CN0933.Tản Mạn Một Kiếp Người – Thích Thông Từ

Thoáng chốc, 365 ngày bay vèo qua cửa sổ, hết Xuân sang Hạ, rồi Thu tạ Đông tàn, cành mai chớm nụ, báo hiệu một mùa xuân nữa lại hối hả quay về.

Trong không gian vô tận ấy, bốn mùa như là vết tích hạn hữu, hững hờ trôi giữa dòng thời gian vô tận, cũng như vô lượng kiếp nhân sinh, phận người cũng được gói gọn trong bốn từ Sinh Lão Bịnh Tử nhỏ nhoi.

Từ sinh đến tử, đích thực là một quá trình tiến hóa rất ngắn ngủi giữa muôn vàn lần tái sinh. Bao kiếp sống qua đi, hết sinh rồi đến tử, kiếp nọ nối kiếp kia, như cơn sóng vỗ đầu chưa dứt, lại tiếp nối những đợt sóng khác xoay vần.

Cứ thế, bao cuộc biến thiên thăng trầm của kiếp sống, sự biến dịch của kiếp đời lại vội vã ra đi. Cuộc tao ngộ trùng phùng, giữa muôn duyên chằng chịt, và tiến trình sinh sinh hóa hóa ấy, vẫn dật dờ giữa đôi bờ tử sinh.

Chợt một chiều, dừng chân bên quán đời hiu quạnh, bỗng chạnh lòng khi mái tóc phủ màu sương. Mới hôm nao là một hài nhi bé bỏng, ngoảnh đầu lại, mảnh hình hài đã còm cõi với thời gian, và cứ thế, cuộc hành trình sinh tử vẫn xuôi dòng, nẻo luân hồi xa xăm vạn dặm.

Trong đêm dài tăm tối của vô minh mộng mị, những cảnh giới đa sắc, những bức tranh nhiều màu hóa hiện của chúng sanh được vẽ vời bởi dòng Tâm Thức điên loạn.

Dòng Tâm Thức đó, như là một nhà họa sư đại tài, làm chủ đạo tạo nên sự khác biệt giữa con người và dị loại. Nó tạo nên những bức tường kiên cố, bất khả xâm phạm để bảo vệ cho cái gọi là:chính nó”. Cái “chính nó” được xem như là: Ta và của ta, vợ con nhà cửa…của ta, tài sản vật chất, chủng tộc, đảng phái, chính kiến, và tôn giáo của ta.v.v…

Chính những thứ “của ta…” đó, làm cho nó như một kẻ mộng du, lảm nhảm hết ngày này qua tháng nọ, mò mẫm, quờ quạng trong đêm tối của vọng thức, như một gã cùng tử, lang thang phiêu bạt giữa muôn kiếp chợ đời, và cuối cùng, một mình cô độc, dẩm đạp tới lui trong chốn luân hồi sinh tử, không có một giờ phút tĩnh giác để nhận diện cho được bản chất thực tại của kiếp người.

Hỡi ôi! vậy mà trớ trêu thay, những điều phi lý ấy vẫn tồn tại và diễn ra hàng ngày giữa nhân thế. Đôi lúc, có nhiều điều hết sức vô lý, vậy mà cũng được người ta tô lên những lớp sơn lòe loẹt, bao bọc quanh chúng những lớp nhung mịn màng tuyệt mỹ, đặt cho nó những danh xưng thật mỹ miều, và xem chúng như những sản phẩm tuyệt vời của tri thức nhân loại… lắm lúc, còn hãnh diện được hãm mình trong cái “tháp ngà” của kiến thức và lấy đó làm mục tiêu tối hậu của kiếp sống.

Đôi khi, tôn sùng, phụng thờ quá mức, nên mù quáng thần tượng chúng như những bậc Thánh Nhân đã đập nát được cái bản ngã hẹp hòi vị kỷ, chặt đứt được dòng sông khổ lụy của sinh tử, và đạt đến bờ Tuệ Giác Vô Thượng. Người ta sẵn sàng hy sinh và chấp nhận chúng như một đấng cứu thế duy nhất. Để rồi, cam chịu làm thân phận của một kẻ nô lệ cho cái gọi là tri thức của tâm- ý- thức sản sinh ra.

Hôm nay, lật lại những trang sử, quán chiếu những mảnh đời vang danh kim cổ, họ đã để lại cho đời những điểm son chói lọi còn đọng lại trong lịch sử nhân loại. Nhưng, tất cả những công trình giá trị ấy, sẽ như những vết nhạt mờ trôi vào dĩ vãng. Với sức mạnh của đôi bàn tay, vô thường sẽ bóp nát và hủy diệt tất cả những gì đã, đang và sẽ hiện hiện hữu giữa cõi đời.

Ô hay, mãi miên man với sóng thức dâng trào, cành mai ngoài cửa đã nở tự bao giờ, ý vị xuân nhường lại cho cuộc sống bình nhật, như một giấc mộng ba mươi năm, tỉnh giấc thì nồi kê vẫn chưa chín.

Song, trong cơn vô thường chóng vánh ấy, vẫn còn đó một mùa xuân miên viễn với một cành mai bất tử:

  “ Đêm qua sân trước một cành mai.”

Chỉ có những người thẩm thấu, đạt đáo được cái triết lý của kiếp nhân sinh, phá vỡ những khuôn sáo ước lệ của định luật vô thường, như ngài Mãn Giác thiền sư đời Lý, thì mới tận hưởng được trọn vẹn niềm vui của mùa xuân bất diệt và kiếp sống miên trường.

Thích Thông Từ

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 8

Post Views: 232