CN0426.Khi đau đớn đủ rồi thì tự sẽ bỏ xuống mà thôi.

Tại sao có những người cứ mãi sống trong khổ đau mà không thể thoát ra khỏi tâm trạng tiêu cực ấy? Tại sao có những chuyện chúng ta cần nhớ thì không thể nhớ, mà có những chuyện muốn quên thì mãi chẳng thể quên?

Có một người đàn ông với vẻ mặt rất khổ sở đến hỏi một vị hòa thượng:

“Thưa thầy, có một số thứ và một số người, tại sao con lại không thể buông bỏ được?”

Vị hòa thượng nói:

“Không có gì là không thể buông bỏ được.”

Người đàn ông kia vẫn khẳng định:

“Có những thứ và những người mà hết lần này đến lần khác con vẫn mãi không buông bỏ được!” ​

Vị hòa thượng liền bảo anh ta cầm một cái chén lên rồi ngài rót nước trà vào chén. Hòa thượng cứ rót mãi cho đến khi nước trà trong chén tràn cả ra ngoài. Nước trà nóng đổ lên tay người đàn ông khiến anh ta không thể chịu được nữa liền vội vàng đặt chén trà xuống.

Lúc này, vị hòa thượng mới điềm đạm nói: “Trên đời này không có gì là không buông bỏ được, chỉ cần con cảm thấy đau đớn đã đủ rồi, thì tự con sẽ bỏ xuống được thôi.”

… … …

Thực ra, sâu thẳm trong mỗi chúng ta ai cũng có những vết thương lòng, ai cũng có những nỗi khổ đau day dứt khó nguôi ngoai. Nói rằng thời gian rồi sẽ chữa lành tất cả, kỳ thực chỉ là dối người và tự lừa gạt chính mình. Nếu không thì tại sao thời gian chỉ chữa lành cho người này mà lại không chữa lành cho người khác?

Có những người vì phiền não khổ đau mà lựa chọn những cách giải quyết rất tiêu cực như mắng chửi, bạo hành người khác, tìm cách trả thù đời, trả thù người, tìm đến với những thú vui như rượu, thuốc kích thích, cờ bạc, tình dục… để tạm quên đi nỗi khổ trong lòng mình và được trải nghiệm cảm giác “hả hê” trong thoáng chốc. Nhưng cho đến khi nào mà chúng ta vẫn còn đi tìm những cách giải quyết khổ đau cho mình ở bên ngoài thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được, mỗi ngày chúng ta lại tiếp tục thấy những nỗi khổ đau, day dứt chất chồng thêm. Đó là lý do mà nhiều người rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng, bế tắc và thậm chí dẫn đến việc tự kết thúc đời mình.

Hóa ra thời gian thì vô tình, chỉ có tâm người là hữu ý. Chẳng qua khi thời gian trôi đi đã đủ lâu, tâm tình, suy nghĩ của chúng ta vì thế mà thay đổi, đến khi cảm xúc của chúng ta được lắng lại, tâm thức có được chút bình yên thì lúc ấy có thể bao dung, cởi mở, có thể nhìn rộng và buông xuống những buồn phiền, oán giận khi xưa. Nhìn lại cuộc đời như gió thoảng mây bay, quá khứ trôi qua như mộng ảo không còn gì để nắm giữ được thì bỗng nhiên không còn muốn cố chấp nữa. Bởi vậy, không phải là thời gian có thể chữa lành những vết thương lòng, mà chính do cái tâm chúng ta đến lúc nào mới chịu buông xuống mà thôi.

Nhưng thông thường, ai cũng muốn đổ lỗi cho số phận, cho cuộc đời, cho người khác, chứ ít ai chịu thấy ra sự thật rằng đau khổ là do chính mình. Khổ đau phiền não không do ai mang đến rồi bắt chúng ta phải nhận, mà do chính bản thân chúng ta cho phép mình nhận lấy những thứ không thiết thực, những thứ tạm bợ và sai lầm rồi tự mình đắm chìm vào đó.

Khi chúng ta quá bận tâm, đặt nặng một vấn đề thì những suy nghĩ trong đầu sẽ cứ loanh quanh luẩn quẩn, chẳng khác nào đang bị một sợi dây vô hình trói buộc và không thể nào thoát ra ngoài phạm vi của nó được. Do vậy, chúng ta không còn có thể thấy được điều gì mới mẻ, rộng mở và tốt đẹp hơn.

Vì vậy hãy xem lại góc nhìn, quan điểm của mình, xem nó có đang bị giới hạn, bị che khuất bởi thứ gì không, và hãy học cách mở rộng tâm hồn, mở rộng tư duy để đón nhận những điều mới mẻ, thiện lành và tích cực. Tất cả là do tâm, do chúng ta tự cho rằng việc gì là bình thường thì nó trở thành bình thường, mà chúng ta nhận định nó là hệ trọng thì nó trở thành hệ trọng.

Buông bỏ chính là như thế. Buông bỏ không phải là cố quên, là mặc kệ, là oán hận, là tìm cách trốn tránh, mà buông bỏ là chúng ta có thể dùng tâm thái bình thường để đối diện với nó, chúng ta không còn muốn kiểm soát mọi thứ, không còn gượng ép mọi việc phải xảy ra theo ý mình nữa. Chúng ta có thể an ổn khi việc đến vì biết “việc này do đủ duyên mà tạm thời xảy đến”, rồi khi nó đi thì chúng ta cũng có thể bình thản vì hiểu được “việc này đã làm xong nhiệm vụ của nó trong cuộc đời mình, hết duyên thì sẽ phải đi”.

Tất cả những điều kiện bên ngoài chỉ tạm thời đến để hỗ trợ ta trong một khoảng thời gian nào đó, vậy mà chúng ta lại rất giỏi “nhận vơ” những thứ ấy là “của mình”, để rồi đau khổ khi không có được và ôm sầu ôm hận khi bị mất đi. Chúng ta luôn mãi nhớ quá khứ hoặc lo lắng cho tương lại mà không lúc nào thực sự sống được thảnh thơi giữa phút giây hiện tại, trong khi phút giây hiện tại là thứ duy nhất chúng ta đang có được, là thứ duy nhất tồn tại với chúng ta ngay trong khoảnh khắc này.

(st)

Mời quý vị cùng xem thêm pháp thoại: Chữa vết thương lòng do ĐĐ. Thích Phước Tiến thuyết giảng.
Nguồn : Source link

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 17

Post Views: 490