»» Tiểu Kinh Mālunkyā

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

(Cula Mālunkyā sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu

    

Tiểu Kinh Mālunkyā
(Download file MP3
– 2.54 MB – Thời gian phát: 14 phút 47 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi Tôn giả Malunkyaputta, trong khi độc trú tịnh cư, khởi lên sự suy tư như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết; Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ sống Phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn của) Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.

Rồi Tôn giả Malunkyaputta vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Malunkyaputta bạch Thế Tôn:

— Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi độc trú tịnh cư, con khởi lên ý nghĩ như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ sống Phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn của) Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.

Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là thường còn”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là thường còn”. Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là vô thường”. Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là vô thường”. Nếu Thế Tôn không biết: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là hữu biên”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là hữu biên”. Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là vô biên”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là vô biên”. Nếu Thế Tôn không biết: “Thế giới là hữu biên” hay “Thế giới là vô biên”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

Nếu Thế Tôn biết: “Sinh mạng này và thân này là một”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Sinh mạng này và thân này là một”. Nếu Thế Tôn biết: “Sinh mạng này và thân này là khác,” Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Sinh mạng này và thân này là khác”. Nếu Thế Tôn không biết: “Sinh mạng này và thân này là một” hay “Sinh mạng này và thân này là khác”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn không biết: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn không biết: “Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết,” hay “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

— Này Malunkyaputta, Ta có nói với Ông: Này Malunkyaputta, hãy đến và sống Phạm hạnh theo Ta, Ta sẽ trả lời cho Ông: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Hay Ông có nói với Ta như sau: Bạch Thế Tôn, con sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn sẽ trả lời cho con: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Như vậy, này Malunkyaputta, Ta không nói với Ông: Này Malunkyaputta, hãy đến và sống Phạm hạnh theo Ta và Ta sẽ trả lời cho Ông: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, và Ông cũng không nói với Ta: Bạch Thế Tôn, con sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn sẽ trả lời cho con: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Sự tình là như vậy, thời này kẻ ngu kia, Ông là ai, và Ông phủ nhận cái gì?

Này Malunkyaputta, nếu có ai nói như sau: Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn sẽ trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời. Này Malunkyaputta, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống của người ấy mời một vị y sĩ khoa mổ xẻ đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc giòng hoàng tộc, hay Bà-la-môn, hay buôn bán, hay người làm công”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi tên là gì, tộc tánh là gì?” Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là cao hay thấp, hay người bậc trung”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là da đen, da sẫm hay da vàng”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc làng nào, thuộc thị trấn nào, thuộc thành phố nào”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái cung mà tôi bị bắn, cái cung ấy thuộc loại cung thông thường hay loại cung nỏ”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được dây cung mà tôi bị bắn, dây cung ấy làm bằng cây leo, hay cây lau, hay một thứ gân, hay một thứ dây gai, hay một thứ cây có nhựa”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc một loại cây lau này hay cây lau khác”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, mũi tên ấy có kết lông gì, hoặc lông con kên, hoặc lông con cò, hoặc lông con ó, hoặc lông con công, hoặc lông một loại két”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy được cuốn (parikkhittam) bởi loại gân nào, hoặc là gân bò cái, hoặc là gân trâu, hoặc là gân nai, hoặc là gân lừa”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc loại tên nhọn, hay thuộc loại tên móc, hay thuộc loại tên như đầu sào, hay thuộc loại tên như răng bò, hay thuộc loại tên như kẽm gai”. Này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được biết gì.

Cũng vậy, này Malunkyaputta, ai nói như sau: “Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn” hay “thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là thường còn”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là vô thường”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Thế giới là thường còn”, hay dầu cho có quan điểm “Thế giới là vô thường”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là hữu biên”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là vô biên”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Thế giới là hữu biên”, hay dầu cho có quan điểm “Thế giới là vô biên”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Sinh mạng này và thân này là một”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Sinh mạng này và thân này là khác”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Sinh mạng này và thân này là một”, hay dầu cho có quan điểm “Sinh mạng này và thân này là khác”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Như Lai có tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Như Lai có tồn tại sau khi chết” hay dầu cho có quan điểm “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc vào quan điểm “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết”, hay dầu cho có quan điểm “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại”.

Do vậy, này Malunkyaputta, hãy thọ trì là không trả lời những gì Ta không trả lời. Hãy thọ trì là có trả lời những gì Ta có trả lời. Và này Malunkyaputta, điều gì Ta không trả lời? “Thế giới là thường còn”, này Malunkyaputta là điều Ta không trả lời. “Thế giới là vô thường” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là hữu biên” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là vô biên” là điều Ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này là một” là điều Ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này khác” là điều Ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai không có tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời.

Và này Malunkyaputta, vì sao điều ấy Ta không trả lời? Này Malunkyaputta, vì điều ấy không liên hệ đến mục đích, điều ấy không phải là căn bản Phạm hạnh, điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, cho nên điều ấy Ta không trả lời.

Và này Malunkyaputta, điều gì Ta trả lời? “Ðây là khổ”, này Malunkyaputta là điều Ta trả lời”. “Ðây là khổ tập” là điều Ta trả lời. “Ðây là khổ diệt” là điều Ta trả lời. “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt” là điều Ta trả lời.

Và này Malunkyaputta,vì sao điều ấy Ta trả lời? Này Malunkyaputta, vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn bản Phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, vì vậy điều ấy Ta trả lời. Do vậy, này Malunkyaputta, hãy thọ trì là không trả lời những điều Ta không trả lời. Hãy thọ trì là trả lời những điều Ta có trả lời.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Malunkyaputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Source link

Phần chú giải

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 63
Kinh Nhỏ Màlunkyàputta
(Cùlamàlunkyàputtam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

– Cùlasuttam: Lesser Discourse: Kinh nhỏ.

Ghi chú: Thường các kinh Trung Bộ I, Cùlasuttam dịch là kinh ngắn; Mahàsuttam dịch là kinh dài. Ở đây, kinh Cùlamàlunkyàputtasuttam dài đến sáu trang Pàli, Mahàmalunkyàputtasuttam chỉ dài năm trang Pali, vì vậy kinh Cùlasuttam trên nên được dịch là kinh nhỏ. Kinh nầy ghi lại mười câu hỏi siêu hình của tôn giả Màlunkyaputtam và thái độ của Thế Tôn đối với mười câu hỏi ấy: đây là vấn đề chỉ là của nhận thức, là thái độ nhận thức của một người thực hành phạm hạnh mà chưa phải là ” Con đường “. Kinh Mahàmalunkyàputtasuttam đề cập vấn đề đoạn trừ năm hạ phần kiết sử để hoàn thành công phu của một Tỷ kheo Hữu học nên được gọi là kinh lớn.

– Sinh mạng: Jìvam: Life principle: Chỉ mạng sống, tuổi thọ.

I I. NỘI DUNG KINH NHỎ MÀLUNKYÀPUTTA

1. Tôn giả Màlunkyàputta thường bị vướng mắc vào tư duy ngã tính nên đặt ra mười vấn đề siêu hình bạch hỏi Thế Tôn:

(2) 1.1. Thế giới là thường còn hay vô thường?

(2) 1.2. Thế giới là hữu biên hay vô biên?

(2) 1.3. Sinh mạng và thân thể là một hay là khác?

(2) 1.4. Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết?

(1) 1.5. Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?

(1) 1.6. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

Nếu Thế Tôn không trả lời mười câu hỏi trên thì tôn giả sẽ hoàn tục.

2. Thái độ của Như Lai đối với mười câu hỏi siêu hình ấy là không trả lời vì các vấn đề ấy thuộc hý luận, không liên hệ đến mục đích của đời sống phạm hạnh; dù có quan điểm như thế nào thì vấn đề sanh, lão, bệnh, tử vẫn còn nguyên ở đó, chưa được giải quyết. Như Lai xác định: “Như Lai chỉ nói khổ và con đường diệt khổ “

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh số 63 nầy rất quan trọng, tối quan trọng, về ý nghĩa: Thái độ của Phật giáo đối với các vấn đề siêu hình và vô sô các vấn đề triết học thuộc phạm trù “nhị nguyên tính” (Dualism)

Tất cả các câu hỏi, các thắc mắc về sự thật của các hiện hữu (existing things) đều là sản phẩm của tư duy ngã tính, cái tư duy chỉ có thể vận hành trên các ý niệm hữu ngã, cho mỗi hiện hữu một ngã tính thường hằng. Tư duy này ngự trị hoạt động tâm lý và văn hoá của nhân loại từ xa xưa đến nay và đang tiếp tục ngự trị.

Ở mặt thực tại như thật, tất cả hiện hữu đều do các duyên sinh khởi mà có; các ngã tướng chỉ là sự hiện diện của các tập hợp các nhân duyên ấy nên không có một tự ngã thường hằng, không có tự ngã. Các câu hỏi về các tự ngã vì thế rơi vào hý luận, trống rỗng. Hỏi về sự thật của các hiện hữu (các Pháp) hệt như hỏi về hiện hữu của con người trong giấc mơ, hệt như hỏi về giờ thứ 25, hay lông rùa, sừng thỏ.

Câu hỏi về sự hiện diện của con người, về thế giới ngã tưởng cũng thế, cũng rơi vào trống rỗng. Câu hỏi đã tách xa khỏi thực tại thì các câu trả lời càng đi xa hơn nữa. Thế nên, Thế Tôn thường im lặng, không trả lời mười câu hỏi siêu hình mà tôn giả Màlunkyàputta hằng cưu mang.

2. Giả thiết rằng có quan điểm như thế nầy, như thế khác về hiện hữu gọi là Con người, Thế giới, Như Lai, thi điều đó có làm thay đổi gì được các khổ đau sinh tử đang đè nặng nhân sinh, (!).Sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não vẫn còn nguyên ở đó! Có giá trị nào cho các câu trả lời!

Câu chuyện về một người bị trúng mũi tên độc nói lên rõ rằng: vấn đề cấp thiết của người đời là nhổ ngay mũi tên độc ra và trị thương cấp cứu, mà không phải là ngồi chờ tìm hiểu cho ra lẽ về chất độc, mũi tên, người bắn mũi tên, người làm ra chất độc, mũi tên v.v… rồi mới trị thương: làm thế này thì chỉ chờ chết! Cũng thế, vấn đề của người đời là hiểu rõ sự thật của khổ và cấp thời giải thoát khổ, mà không phải là tiếp tục cuộc hành trình vô vọng của hỏi và trả lời của tư duy ngã tính. Đây là thái độ sống rất hiện thực và rất trí tuệ. Nền văn học Phật giáo là nền văn học của hiện thực và trí tuệ ấy, mà không phải của triết lý huyền đàm, của hý luận và của các tri kiến hoang vu.

3. Trước khi xuất gia, tôn giả Màlunkyàputta là một du sĩ lang thang đi tìm kiếm chân lý, đã thường đón đường Thế Tôn để nêu ra những thắc mắc về nhân sinh và thế giới. Sau khi xuất gia, các câu hỏi siêu hình vẫn không nguôi được trong tâm của tôn giả, mãi giục giã tôn giả đến yết kiến Thế Tôn để đón nghe các câu hỏi trả lời ổn thỏa của đấng Toàn giác. Và, một buổi chiều, sau khi xuất định từ trú xứ độc cư, tôn giả thực hiện ý định.

Tôn giả Màlunkyàputta thực sự là một đại biểu rất tiêu biểu cho những ai đang tôn thờ tư duy ngã tính, nhất là cho con người của thời đại có nhiều khủng hoảng ngày nay. Bản kinh 63 trở thành bức thông điệp sáng giá của Phật giáo dành cho thời đại.

4. Trong mười câu hỏi siêu hình mà tôn giả Màlunkyàputta nêu lên,

– Câu hỏi: “Thế giới là thường còn hay không thường còn?” là câu hỏi về sự thật của yếu tố thời gian của vũ trụ. Câu hỏi “thế giới là hữu biên hay vô biên?” là câu hỏi về sự thật của yếu tố không gian của vũ trụ (như người xưa dịch nghĩa vũ trụ là thời gian và không gia:” Tứ phương thượng hạ thị chi vũ; cổ vãng kim lai thị chi trụ “)

– Câu hỏi: “sinh mạng và cơ thể là một hay là khác?” là câu hỏi về sự thật của hiện hữu con Người.

– Câu hỏi: ” Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết v.v… là câu hỏi về ” chân lý ” tối hậu, về Niết bàn và về chân như.

Đó là vấn đề lớn của Triết học phương Tây nói riêng, của Triết học nói chung.

Tại đây, bản kinh 63, đức Thế Tôn đã cho Màlunkyaputta câu trả lời dứt điểm rằng:” Thế Tôn không trả lời mười câu hỏi siêu hình ấy “. Và nói rõ lý do vì sao không trả lời rằng:

Vì các điều ấy không liên hệ đến mục đích, các điều ấy không phải là căn bản của phạm hạnh, các điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, cho nên Ta không trả lời các điều ấy“.

Và Thế Tôn dạy thêm:

“Và nầy Màlunkyàputta, điều gì Ta trả lời ‘ Đây là khổ ‘ là điều Ta trả lời.

‘ Đây là khổ tập ‘ là điều Ta trả lời. ‘ Đây là khổ diệt ‘ là điều Ta trả lời. ‘ Đây là con đường đưa đến khổ diệt ‘ là điều Ta trả lời.

Vấn đề đã trở nên rất rõ ràng và rất sáng sủa là: Thế Tôn ra đời để chỉ cho đời thấy rõ sự thật của khổ đau, nguyên nhân dẫn đến khổ đau, nguyên nhân dẫn đến sự dập tắt khổ đau và con đường sống dẫn đến sự dập tắt khổ đau, hay dẫn đến chân an lạc, hạnh phúc. Thế là đạo Phật! Đạo Phật là thế! Đó là con đường sống, thực nghiệm, chuyển đổi tâm lý để đi đến Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.

Sau thời Pháp trên, tôn giả Màlunkyàputta tiếp tục đời sống xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn mà chúng ta sẽ được giới thiệu trong bản kinh 64.

Lời dạy trên của Thế Tôn, kiết tập thành kinh 63, có sức mạnh bằng vạn câu trả lời của triết học, là tiếng nổ lớn có sức mạnh công phá của nhiều quả bom nguyên tử phá đổ kinh thành của thế giới ngã tưởng, vọng tưởng vậy.

Video Giảng giải

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 57

Post Views: 659