GG : Đại và tiểu kinh Rừng sừng bò : Kinh Trung bộ Nikaya

II. NỘI DUNG KINH RỪNG SỪNG BÒ

1. Ba đại tôn giả Anuruddha, Nandiya và Kimbila thực hành nếp sống phạm hạnh rất nhiệt tâm, tinh cần tại một khu vườn, rừng Gosinga, có nhiều cây Ta la và đã hoàn toàn thành tựu mục tiêu phạm hạnh.

Một chiều, đức Thế Tôn bỗng nhiên đến thăm ba đại tôn giả, thăm hỏi nếp sống của ba Người. Dưới đây là câu chuyện thăm hỏi:

1.1. Hỏi thăm việc thực hành “sáu hòa kính”…

1.2. Hỏi thăm việc thực hành không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

1.3. Hỏi thăm sự thành tựu pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng… (từ Sơ thiền Sắc định cho đến Diệt thọ tưởng định)

2. Ảnh hưởng độ tha của nếp sống phạm hạnh, và của sự thành tựu nếp sống ấy:

Trường quỷ dạ-xoa Parajana tán thán lợi ích đến với dân chúng Vajjì, nơi có đức Thế Tôn và ba đại tôn giả đang trú. Lời tán thán ấy được chư Thiên chuyển đi vang khắp sáu cõi trời Dục giới và Phạm Thiên. Nếu các thân nhân của ba đại tôn giả, nếu dân chúng Vajjì …, nếu chư thiên trong các cõi trời, ác ma … “nhớ đến ba đại tôn giả với tâm niệm hoan hỷ”, thì các thế giới với chư thiên, ác ma, loài Người sẽ được an lạc, hạnh phúc lâu dài.

II. NỘI DUNG BẢN KINH DÀI RỪNG SỪNG BÒ

Một thời đức Thế Tôn và nhiều đại đệ tử trú tại ngôi rừng Gosinga. Vào một buổi chiều đẹp trời, sau khi xuất định, tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallàna) đi đến chỗ ở của tôn giả Đại Ca-diếp (Mahà Kassapa) và đề nghị tôn giả cùng đi đến tôn giả Xá-lợi-phất (Sàriputta) để nghe Pháp. Rồi cả hai tôn giả đến mời thêm tôn giả A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) cùng đi. Tôn giả A-nan (Ànanda) thấy thế, cũng đến mời tôn giả Ly-bà-đa (Revata) cùng đến chỗ tôn giả Xá-lợi-phất.

Tôn giả Xá-lợi-phất nêu lên một câu hỏi để tất cả cùng lần lượt phát biểu lời đáp rằng: “Khả ái thay khu rừng Gosinga! Đềm rằm sáng trăng, cây Ta-la trổ hoa cùng khắp, hương trời như được tỏa rộng khắp nơi. Này hiền giả, hạng Tỷ kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga?

Câu trả lời của mỗi tôn giả là sở đắc giải thoát của tự thân:

– Tôn giả A-nan: hạnh đa văn, thuyết pháp với văn cú viên dung, lưu loát.

– Tôn giả Ly-bà-đa: sống tịnh cư, chuyên hành và an trú Chỉ, Quán hạnh, trú nơi Không tịch.

– Tôn giả A-nậu-lâu đà: Thiên nhãn đệ nhất, quán sát khắp nghìn thế giới …

– Tôn giả Kassapa: đầy đủ các hạnh thuộc phạm hạnh, thành tựu trọn vẹn lộ trình Giới-Định-Tuệ-Giải thoát và Tri kiến giải thoát …

– Tôn giả Mục-kiền-liên: có thể cùng với một đại đệ tử khác (như tôn giả Xá-lợi-phất) bàn luận về Luận tạng (Abidhamma) miên tục không vướng ngại (hỏi về pháp giới) …

– Tôn giả Xá-lợi-Phất: có thể an trú bất cứ quả vị nào vào bất cứ lúc nào … 

Đức Thế Tôn khen cả sáu câu trả lời của sáu tôn giả đều khéo nói, rồi Ngài cũng đưa ra câu trả lời giới thiệu hạng Tỷ kheo có thể làm chói sáng khu rừng, ấy là hạng:

“Tỷ kheo, sau bữa ăn, sau khi đi khất thực về, ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, và nghĩ rằng: Ta sẽ không bỏ ngồi kiết già cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các lậu hoặc, không có dư tàn.”

Lời dạy của Thế Tôn như vừa lập lại lời nguyện của Thế Tôn ở dưới cội cây bồ-đề bảy tuần lễ trước ngày giác ngộ, vừa xác nhận rằng tất cả các đệ tử Thế Tôn quyết tâm giác ngộ đều có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga .

 

Tham khảo : https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-031-32.htm

TRỰC TIẾP: KINH TRUNG BỘ 32: Đại kinh Khu rừng sừng bò – Sư Tinh Tuệ

Hits: 255

Trả lời