Nghe vô thường, chúng ta cảm thấy cuộc đời có rồi không, luôn thay đổi từ khi con người sinh ra rồi già, bệnh, chết; nói cách khác, chúng ta chưa có trước khi xuất hiện trên cuộc đời và khi từ giã cuộc đời, chúng ta cũng là không. Vì vậy, một số người nói đạo Phật chán đời.
Hôm nay chúng ta suy nghĩ về vô thường. Giáo lý Phật tuy nhiều, nhưng chủ yếu nằm trong vô thường, nghĩa là vạn vật luôn thay đổi và con người là vô ngã, tức con người do tứ đại hợp thành, không có thật.
Giáo lý vô thường và vô ngã mà Phật dạy để làm gì? Điều này có mục tiêu rõ ràng, Đức Phật nói vô thường và vô ngã để giúp chúng ta tận diệt khổ đau và đạt Niết bàn. Từ vô thường, chúng ta tìm cái thường còn, từ khổ đau, chúng ta tìm cái an lạc là Niết bàn có thường, lạc, ngã và tịnh.
Đức Phật sống trên cuộc đời có vô thường, nên Ngài phải nói vô thường để chúng ta đừng chấp mọi vật là thường còn mà đau khổ. Phật dạy vật chất luôn thay đổi để chúng ta đoạn diệt tâm chấp trước, mới có thế giới an lạc là Niết bàn. Thật vậy, đầu tiên Phật thuyết vô thường vô ngã cho năm anh em Kiều Trần Như và họ đắc quả A la hán.
Từ đó, họ hiện hữu trên cuộc đời này mà không bị tham lam, ganh tỵ chi phối, nên họ luôn an lạc, mới làm cho người chấp thường thấy vậy mà thức tỉnh và phát tâm tu theo. Điển hình là Xá Lợi Phất thấy sự vật là thường, nhưng bị mất mát, nên đau khổ; nhưng nhờ gặp được Mã Thắng sống với chơn thường và an lạc, Ngài mới thấy cuộc đời vô thường mà đoạn diệt khổ đau và chứng được chơn thường. Như vậy, Phật dạy vô thường để chúng ta nhận thức đúng đắn bản chất của sự vật mà chứng được chơn thường.
Mọi vật có hai phần là sanh diệt và vô sanh. Phật dạy thế giới này là khổ và nguyên nhân của khổ; đó thuộc về phần sanh diệt. Để đoạn trừ khổ và nguyên nhân của khổ, Phật dạy tu Đạo đế là 37 trợ đạo phẩm, thì chứng được Niết bàn là Diệt đế; nhưng không biết lại nói đạo Phật chán đời là sai lầm lớn của con người.
Phật dạy cuộc đời thế nào thì phải thấy đúng và sống đúng để đoạn trừ ảo giác. Vì chúng ta có tham vọng, mới có ảo giác là không thực tế mới bị đau khổ. Còn thấy cuộc đời đúng sự thật và biết nguyên nhân nào dẫn đến đau khổ, thì khổ phải chấm dứt và tu nguyên nhân dẫn đến an lạc thì Niết bàn hiện hữu. Phật dạy rõ hai con đường như vậy.
Ở thế giới sinh diệt mà chúng ta muốn không sinh diệt làm sao được. Con người sanh ra, lớn lên, già, rồi chết là quy luật tất yếu, mà chúng ta muốn không già, không chết và sống mãi là không thực tế. Mà nếu con người sống mãi thì trái đất này sẽ bị nạn nhân mãn mất. Bây giờ người chết ít hơn người sanh, người ta còn phải mong cho chết bớt để trái đất này còn tồn tại. Thời Phật tại thế, trái đất này chỉ có độ 500 triệu dân, nhưng nay 7 tỷ người, thì quý vị nghĩ sao. Nếu không có người chết, ngày nay trái đất này có bao nhiêu người.
Có quy luật sanh, già, bệnh, chết, trái đất mới trở thành cân bằng và tồn tại được. Có sanh mà không chết là nghĩ đến thiên đường, nhưng như vậy cũng bị nạn nhân mãn, không còn chỗ chứa người ta. Quan niệm lên thiên đường hưởng phước luôn cũng không đúng. Thiên đường cũng có tuổi thọ của nó, nhưng dài hơn thế gian. Ở thiên đường, đất rộng người thưa, vì chỉ có loài người tu được thập thiện mới được sinh lên thiên đường, nên cũng khó có người được lên thiên đường. Thật vậy, chúng ta thọ thập thiện, nhưng tu thập thiện không dễ. 1.000 người tu thập thiện may ra có được 1 người thành tựu.
Nói rằng thiên đường đất rộng, nhưng thật ra không có đất, họ sống bằng tâm thức, không có thân vật chất như chúng ta, nhưng có thân vi tế. Pháp hội Linh Sơn có vài ngàn Tỳ kheo đã không có đủ chỗ ngồi, nhưng có đến 70.000 chư Thiên và 8 vạn Bồ tát mà không trở ngại. Thế giới của chư Thiên, Phật, Bồ tát khác với thế giới của chúng ta, vì đó là thế giới siêu vật chất, tức một vật thể nhỏ, nhưng có sức dung chứa vô cùng tận. Ngày nay điều này dễ hiểu, ví như người ta dùng phần mềm dung chứa biết bao nhiêu hình ảnh và âm thanh không lẫn lộn.
Chúng ta hình dung được thế giới chư Thiên có lạc, không khổ. Hết phước thì hoa trên đầu héo là chư Thiên bị đọa, hay ở đó chỉ vui, nhưng thấy buồn là đọa. Ở thế giới chư Thiên sung sướng, nên quên hết trần thế, nhưng khởi niệm nhớ con là đọa liền, rơi xuống trần thế, thọ sanh vào các loài chỉ với một ý niệm như vậy.
Ta chiêm nghiệm ý nghĩa vô thường mà Phật dạy thấy rõ sự thật rằng vạn vật biến đổi, hay gọi là tiến hóa, từng thế hệ luôn phát triển. Đời sống từ Phật tại thế cho đến ngày nay, nếu không có tiến hóa thì con kiến vẫn là con kiến. Từ thời Phật giáo Nguyên thủy cho đến thời Phật giáo phát triển cũng nhờ vô thường, tức hoàn cảnh đổi khác mà chúng ta có nhận thức khác, là có sự tiến hóa về vật chất và tiến hóa về tâm linh.
Tiến hóa vật chất là từ cuộc sống đơn sơ của người cổ đại đã tiến lên cuộc sống văn minh hiện đại. Tiến hóa tâm linh là người khổ đau tu Tứ thánh đế thì diệt được khổ đau và đắc quả Tu đà hoàn, cho đến quả A la hán, Bích Chi Phật và thành tựu quả vị Phật. Nếu không có vô thường thì tất cả mọi việc nằm yên, không thay đổi. Nhờ vô thường, chúng ta tích cực hơn, vận dụng được sự phát triển, giúp cho đời sống thăng hoa và tiến hóa.
Riêng tôi, từ thuở nhỏ, đã cảm nhận ý niệm vô thường, thấy mạng người ngắn ngủi, nên 12 tuổi đã nỗ lực tu học, sợ không kịp rồi chết, không biết về đâu. Tôi phấn đấu tìm đạo và tu học không mệt mỏi, nên thăng hoa đời sống tâm linh. Nhờ vô thường, có tiến hóa nên tôi lần thay đổi từ đứa trẻ nhỏ cho đến trưởng thành và tốt nghiệp việc học để giúp đời. Chúng ta biết thay đổi theo hướng tốt đẹp là sống theo Đạo đế của Phật dạy thì phát triển được đời sống vật chất và tâm linh. Còn thấy vô thường rồi chán nản buông xuôi thì về đâu không biết.
Biết vô thường, chúng ta cũng hạn chế được các việc ác và phát triển được mặt thiện. Sự thay đổi cũng có hai khuynh hướng, một là phát triển vật chất, đó là công việc của các nhà khoa học nhắm đến phát minh vật chất. Hai là những nhà triết học, nhà tôn giáo tìm về sự phát triển đời sống tâm linh. Đương nhiên chúng ta không phủ nhận đời sống phát triển vật chất, nhưng không coi nó quan trọng, vì nhận thấy đời sống vật chất ràng buộc chúng ta nhiều hơn.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 4