Tích Thợ Săn Kukkuṭamitta (Kê Hữu) – chiêu cảm duyên tiền kiếp
Tích Thợ Săn Kukkuṭamitta (Kê Hữu) – chiêu cảm duyên tiền kiếp
“Pāṇimhi ce vaṇo nāssa,
Hareyya pāṇinā visaṃ;
Nābbaṇaṃ visamanveti,
Natthi pāpaṃ akubbato”.
“Bàn tay không thương tích,
Có thể cầm thuốc độc,
Không thương tích, tránh độc,
Không làm, không có ác”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bốn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Veḷuvana (Trúc Lâm), đề cập đến người thợ săn Kê Hữu (Kukkuṭamitta).
Tương truyền rằng: Trong thành Sāvatthī (Vương Xá) có một tiểu thư con nhà triệu phú, khi nàng đến tuổi cập kê, cha mẹ cho ở riêng trong một gian phòng trên chót tòa lầu bảy từng, và cấp cho một cô nữ tỳ để chăm sóc, gìn giữ tiểu thư.
Trong khi còn ở chung với cha mẹ như thế, tiểu thư không đi ra khỏi nhà, nhưng một hôm, vào lúc xế chiều, tiểu thư ngó qua cửa sổ nhìn xuống đường, trông thấy chàng thợ săn tên Kê Hữu, hằng ngày mang theo năm trăm cái bẫy, năm trăm mũi tên vào rừng để săn dã thú nuôi mạng sống. Hôm nay anh ta bắn được năm trăm con thú rừng, chất đầy thịt thú lên một cỗ xe bò lớn, ngồi lên gọng xe mang vào thành bán thịt. Vừa thấy mặt anh thợ săn, tiểu thư sanh lòng ái luyến, trao thơ cho nữ tỳ cầm đi và dặn:
– Hãy đi trao thơ nầy cho anh ấy, hãy điều tra biết được chừng nào anh ấy sẽ đi, rồi trở về đây nhé.
Nữ tỳ đem thơ trao cho anh thợ săn, rồi hỏi:
– Chừng nào anh sẽ đi?
– Hôm nay bán hết thịt rồi, sáng mai tôi sẽ ra cửa thành nọ mà đi.
Nghe nói vậy, con nữ tỳ về học với tiểu thư. Tiểu thư tự mình sắp đặt đồ tế nhuyễn để đem theo phòng thân, rồi sáng hôm sau mặc quần áo dơ, mang vò đi chung với các nữ tỳ ra bến nước xách nước, tiểu thư ra khỏi nhà, đến chỗ cửa thành đứng đón anh thợ săn đi ra. Quả nhiên, anh Kê Hữu từ sáng sớm đã đánh xe ra khỏi cổng làng, tiểu thư chạy theo sau anh ta. Thấy vậy, thợ săn hỏi:
– Cô là con gái nhà ai, tôi chưa từng quen biết cô? Xin cô vui lòng đừng bám sát theo tôi!
– Không phải anh quyến rũ tôi đi, mà chính tôi tự theo anh. Anh cứ làm thinh đánh xe bò của mình đi là đủ!
Anh thợ săn ngăn cản nhiều lượt, tiểu thư bèn nói:
– Khi hạnh phúc đến gần thì không nên ngăn cản.
Được biết tiểu thư tự ý muốn về sống chung với mình, anh thợ săn để tiểu thư lên xe và tiếp tục đi.
Ông bà Bá hộ cho tìm kiếm tiểu thư khắp nơi không thấy, nghĩ rằng con mình đã chết, nên bày nghi lễ cúng tế vong hồn con mình.
Còn tiểu thư chung sống với thợ săn Kê Hữu, lần hồi có được bảy người con trai. Khi con trai khôn lớn, tiểu thư lo bề gia thất cho chúng để cầm chân chúng lại. Một hôm, vào lúc gần sáng, Đức Bổn Sư xả Thiền rồi, quán sát thế gian, nhìn thấy anh Kê Hữu cùng với các con và dâu lọt vào võng trí của Ngài. Quán thêm nữa, Ngài thấy tất cả những chúng sanh nầy có căn đắc Tu Đà Hườn, cho nên sáng sớm hôm sau, Ngài đắp y và mang bát đi ngay đến khu gần bẫy sập của anh Kê Hữu.
Ngày ấy, không có con thú rừng nào mắc bẫy cả. Đức Bổn Sư lưu lại một dấu chân tại chỗ gài bẫy rồi đi thẳng tới ngồi dưới bóng mát của một chòm cây.
Sáng sớm hôm ấy, Kê Hữu xách cung tên đi đến nơi gài bẫy, trước hết thăm các bẫy không thấy có con thú nào mắc cả mà lại thấy dấu chân của Đức Bốn Sư lưu lại đó. Anh ta nghĩ thầm: “Ai đã đến đây thả hết những con thú mắc bẫy như vậy cà?”.
Lần theo, anh ta thấy Đức Bổn Sư đang ngồi dưới gốc cây, anh liền cột oan trái với Đức Bổn Sư. Anh ta nghĩ thầm: “Tên nầy đã thả hết thú của ta, ta sẽ giết chết nó”, rồi giương cung lên. Đức Bổn Sư để yên cho anh thợ săn giương cung, nhưng không cho anh ta buông tên đi. Anh ta buông tên không được mà bỏ tay không xuống cũng không được, nghe hai bên cạnh sườn như nứt bể ra, từ miệng, nước miếng chảy xuống ròng ròng, cứ đứng trân trân mà chịu khổ như vậy.
Khi ấy, các con trai của Kê Hữu ở nhà, thấy cha đi lâu về, hỏi mẹ thì bà mẹ cũng chẳng biết nguyên do, bèn bảo:
– Các con hãy đi tìm cha con đi!
Bảy người con trai mang cung tên ra đi, thấy cha còn đứng nguyên một chỗ.
Nghĩ Đức Bổn Sư là kẻ nghịch với cha mình, cả bảy người con đều giương cung lên và cũng đứng trân như cha của họ, do oai lực Thần thông của Đức Phật. Bà mẹ ở nhà trông ngóng “Không biết cha con ông nầy đi sao mà lâu về vậy?”. Bà với bảy nàng dâu cùng đi vào rừng, thấy dạng người thợ săn và bảy người con trai, bà tự hỏi: “Mấy cha con giương cung nhắm bắn ai đây vậy?”. Khi nhìn thấy Đức Bổn Sư bà chấp hai tay la lớn lên:
– Mấy người đừng giết cha tôi! Mấy người đừng giết cha tôi!
Thợ săn Kê Hữu nghe la, tự nghĩ: “Ác hại thay! Té ra ông nầy là cha vợ của ta mà ta không biết. Nếu vợ ta không nói thì nghiệp của ta tạo ra nặng nề biết mấy?”.
Các con của Kê Hữu cũng nghĩ rằng: “Nghe nói ông nầy là ông ngoại của ta! Ôi! Nếu ta giết hại ông thì nghiệp của ta nặng lắm vậy!”.
Khi Kê Hữu nhìn nhận: “Ông nầy là nhạc phụ của ta” thì tâm Từ phát khởi. Các con của anh ta cũng phát khởi Từ tâm khi nghĩ rằng: “Đây là ông ngoại của ta”.
Khi ấy, mẹ của chúng là tiểu thư con ông Bá hộ bảo:
– Hãy vứt bỏ hết cung tên xin sám hối với cha ta!
Đức Bổn Sư biết tâm của cha con thợ săn đã mềm dịu, liền cho phép họ hạ cung xuống. Tất cả đều đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch:
– Xin Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng con!
Rồi họ ngồi xuống một bên, khi ấy Đức Bổn Sư liền thuyết lên Tuần tự pháp (Anupubbīkathaṃ) cho họ nghe. Cuối thời Pháp, thợ săn Kê Hữu cùng các con và dâu, tất cả mười lăm người đều đắc quả Tu Đà Hườn.
Kế đó, Đức Bổn Sư đi khất thực và sau bữa ngọ trai, Ngài trở về chùa. Khi ấy, Trưởng lão Ānanda hỏi:
– Bạch Ngài, hôm nay Ngài đi đâu?
– Nầy Ānanda! Ta đến viếng thợ săn Kê Hữu.
– Bạch Ngài, Ngài có tế độ cho anh ta bỏ nghiệp sát sanh chăng?
– Có, Ānanda ạ! Cả cha, con và dâu, mười lăm người sau khi có đức tin bất động, không còn hoài nghi Tam Bảo rồi, đều ngưng hẳn nghiệp sát sanh.
Các Tỳ khưu hỏi:
– Bạch Ngài, thế còn vợ anh ta có đắc quả Thánh không?
– Nầy các Tỳ khưu! Vợ anh ấy khi còn là con gái ở nhà với cha mẹ đã đắc Tu Đà Hườn rồi!
Các Tỳ khưu ráp nhau lại đề khởi câu chuyện nầy: “Nghe nói vợ của Kê Hữu khi còn là con gái đã chứng đắc Tu Đà Hườn rồi mới về làm vợ của Kê Hữu có được bảy người con trai. Bấy lâu nay, mỗi lần chồng bảo: “Đem cung, đem tên, đem dao găm, đem lao, đem lưới lại đây!”, thì chị ta đem những thứ khí giới ấy trao cho chồng, để chồng mang đi mà giết thịt. Thử hỏi một vị Thánh nhân Tu Đà Hườn cũng còn sát sanh hay sao?”.
Đức Bổn Sư đến hỏi: “Nầy các Tỳ khưu, hôm nay các thầy ngồi đây thảo luận chuyện gì?”.
– Bạch Ngài, chuyện nầy…
Nghe vậy Đức Bổn Sư giải thích:
– Nầy các Tỳ khưu, vị Nữ Thánh Dự Lưu không tạo tội sát sanh. Nàng chỉ nghĩ:
“Ta phải vâng lời chồng mà làm việc”, chớ không có tâm xúi giục chồng: “Hãy cầm lấy cái nầy, đi đến đó và giết hại chúng sanh đi!”. Quả thật, nếu trong lòng bàn tay không có thương tích, ta lấy tay cầm nắm thuốc độc, thuốc độc không thể đốt lòng bàn tay như thế nào, thì cũng thế ấy, người không làm tội ác do không có tác ý bất thiện, dầu có cầm cung tên, khí giới mà trao ra cũng không bị tội. Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và ngâm kệ rằng:
“Pāṇimhi ce vaṇo nāssa,
Hareyya pāṇinā visaṃ;
Nābbaṇaṃ visamanveti,
Natthi pāpaṃ akubbato”.
“Với bàn tay không thương tích, có thể nắm thuốc độc mà không bị nhiễm độc, với người không làm ác thì không bao giờ bị ác”.
CHÚ GIẢI:
Nāssa: không có.
Hareyya: có thể cầm lấy. Vì sao? Vì không có thương tích thì thuốc độc không thể ngấm vào cơ thể tác hại được. Quả thật, bàn tay không bị thương, thuốc độc không thể ngấm, cũng vậy, người không có tác ý bất thiện tính làm việc ác, thì dầu có cầm cung tên, khí giới trao ra cũng không bị quả báo ác hại. Cũng như bàn tay không vết tích, không bị nhiễm độc, tâm không có ý ác không bị ác theo dõi. Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đạt Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn. Một thời gian sau, các Tỳ khưu lại đề khởi lên câu chuyện nầy: “Do nhân duyên nào mà Kê Hữu với các con trai và con dâu lại chứng đắc Tu Đà Hườn đạo? Tại lý do nào mà họ lại tái sanh vào gia đình thợ săn?”.
Đức Bổn Sư ngự đến hỏi:
– Nầy các Tỳ khưu, hôm nay các thầy ngồi đây, thảo luận về chuyện gì? – Bạch Ngài, chuyện nầy…
Nghe vậy, Đức Bổn Sư giải thích:
– Nầy các Tỳ khưu, thuở xa xưa, các Phật giáo đồ cùng nhau hội họp bàn tính việc xây cất Thánh tháp để tôn trí Xá lợi Phật Ca Diếp. Họ hỏi nhau: “Lấy thứ đất gì, lấy nước gì để xây Thánh tháp nầy?”. Rồi họ đi đến quyết định lấy hùng hoàng vàng và thạch tín đỏ làm đất, lấy dầu mè làm nước. Họ bèn lấy hai thứ đá nghiền nát như bột, trộn với dầu mè thành hồ để gán gạch, cẩn vàng lót bên trong tháp. Ngoài mặt, ngay cửa lót toàn loại gạch đặc bằng vàng khối, mỗi cục gạch trị giá cả trăm ngàn đồng. Khi đã hoàn thành Thánh tháp, sắp tôn trí Xá lợi Phật, các Thiện tín nghĩ rằng: “Cuộc lễ tôn trí Xá lợi sẽ rất cần nhiều tiền của. Vậy ta nên bầu ai làm chủ tịch đảm trách việc nầy đây?”.
Khi ấy, ông Bá hộ cư ngụ tại làng lên tiếng: “Tôi sẽ làm chủ lễ”, rồi ông xuất ra mười triệu đồng để lo tổ chức lễ tôn trí Xá lợi. Thấy vậy, dân làng trong nước phàn nàn rằng: “Bá hộ trong thành nầy tích chứa nhiều tiền của mà không thể làm chủ cuộc lễ Thánh tháp như vậy, lại để cho ông Bá hộ ở làng bên bỏ ra mười triệu đồng mà làm chủ lễ”.
Câu chuyện bàn tán nầy lọt vào tai ông Bá hộ trong thành, ông bèn bỏ ra hai mươi triệu đồng và nói:
– Tôi xin chịu xuất ra hai mươi triệu đồng để làm chủ lễ nầy.
Ông Bá hộ làng nói:
– Tôi xin bỏ ra ba mươi triệu đồng để làm chủ lễ.
Ông Bá hộ thành cũng không chịu thua, tăng số tiền xuất ra để làm chủ lễ là tám mươi triệu đồng.
Gia sản của Bá hộ trong làng chỉ có tất cả chín mươi triệu đồng, còn gia sản của Bá hộ thành giàu có đến bốn trăm triệu, nên ông ở làng suy nghĩ: “Nếu ta nói: “Tôi chịu bỏ ra chín mươi triệu đồng”, thì ông nầy sẽ nói: “Tôi sẽ bỏ ra một trăm triệu”, chừng ấy mọi người sẽ biết là ta hết của rồi”. Ông liền tuyên bố:
– Tôi cũng xin bỏ ra bấy nhiêu tiền để làm phước, và hơn nữa, tôi sẽ đem cả vợ con ra làm công quả. Nói rồi, ông dắt cả bảy đứa con trai, bảy nàng dâu cùng với vợ đến làm công quả cho Thánh tháp.
Ông Bá hộ thành có thể tăng thêm số tiền làm phước nhưng phải nhường cho đối phương phần công quả của tự mình lẫn con và dâu cho Bá hộ làng, nên tuyên bố rằng: “Xin hãy để cho ông nầy làm chủ lễ”, và tất cả Thiện tín bầu ông ở làng làm chủ lễ ngay. Như thế là cả mười sáu người đều làm công quả nơi bảo tháp Xá lợi, còn Bá hộ thành người ta cho rảnh rang tự do. Nhờ suốt đời chăm sóc Thánh tháp như thế, sau khi chết, cả mười sáu người được sanh lên Thiên giới. Họ ở đó hưởng phước của trời suốt một thời gian không có Phật. Đến thời Đức Phật hiện tại ra đời, người vợ hạ sanh vào làm tiểu thư con ông Bá hộ trong thành Vương Xá. Lúc còn con gái, tiểu thư đã đắc quả Tu Đà Hườn. Người chồng vì nghiệp còn nặng, không thấy chân lý nên sau khi chết đi, chuyển kiếp đầu thai vào gia đình thợ săn. Tiểu thư con ông Bá hộ sở dĩ vừa thấy mặt người thợ săn là phát tâm ái luyến vì họ đã từng là vợ chồng với nhau, nay chỉ nối lại mối tình xưa, như Phật ngôn có bài kệ rằng:
“Pubbe va sannivāsena,
Paccuppannahitena vā;
Evantaṃ jāyate реmaṃ,
Uppalaṃ va yathodaketi.”
“Xưa từng chung chạ ra vào,
Giờ nay tái ngộ, lòng nào chẳng lay.
Men tình vừa nhấp đã say,
Bèo kia gặp nước càng ngày càng tăng”.
Tiểu thư con Bá hộ theo về với thợ săn Kê Hữu là vì mối tình tiền kiếp. Các con trai, từ Thiên giới đầu thai vào lòng người mẹ cũ. Còn các nàng Thiên nữ là con dâu cũng tái sanh vào chỗ nầy, chỗ nọ, nhưng đến tuổi cập kê đều quán tụ về một nhà với cha mẹ chồng cũ. Tất cả gia đình đã nhờ công quả chăm sóc Thánh tháp thờ Xá lợi mà kiếp nầy được chứng quả Tu Đà Hườn.
Dịch Giả Cẩn Đề
Sơ quả lấy chồng gã thợ săn,
Bởi duyên chung sống ở tiền căn,
Hằng ngày phụ tiếp chồng hành ác,
Tăng hỏi: “Như nàng có tội chăng?”
Phật dạy: Nàng không có ác tâm,
Thì không thể tạo nghiệp si lầm!
Thuốc kia dầu độc, không phương hại,
Người có bàn tay chẳng vết cầm.
DỨT TÍCH THỢ SĂN KÊ HỮU
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 117