CN1231.Suy ngẫm về việc truyền giới Bồ-tát & giới Thập thiện cho người cư sĩ

CN1231.Suy ngẫm về việc truyền giới Bồ-tát & giới Thập thiện cho người cư sĩ

Trong Phật giáo, giới luật đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Tăng đoàn. Giới luật và Chánh pháp là hai tạng có thể hướng dẫn hàng hậu học tu hành giác ngộ giải thoát.

 

Điều này được Đức Phật chỉ dạy trước khi diệt độ. Đức Thế Tôn bảo ngài A-nan-đa rằng “Pháp và Luật của Ta là Bậc Đạo sư của các Ngươi”(1). Từ đó, giới luật được xem như là thọ mạng của Phật giáo.
 
Một buổi lễ truyền Bồ-tát giới tại thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc
 

Tuy nhiên, với hàng đệ tử tại gia (cư sĩ), chỉ có giới được áp dụng. Giới ở đây được xem như là những điều học, những điều dạy về đạo đức có giá trị khuyến khích hơn là trừng phạt. Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, giới của cư sĩ chỉ có năm giới và Bát quan trai giới (tám giới). Với truyền thống Phật giáo Bắc truyền, “giới thập thiện” và giới Bồ-tát được đưa thêm vào(2). Bài viết sẽ tìm hiểu về việc truyền giới Bồ-tát và “giới Thập thiện” dành cho người cư sĩ tại gia theo truyền thống Bắc truyền.

 

Khái niệm giới luật

Giới (Sila) là những điều răn cấm hay đúng hơn là những điều học do Đức Phật chế định cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp. Giới có công năng ngăn ngừa điều xấu ác, đem đến sự giải thoát khổ đau do hành động xấu gây ra và làm cho cuộc sống có sự hòa hợp, an lạc.

Trong khi đó, Luật (vinaya) là những nguyên tắc do Đức Phật quy định dành cho hàng xuất gia sống tập thể Tăng đoàn. Luật là những điều hướng dẫn để Tăng chúng nghiêm trì giới cấm và cũng là những phương pháp hướng dẫn xử lý các trường hợp vi phạm giới luật trong Tăng đoàn(3).

Với chủ trương xiển dương tư tưởng Đại thừa, truyền thống Phật giáo Bắc truyền có thêm giới Bồ-tát. Giới Bồ-tát, theo nghĩa rộng, là trì tất cả tịnh giới (nhiếp luật nghi giới), là làm tất cả các điều lành (nhiếp thiện pháp giới) và là làm lợi ích cho chúng sanh (nhiêu ích hữu tình giới). Nói cách khác, giới Bồ-tát là không làm các điều bất thiện, phát tâm làm các điều thiện và chủ đích là phụng sự đem lợi lạc đến cho chúng sanh. Theo Hòa thượng Thánh Nghiêm, “Bồ-tát giới nghĩa là giới của Bồ-tát. Muốn làm Bồ-tát trước tiên phải thọ Bồ-tát giới”(4).

Trong Phật giáo, danh từ giới thể thường được nhắc đến bên cạnh giới tướng. Thiết nghĩ, giới thể mang tính trừu tượng và đạt được qua sự hành trì Phật pháp của mỗi cá nhân chứ không phải ai truyền cho được. Trong những năm đầu thành lập Tăng đoàn, Đức Phật chưa chế giới. Tuy nhiên, không ai có thể nói các đệ tử lớn như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… không đắc giới thể bởi các ngài đã thực hành Chánh pháp và đã chứng Thánh quả. Do đó, vấn đề giới thể không bàn trong bài viết này.

Mục đích chế giới của Đức Phật

Có thể nói rằng, giới luật được Đức Phật chế ra nhằm vào đối tượng là người xuất gia hay Tăng đoàn. Mục đích chế giới của Đức Phật là để giúp các đệ tử hoàn thiện chính bản thân, tức là chuyển hóa nội tâm và để phù hợp với hoàn cảnh xã hội nhằm tránh những ảnh hưởng xấu đến uy tín của Tăng đoàn. Về hoàn thiện bản thân, giới giúp hành giả tránh sai lầm bất thiện, tịnh hóa ba nghiệp và làm nền tảng cho sự phát triển trí tuệ. Về ứng xử xã hội, giới giúp Tăng đoàn khỏi bị người đời chê trách, ngăn ngừa những hành động sai trái của các cá nhân và làm lợi ích đời sống tập thể.

Luật tạng cũng ghi mười lợi ích của việc chế giới(5). Trong đó, giới là nhằm nhiếp phục Tăng chúng để cho Tăng đoàn hòa hợp, an lạc (từ lợi ích 1 đến 5). Từ đó, Tăng đoàn mới xứng đáng trở thành nơi hàng tại gia tin tưởng (lợi ích 6, 7). Giới cũng có công năng giúp hành giả đoạn trừ các lậu hoặc tức phiền não (lợi ích 8, 9). Cuối cùng, nhờ Tăng đoàn nghiêm trì giới luật mà Chánh pháp được tồn tại lâu dài (lợi ích 10).

Việc chế giới được tin là bắt đầu từ năm thứ 13 sau khi có thành viên trong Tăng đoàn phạm vào các điều ô uế hay bất thiện. Như vậy, Đức Phật không phải tự bày ra giới mà chỉ chế giới khi trong Tăng đoàn có người làm những điều bất thiện hay lậu hoặc(6).

Từ mục đích chế giới trên, có thể nói rằng thọ giới là sự tự nguyện của mỗi cá nhân khi muốn hoàn thiện bản thân và trở thành thành viên của Tăng đoàn. Tuy nhiên, khi đã là thành viên của Tăng đoàn, vị ấy phải sinh hoạt theo giới luật của Tăng đoàn. Sự tự nguyện ở đây phải được hiểu là hoặc sống đời sống xuất gia theo giới luật Tăng đoàn hoặc sống đời sống cư sĩ tại gia theo ý nguyện cá nhân.

Người cư sĩ tại gia phát nguyện thọ giới để tu tập nhằm hoàn thiện nhân cách hướng đến đời sống an lạc giải thoát phiền não trong cuộc sống thế tục. Sự phát nguyện ấy có thể duy trì lâu dài và cũng có thể gián đoạn hay chấm dứt do phạm giới. Do đó, có thể nói sự truyền giới cho hàng cư sĩ mang tính chất khuyến khích hơn là bắt buộc như hàng xuất gia. Vì tính chất khuyến khích nên thiết nghĩ cũng cần xét đến tính thực tế dựa trên năng lực thực hành của người phát tâm thọ giới để hạn chế hình thức.

Nguồn gốc và nội dung giới Bồ-tát và giới Thập thiện

Theo sử liệu Phật giáo, các giới Đức Phật chế ra đều có đối tượng cụ thể vi phạm. Các đối tượng ấy là những đệ tử của Đức Phật như Tu-đề-na, Đàn-ni-ca…

Tuy nhiên, đối tượng Đức Phật chế giới Bồ-tát không phải là nhân vật lịch sử cụ thể. Theo kinh Phạm võng (bản giới Bồ-tát được sử dụng phổ biến ở Việt Nam), Đức Phật giảng kinh này cho đại chúng nhưng chỉ nói chung chung chứ không rõ đại chúng nào. Vì thuyết giới chung cho đại chúng nên không phải vì có người vi phạm mà chế giới. Các giới Bồ-tát như thế được hiểu như là những điều đạo đức hướng thượng. Nếu người nào thực hành giới thì người đó sẽ hưởng quả lành. Nếu không thực hành mà còn làm ngược lại thì vị ấy chịu quả báo ác. Đó là tinh thần nhân quả. Đối với giới Bồ-tát, không có điều luật tương ứng để xử lý những trường hợp vi phạm giới.

Hòa thượng Thánh Nghiêm viết: “Truyền thuyết cho rằng Đức Phật Thích Ca truyền giới Bồ-tát cho ngài Di Lặc. Ngài Di Lặc truyền xuống cho hơn 20 vị Bồ-tát lần lượt truyền nhau…”(7). Bồ-tát Di Lặc được tin là sẽ xuất hiện trong đời vị lai nên không phải là nhân vật lịch sử đời quá khứ hay hiện tại. Như vậy, sự truyền thọ giới Bồ-tát hoàn toàn khác với sự truyền thọ giới Thanh văn.

Điều kiện thọ giới Bồ-tát là đối tượng thọ giới phải có chủng tánh Bồ-tát hay Đại thừa, phát Bồ-đề tâm và không bị các chướng ngại gồm phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng. Đây là một thách đố đối với những ai truyền thọ giới Bồ-tát bởi không có tiêu chuẩn đánh giá cụ thể.  Khi đã thọ giới, người thọ giới Bồ-tát sẽ mất giới trong hai trường hợp là phạm giới trọng và xả Bồ-đề tâm(8). Việc mất giới cũng tự cá nhân biết và không có luật xử lý như giới Thanh văn.

Theo nguyên tắc thì Bồ-tát giới gồm đủ 10 giới trọng và 48 giới khinh được ghi trong kinh Phạm võng. Tuy nhiên, vì phương tiện nên Bồ-tát giới tại gia chỉ thọ 6 giới trọng và 28 giới khinh được lấy từ phẩm Thọ giới, kinh Ưu-bà-tắc giới. Nội dung 6 giới trọng của giới Bồ-tát tại gia tương đương với năm giới, còn 28 giới khinh là những lời khuyên làm thiện và có thể thực hành được.

Các giới khinh là những lời khuyến khích bao gồm cúng dường cha mẹ, sư trưởng (1); chăm sóc người bệnh khổ (3, 28); bố thí cho người hành khất (4); thi lễ khi gặp bậc tôn trưởng (6); tu Bát quan trai giới (7); đi nghe pháp (8); không dùng của thường trụ (9); không đi vào nơi hiểm nạn một mình (11), không ngủ lại chùa (khác giới tính) một mình (12); không vì mình đánh mắng người (13); không đem thức ăn thừa cho người (14); không nuôi súc vật ăn thịt (15); cho người khác động vật lớn phải làm phép tịnh thí (16); dự trữ y bát… để cúng dường người thọ giới Bồ-tát (17); không vi phạm pháp luật nhà nước (22); cúng dường Tam bảo trước khi hưởng thành quả (23); không tán thán quan điểm riêng khi đại chúng không chấp thuận (24); không giành đi trước bậc tôn kính (25); cúng dường thức ăn bình đẳng (26); không nuôi tằm (27). Trong 28 giới khinh, có một số giới lặp lại hay triển khai từ giới trọng như giới thứ hai (say rượu), thứ 10, 18 (liên quan sát sinh), thứ 19, 21 (liên quan trộm cắp), thứ 20 (liên quan giới dâm).

Nhìn chung, giới Bồ-tát tại gia dựa trên căn bản năm giới và những lời dạy đạo đức khuyến khích người cư sĩ sống đúng đạo làm người, thể hiện lòng từ với người bệnh và động vật, biết bố thí cúng dường, biết đi nghe pháp và tập tu hạnh xuất gia (Bát quan trai). Tuy nhiên, giới Bồ-tát tại gia chưa có điều nào khuyến khích người cư sĩ bố thí pháp, tức là làm công việc hoằng pháp bằng con đường phổ biến lời Phật dạy.

Có thể nói nhiệm vụ quan trọng của một vị Bồ-tát là cứu độ chúng sanh qua việc bố thí pháp chưa được đề cập. Do đó, sau khi thọ giới người thọ giới Bồ-tát cũng không có biểu hiện gì khác so với người Phật tử quy y và thọ năm giới. Một người Phật tử chân chính không thọ giới Bồ-tát vẫn phải cư xử phù hợp với những điều giới Bồ-tát tại gia vì đó là những điều đạo đức phổ biến. Đây là điều cần suy ngẫm để làm sao việc truyền thọ giới Bồ-tát tại gia có hiệu quả tích cực hơn.

Về Thập thiện, từ “giới” không rõ được đưa vào khi nào để trở thành “giới Thập thiện” và sự truyền thọ giới này bắt đầu từ khi nào? Kinh Saleyyaka thuộc kinh Trung bộ đề cập Thập thiện là mười điều thiện được thực hành đúng pháp, đúng chánh đạo thông qua ba nghiệp là thân, khẩu, ý hành. Thân không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh đối với các dục. Khẩu không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm. Ý không tham, không sân, không tà kiến (si mê).

Theo Phật giáo Bắc truyền, mười điều thiện được trình bày trong kinh Thập thiện nghiệp đạo. Kinh này được tin do Đức Phật thuyết cho 8.000 Đại Tỳ-kheo và 32.000 Bồ-tát tại cung rồng Ta-kiệt-la.

Đây là mười điều thiện hay mười điều đạo đức dành cho tất cả những ai sống đời sống hướng thượng, đời sống bậc thánh. Trong đó, bảy điều thiện đầu thuộc về các giới của xuất gia và tại gia, ba điều sau không tìm thấy trong giới luật Phật chế cho Thanh văn. Tất nhiên, trong các kinh cũng có đề cập những điều đạo đức liên quan đến giới nhưng không phải tất cả đều quy định trong giới bổn. Ba điều thiện sau là một ví dụ. Trong trường hợp này, chúng được xem như là pháp.

Kết luận

Bản chất của giới là những điều đạo đức, điều luật nhằm giúp con người tránh các điều ác, làm các điều lành. Giới là nền tảng để có cuộc sống an tịnh đưa đến phát triển trí tuệ giác ngộ giải thoát. Giới luật là cơ sở để Tăng đoàn sống hòa hợp, an lạc. Do đó, việc truyền thọ giới là có mục đích và mang tính khả thi.

Giới Bồ-tát nhấn mạnh về khía cạnh tâm Bồ-đề, tức tâm phát nguyện độ sanh làm lợi ích cho nhiều người. Vì mang tính chất phát nguyện nên giới Bồ-tát không có một cơ chế xử lý như giới Thanh văn.

Tất nhiên, việc truyền thọ giới Bồ-tát là tích cực nhưng nó cần phải dựa trên kết quả thực hành chứ không phải hình thức. Với việc truyền “giới Thập thiện”, thiết nghĩ cũng cần phân biệt đâu là giới và đâu là pháp. Giới thọ phải giữ gìn, còn pháp thì tự học và hành theo. 

 Thích Hạnh Chơn – Vườn hoa Phật giáo

_________________

(1) Kinh Đại bát Niết-bàn thuộc kinh Trường bộ

(2)  Hòa thượng Thánh Nghiêm thêm Tam quy cũng là giới vì ngài cho rằng quy y Tam bảo thì không được quy y thiên thần quỷ vật, không quy y ngoại đạo tà giáo và không quy y tổn hữu ác đãng. Thực ra, các ý này được thêm vào sau này vì văn tác bạch quy y Tam bảo của Đức Phật dạy không có ghi các điều cấm. Hòa thượng Thánh Nghiêm không có đề cập “giới Thập thiện” cho người tại gia mà chỉ đề cập Thập thiện. (HT.Thánh Nghiêm, Cương yếu giới luật, Thích nữ Tuệ Đăng dịch, NXB.Thời Đại, 2010, thiên thứ nhất).

(3)  Xem thêm Thích Phước Sơn, “Đôi nét về giới luật”, Nguyệt san Giác Ngộ, số 71 & 72, 2002.

(4)  HT.Thánh Nghiêm, Cương yếu giới luật, Thích nữ Tuệ Đăng dịch, NXB.Thời Đại, 2010, thiên thứ bảy.

(5)  1. Vì nhiếp phục Tăng chúng, 2. Vì nhằm triệt để nhiếp phục Tăng chúng, 3. Vì muốn cho Tăng chúng an lạc, 4. Vì để nhiếp phục những người không biết hổ thẹn, 5. Vì để cho những người biết hổ thẹn cư trú yên ổn, 6. Vì để cho những người không tin khiến họ tin tưởng, 7. Vì để cho những người đã tin tăng thêm lòng tin, 8. Vì muốn dứt hết pháp lậu hoặc ngay trong hiện tại, 9. Vì để cho những lậu hoặc chưa sinh không thể sinh khởi, 10. Vì muốn cho Chánh pháp được tồn tại lâu dài. (Thích Thiện Siêu, Cương yếu giới luật, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr.20-21).

(6)  Thích Thiện Siêu, Cương yếu giới luật, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr.20.

(7)  HT.Thánh Nghiêm, Cương yếu giới luật, Thích nữ Tuệ Đăng dịch, NXB.Thời Đại, 2010, thiên thứ bảy.

(8)  HT.Thánh Nghiêm, Cương yếu giới luật, Thích nữ Tuệ Đăng dịch, NXB.Thời Đại, 2010, thiên thứ bảy.

 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 9

Post Views: 274