Sống dậy tinh thần Phật giáo
Bởi vì mỗi cá nhân, mỗi gia đình Phật tử thực hiện đúng đường lối Phật dạy những cái hay đẹp ấy sẽ lây nhiễm sang những cá nhân và gia đình khác dần dần nhân gian biến thành Tịnh độ. Nếp sống của người xuất gia cao siêu cách biệt quần chúng quá, dù cố gắng cách mấy cũng khó ảnh hưởng lây.
Vì thế, Phật tử tại gia có trách nhiệm làm linh động và sống dậy tinh thần Phật giáo qua nếp sống cá nhân và gia đình mình.
Phật tử tại gia lâu nay có quan niệm sai lầm, khi nói đến Phật sự là đinh ninh cúng chùa, cất chùa, trai nguyện, công quả v.v… lãng quên yếu tố căn bản “Làm sống dậy lời Phật dạy”. Phật tử tại gia phải cố gắng thực hiện, lấy gia đình mình làm cứ điểm lợi ích thiết thực của Phật giáo để trả lời mọi nghi ngờ và phê bình của quần chúng.
Muốn cho quần chúng thấy cái hay, cái đẹp của Phật giáo, Phật tử tại gia trước hết lấy giáo lý điêu luyện cá nhân mình, chính bản thân mình là phản ảnh trung thành của Phật giáo, mà trước hết là Quy y và Thọ giới.
Quy y là đặt cho mình một lý tưởng, vạch một lối đi. Phật là mục tiêu cao cả để ta nhắm tới, Pháp là đường lối tiến đến mục tiêu ấy, Tăng là người hướng dẫn đi đúng đường lối tiến lên mục tiêu đã nhắm. Cho nên, Quy y là định hướng của người Phật tử, Quy y rồi cá nhân mình không còn cái khổ phiêu bạt linh đinh của con người vô lý tưởng.
Giữ 5 giới cấm, hành 5 hạnh Phật
Năm giới cấm là phần thiện tiêu cực của Phật tử. Giữ trọn năm giới là nhân cách con người được đầy đủ và bảo đảm một con người toàn vẹn ở tương lai. Sự thảm khốc của cảnh tương tàn tương xác, sự khổ đau cướp giựt lẫn nhau, sự xấu xa của gia đình thương luân bại lý, sự nghi ngờ trong xã hội điêu ngoa, sự say sưa ở trà đình tửu điếm… người Phật tử đều vượt khỏi những cái tủi nhục này.
Ngược lại, người Phật tử luôn luôn bảo vệ sinh mạng nhau, sẵn sàng tôn trọng tài sản của nhau, biết giữ gìn can thường đạo lý sống chân thành tự trọng và lúc nào cũng sáng suốt khôn ngoan. Chỉ giữ năm giới cá nhân đã khỏi sa vào hố trụy lạc, gia đình được êm ấm tin yêu; nếu toàn thể xã hội biết giữ năm giới thì hạnh phúc thay cho cuộc sống thanh bình!
Còn năm hạnh của Phật, Phật tử tại gia áp dụng vào đời sống thực tế để tạo cho mình một nếp sống đẹp đẽ và đem lại cho gia đình, cho xã hội an lạc, thuận hòa và mỹ lệ. Đó là: Từ bi, nhẫn nhục, hỷ xả, tinh tấn, trí tuệ.
Từ bi là tự tâm ta phát hiện lòng thương chân thật, biểu lộ trong hành động, ngôn ngữ chia vui sớt khổ cho nhau. Với Phật tử tại gia, đối tượng thực hiện lòng thương này là cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc hàng xóm. Trong gia đình, lúc nào người Phật tử cũng đem lại sự an vui cho cha mẹ, anh em, vợ con, không bao giờ làm cho ai buồn khổ. Nếu cha mẹ, anh em, vợ con có điều gì đau khổ chính mình phải tìm cách giải cứu san sớt cho được vơi đi.
Đối với thân thuộc, hàng xóm chúng ta cũng thông cảm chia vui sớt khổ cho nhau. Những khi hoạn nạn, những lúc đau buồn của người thân thuộc nên coi như là hoạn nạn đau buồn của chính ta, cố gắng tìm cách giải cứu.
Đã thương nhau thì phải hòa thuận nhịn nhường nhau, nhất là đối với cha mẹ, dù mắng rầy quở phạt có phần quá đáng, người Phật tử vẫn nhẫn nhịn cam chịu, không bao giờ dám to tiếng chống đối, đợi khi nào cha mẹ nguôi cơn giận, ta mới nhỏ nhẹ thưa lại những nỗi hàm oan. Với anh em, ta cũng nhẫn nhịn nhau những khi buồn tức, không nên để cho cơn giận dữ nổi lên làm phân ly tình cốt nhục.
Vợ chồng phải nhường nhịn nhau, khi chồng giận vợ nhường, khi vợ tức chồng nhịn, đợi qua cơn tức giận sẽ nhã nhặn khuyên bảo nhau. Có khi nhường nhịn người ngoài dễ hơn nhường nhịn người trong nhà vì người ngoài coi nhau như là khách nhịn một chút cho qua, ít khi gặp lại nhau, người trong nhà ra vào gặp nhau nên có gì bực tức khó nhịn được.
Tập nhẫn nhục phải thực hiện ngay trong gia đình trước, khi ở gia đình đã thành công thì đối với người ngoài không khó. Có nhiều người đối đãi với bạn bè hàng xóm rất nhã nhặn vui vẻ, trái lại cư xử trong nhà thì thô bỉ cáu kỉnh. Đó là không biết thực hiện hạnh nhẫn nhục cho chính đáng.
Nhẫn nhục bậc thấp nhất là những người có quyền thế bề trên, bậc trung là những người ngang hàng mình, bậc thượng là những kẻ dưới tay mình, Phật tử chúng ta phải tiến từ bậc thấp đến bậc cao tột cùng.
Đã nhẫn nhịn được, cần phải hỷ xả, không nên ôm ấp buồn phiền trong lòng. Đã là phàm tục như nhau thì có ai tránh được sự lỗi lầm, khi người này phạm lỗi lầm người kia vui vẻ tha thứ, lúc người kia phạm lỗi lầm người này sẵn sàng hỷ xả.
Được vậy, trong gia đình sẽ giữ mãi được vẻ ấm êm tình hòa mục, bằng không thì khó thấy sự vui vầy. Cha mẹ luôn luôn có thái độ bao dung sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con; anh em rộng lượng dung thứ nhau cho tình cốt nhục thêm nồng; vợ chồng vui vẻ tha thứ cho nhau để giữ một niềm thủy chung như nhất.
Cầu tiến, hướng thượng
Tuy nhiên, tinh thần Phật tử luôn luôn muốn xây dựng mọi người chung quanh mình được tốt đẹp, nếu thấy người có điều quấy liền nhắc nhở chỉ dạy, khi người nhận lỗi liền vui vẻ tha thứ; người phạm lỗi phải can đảm nhận lỗi, người chỉ lỗi vui vẻ thứ tha; không nên có tính cách thấy người tha lỗi mình cứ phạm lỗi mãi.
Chuyên cần cầu tiến là sự tất yếu của con người hướng thượng. Phật tử tại gia là người sống trong cảnh trần tục mà luôn luôn ôm ấp ý chí hướng thượng, lúc nào cũng cần cầu tiến.
Trước nhất, chuyên cần chuyển hóa tâm niệm, hành động, ngôn ngữ xấu xa của mình trở thành tốt đẹp. Giá trị tu tập là ở chỗ cố gắng cải hóa bản thân mình.
Thứ đến, Phật tử chuyên cần làm việc hằng ngày theo khả năng mình để đem lại cơm no áo ấm cho gia đình. Nếu cả ngày Phật tử bàn luận những lý thuyết cao siêu huyền diệu mà vợ con đói rách nheo nhóc, lý thuyết sẽ trở thành chất vị chua cay khiến vợ con chán sợ nó.
Hơn nữa, Phật tử tại gia còn phải chuyên cần mong có dư giả chút ít để giúp đỡ những người tàn tật, đói thiếu làm vơi phần nào đau khổ cho nhân loại.
Đạo Phật rất chú trọng phần trí tuệ, có trí tuệ con người mới khỏi lạc lầm, đau khổ. Dù gắng làm mọi việc lành, nếu thiếu trí tuệ phán đoán chưa hẳn việc làm ấy đã là lành. Phật tử chúng ta nếu thiếu trí tuệ không thể thành một Phật tử chân chính được. Muốn có trí tuệ, Phật tử trước phải phá những cái tin tưởng sai lầm, chớ tin đồng bóng, sâm quẻ, tướng số v.v… là những hiện tượng mê mờ.
Để được khai thông trí tuệ, người Phật tử phải học kinh điển Phật giáo, nhờ ngọn đuốc trí tuệ của Phật chiếu phá mê mờ rồi ta y cứ vào đó làm nền tảng khiến trí tuệ khai phát.
Nghiêm giữ 5 giới cấm, cần cù hành 5 hạnh lành, mỗi Phật tử không chỉ tiến tu cho mình mà còn góp phần cải thiện môi trường sống, tạo dựng hòa khí chung quanh mình cho một xã hội an lành hơn…
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 16