CN0529.Đức Phật là một nông dân vĩ đại

Chuyện kể rằng, hôm ấy, bà-la-môn Kasī-Bhāradvāja chuẩn bị làm một cuộc lễ hạ điền trọng thể trước khi vào vụ cày bừa cả hằng ngàn mẫu ruộng của ông ta. Đội quân chăm lo nông vụ này là năm trăm thợ cày trai tráng, mạnh khỏe, năm trăm lưỡi cày và ba ngàn chú bò sung sức. Ông còn chu đáo sai gia nhân nấu cơm trộn sữa cho quan khách, thợ thầy rất đầy đủ trước khi chuẩn bị ra đồng.

duc-phat-la-ng-nong-dan-vi-dai-1

Khi đức Phật ôm bình bát khất thực đi ngang qua, Kasī-Bhāradvāja thì đã có nghe danh đức Phật nhưng ông không thích giáo hội ấy, chỉ gồm toàn những người ôm bát đi xin ăn, làm biếng lao động chân tay, ăn hại xã hội. Vì nghĩ vậy, sau khi biết đấy là đức Phật, bà-la-môn Kasī-Bhāradvāja cất giọng rất lịch sự nhưng bên sau là cố ý công kích, chế nhạo:

– Ồ, này Sa Môn kia, chúng tôi là nông dân. Chúng tôi phải cày bừa, phải gieo mạ, phải bón phân, phải nước tưới, phải chăm sóc, phải gặt hái mới có được hạt lúa, mới có gạo thổi cơm. Biết bao nhiêu là khó khăn, vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được cái ăn để duy trì sự sống. Còn sa-môn và chúng đệ tử không cày bừa, không gieo mạ, không bỏ phân, không tưới nước, không chăm bón, không gặt hái, không đổ mồ hôi, không tốn công sức… mà đòi có cơm ăn hay sao? Phải lao động, phải làm việc mới có cái ăn chứ?

Đức Phật mỉm cười rồi chậm rãi đáp:

– Này gia chủ Kasī-Bhāradvāja! Như Lai cũng là một nông dân! Như Lai cũng cày, cũng bừa, cũng gieo trồng, cũng bỏ phân, tưới nước, cũng tốn công sức chăm bón và gặt hái.

Kasī-Bhāradvāja bất giác cười rộ: 

– Thế cày bừa của sa-môn đâu? Dụng cụ nông tang đâu? Rồi còn nào bò, nào ách, hạt giống đâu? Vậy thì nước tưới cái gì, bón phân cái gì và gặt hái cái gì, thật là nực cười!

Giọng của đức Phật vẫn toát ra âm thanh điềm đạm, ôn nhu, từ hòa:

– Hạt giống của ta gieo là Ðức tin, những việc lành là mưa thuận gió hòa thấm nhuần cho lúa càng ngày càng tốt tươi. Ý chí dõng mãnh và nhẫn nại là cái cày, sự tinh tấn là con bò, trí tuệ là sợi dây đàn, còn Ta cầm cán cân giới luật.

Ta cày cấy đặng trừ tuyệt cỏ xấu đang đâm chồi nẩy lộc trong tâm của chúng sanh. Lúa của ta gặt là nơi an vui tuyệt đối bất sanh, bất diệt đại niết bàn, nơi dứt tất cả sự thống khổ.

Vốn là một người thông minh và đã tạo nhiều thiện duyên từ nhiều kiếp trước, Kasī-Bhāradvāja nghe những lời giảng giải của Thế Tôn xong được thấm nhuần như tấm vải trắng sạch nhuộm ăn màu, như người bị ngã được đỡ đứng dậy, như ngọc qúy bị giấu kỹ bỗng nhiên được phát hiện trí tuệ, Kasī-Bhāradvāja cung kính bạch Ðức Phật rằng:

-Tiếng đồn thật không sai, Ðức Từ Tôn quả là ngọn đuốc sáng để đưa chúng sanh từ chỗ tối tăm đến chỗ sáng suốt.

Nói xong, Kasī-Bhāradvāja vội lấy dĩa bằng vàng, đựng cơm đề hồ (cơm nấu bằng sữa) đến thành kính sớt vào bát của Ðức Phật và nói rằng:

-Kính bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài hoan hỷ nhận lấy lễ vật mọn này để con được gieo duyên lành cho kiếp vị lai.

(st)

Nguồn : Source link

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 20

Post Views: 420