Siêu việt luân hồi sinh tử nhờ thực chứng Bardo đời sống


Tất cả các Đại thành tựu giả và những bậc đại giác ngộ như Đức Thượng sư Liên Hoa Sinh, các Ngài Tilopa, Naropa, Marpa và Đại dịch giả Varocana đều đã thực hành và thực chứng Bardo đời sống. Nhờ thế, các Bậc giác ngộ đã siêu vượt qua được luân hồi sinh tử và không phải trải qua tất cả những Bardo còn lại như Bardo cận tử, Bardo chết và tái sinh. Các ngài đã giác ngộ tự tính chân như nơi chính mình. Có điều, trước khi đạt được trí tuệ đại giác ngộ ấy, các Ngài cũng đã phải trải qua vô vàn khó khăn thử thách. Qua tiểu sử của các Ngài, các bạn cũng có thể tìm hiểu và học hỏi được rất nhiều điều từ những khó khăn và gian khổ mà các Ngài đã trải qua trong quá trình tịnh hóa trước khi đạt tới trí tuệ giác ngộ. Bởi vậy, chính chúng ta cũng rất cần thực hành tịnh hóa. Trước hết, tôi cho rằng chúng ta cũng nên thực hành thiền quán bởi vì chỉ nghe pháp không thôi thì chưa đủ. Nhưng nếu chúng ta cũng chỉ tập trung vào riêng thực hành thì cũng không nên vì bạn rất dễ bị thiên lệch. Đối với các hành giả chân chính, việc thực hiện đồng thời Văn – Tư – Tu là vô cùng quan trọng.   


(Đức Liên Hoa Sinh)

Chủ đề chính mà chúng ta luận bàn là sự giác ngộ trong đời sống của mỗi cá nhân. Cuộc sống cần phải được hiểu biết một cách thấu đáo, tường tận. Ngay lúc này, dù sống trong xã hội rất tiện nghi, tiến bộ và hiện đại nhưng hầu hết chúng ta lại không hề được giảng giải và thu nhận được thông tin một cách rõ ràng, xác thực về bản chất của cuộc sống. Nhìn ở góc độ nhân quả, trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng không nhận ra bản thân mình, ta không hiểu được mình là ai, đang ở đâu và điều gì đang thực sự xảy ra. Nói theo cách khác, chúng ta bị vô minh khiến cho mê mờ. Vì lý do này, chúng ta muốn thông qua việc thụ nhận những giáo pháp giải thoát để đạt được giác ngộ, để có thể nhận chân bản lai diện mục của chính mình.


(Đại thành tựu giả Milarepa)

Như Đức Milarepa từng khai thị rằng, đối với các bậc Yogi, không tồn tại cái chết. Ngài dạy rằng, ở trong vòng tương đối, chúng ta cho rằng tồn tại cái chết, nhưng đối với các bậc Yogi, chính nhờ trí tuệ thực chứng của các ngài khiến sự sống vận hành xuyên suốt thời gian, không có sinh ra cũng không có chết đi, chỉ có sự chuyển tiếp từ nơi này đến nơi khác, chỉ là một hành trình miên viễn chảy trôi không ngừng, đôi khi, người ta gọi đó là sự tương tục thường hằng. Đó là trí tuệ giác ngộ tự tính kim cương. Kim cương biểu trưng cho những thực thể, sự vật hiện tượng bất hoại, không thể phá hủy, vô cùng mạnh mẽ và kiên cố. Bởi vậy, sau một quá trình thực hành trưởng dưỡng tâm linh bằng thiền quán và đại định chứng ngộ chân như, hành giả có thể đạt được cấp độ chứng đạt giác ngộ, không thể bị phá hủy mà trường tồn vĩnh viễn như kim cương. Khi đã thành tựu đại giác ngộ như vậy nghĩa là đã đạt đến quả vị Kim cương. Con đường dẫn đến sự thành tựu này được gọi là “Kim Cương thừa”, hay “con đường
Kim cương”.

Khi thành tựu cấp độ này, chúng ta sẽ không còn sống trong vô minh mê lầm phân biệt nhị nguyên giữa sự sống và cái chết, vinh và nhục, với những thịnh suy thăng trầm nữa. Quan kiến nhị nguyên ấy nhìn nhận và trải nghiệm rất nhiều điều giả tạo, không thật, đó không phải là thực tướng, chân lý. Chân lý hay thực tại tuyệt đối đang tạm thời bị che chướng, ngăn ngại. Bởi vậy, xét theo chân lý tương đối, hiện thời chúng ta đang bị kẹt trong thế giới như huyễn, không thật.

Để có thể giác ngộ được chân lý tuyệt đối, chúng ta cần thực tập thiền định và làm quen dần với ý niệm rằng, chẳng hạn như, tất cả mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống này đều là một, là bất nhị trong bản chất tính không, trong Trung Đạo, trong Đại Thủ Ấn, trong Đại Toàn Thiện… chúng ta phải làm quen với cách hiểu, cách nhìn như vậy. Chúng ta còn đang ở rất xa với sự giác ngộ, mặc dù từ vô thủy, chúng ta vốn đã sẵn có phẩm tính giác ngộ. Về bản chất chúng ta là Phật, nhưng chúng ta lại chưa nhận ra điều này. Để có thể thực chứng được, chúng ta phải nỗ lực và rèn luyện rất nhiều.

~ Trích từ ấn phẩm BARDO – BÍ MẬT NGHỆ THUẬT SINH TỬ, Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành.



Nguồn : Source link

Hits: 42

Trả lời