CN1215.Con người văn hóa, xin chớ xem mình là cái rốn của vũ trụ

Xem mình là cái rốn của vũ trụ, đó là thường tình của con người, “ngộ” ra rằng mình gần như là con số không, đó là văn hóa. Và để “ngộ” ra điều đó, với tôi, không có gì bằng đọc kinh điển Phật giáo, vì đó là cơ duyên để ta tập nhìn vào đại dương trí tuệ mà biết mình là ai giữa cái đại dương diệu vợi mênh mông.

 

Có những người luôn cố tìm mọi cách để phô trương Cái Tôi của họ 
 

Chúng ta chắc hẳn không ai là không từng đôi lần trong đời, khi ngồi trong một bàn tiệc hay một cuộc họp mặt, bị “tra tấn” bởi những người luôn cố tìm mọi cách để phô trương Cái Tôi của họ, trước mắt bàn dân thiên hạ, mà không cần biết “món hàng” được show off đó gây phiền toái ra sao cho mọi người. Thiên tài Pascal từng nói “Cái Tôi thật đáng ghét” (le moi est haïssable). Còn Phật giáo thì xem ngã mạn là một trong những chướng ngại trên con đường tu tập.

 

Ngẫm ra trong đời chỉ có hai loại Cái Tôi thích phô trương. Loại thứ nhất, tôi tạm gọi là Cái Tôi vật chất, loại thứ hai tạm gọi là Cái Tôi tinh thần.

Về Cái Tôi vật chất, ta dễ nhận ra. Phô phang nhà cửa, sản nghiệp, địa vị, mối quan hệ xã hội v.v… để khẳng định cái sự hơn người. Quen thân anh X., chơi với chị Y., đại khái toàn là những nhân vật tầm cỡ, có tên tuổi ngoài xã hội để cố nâng mình lên ngang tầm với họ (?). Giống như anh chàng nghèo kiết khi ngồi nhậu với một tay tỷ phú lại có cảm giác mình cũng thuộc loại… đại gia! “Có biết tôi là ai không?”, câu nói này ta vẫn thường hay nghe trong đời sống. Với những người sâu sắc thì đây là dấu hiệu của người mắc bệnh tâm thần, nhưng nó lại là thẻ căn cước để những “người tâm thần” kia khẳng định mình, và là tấm giấy thông hành để họ đi qua nhiều ngóc ngách của cuộc sống.

Về Cái Tôi tinh thần thì thích chứng tỏ mình thông minh, hiểu biết hơn người, tài năng xuất chúng, v.v… Nhưng có lẽ không đâu ta lại dễ nhận ra Cái Tôi tinh thần đó cho bằng trong lĩnh vực văn học. Dường như văn chương luôn có một ma lực hấp dẫn lạ lùng đối với những người muốn tìm đến để khẳng định mình. Một người khi có một bài thơ hay bài viết đăng báo, nhất là khi có một tác phẩm nào đó ra đời, liền cảm thấy “giá trị” mình đột nhiên tăng lên cao vút, đứng cao hơn “cõi nhân quần” phàm tục, vì mình là quelqu’un, là someone gì đó ghê gớm lắm!

Ngoại trừ những tác phẩm được viết bằng huyết lệ để gởi tấc lòng vào thiên cổ, văn chương vốn là thứ dễ gây “hoang tưởng thiên tài” nhất cho người viết lách, ở chỗ rất đỗi tế vi. Chỉ những người đủ thông tuệ và tâm lực, như Bùi Giáng, mới có thể xem văn chương chữ nghĩa là một cuộc chơi, như mọi cuộc chơi khác trong cõi Ta-bà.

Tôi có người bạn, nay đã mất, là tay câu cá lóc loại thượng thừa. Tôi không bao giờ câu cá, và dù biết anh ta đang phạm tội sát sanh, nhưng mỗi lần nhìn anh ta đứng im như pho tượng giữa trưa nắng hè, dầm chân nơi bàu nước để câu cá, hoàn toàn chú tâm vào chiếc cần câu mà không quan tâm gì đến ngoại cảnh, tôi thường liên tưởng đến hình ảnh một nhà sư nhập định hay một người đang đắm mình hoàn toàn vào thế giới văn chương.

Tôi thấy “cảnh giới” của anh bạn tôi khi câu cá có khác gì “cảnh giới” khi chúng ta viết sách, hay hành giả tọa thiền? Khi anh ta tập trung toàn bộ tư tưởng vào việc câu cá thì có khác gì nhà văn hoàn toàn tập trung vào ngòi bút? Khi anh ta – bằng tất cả sự kiên nhẫn và điêu luyện trong tay nghề, một điều mà không phải ai cũng có được – câu được con cá mà anh ta theo dõi hàng tuần, có khi hàng tháng, thử hỏi niềm vui đó đối với anh ta có khác gì của một nghiên cứu kiên trì với ý tưởng để hoàn thành tác phẩm?

Khi anh ta mời bạn bè về cùng nhậu lai rai “tác phẩm” của mình, dù có hơi ác một chút, nhưng mọi người ai nấy cũng đều hân hoan đánh chén, hát ca, thử hỏi niềm vui của họ khi ấy có khác gì với người viết sách khi ký sách tặng bạn bè? Tôi luôn có cảm tưởng kỳ quặc là nếu ta cứ cho rằng người cầm bút phải “cao siêu” hơn anh bạn câu cá kia thì điều đó quả thật buồn cười. Chúng ta viết sách vì không thể không viết, anh bạn tôi câu cá vì không thể không câu. Có gì khác nhau đâu?

Nếu cảm nhận được điều đó, và hiểu được điều đó, ta sẽ thấy chuyện tự mãn về những đứa con tinh thần chỉ là một loại selfie đáng thương mà thôi. Ta mê muội đến mức khôi hài vì tự biến tác phẩm mình thành một chiếc kính lúp để khi soi vào, bỗng thấy ta sao mà vĩ đại!

Khi Huệ Năng còn là một anh chàng bán củi nhà quê đến cầu đạo với Tổ Hoằng Nhẫn. Tổ hỏi một người nhà quê sao có thể tu hành thành Phật được, Huệ Năng đáp:

– Người tuy có Nam Bắc, Phật tính vốn không Nam Bắc. Tuy thân nhà quê này cùng Hòa thượng không giống nhau, nhưng Phật tính có gì sai khác? (Nhân tuy hữu Nam Bắc, Phật tính bản vô Nam Bắc. Liệp liêu thân dữ Hòa thượng bất đồng, Phật tính hữu hà sai biệt?).

Hữu hà sai biệt? Đó là bốn chữ gây ấn tượng nhất cho tôi khi đọc Pháp bảo đàn kinh. Tôi muốn bắt chước câu kinh đó để nói vui theo: “Điếu ngư dữ trứ tác bất đồng, lạc thú hữu hà sai biệt?”. Câu cá và viết sách không giống nhau, anh bạn câu của tôi có thể là còn nặng nghiệp, nhưng niềm vui của anh ta so với những người viết sách nào có gì sai khác? Đều là một cuộc chơi, trong mọi cuộc chơi.

Con người ham nổi tiếng, muốn được nhiều người nhắc đến, từ trong vô thức là sự săn tìm cảm thức bình yên về sự tồn tại của bản thân mình. Con người vốn chẳng là cái gì cả – đó là một chân lý trần trụi và quá thực, nhưng mọi người cố tìm đủ cách để lẫn tránh. Con người luôn muốn lẫn tránh cái trống rỗng hư vô vì sợ phải đối diện với sự thực trần trụi đó, sợ phải nhận ra sự đớn hèn, nhỏ nhoi, vô nghĩa của chính mình. Càng ham muốn nổi tiếng là càng cảm nhận được sự đớn hèn của mình một cách vô thức, nên phải tìm cách khỏa lấp.

Một người vĩ đại đứng ngạo nghễ ở đỉnh núi cao vót và một người tầm thường đứng ở chỗ thấp nhất nơi thung lũng, cả hai đều có một điểm chung: đó là khi nhìn nhau thì người này thấy người kia đều nhỏ bé như nhau. Triết gia trứ danh Heidegger dĩ nhiên không hề biết đến một bà bán xôi trên đường phố Sài Gòn, bà ta đương nhiên cũng không bao giờ biết đến trên đời có một ông gọi là Heidegger, như vậy cả hai cũng đều vô danh như nhau. Khi hiểu được vậy thì lấy đâu ra “sở trụ” cho Cái Tôi?

Xem mình là cái rốn của vũ trụ, đó là thường tình của con người, “ngộ” ra rằng mình gần như là con số không, đó là văn hóa. Và để  “ngộ” ra điều đó, với tôi, không có gì bằng đọc kinh điển Phật giáo, vì đó là cơ duyên  để ta tập nhìn vào đại dương trí tuệ mà biết mình là ai giữa cái đại dương diệu vợi mênh mông giống như vườn thơ của Hàn Mặc Tử đó: “Càng đi xa là càng ớn lạnh”!
 

 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 5

Post Views: 309