Bạn thân mến!

 

Một vị Phật xuất hiện trong cuộc đời bạn để giúp bạn hạnh phúc, nhưng không phải niềm hạnh phúc tạm thời vốn đầy điều kiện và bám chấp, ví dụ như tôi chỉ hạnh phúc nếu người ấy yêu tôi, nếu không có người ấy thì tôi không còn hạnh phúc…

 

Một vị Phật có thể giúp cho bạn hạnh phúc không phải vì Người đem tới cho bạn một đối tượng bạn yêu thích, như một người yêu, một đồ vật hay một sự thành công bạn ước ao…Người sẽ giúp bạn nhận ra rằng hạnh phúc không bao giờ đến từ một đối tượng bên ngoài, nó đã có sẵn bên trong bạn, nhưng tạm thời bị che lấp bởi những niềm tin và hiểu biết sai lầm.

 

Nếu bạn đang có một đối tượng để yêu thì nó cũng đang trong quá trình thay đổi và biến mất. Người yêu bạn cũng đang già đi, luôn sẵn sàng bệnh tật và chết không biết lúc nào nếu một tai nạn xảy ra, đó là nỗi khổ chờ sẵn.

 

Người bạn mong mỏi sẽ tới với mình thì còn chưa chắc tới, đó là nỗi khổ của mong đợi. Những người yêu đã từng làm bạn hạnh phúc thì đã chia xa, đó là nỗi khổ tiếc nuối. Ngay người yêu bây giờ cũng có những lúc không yêu bạn như bạn muốn, làm bạn giận dỗi, thất vọng… đó là nỗi khổ vì sở hữu. Nếu khổ đau luôn chờ chực, vậy thì bạn còn trông đợi vào loại hạnh phúc nào?

Hãy để Trongsuot nói với bạn rằng: “Bạn chỉ có một cách duy nhất là hạnh phúc ngay bây giờ, ngay ở đây, với những gì đang xuất hiện. Hạnh phúc này có mặt không phải vì bạn sở hữu được đối tượng mình mong muốn, mà vì bạn đã nhìn thấu ảo tưởng về cái tôi và thoát khỏi khỏi các ý niệm về người sở hữu và cái được sở hữu. Khi không còn ham muốn có được cái gì khác, bạn hòa nhập hoàn toàn với cái đang là. Thả lỏng và thư giãn với những gì đang xảy ra, không bận tâm thay đổi, sửa chữa và nắm bắt bất cứ điều gì, mọi việc đến và đi một cách tự nhiên. Và bạn hạnh phúc với tất cả những gì đang đến và đang đi đó.”

Có lẽ bạn đã đọc về điều này trong các bài viết trước của Trongsuot, hoặc bạn đã nghe ở đâu đó về tình yêu không bám chấp. Dù thấy nó là đúng, bạn cũng đã thử cố làm được và thấy thật là khó.

Một người bạn của Trongsuot gần đây quyết định lấy vợ và anh ấy cũng thấy như vậy, sao biết là không nên bám chấp mà giận dỗi vẫn nảy sinh khi người kia có gì đó không hợp ý mình, sao biết là không nên bám chấp mà ý nghĩ muốn từ bỏ mối quan hệ mạnh lên mỗi khi thấy về lâu dài người kia với mình có điều không hợp? Vấn đề là biết nhưng làm thế nào để yêu mà không bám chấp, có đúng vậy không?

Bạn thân mến, bạn không thể thay đổi nếu chỉ đọc hoặc nghe những lời giảng dù tuyệt vời đến mấy, hay nói cách khác, bạn không thể thay đổi được chỉ bằng sự hiểu biết và lý trí. Nếu hiểu biết làm bạn thay đổi được, có lẽ giờ đây bạn đã là một bậc thánh từ lâu, vì sách vở đã nói rất nhiều và bạn cũng đã đọc không ít.

Các cảm xúc và ý nghĩ tiêu cực vẫn có thể nảy sinh và có khả năng khống chế bạn cho dù bạn hiểu biết đến mấy, bởi vì sự hiểu biết chỉ là các suy nghĩ, nó không thể mạnh mẽ bằng cảm xúc! Nếu bạn nghĩ rằng ngược lại thì cứ thử xem, khi bạn đang yêu cuồng si hoặc đang trong cơn giận dữ và hành động theo cảm xúc, các hiểu biết của bạn ở đâu?!

Trong cuốn sách cổ Tây Tạng có chuyện kể rằng một nhà sư đã học 18 năm tại một tu viện, chiều chiều ông ngồi thiền dưới một gốc cây. Một hôm có một người hành khất đi qua và hỏi: “Ngài ngồi đây để làm gì?” Ông trả lời: “Ta ngồi để thiền định về lòng nhẫn nhục”. “Cái gì, Ngài cứ ngồi một mình thế này chả có ích cho ai, khác nào một cục phân”. Thế là nhà sư nổi giận và đứng dậy đánh ngay lão ăn mày! Bao nhiêu hiểu biết của ông về lòng nhẫn nhục trong giây phút ấy đã bay đi đâu hết.

Một câu chuyện khác, nhà thơ Tô Đông Pha nổi tiếng đời Đường cảm thấy mình tu hành đã thành công, nên viết một lá thư, sai thư đồng đem đến cho Thiền sư Phật Ấn ở chùa Kim Sơn ấn chứng.

Trong thơ viết:

“Kính lạy đức Phật đà
Hào quang chiếu đại thiên
Tám gió không lay động
Đoan toạ trên toà sen”

Tám gió chỉ cho tám cảnh thường gặp trong cuộc sống, có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của con người, cho nên hình dung nó là gió “Khen, chê, vinh, nhục, sướng, khổ, được, mất”. Ý bài thơ này nói Tô Đông Pha đã tu hành đến độ tám gió không còn lay động được nữa.

Thiền sư Phật Ấn nhận bài thơ của Tô Đông Pha từ tay đứa thư đồng, xem một lúc, rồi cầm bút phê hai chữ, bảo thư đồng cầm về.

Tô Đông Pha cho rằng Thiền sư Phật Ấn nhất định sẽ tán thưởng cảnh giới tu hành tham thiền của mình, nên vội vàng mở ra xem lời phê của Thiền sư. Nhưng vừa xem đã thấy rõ ràng hai chữ “đánh rắm”, nên vô cùng tức giận, liền đi thuyền sang sông tìm Thiền sư để hỏi cho ra lẽ.

Lúc thuyền sắp đến chùa Kim Sơn, Thiền sư Phật Ấn đã ra đứng bên bờ sông đợi Tô Đông Pha, Tô Đông Pha vừa thấy Thiền sư Phật Ấn liền tức giận nói: “Thiền sư! Chúng ta từ quen biết trở thành bạn đạo, thơ của tôi, sự tu hành của tôi, ngài không khen cũng được đi, sao lại mắng người ta?”

Chỉ thấy Thiền sư Phật Ấn ra vẻ như không có gì nói: “Tôi mắng ông gì đâu?”

Tô Đông Pha liền đưa hai chữ “đánh rắm” phê trên bài thơ cho Thiền sư Phật Ấn xem.

Thiền sư Phật Ấn cười lớn đáp: “Ồ! Không phải ông nói “tám gió thổi không lay động sao?” tại sao ta mới đánh rắm mà đã thổi ông bay qua sông rồi vậy?”

Lập tức, Tô Đông Pha cảm thấy mình bị mắc lừa Thiền sư, tự rất xấu hổ. Tu hành không phải chỉ hiểu biết suông mà còn phải làm chuyển hóa được cảm xúc, mới là công phu chân thật.

Một vị Phật có thể giảng cho bạn nhận ra rằng hạnh phúc chân thật thì không còn phụ thuộc vào đối tượng nào. Trước khi bạn thực hiện được điều này, Ngài sẽ hiện ra như vợ, như người yêu, những người mà bạn gắn bó nhất để giúp bạn học cho được bài học đó.

Nếu bạn chỉ đọc và nghe thôi mà không thực tập sâu sắc, hạnh phúc sẽ không đến với bạn. Những lời giảng là vô nghĩa nếu bạn thiếu đi cơ hội để thực hành. Và Trongsuot nói với bạn rằng, sự chuyển hóa xảy ra nhanh nhất là sự chuyển hóa các cảm xúc tiêu cực ngay khi nó xảy ra.

Những lời giảng chỉ thực sự có giá trị khi bạn chuyển hóa được cảm xúc của chính mình. Cái gọi là có bám chấp hay không thể hiện rõ rệt nhất trong việc bạn hành xử thế nào khi các cảm xúc từ các sự kiện tiêu cực xảy ra. Và để làm được điều đó, bạn cần các cảm xúc xuất hiện và làm việc với chúng, bạn cần điều kiện để các cảm xúc phát sinh!

Trong cuộc đời thật hiếm khi có được một người bạn gây ra được cảm xúc như thiền sư Phật Ấn làm với Tô Đông Pha, nhưng vợ hay người yêu bạn còn hơn cả Phật Ấn, đó là người sẽ giúp bạn nảy sinh ra các cảm xúc mạnh mẽ mỗi ngày. Đó chính là cơ hội để bạn nắm lấy để tập và chuyển hóa ngay trong lúc đó!

Giống như khi một người xa lạ nhận xét không tốt về bạn, bạn có thể thấy bình thường. Nhưng người mà bạn tin yêu nhất nói một điều gì không tốt về bạn, bạn cảm thấy buồn bã, thất vọng hay giận dỗi. Một người ngoài khó có thể làm những điều đó nảy sinh, nhưng một người yêu lại có cái năng lực làm những cảm xúc mạnh mẽ đó dễ dàng nổi lên trong bạn. Và không chỉ một lần, mà do sự gần gũi nó có thể xảy ra đi xảy ra lại, nào là tức giận và bối rối, lo lắng và sợ hãi…

Các cảm xúc xảy ra vừa như một lời nhắc nhở cho thấy bạn cần phải bạn học cách làm việc với chúng và chuyển hóa , vừa như một phương tiện thực hành hiệu quả cho bạn tập.

Khi nhìn người yêu như nữ Phật, tất cả những cảm xúc tiêu cực cho dù nó là thứ gì, tạm thời hay đã thành khuôn mẫu, nảy sinh trong quá trình quan hệ giữa hai người sẽ nhắc nhở bạn rằng Đức Phật đang giúp bạn thông qua việc biến thành người bạn yêu. Và thay vì để giận hờn hay bực bội khống chế, hãy nhìn các hành động như một lời dạy và chủ động chuyển hóa chính cái cảm xúc đó để học bài học nó đem tới cho bạn.

Người yêu đem tới cho bạn một cơ hội mà người bình thường không thể đem tới được, bằng việc này, họ chính là một vị Phật đối với bạn.

Và vì vậy, hãy nhìn vợ hay người yêu như nữ Phật, bắt đầu từ hôm nay.
 

Nguồn: phutsuyngam.com
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 22

Post Views: 354