CN1006.Chẳng lẽ thời Mạt pháp là vậy sao? Lên chùa ngắm ảnh đại gia

CN1006.Chẳng lẽ thời Mạt pháp là vậy sao? Lên chùa ngắm ảnh đại gia

Nhìn ra một số nước láng giềng Phật giáo thịnh hành như Lào, Campuchia…, có thể thấy vua chúa, hoàng thất nhiều đời cũng đều góp công dựng chùa. Nhưng, chẳng hạn như tại chùa Vàng chùa Bạc nổi tiếng của Campuchia, tượng vua Norodom (1834-1904) cũng chỉ được đặt ngoài khuôn viên chùa, dù góp công không nhỏ cho chùa.

 

1. Ảnh đại gia, tranh vẽ đại gia chưa bao giờ là của lạ. Nhưng khi chúng được đường đường chính chính treo giữa chốn chùa chiền tôn nghiêm, ở những vị trí hoành tráng, bắt mắt nhất, ắt lại thành “chuyện chỉ có ở Việt Nam”.

 

“Ít nhiều biến dạng” là từ mà tờ báo đầu tiên đưa tin về chuyện lạ này dùng để miêu tả một số ngôi chùa sau khi được một đại gia phát tâm tu sửa. Biến dạng cả ở tên chùa: những ngôi chùa có hàng trăm năm lịch sử, bỗng dưng được gọi là chùa ông này ông nọ.

Nào là tên ghi ngay trên cổng chính của chùa, tranh, ảnh của đại gia và gia đình treo ngay trong chánh điện, rồi tượng cha mẹ đại gia đặt ngang hàng… tượng thần.

Sự hiện diện dày đặc, đủ để không ai dám mảy may nghi ngờ công đức lớn lao, những khoản tiền ngất ngưởng mà đại gia chi ra cho công cuộc trùng tu hay thậm chí là xây dựng, như xác nhận của các chùa trên bảng ghi công.

Sau những mốt như chơi siêu xe, sở hữu biệt thự khủng…, có lẽ đã đến thời đại gia “chơi” chùa chăng? Có gì là không thể, một khi tiền lệ đã mở ra.

Biết đâu, rồi đây du khách nước ngoài thăm chùa VN, nhìn những tranh ảnh kiểu đó, lại chẳng trầm trồ, thán phục vì chúng ta có khả năng sáng tạo thêm nhiều “thần thánh” lạ.

Nhưng có vẻ bản thân người Việt Nam, không ai vui mừng được với chuyện lạ này. Một vị Thượng tọa thuộc hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đánh giá đây là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử Phật giáo (chứ không chỉ riêng Việt Nam).

Ông cũng cho biết, đến các vị vua ngày xưa khi cho xây dựng chùa cũng không có ghi tên, treo ảnh, chỉ thể hiện trên tên chùa bằng một chữ “sắc tứ”…

Nhìn ra một số nước láng giềng Phật giáo thịnh hành như Lào, Campuchia…, có thể thấy vua chúa, hoàng thất nhiều đời cũng đều góp công dựng chùa. Nhưng, chẳng hạn như tại chùa Vàng chùa Bạc nổi tiếng của Campuchia, tượng vua Norodom  (1834-1904) cũng chỉ được đặt ngoài khuôn viên chùa, dù góp công không nhỏ cho chùa.

Vài nét so sánh qua đủ thấy uy lực của đẳng cấp đại gia của ta lớn đến cỡ nào. Uy lực đến nỗi khiến chúng ta bất giác liên tưởng đến câu nói quen thuộc “có tiền mua tiên cũng được” (hay phiên bản hiện đại hơn là cái gì không mua được bằng tiền, thì có thể mua bằng… nhiều tiền).

Nhân chuyện lạ gây xôn xao này, nhiều người đặt lại vấn đề về của cho và cách cho, và nhất là cách làm công đức.

Chẳng cần học nhiều biết rộng, hẳn các phật tử cũng đều phải thuộc nằm lòng tôn chỉ của Phật giáo là làm việc công đức, từ thiện “tối cần là sự lặng lẽ”. Mọi sự khoa trương, ầm ĩ chỉ khiến tổn thất công đức.

Mà không chỉ Phật giáo, cả các tôn giáo khác, như Thiên Chúa giáo cũng dạy con chiên tương tự. Chúa từng răn dạy môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy…

Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen… Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo”.

“Đạo đức giả” là từ Đức Chúa gọi những kẻ làm việc thiện mà “khua chiêng đánh trống” vậy!

2. Chuyện “chùa đại gia” có thể hi hữu, nhưng nó lại cho thấy một xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống tâm linh hiện đại.

Đó là xu hướng trần tục hóa, vật chất hóa những không gian, giá trị thiêng. Nhiều người không chỉ còn quan niệm “trần sao âm vậy” mà còn đẩy lên thành trần sao… thì thần Phật vậy.

Những lộn xộn bát nháo chốn cửa chùa, hay tại các lễ hội hiện nay là minh chứng rõ nét. Người ta hăm hở đi lễ chùa, hăm hở công đức, hăm hở nhét tiền vào tay Phật nhưng lại chẳng có lúc nào lắng tâm để nhận thức gốc của đạo.

Chúng ta ngày càng mê tín, sẵn sàng quỳ lạy cả những rắn, những cá… mà ta cho là sự lạ, là con vật thần giáng xuống. Mê tín tăng, nhưng đức tin lại có xu hướng kiệt quệ.

Đến chốn linh thiêng, không còn mấy người giản đơn cầu bình an. Chúng ta lao vào tranh giành, cướp đoạt nào ấn, nào lộc với hi vọng được phù hộ để thăng quan tiến chức, tiền của đầy nhà. Bên trong trống rỗng, bất an, chúng ta cuống cuồng tìm cách bám víu vào những vật ngoại thân, những giá trị hư hão.

Trong cả một biển nhân thế với cái tâm đầy náo loạn ấy, lấy đâu ra khoảng tĩnh lặng để Phật, thánh ngự được vào. Chẳng thế mà, dù người đi lễ chùa ngày một đông, của dâng thức cúng cũng cầu kỳ, linh đình hơn hẳn, song cảm giác về thời kỳ mạt Pháp lại hiện hữu đâu đó.

Bên cạnh đó, có cảm giác, quyền lực và tiền bạc cũng đang dần chiếm cứ các không gian tâm linh. Lễ hội thì bị cảnh báo là “quan hóa” khi dành mọi nghi thức trang trọng nhất cho các quan chức. Cảnh xe công tấp nập đi chùa, đi dự hội và ngự ở các vị trí VIP chẳng còn hiếm.

Còn giới đại gia không ngừng sắp xếp trước cho mình chốn an nghỉ hoàng tráng, nguy nga không kém gì nơi ở lúc đang sống. Họ cũng không tiếc tiền đổ vào xây chùa, dựng tượng nhằm cầu nhiều tiền, lắm biệt thự, siêu xe hơn không chỉ cho kiếp này mà còn cho cả kiếp sau.

Đáng buồn hơn cả là, trong bối cảnh hiện nay, nhà chùa vốn được trông đợi làm rường cột để nắn chỉnh nhân tâm, thì có lúc lại đang góp phần “thỏa hiệp” với những bát nháo.

Như trong trường hợp “chùa đại gia”, nếu nhà chùa một mực nghiêm cẩn giữ quy tắc, thì sao có chuyện phật tử được chễm chệ đến vậy. Đằng này, theo chính vị đại gia kia khẳng định và nhiều người dễ dàng suy đoán, việc làm của ông phải được sự “thống nhất cao” của nhà chùa.

Trong thời buổi việc xây dựng, trùng tu chùa chiền được xã hội hóa rộng khắp, nhà chùa lại càng khó làm mất lòng “nhà đầu tư” của mình.

Công đức ít tiền thì ghi nhận khiêm tốn, công đức lớn tiền thì ghi nhận cần hoành tráng tương xứng, điều này dường như đã thành “lệ ngầm” ở chốn cửa chùa.

Mà xét cho cùng, trong chuyện này chẳng ai bất lợi. Người cung tiến thì được dịp nở mày nở mặt với thiên hạ. Còn nhà chùa “lại được dịp xác lập những kỷ lục cung tiến mới để tiếp tục thử thách “lòng thành” và mức độ hảo tâm của những kẻ khác” như một bài báo bình luận.

Một số ý kiến chỉ ra, bản thân các chùa cũng đang có khuynh hướng đua nhau xây chùa thật sang trọng, quy mô bằng tiền quyên góp của Phật tử giàu có.

Các nhà sư không còn hoàn toàn gắn liền với hình ảnh áo nâu sồng, đời sống đơn sơ, khó nghèo mà nhiều vị cũng đã sắm xe này, điện thoại nọ tùy theo khả năng thu hút công đức từ phật tử.

Chùa ngày thêm đông, thêm đồ sộ mà nhân tâm lại thêm rỗng và bóng Phật thêm vắng là cảm nhận về thời bây giờ vậy!

 
Hải Tâm- VNN
 
 
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 15

Post Views: 271