CN0119.Ngũ trược ác thế là gì

Nguồn : https://kinhnghiemhocphat.com/2021/01/ngu-truoc-ac-the-la-gi.html

Ngũ trược ác thế là là năm sự ô trược xấu ác thiêu đốt thế gian. Năm sự ô trược đó là: Kiếp trược, Kiến trược, Chúng sinh trược, Mạng trược và Phiền não trược.

Ngũ trược ác thế là gì

Ngũ trược ác thế là gì

Kinh dạy rằng: Thời ngũ trược ác thế bắt đầu khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 200 tuổi. Sau khi đức Phật nhập niết bàn và giáo pháp bắt đầu suy yếu, ma đạo sẽ vô cùng thịnh hành trong thời ngũ trược này. Vậy năm món trược ác là như thế nào?

Kiếp trược là gì

Xếp đầu tiên trong Ngũ trược ác thế, Kiếp trược( Kalpa-kaṣāya) là “Thời gian hoặc thời đại biến đổi hỗn loạn không ngừng.” Làm sao mà kiếp trở nên bị hỗn trược? Là vào thời kì ngũ trược ác thế, các nghiệp ác của chúng sinh làm cho kiếp trở nên bị hỗn trược.

Kiến trược

Kiến trược (Dṛṣṭi-kaṣāya). Kiến là thấy, trược là tà vạy. Kiến trược là sự thấy biết tà vạy, sai lầm: Sai cho là đúng, đúng lại cho là sai. Trong quá khứ, mọi người đều thấy mọi vật đều thanh tịnh và tinh khiết. Nhưng khi đến thời kỳ Ngũ trược ác thế, thì người ta thấy môi trường chung quanh không còn thanh tịnh và tinh khiết nữa. Kiến trược là kết tinh của năm tà kiến, lấy ngũ lợi sử làm thể. Lợi có nghĩa là nhanh, sắc bén. Ngũ lợi sử tức là năm quan niệm sai lầm: Thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ, kiến thủ, tà kiến.

1.Thân kiến

Thân kiến là mọi chúng sinh đều chấp rằng mình có thân. Họ yêu mến thân mình.”Ta phải săn sóc thân mình, đừng để điều gì xảy đến cho tôi cả.” Họ xem thân thể mình là điều tối quan trọng. Họ muốn ăn ngon, mặc đẹp, sống tiện nghi. Họ luôn luôn xem thân thể mình như là viên ngọc quý.

Đúng rồi! Thân thể quý vị là viên ngọc quý, nhưng nếu quý vị sử dụng sai mục đích, quý vị sẽ biến nó thành một thứ chẳng khác gì hơn phân người. Sao vậy? Vì quý vị chỉ để ý đến phương diện hời hợt nông cạn bên ngoài, mà không khám phá hết được hạt ngọc chân thật bên trong tự tánh. Thế nên những gì quý vị biết tựu trung chỉ là thân xác và quý vị không thể nào buông bỏ nó xuống được. Từ sáng đến tối, quý vị chỉ bận rộn vì thân thể mình. Đó là thân kiến.

2. Biên kiến

Biên kiến là thích bên nầy hoặc bên kia. Nếu quý vị không nghiêng về không (vô) thì sẽ nghiêng về có (hữu). Nói chung, biên kiến là không hợp với nghĩa Trung đạo.

3. Giới cấm thủ

Giới cấm thủ Giới luật sẽ trở thành tệ hại khi căn cứ vào một cái gì chẳng phải là nhân mà cho đó là nhân. Những sai lầm như thế dẫn đến lối tu khổ hạnh vô ích. Trước đây tôi đã giảng giải có người bắt chước thói quen của loài bò hoặc chó, hoặc ngủ trên giường đinh, hoặc làm theo lối tu khổ hạnh vô ích. Những ai làm theo như vậy gọi là mắc vào giới cấm thủ. Họ nghĩ rằng: ‘Hãy nhìn tôi đây! Chẳng có ai làm được như tôi, các ông chẳng ai bằng tôi cả.’ Họ luôn luôn có suy nghĩ tự cao ngã mạn nầy trong tâm.

4. Kiến thủ

Kiến thủ có nghĩa là chấp vào quan niệm của mình là đúng. Quan niệm sai lầm về một cái gì chẳng phải là quả mà cho đó là quả. Người mắc phải kiến chấp nầy cho rằng họ đã chứng quả trong khi thực sự họ chẳng được điều gì cả.

5. Tà kiến

Tà kiến là gì? Những người có tà tri tà kiến thường cho rằng không có nhân quả, bài báng chánh pháp, tự mê hoặc mình và làm cho người khác mê lầm. Năm thứ vọng kiến trên đây khiến cho tâm chúng sinh tối tăm mê loạn, tự tánh vẩn đục, cho nên gọi là ngũ trược.

Phiền não trược

Xếp thứ ba trong Ngũ trược ác thế, Phiền não trược là sự si mê tham đắm điên đảo, do do ngũ độn sử kết thành: Gồm tham, sân, si, mạn và nghi.

Tham là chỉ cho sự tham muốn một cách không thể thỏa mãn được những cảm giác dễ chịu. Quý vị thường tham muốn những gì mình thích.

Sân là không thích những điều mình cảm thấy khó chịu.

Si là những vọng tƣởng điên rồ.

Mạn là lòng tự mãn và kiêu ngạo, cảm thấy rằng “Ta là bậc nhất.” và “Chẳng có ai bằng ta.” Người ngạo mạn thường không lịch sự đối với người khác.

Nghi là nghi ngờ chánh pháp, thay vì vậy lại thích tà pháp. Không tin vào chánh pháp nhưng lại tin vào các pháp không chân chính.

Đây là ngũ độn sử, tạo thành thứ trược thứ ba tức là phiền não trược. Sự có mặt của ngũ độn sử nầy đã tạo nên vô số phiền não.

Chúng sinh trược

Chúng sinh trược là sự sanh tử hỗn loạn không ngừng. Chúng ta nay cũng đừng cố diễn tả nó làm gì. Sao vậy? Chúng sinh vốn là quá dơ bẩn, quá bất tịnh, quá cấu uế. Quý vị đừng nên cho rằng mình là hạng chúng sinh cực kỳ lớn. Chúng sinh vốn là rất tối tăm và u mê đần độn. Chẳng có gì tốt đẹp về chúng sinh cả. Nhưng chúng sinh lại nghĩ về chính mình như một cái gì rất đặc biệt, mặc dù thực sự họ cấu thành do từ bốn thứ trược nêu trên.

Mạng trược.

Mạng trược là kiếp sống của chúng sanh trên thế gian ngày một mong manh, ngắn ngủi và bất tịnh. Vào thời ngũ trược ác thế, tâm tính chúng sinh cang cường, khó điều phục, nên vào thời kỳ ấy, chư Phật thường xuất hiện để giáo hóa chúng sinh.

Ngũ Trược ác thế thệ tiên nhập là gì

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập nghĩa là: Việc đầu tiên thề sẽ xâm nhập vào thời ác thế. Đây là lời Ngài A nan phát nguyện trước hết sẽ thâm nhập vào ngũ trược ác thế để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đi vào trong ngũ trược ác thế để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh. Nay ngài A nan có lẽ cũng muốn theo nguyện lực to lớn Đức Phật và làm theo. A nan không sợ ngũ trược ác thế đầy nhiễm ô, dù thế nào đi nữa, ngài cũng đến đó để giáo hóa chúng sinh

“Nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật. Nguyện chẳng tự mình chứng niết bàn.” Nếu dù chỉ còn một chúng sinh chưa thành Phật, con cũng sẽ chưa thành Phật. Con sẽ không được công nhận như là người đã đạt được quả vị. Con sẽ không nhập niết bàn. Đây cũng giống như lời nguyện của ngài Địa Tạng Bồ Tát.

Ngũ trược của thân người.

Phần trên là giảng giải của Hòa thượng Tuyên Hóa về Ngũ Trược Ác Thế thiêu đốt thế gian. Ít người biết thân người cũng thường bị Ngũ trược thiêu đốt. Nơi Kinh Lăng Nghiêm đức Phật có thuyết về năm thứ trược ác này, nay ghi thêm vào cho bạn cùng tham khảo.

Về Ngũ trược, Kinh Lăng Nghiêm đức Như Lai giảng:

Kiếp trược

A nan, ông thấy hư không khắp cả mười phương thế giới, mà chẳng thấy phân ra hư không và tánh thấy. Tuy vậy có hư không mà không có thực thể, có tánh thấy mà không có tánh biết. Hai bên đã đan dệt với nhau mà thành. Đây là lớp thứ nhất, gọi là ” Kiếp trược”.

Kiến trược

Thân ông hiện bám lấy tứ đại làm tự thể, nên cái thấy nghe hay biết bị ngăn ngại. Trở lại làm cho các thứ đất nước lửa gió thành ra có cái hay biết. Các thứ đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ hai gọi là Kiến trược.

Phiền não trược

Lại nữa, trong tâm ông do sự nhớ biết học tập mà tánh phát ra thấy biết. Dung nạp sáu trần, rời tiền trần thì không có tướng, rời cái biết thì không có tánh. Những điều đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ ba gọi là Phiền não trược

Chúng sinh trược

Lại nữa, tâm ông sớm chiều sanh diệt không ngừng. Cái thấy biết thì cứ muốn lưu mãi ở thế gian, mà nghiệp báo chuyển vần luôn luôn đổi dời từ cõi nầy đến cõi khác. Những điều đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ tư gọi là Chúng sinh trược.

Mạng trược.

Cái thấy nghe của ông vốn chẳng phải là tánh nào khác, do các trần cách trở nên bỗng nhiên trở thành khác. Tánh thì vẫn biết nhau, nhưng trong phần dụng thì trái nghịch nhau. Cái đồng cái khác mất hẳn chuẩn đích, cùng đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ năm, gọi là Mạng trược.

(Ngũ trược ác thế là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Tuệ Tâm 2021

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 661

Post Views: 1.766