Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

 

Phẩm Cấu Uế: Tích Ông Bà La Môn Tuần Tự

 

“Anupubbena medhāvī,
Thokaṃ thokaṃ khaṇe khaṇe;
Kammāro rajatasseva,
Niddhame malamattano”.

“Bậc trí theo tuần tự
Từng sát na trừ dần
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình”.

Kệ Pháp Cú nầy Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến ông Bà la môn nọ. Tương truyền rằng: Một lần nọ, ông Bà la môn ấy vào sáng tinh sương, đã ra khỏi thành, chợt ông trông thấy chư Tỳ khưu đứng đắp y. Ngay tại chỗ chư Tỳ khưu đứng đắp y, cỏ mọc rậm rì, khi ấy một đường viền y của một vị Tỳ khưu đang đắp bị kéo lê trên cỏ và bị thấm ướt bởi những giọt sương đêm. Thấy vậy, Bà la môn nghĩ thầm: “Cần phải làm sạch cỏ chỗ nầy mới được”. Qua ngày sau, ông mang cuốc đến làm sạch cỏ nơi ấy và san bằng phẳng như cái sân phơi lúa.

Qua ngày sau, ông đến nơi ấy lại thấy đường viền y của chư Tỳ khưu kéo lê trên đất, lấm bụi vào y, ông suy nghĩ: “Cần phải rải cát lên nơi nầy mới được”. Và ông đã thực hiện việc ấy. Một lần khác, nhìn thấy chư Tỳ khưu bị nóng bức, mồ hôi chảy tươm ra khi đứng đắp y. Ông suy nghĩ: “ta cần cất một cái rợp che mát tại nơi nầy mới được”.

Ông thuê người đến che thành một rạp che mát tại nơi ấy. Hôm sau, khi ông đến thì trời đang vần vũ, mưa tạt vào y của chư Tỳ khưu đứng trong rạp ấy, ông lại suy nghĩ: “Nơi đây, ta cần cho người dựng lên một gian phòng kín đáo và lớn”. Sau khi mướn người dựng xong đại sảnh, ông suy nghĩ rằng: “Giờ đây, ta nên làm lễ khánh thành gian phòng lớn nầy”.

Ông thỉnh Tỳ khưu Tăng có Đức Phật là vị Thượng Thủ đến ngồi vào nơi được soạn sẵn trong đại sảnh ấy, dâng vật thực cúng dường xong, chờ Đức Bổn Sư thọ thực xong, ông thỉnh bát Ngài và mong Ngài phúc chúc cho ông. Ông bạch với Đức Thế Tôn rằng:

– Bạch Ngài! Trong khi con đứng tại chỗ nầy, đã trông thấy Chư Tỳ khưu đã như thế…như thế nầy. Và con đã làm như thế nầy…như thế nầy…

Ông thuật lại mọi việc đến Đức Thế Tôn. Khi nghe dứt câu chuyện, Đức Thế Tôn dạy rằng:

– Nầy Bà la môn! Bậc được gọi là hiền trí vẫn giữ mực chậm rãi, từ tốn, tuần tự làm việc lành để giải trừ sự cấu uế của các ác hạnh của mình như thế đó.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Anupubbena medhāvī,

Thokaṃ thokaṃ khaṇe khaṇe;

Kammāro rajatasseva,

Niddhame malamattano”

“Bậc trí theo tuần tự

Từng sát na trừ dần

Như thợ vàng lọc bụi

Trừ cấu uế nơi mình”.

CHÚ GIẢI:
Anupubbena: Lần lượt theo thứ tự.

Medhāvī: Bậc viên mãn trí, nếm được hương vị của Chánh Pháp rồi.

Khaṇe khaṇe: Từng dịp, từng dịp làm lành.

Kammāro rajatasseva: Cũng như người thợ vàng, không thể nào chỉ một lần mỡ nung đốt, nghiền nát, lọc bỏ chất dơ được của vàng để làm thành món nữ trang được, nhiều lần lược bỏ chất bẩn lẫn trong vàng mới có thể làm thành món nữ trang. Cũng như thế ấy, bậc hiền trí phải làm lành nhiều lượt để tống trừ những ô nhiễm, cấu uế, nhất là tham ái từ nơi mình. Có như thế mới giải trừ được những ô nhiễm, phiền não, uế trược. Cuối thời pháp, ông Bà la môn chứng đắc Quả Tu Đà Hườn, đại chúng thính Pháp cũng được nhiều lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Từ từ chậm rãi tiến dần lên
Việc nhỏ an bài, việc lớn lên
Bậc trí kiên tâm trừ cấu uế
Đầu tiên lập chí phải cho bền
Như ông Phạm Chí trước ban nền
Dẫy cỏ vừa xong, rải cát lên
Cất rạp tiện bề Sư đụt nắng
Cho làm phòng rộng, cũng không quên
Nhân lễ khánh thành nghe Pháp Phật
Thời lai Tuệ Nhãn tự nhiên thông.
DỨT TÍCH ÔNG BÀ LA MÔN TUẦN TỰ

Nguồn : Source link

Hits: 2

Post Views: 165