ðón chào tiếng sấm vang,

Với tiếng kêu dịu ngọt,

Chúng sẽ làm ngươi thích,

Ngươi tu tập thiền định,

Trong núi rừng thâm sâu.

1138. Khi trời đổ mưa xuống,

Trên đám cỏ bón phân,

Và trong rừng nở hoa.

Với đầu hoa như mây,

Giữa rừng, ta sẽ nằm,

Chẳng khác gì khúc cây,

Ðối ta, rất mềm dịu,

Thật giống như giường bông.

1139. Như vậy, ta sẽ làm,

Giống như người chủ nhà,

Những gì ta nhận được,

Ta xem là vừa đủ,

Như thợ da không nhác,

Khéo làm cho nhuần nhuyễn,

Cái bị bằng da mèo.

1140. Như vậy ta sẽ làm,

Giống như người chủ nhà,

Những gì ta nhận được,

Ta xem là vừa đủ,

Tinh tấn ta dẫn ngươi,

Rơi vào thế lực ta.

Như voi say bị nài,

Khéo dùng móc chế ngự.

1141. Với ngươi khéo nhiếp phục,

Khéo an trú vững vàng,

Như người huấn luyện ngựa,

Với con ngựa thuần thục,

Ta có thể dấn bước

Trên con đường an lành,

Con đường được những vị

Hộ trì tâm thường dùng.

1142. Ta sẽ trói chặt ngươi,

Vào đối tượng cần thiết,

Như con voi bị dây

Trói chặt vào cây cột.

Ta khéo hộ trì ngươi,

Khéo luyện với chánh niệm.

Nhờ vậy, ngươi sẽ thành,

Không dựa mọi sanh hữu.

1143. Với tuệ, chặt tà đạo,

Với lực, chận, hướng chánh

Thấy tập khởi, diệt sanh,

Ngươi sẽ là thừa tự

Bậc phát ngôn tối thượng.

1144. Này tâm, ngươi dẫn ta,

Ðến ngôi làng thô lỗ,

Khiến trú vào thế lực

Của bốn tưởng điên đảo,

Hãy đến, theo vị ấy

Vị chặt đứt kiết sử,

Bậc có tâm đại bi,

Bậc Mâu-ni vĩ đại.

1145. Như loài thú tự do,

Trong ngôi rừng đẹp đẽ.

Ngươi vào núi xinh đẹp

Có mây làm vòng hoa,

Tại đấy, không có người,

Trong rừng ngươi sẽ thích,

Nay tâm, chắc chắn vậy

Ngươi sẽ đến bờ kia.

1146. Những ai còn rơi vào,

Thế lực ý muốn ngươi,

Nam nhân và nữ nhân,

Hưởng an lạc ngươi cho

Không trí, bị rơi vào

Trong thế lực Ác-ma,

Ai ưa thích sanh hữu,

Sẽ là thuộc hạ ngươi,

Hỡi này tâm của ta.

Chương XX

Phẩm Sáu Mươi Kệ

(CCLXIII) Mahà-Moggallàna (Thera. 104)

Ðời ngài được kể với đời ngài Sàriputta (CCLIX). Sau khi xuất gia một tuần, ở gần làng Kallavàla tại Magadha, trong khi du hành ngài bị hôn trầm thụy miên và được Thế Tôn dạy: ‘Này Moggallàna, biếng nhác không giống với im lặng của bậc Thánh’. Ngài liền tinh tấn chế ngự sự yếu đuối của mình. Khi chỉ nghe đề tài về các giới do đức Phật giảng dạy, ngài chứng được quả A-la-hán. Một thời, Thế Tôn ở tại Jetavana, xác chứng ngài là bậc thần thông đệ nhất. Các bài kệ của ngài được kiết tập thứ nhất.

I

Khích lệ các Tỷ-kheo:

1147. Chúng ta người ở rừng,

Sống đồ ăn khất thực,

Bằng lòng với miếng ăn

Ðược bỏ rơi trong bát,

Phá nát ma, ma quân,

Nếu nội tâm khéo định.

1148. Chúng ta người ở rừng,

Sống đồ ăn khất thực,

Bằng lòng với miếng ăn,

Ðược bỏ rơi trong bát,

Dẹp sạch ma, ma quân,

Như voi, nhà bằng lau.

1149. Chúng ta ở gốc cây,

Nhẫn nại, tâm kiên trì,

Bằng lòng với miếng ăn,

Ðược bỏ rơi trong bát,

Phá nát ma, ma quân,

Nếu nội tâm khéo định

1150. Chúng ta ở gốc cây,

Nhẫn nại, tâm kiên trì,

Bằng lòng với miếng ăn,

Ðược bỏ rơi trong bát,

Dẹp sạch ma, ma quân,

Như voi, nhà bằng lau.

II

Với một kỹ nữ muốn cám dỗ ngài:

1151. Với am, sườn bằng xương,

May dính với gân thịt,

Gớm thay, đầy hơi thối!

Mang tay chân người khác,

Làm thân thể của mình!

1152. Cái bị đựng đầy phân,

Ðược da bao bọc lại,

Ôi con Quỷ cái kia!

Với vú bị ung nhọt,

Thân Ngươi, chín dòng nước

Luôn luôn được tuôn chảy.

1153. Thân Ngươi chín dòng nước

Hôi thối, tạo trói buộc,

Tỷ-kheo tránh thân ấy,

Như kẻ sạch tránh phân.

1154. Nếu người khác biết Ngươi

Như ta biết được Ngươi,

Người ấy tránh xa Ngươi,

Như khi mưa tránh phân.

Người đàn bà ấy cảm thấy hổ thẹn, đảnh lễ vị Truởng lão rồi thưa:

1155. Thật là vậy, Ðại hùng,

Như Sa-môn, ngài nói:

Ở đây, có kẻ đắm,

Như bò già trong bùn.

Bậc Trưởng lão:

1156. Ai nghĩ có thể nhuộm,

Bầu trời với màu nghệ,

Hoặc với màu sắc khác

Kẻ ấy chỉ thất bại.

1157. Tâm ta giống trời ấy,

Nội tâm khéo định tĩnh,

Chớ đem ác tâm đến

Như chim rơi đống lửa.

1158. Hãy xem bóng trang sức

Nhóm vết thương tích tụ,

Bệnh hoạn nhiều tham tưởng

Nhưng không gì trường cửu.

III

Khi được tin Trưởng lão Sàriputta viên tịch:

1159. Ôi, thật hãi hùng thay!

Ôi! Lông tóc dựng ngược,

Bậc đủ nhiều đức tánh,

Xá-lợi-phất nhập diệt.

1160. Các hành là vô thường

Có sanh phải có diệt,

Sau khi sanh, chúng diệt,

Nhiếp chúng là an lạc.

IV

Nói về Trưởng lão Tissa:

1161. Những ai thấy năm uẩn,

Là khác, không phải ngã,

Quán thấu vật tế nhị,

Như tên đâm mũi tóc.

1162. Những ai thấy các hành,

Là khác, không phải ngã,

Chúng thấu triệt tế nhị,

Như têm đâm mũi tóc.

V

Nói về Trưởng lão Vaddhamàna

1163. Như bị kiếm chém xuống,

Như bị lửa cháy đầu,

Vị Tỷ-kheo xuất gia,

Chánh niệm, đoạn tham dục.

1164. Như bị kiếm chém xuống,

Như bị lửa cháy đầu,

Vị Tỷ-kheo xuất gia,

Chánh niệm, đoạn tham hữu.

VI

Tuyên bố liên hệ đến kinh Pàsàdakamma:

1165. Ðược khuyên bảo bởi vị,

Ðã tu tập tự ngã,

Mang thân này tối hậu,

Với ngón chân ta làm,

Rung chuyển cả lâu đài,

Migàramàtu.

VII

Nói liên hệ với một Tỷ-kheo:

1166. Không với nhu nhược này,

Không với ít lực này

Có thể chứng Niết-bàn,

Giải thoát mọi buộc ràng.

1167. Vị Tỷ-kheo trẻ này,

Con người tối thượng này,

Chiến thắng ma, ma quân,

Mang thân này tối hậu.

VIII

Về đời sống viễn ly của mình:

1168. Giữa đồi Vebhàra,

Giữa đồi Pandava,

Sét đánh vào hang động,

Con bậc Vô tỷ ấy,

Ðã đi vào hang núi,

Ðang ngồi nhập thiền định.

IX

Ði vào Ràjagaha (Vương Xá) để khất thực, ngài khuyến giáo người cháu của Sàriputta, một Bà-la-môn có tà kiến, người này thấy ngài Ðại-ca-diếp, cảm thấy ghê tởm, như thấy được một nữ thần bất hạnh.

An tịnh và thoải mái,

Ẩn sĩ trú vùng xa,

Thừa tự Phật tối thắng,

Ðược Phạm thiên tán thán.

1169. Hỡi này Bà-la-môn,

Hãy đảnh lễ Ca-diếp,

Ngài là con thừa tự,

Bậc Giác Ngộ tối thắng,

Ẩn sĩ trú vùng xa

An tịnh và thoải mái.

1170. Vị trải trăm đời sống,

Ðều thuộc dòng Phạm chí,

Học giả, giỏi Vệ-đà,

Sanh tiếp tục làm người.

1171. Dầu là bậc giáo sư,

Thấu triệt ba Vệ-đà,

Ðảnh lễ vị như vậy,

Chỉ giá một mười sáu.

1172. Vị ấy trước bữa ăn,

Thấy được tám giải thoát.

Thuận hướng và nghịch hướng.

Rồi mới đi khất thực.

1173. Chớ có đến tấn công

Một Tỷ-kheo như vậy,

Hỡi này Bà-la-môn,

Chớ có đào tự ngã,

Hãy khởi ý tín nhiệm

Vị La hán như vậy,

Chấp tay đảnh lễ gấp,

Chớ để đầu ông hỏng.

X

Khi khuyến giáo một Tỷ-kheo tên Potthila:

1174. Người không thấy diệu pháp,

Dẫn đầu về luân hồi,

Chạy theo hướng tà đạo,

Ðường cong không nên đi.

1175. Như con sâu dính phân,

Say mê theo các hành,

Ðắm sâu vào lợi danh,

Trống rỗng, hỡi Pôt-thi.

XI

Tán thán Tôn giả Sàriputta:

1176. Hãy xem Tôn giả này

Xá-lợi-phất đẹp sắc,

Giải thoát cả hai phần,

Nội tâm khéo định tĩnh.

1177. Không bị tên khát ái,

Các kiết sử đoạn tận,

Ba minh đã đạt được,

Sát hại xong thần chết,

Ðáng được người cúng dường,

Là ruộng phước vô thượng.

XII

Do ngài Sàriputta nói lời tán thán Moggallàna:

1178. Có nhiều chư Thiên này,

Có thần lực danh xưng,

Ðến mười ngàn chư Thiên

Tất cả Phạm phụ Thiên.

Họ đứng chấp hai tay

Ðảnh lễ Mục-kiền-liên.

1179. Ðảnh lễ thượng sanh nhân!

Ðảnh lễ vô thượng nhân!

Lậu hoặc ngài đã đoạn,

Ngài xứng được cúng dường.

1180. Ðược trời người đảnh lễ,

Ðã sanh, bậc thắng chết,

Như sen không dính nước,

Ngài không dính các hành.

1181. Vị trong một sát-na,

Biết đời, dưới ngàn cách,

Chẳng khác Ðại Phạm Thiên,

Tỷ-kheo ấy Thiên tử

Ðầy đủ thần thông lực,

Thấy được những thời cơ

Chết sống của mọi loài.

XIII

Mahà-Moggàllàna nói lên, xác nhận khả năng của mình:

1182. Xá-lợi-phất với tuệ,

Giới hạnh, an tịnh tâm,

Tỷ-kheo đến bờ kia,

Vị ấy thật tối thượng.

1183. Nhưng ta ngay giây phút

Ðến trăm ngàn triệu lần,

Biến hóa tự thân được,

Ta thiện xảo biến hóa,

Thuần thục với thần thông.

1184. Dòng họ Môg-gal-la,

Sống thiền định trí tuệ

Ði đến bờ bên kia,

Không ái giáo pháp đạt.

Hiền trí, các căn tịnh,

Chặt đứt các trói buộc,

Như voi bựt đứt ngang,

Dây leo đã mục nát.

1185. Ta hầu hạ Bổn Sư,

Lời Phật dạy làm xong,

Gánh nặng đã đặt xuống,

Gốc sanh hữu nhổ sạch.

1186. Sanh của ta đã tận,

Chiến thắng dạy làm xong,

Lưới danh được đoạn diệt,

Gốc sanh hữu nhổ lên,

Mục đích hạnh xuất gia,

Bỏ nhà, sống không nhà,

Ðích ấy đã đạt được,

Mọi kiết sử diệt xong.

La mắng Màra đã vào và ra khỏi bụng ngài:

1187. Ðịa ngục ấy thế nào,

Dù si bị nấu sôi,

Vì đánh Vidhura,

Ðệ tử Kà-kùsandha.

1188. Có trăm loại cọc sắt,

Tự cảm thọ riêng biệt,

Ðịa ngục là như vậy,

Dù si bị nấu sôi,

Vì đánh Vidhura,

Ðệ tử Kakusandha.

1189. Tỷ-kheo đệ tử Phật,

Hiểu biết rõ như vậy,

Vì người đánh Tỷ-kheo,

Kanha chịu khổ thọ.

1190. Dựng lên giữa biển cả,

Cung điện trải nhiều kiếp,

Bằng ngọc chói lưu ly,

Huy hoàng cùng chiếu diệu,

Tiên nữ múa tại đây,

Trang sức màu dị biệt.

1191. Tỷ-kheo đệ tử Phật,

Hiểu biết rõ như vậy,

Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,

Kanha chịu khổ thọ.

1192. Ai Thế Tôn khuyến khích,

Chúng Tỷ-kheo chứng kiến,

Với ngón chân rung chuyển

Lầu mẹ Migàra.

1193. Tỷ-kheo đệ tử Phật,

Hiểu biết rõ như vậy,

Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,

Kanha chịu khổ thọ.

1194. Với ngón chân rung chuyển,

Lầu Vi-ja-yan-ta,

Ðầy đủ thần thông lực,

Chư Thiên cũng hoảng sợ.

1195. Tỷ-kheo đệ tử Phật,

Hiểu biết rõ như vậy,

Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,

Kanha chịu khổ thọ.

1196. Ai hỏi vị Sakka,

Tại lầu Vijayan,

Hiền giả, ngươi có biết,

Ái tận được giải thoát?

Sakka đã chân thành,

Trả lời câu được hỏi.

1197. Tỷ-kheo đệ tử Phật,

Hiểu biết rõ như vậy,

Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,

Kanha chịu khổ thọ.

1198. Ai từng hỏi Phạm thiên

Tại hội chúng Thiện Pháp:

Hiền giả nay vẫn chấp,

Các tà kiến thuở xưa,

Có thấy cảnh huy hoàng

Phạm thiên cảnh thiên giới.

1199. Brahmà đã chân thành,

Tiếp tục đáp câu hỏi:

Tôn giả tôi không chấp

Các tà kiến thuở xưa.

1200. Tôi thấy sự huy hoàng

Phạm thiên cảnh thiên giới,

Sao nay tôi nói được,

Tôi thường hằng thường tại?

1201. Tỷ-kheo đệ tử Phật,

Hiểu biết rõ như vậy,

Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,

Kanha chịu khổ thọ.

1202. Ai với sự giải thoát,

Cảm xúc Cao Sơn đảnh,

Rừng đông Videha

Và người nằm trên đất,

1203. Tỷ-kheo đệ tử Phật,

Hiểu biết rõ như vậy.

Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,

Kanha chịu khổ thọ.

1204. Thật sự lửa không nghĩ:

‘Ta đốt cháy kẻ ngu’,

Kẻ ngu đột kích lửa,

Tự mình bị thiêu cháy.

1205. Cũng vậy này Ác-ma,

Ngươi đột kích Như Lai,

Tự đốt mình cháy mình,

Như kẻ ngu chạm lửa.

1206. Ác ma tạo ác nghiệp,

Do nhiễu hại Như Lai,

Ngươi nghĩ chăng Ác-ma,

Ác quả không đến ta.

1201. Ðiều ác Ác ma làm,

Chất chứa đã lâu rồi,

Ác-ma, hãy tránh Phật,

Chớ vọng tưởng Tỷ-kheo.

1208. Tỷ-kheo chống Ác ma,

Tại rừng Bhe-kalà,

Vị Dạ-xoa thất vọng,

Biến mất tại chỗ ấy.

Như vậy, Tôn giả Mahà-Moggallàna nói lên những bài kệ.

Chương XXI

Phẩm Bảy Mươi Mốt Kệ

(Ðại Tập)

(CCLXIV) Vangìsa (Thera. 109)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Vangìsa và được dạy ba tập Vệ-đà. Ngài được trọng vọng cúng dường, nhờ gõ trên sọ người và biết được kiếp trước của người ấy. Các Bà-la-môn thấy Vangìsa là một nguồn lợi dưỡng nên đem ngài đi chỗ này chỗ khác. Trong ba năm, Vangìsa đoán kiếp trước trên các sọ người được mang đến, và lấy tiền khoảng một trăm, một ngàn, Kahapana (đồng tiền vàng) mỗi đầu người. Ngài nghe danh tiếng của Thế Tôn, muốn đến yết kiến Thế Tôn, nhưng các Bà-la-môn ngăn lại.

Vangìsa không nghe đi yết kiến đức Phật. Khi đức Phật hỏi Vangìsa biết được nghề gì, ngài trả lời có thể đoán được sọ người, bằng cách lấy móng tay gõ trên sọ người và đoán được số mệnh người ấy trong ba năm. Thế Tôn bảo Vangìsa đoán sọ người sanh vào địa ngục, vào loài Người, hàng chư Thiên và một vị giải thoát. Vangìsa có thể đoán số mạng ba hạng người kia nhưng đối với vị đã giải thoát thời không thể nói được gì. Cuối cùng, ngài yêu cầu Thế Tôn và được trả lời như sau:

Ai biết thật hoàn toàn,

Sự sanh diệt chúng sanh,

Không tham trước, Thiện Thệ,

Giác ngộ đạt Chánh giác,

Vị ấy Ta mới gọi,

Chánh danh Bà-la-môn,

Thiên, Nhân, Càn-thát-bà,

Không biết chỗ sở thú,

Lậu hoặc được đoạn trừ,

Bậc Ứng Cúng, La-hán,

Vị ấy Ta mới gọi,

Chánh danh Bà-la-môn.

(Kinh Tập, kệ 643-644 – Trung Bộ kinh II, 196M)

Sau khi nghe xong, Vangìsa yêu cầu đức Phật dạy cho con đường đạt đến đích ấy, xin xuất gia và đức Phật bảo Trưởng lão Nigrodhakappa độ cho xuất gia rồi dạy cho quán ba mươi hai bộ phận của thân và tuệ quán. Cuối cùng ngài chứng quả A-la-hán, từ bỏ các Bà-la-môn cũ, dùng nhiều câu tán thán Thế Tôn (Si, 185) và đức Phật xác chứng ngài là vị Tỷ-kheo đệ nhất về thuyết pháp. Những điều ngài nói lên trước và sau khi chứng quả A-la-hán được kiết tập bởi ngài Ananda và các vị khác trong kỳ kiết tập thứ nhất như sau:

I

Khi còn là Sa-di, sau khi bị ảnh hưởng vì thấy nhiều thiếu nữ mặc áo đẹp, ngài nói lên những cảm thọ được nhiếp phục của ngài:

1209. Với ta đã xuất gia,

Bỏ nhà, sống không nhà,

Tư tưởng này chạy loạn,

Khởi lên từ hắc ám.

1210. Nhà bắn cung thiện xảo,

Thượng sanh giỏi cung pháp,

Ngàn người bắn khắp phía,

Không nao núng chút nào.

1211. Nếu phụ nữ có đến,

Dầu nhiều hay đông hơn,

Sẽ không dao động ta,

Vì ta trú Chánh pháp.

1212. Chính ta từng được nghe,

Phật dòng họ Mặt Trời,

Giảng đạo hướng Niết-bàn,

Ở đây ý ta thích.

1213. Như vậy ta an trú,

Ác ma, ngươi có đến,

Ta sẽ làm như vậy,

Ngươi không thấy đường ta.

II

Ðược nói khi nhiếp phục các cảm thọ của mình như sân hận v.v…

1214. Ta bỏ lạc bất lạc,

Mọi tâm tư gia sự,

Không tạo một chỗ nào,

Thành cơ sở tham dục,

Ai thoát rừng, ly tham,

Mới ứng danh Tỷ-kheo.

1215. Phàm địa giới, không giới,

Cả sắc giới trong đời,

Ðều biến hoại vô thường,

Hiểu vậy, sống liễu tri.

1216. Chúng sanh thường chấp trước,

Ðối với các sanh y,

Ðối vật họ thấy nghe,

Họ xúc chạm suy tư,

Ở đây ai đoạn dục,

Tâm tư không nhiễm ô.

Không mắc dính chỗ này,

Vị ấy danh Mâu-ni.

1217. Ðối sáu mươi tám kiến,

Thuộc phàm phu phi pháp,

Không học phái tà chấp,

Vị ấy chân Tỷ-kheo.

1219. Vẹn toàn, tâm thường định,

Không dối trá thận trọng,

Ly ái, vị Mâu-ni,

Chứng đạt đường an tịnh,

Tùy duyên nhập Niết Bàn,

Vị ấy chờ thời đến.

III

Nói đến khi ngài nhiếp phục cử chỉ của ngài về khả năng nói dễ dàng của mình:

1219. Ðệ tử Gotama,

Hãy từ bỏ kiêu mạn,

Trên con đường kiêu mạn,

Hãy tránh né hoàn toàn,

Ham mê đường kiêu mạn,

Sẽ hối trách dài dài.

1220. Bị lừa bởi lừa dối,

Bị hại bởi kiêu mạn,

Loài Người rơi địa ngục,

Chúng sầu khổ lâu dài,

Bị hại về kiêu mạn,

Họ phải sanh địa ngục.

1221. Không bao giờ sầu muộn,

Tỷ-kheo chiến thắng đạo,

Chơn chánh dấn thân bước,

Hưởng danh dự an lạc,

Như thật được tên gọi,

Là bậc đã thấy pháp.

1222. Do vậy ở đời này,

Không thô lậu, không kiêu,

Ðoạn triền cái, thanh tịnh,

Ðoạn kiêu mạn, không dư,

Với minh, tâm an tịnh,

Bậc đoạn tận khổ đau.

IV

Khi còn là Sa-di, ngài hầu Tôn giả Ananda, khi Tôn giả được một vị đại thần của vua mời đến thăm Tôn giả và ngài được vây quanh với những nữ nhân trang sức đẹp đẽ, những người này kính lễ Tôn giả, hỏi thăm và nghe Tôn giả thuyết pháp. Nhưng Vangìsa lại bị kích thích và tham dục khởi lên. Ngài nghĩ như vậy là không tốt cho hiện tại và tương lai của ngài. Ngài nói lên tâm trạng của mình cho Tôn giả Ananda:

1223. Dục ái đốt cháy tôi!

Tâm tôi bị thiêu cháy,

Lành thay Gotama,

Vì lòng từ nói lên,

Pháp tiêu diệt lửa hừng.

Và Tôn giả Ananda trả lời:

1224. Chính vì điên đảo tưởng,

Tâm ông bị thiêu đốt,

Hãy từ bỏ tịnh tướng,

Hệ lụy đến tham dục.

1225. Nhìn các hành vô thường,

Khổ đau, không phải ngã,

Dập tắt đại tham dục,

Chớ để bị cháy dài,

Hãy tu tâm bất tịnh,

Nhứt tâm, khéo định tĩnh,

Tu tập thân hành niệm,

Hành hạnh nhiều yếm ly.

1226. Hãy tập hạnh vô tướng,

Ðoạn diệt mạn tùy miên,

Nhờ quán sân kiêu mạn,

Hạnh ông sẽ an tịnh.

V

Ðược nói lên sau khi Thế Tôn dạy kinh về ‘Sự vật được khéo nói’, tán thán Thế Tôn:

1227. Ai nói lên lời gì,

Lời ấy không khổ mình,

Lời không làm hại người,

Lời ấy là thiện thuyết.

1228. Ai nói lời ái ngữ,

Lời nói khiến hoan hỷ,

Lời nói không ác độc,

Lời nói là ái ngữ.

1229. Lời chân, lời bất tử,

Thường pháp xưa là vậy,

Thiện nhân trú trên chân,

Trên nghĩa và trên pháp.

1230. Lời đức Phật nói lên,

Ðạt an ổn Niết-bàn,

Chấm dứt mọi khổ đau,

Thật nói lời tối thượng.

VI

Nói lên để tán thán Tôn giả Sàriputta:

1231. Trí tuệ thâm, trí giả,

Thiện xảo đạo, phi đạo,

Xá-lợi-phất đại trí,

Thuyết pháp chúng Tỷ-kheo.

1232. Ngài giảng cách tóm tắt,

Ngài cũng thuyết rộng rãi,

Như tiếng chim Sà-li,

Tiếng ngài được nói lên.

1233. Lời ngài giảng tuôn trào,

Tiếng ngài nghe ngọt lịm,

Với giọng điệu ái luyến,

Êm tai và mỹ diệu,

Họ lắng tai nghe pháp,

Tâm phấn khởi hoan hỷ.

VII

Nói lên sau khi Thế Tôn thuyết trong kinh Pavàranà (Tự Tứ):

1234. Nay ngày rằm thanh tịnh,

Năm trăm Tỷ-kheo họp,

Bậc Thánh đoạn kiết phược,

Vô phiền, dứt tái sanh.

1235. Như vua chuyển luân vương

Ðại thần hầu xung quanh,

Du hành khắp bốn phương,

Ðất này đến hải biên.

1236. Như vậy các đệ tử,

Ðã chứng được Ba minh,

Sát hại được tử thần,

Những vị này hầu hạ,

Bậc thắng trận chiến trường,

Vô thượng lữ hành chủ.

1237. Tất cả con Thế Tôn,

Không ai là vô dụng,

Xin chí thành đảnh lễ,

Bậc nhổ tên khát ái,

Xin tâm thành cung kính

Bậc dòng họ Mặt Trời.

VIII

Nói lên tán thán Thế Tôn khi Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về vấn đề Niết-bàn:

1238. Hơn một ngàn Tỷ-kheo

Hầu hạ bậc Thiện Thệ,

Ngài thuyết vô cấu pháp

Niết-bàn vô bố úy.

1239. Họ nghe pháp rộng lớn

Bậc Chánh giác thuyết giảng;

Bậc Chánh giác chói sáng,

Chúng Tỷ-kheo vây quanh.

1240. Bạch Thế Tôn, Thiện Thệ,

Ngài thật bậc Long tượng

Bậc ẩn sĩ thứ bảy,

Trong các vị ẩn sĩ,

Ngài trở thành mây lớn,

Mưa móc ban đệ tử.

1241. Con từ nghỉ trưa đến,

Muốn yết kiến Ðạo Sư,

Ôi bậc Ðại anh hùng,

Con là đệ tử Ngài,

Con tên Vangìsa,

Ðảnh lễ dưới chân Ngài.

Rồi Thế Tôn hỏi:

– Này Vangìsa, những bài kệ này của Ông, có phải Ông suy nghĩ từ trước hay được khởi lên tại chỗ?

– Bạch Thế Tôn, những bài kệ này của con, không phải suy nghĩ từ trước chính được khởi lên tại chỗ.

– Vậy này Vangìsa, hãy cho nhiều bài kệ nữa, không suy nghĩ từ trước, được khởi lên tại chỗ.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, Tôn giả Vangìsa vâng đáp Thế Tôn, nói lên những bài kệ tán thán Thế Tôn, những bài kệ không suy nghĩ từ trước:

1242. Thắng Ác ma tà đạo,

Ngài sống chướng ngại đoạn,

Hãy thấy bậc giải thoát,

Thoát ly mọi hệ phược,

Không y trước phân tích,

Thành từng phần rõ ràng.

1243. Ngài nói lên con đường,

Nhiều pháp môn khác biệt,

Giúp mọi người vượt qua,

Dòng bộc lưu nguy hiểm,

Chính trên pháp bất tử,

Ðược ngài thường tuyên thuyết

Chúng con bậc pháp kiến,

Vững trú, không thối chuyển.

1244. Bậc tạo dựng quanh mình,

Ngài thâm nhập các pháp,

Thấy được chỗ vượt qua,

Tất cả mọi kiến xứ,

Sau khi biết và chứng,

Ngài thuyết tối thượng xứ.

1245. Pháp như vậy khéo giảng

Ai có thể phóng dật,

Khi được biết pháp ấy,

Pháp khéo giảng như vậy,

Do vậy trong giáo pháp,

Ðức Thế Tôn, Thiện Thệ,

Luôn luôn không phóng dật,

Hãy đảnh lễ, tu học.

IX

Nói lên để tán thán Tôn giả Annà Kondannà (An-nhã Kiều-trần-như):

1246. Sau đức Phật hiện tại,

Trưởng lão được Chánh giác,

Chính là Kondannà,

Nhiệt tâm và tinh cần,

Chứng được an lạc trú,

Sống viễn ly liên tục.

1247. Thực hành lời sư dạy,

Ðệ tử chứng được gì,

Tất cả ngài chứng được,

Nhờ tu học tinh tấn.

1248. Ðại uy lực ba minh,

Thiện xảo tâm tư người,

Phật tử Kondannà

Ðảnh lễ chân Ðạo Sư.

X

Nói lên để tán thán Tôn giả Moggallàna, trước mặt Thế Tôn, khi Tôn giả Moggallàna nhận thấy tâm của năm trăm vị La-hán, hội họp tại Hắc Sơn, trên sườn núi Isigili, tại Rajagaha đều giải thoát khỏi tái sanh:

1249. Cao trên sườn đồi núi

Những vị chứng Ba minh,

Những vị đoạn tử thần,

Các đệ tử hầu hạ,

Bậc Thánh giả Mâu-ni,

Ðã vượt qua đau khổ.

1250. Ðại thần lực Mục-liên,

Quán tâm các vị ấy

Biết họ được giải thoát

Không còn có sanh y.

1251. Như vậy họ hầu hạ,

Gotama Mâu-ni

Ngài vượt qua đau khổ,

Mọi sở hành đầy đủ,

Mọi đức tánh vẹn toàn.

XI

Nói lên để tán thán Thế Tôn, chói sáng với dung sắc và huy hoàng của mình, khi Thế Tôn được chúng Tăng và cư sĩ bao vây xung quanh tại hồ sen Gaggara ở Campà:

1252. Như mặt trăng giữa trời

Mây mù được quét sạch,

Chói sáng như mặt trời,

Thanh tịnh không cấu uế,

Cũng vậy Ngài thật là,

Ðại Mâu-ni Hiền thánh,

Danh xưng ngài sáng chói,

Vượt qua mọi thế giới.

XII

Nói lên khi ngài mới chứng quả A-la-hán, suy tư trên kinh nghiệm của mình và về Bổn sư:

1253. Thuở trước ta mê thơ,

Bộ hành khắp mọi nơi,

Từ làng này thành này,

Qua làng khác thành khác,

Ta thấy bậc Chánh giác

Ðạt bờ kia mọi pháp.

1254. Nghe pháp ta tín thành

Tín khởi lên nơi ta.

1255. Ta nghe lời Ngài dạy,

Về uẩn, xứ và giới,

Sau khi biết, xuất gia,

Bỏ nhà, sống không nhà.

1256. Vì hạnh phúc số đông,

Như Lai sanh ở đời,

Ngài tạo ra giải pháp,

Cho nữ nhân, nam nhân.

1257. Vì hạnh phúc của họ,

Mâu-ni chứng Bồ-đề,

Ngài thấy luật chi phối

Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni.

1258. Vì lòng thương chúng sanh,

Bốn sự thật khéo thuyết,

Bởi vị có con mắt

Phật, bà con Mặt Trời.

1259. Ngài thuyết Khổ, Khổ tập

Sự vượt qua đau khổ,

Con đường đạo Tám ngành,

Ðưa đến khổ an chỉ.

1260. Như vậy là những điều

Ðược nói lên như thật,

Và ta được thấy họ

Ðúng như thật là vậy,

Ta đạt được mục đích,

Lời Phật dạy làm xong.

1261. Thật tốt thay cho ta!

Ðược sống gần đức Phật,

Trong các pháp phân tích,

Pháp tối thượng, ta đến.

1262. Ðại thắng trí tuyệt đích,

Thế giới được thanh tịnh,

Ðạt Ba minh, thần lực,

Thiện xảo biết tâm người.

XIII

Hỏi giáo thọ sư của mình là Nigrodha Kappa có nhập Niết-bàn khi mệnh chung:

1263. Con hỏi bậc Ðạo Sư,

Bậc trí tuệ tối thắng

Tại Aggàlava

Tỷ-kheo đã mệnh chung,

Có danh vọng danh xưng

Nhập Niết-bàn tịch tịnh.

1264. Nigrodha Kappa

Chính là tên vị ấy,

Chính Thế Tôn đặt tên,

Cho vị Phạm-chí ấy!

Vị ấy đảnh lễ cầu Ngài,

Sống tầm cầu giải thoát,

Tinh cần và tinh tấn,

Kiên cố thấy Chánh pháp.

1265. Bạch Thích-ca, chúng con

Ðệ tử Ngài tất cả,

Chúng con đều muốn biết,

Thưa bậc Nhãn biến tri!

An trú tai chúng con,

Sẵn sàng để được nghe,

Ngài Ðạo Sư chúng con

Ngài là bậc Vô thượng.

1266. Hãy đoạn nghi chúng con,

Hãy nói con vị ấy,

Ðã được tịch tịnh chưa?

Bậc trí tuệ rộng lớn!

Hãy nói giữa chúng con,

Bậc có mắt cùng khắp,

Như Thiên chủ Ðế Thích,

Lãnh đạo ngàn chư Thiên.

1267. Phàm những cột gút gì,

Ở đây, đường si ám,

Dự phần với vô trí

Trú xứ cho nghi hoặc,

Gặp được đức Như Lai,

Họ đều không còn nữa,

Mắt này mắt tối thắng,

Giữa cặp mắt loài người.

1268. Nếu không có người nào,

Ðoạn trừ các phiền não,

Như gió thổi tiêu tan,

Các tầng mây dưới thấp,

Màn đêm tức bao trùm,

Tất cả toàn thế giới,

Những bậc có hào quang,

Không có thể chói sáng.

1269. Bậc trí là những vị,

Tạo ra những ánh sáng,

Con xem ngài như vậy

Ôi bậc trí sáng suốt.

Chúng con đều cùng đến,

Bậc tu hành thiền quán,

Giữa hội chúng chúng con,

Hãy nói về Kappa!

1270. Hãy gấp, phát tiếng lên,

Tiếng âm thanh vi diệu,

Như con chim thiên nga,

Giương cổ lên để hát,

Phát âm từng tiếng một,

Với giọng khéo ngân nga,

Tất cả bọn chúng con,

Trực tâm nghe lời ngài.

1271. Vị đoạn tận sanh tử,

Không còn chút dư tàn,

Vị tẩy sạch phiền não,

Con cầu ngài thuyết pháp,

Kẻ phàm phu không thể,

Làm theo điều nó muốn,

Bậc Như Lai làm được

Ðiều được ước định làm.

1272. Câu trả lời của ngài,

Thật đầy đủ trọn vẹn,

Ðược chơn chánh nắm giữ,

Bậc chánh trực trí tuệ,

Hãy chấp tay cuối cùng,

Con khéo vái chào ngài,

Chớ làm con si ám,

Bậc trí tuệ tối cao!.

1273. Sau khi đã được biết,

Thánh pháp thượng và hạ,

Chớ làm con si ám,

Bậc tinh tấn tối cao,

Như vào giữa mùa hè,

Nóng bức khát khao nước

Chúng con ngóng trông lời,

Hãy mưu sự hiểu biết!.

1274. Kappa sống Phạm hạnh,

Nếp sống có mục đích,

Phải chăng sống như vậy,

Là sống không uổng phí!

Vị ấy chứng tịch tịnh,

Hay còn dư tàn lại,

Ðược giải thoát thế nào,

Hãy nói chúng con nghe.

Thế Tôn:

1275. Vị ấy trên danh sắc

Ðã đoạn tận tham ái,

Thế Tôn ở nơi đây,

Ðã trả lời như vậy,

Vượt qua được già chết,

Không còn có dư tàn,

Thế Tôn nói như vậy,

Bậc tối thắng thứ năm.

Vangìsa:

1276. Nghe vậy, con tịnh tín,

Với lời nói của ngài,

Bậc ẩn sĩ thứ bảy!

Và lời hỏi của con,

Không phải là vô ích!

Và vị Bà-la-môn,

Không có lừa dối con.

1273. Nói gì thời làm vậy,

Thật xứng đệ tử Phật,

Chặt đứt lưới rộng chắc,

Của thần chết xảo quyệt.

1278. Ôi Thế Tôn, Kappa,

Thấy căn nguyên chấp thủ,

Thật sự đã vượt qua,

Thế lực của Ma vương,

Thế lực thật khó vượt.

1279. Ngài lớn hơn chư Thiên,

Con đảnh lễ kính Ngài!

Con đảnh lễ con Ngài!

Bậc tối thượng hai chân

Bậc Hậu duệ, Ðại hùng!

Bậc Long tượng đích tôn.

Như vậy, Tôn giả Vangìsa nói lên những câu kệ của mình.

-[Hết, Trưởng Lão Tăng Kệ]-

Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 98

Post Views: 552