Người cư sĩ tại gia, ngoài trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, xã hội còn có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo. Cho nên trọng trách của người Phật tử rất quan trọng và thật lớn lao. Vậy những việc làm cụ thể nào giúp người con Phật vừa làm tròn bổn phận của mình và gieo trồng thiện duyên cho Phật pháp?

 

Phật đã dạy “Được thân người, có đầy đủ lục căn, được gặp Phật pháp là một phước báu”. Bởi vậy, mỗi Phật tử chúng ta khi có được mối thiện duyên với Phật, cần biết khéo léo gìn giữ, bồi đắp mối duyên lành ấy và nỗ lực bằng mọi cách tăng trưởng thiện pháp để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.

 

Trong Kinh Tăng nhất A Hàm, đức Phật đã dạy: “Có ba căn lành chẳng thể cùng tận, tiến dần đến Niết bàn. Thế nào là ba? Nghĩa là:

Trồng công đức ở Như Lai, căn lành này chẳng thể cùng tận.

Trồng công đức ở Chánh pháp, căn lành này chẳng thể cùng tận.

Trồng công đức ở Thánh chúng, căn lành này chẳng thể cùng tận.

Đó là, này A nan, ba căn lành chẳng thể cùng tận, đến được Niết bàn. Thế nên, này A nan, hãy cầu phương tiện thâu được phước chẳng thể cùng tận này. Như thế, A nan, hãy học điều này! Bấy giờ Tôn giả A nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

1. Trồng công đức ở Như Lai

Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã từ bỏ đời sống hoàng tộc sung sướng, từ giã mái ấm gia đình xuất gia đi tìm chân lý; Ngài từng là đệ tử giỏi của nhiều vị đạo sĩ tiếng tăm, kinh qua nhiều pháp tu để rồi cuối cùng chỉ có con đường tự thân ngài giác ngộ đã giúp đoạn trừ rốt ráo phiền não, giúp con người giải thoát khỏi khổ đau, sanh tử luân hồi.

Bởi vậy giáo pháp của đức Phật do Ngài tu tập theo sự suy nghĩ tư duy của Ngài mà sản sinh ra các pháp. Các pháp này do chính từ Ngài là cha đẻ của nó nên có thể nói: “Phật giáo có đường lối riêng, không bị ảnh hưởng hay vay mượn bất cứ một giáo pháp nào của ngoại đạo”.

Chính bởi Đức Phật là bậc Giác Ngộ, phước trí nhị nghiêm, bi trí viên mãn, đã mở ra con đường tỉnh thức cho chúng sinh thiết lập hạnh phúc, an lạc nơi đời này và những đời sau. Nên chúng ta kính lễ Phật, cúng dường Phật, tán dương ca ngợi Phật, tôn tạo và bảo vệ kim thân Phật luôn hiện hữu ở thế gian, phát nguyện tu tập cho đến ngày thành Phật…

Đó là những việc làm cần thiết và tốt đẹp thể hiện lòng tôn kính, biết ơn của người Phật tử đối với bậc toàn giác.

2. Trồng công đức ở Chánh pháp

Tuy Đức Phật đã nhập Niết bàn nhưng Pháp bảo vẫn còn (Pháp bảo còn thì Đức Phật vẫn hiện hữu ở thế gian). Pháp âm của Phật vẫn đồng vọng cho đến ngày nay, lưu xuất từ ba tạng Kinh-Luật-Luận. Người đệ tử Phật đã quy y Tam Bảo, nguyện đi con đường của Ngài thì phải nương tựa Chánh pháp.

Về điều này, Đức Phật nhấn mạnh hai điểm:

Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy y tựa chính mình, không y tựa một ai khác. Hãy lấy chánh pháp làm ngọn đèn, hãy lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác
.
Trong quá trình học đạo, không ít Phật tử vì không tự trang bị cho mình Chánh kiến, Chánh tín đúng đắn nên dễ lung lay, nghe theo tà ma ngoại đạo, mê tín dị đoan… thậm chí có khi “rước họa vào thân”, làm ảnh hưởng đến đạo Phật nói chung. Bởi vậy, để gieo duyên lành với Chánh pháp, người Phật tử cần có tâm Bồ đề kiên định, sáng suốt.

Mà để có tâm Bồ đề kiên định, sáng suốt cần nương tựa nơi Chánh pháp. Do đó, có thể nói Chánh pháp và tâm tu tập là hai thành tố quan trọng, hỗ trợ, tác động qua lại để người Phật tử có hành trang sắc bén trên con đường gieo duyên với đạo hạnh.

Để gieo duyên lành với Chánh pháp, chúng ta có thể làm các công việc hữu ích như: học tập, tìm hiểu, nghiên cứu, trì tụng, ấn tống, giảng giải, xiển dương, ứng dụng thực hành… lời Phật dạy. Phật tử hãy tùy duyên mà gieo trồng hạt giống Phật tính bằng cách nhiếp tâm niệm Phật, đi chùa, tạo công đức và dấn thân vào các công tác từ thiện. Một số Phật tử tuy ở cách xa chùa vài mươi cây số mà hàng ngày họ vẫn đến chùa là một căn duyên lớn. Vậy mới có câu “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.

Điều thiết yếu hơn nữa và có phước báu rất lớn trong việc gieo duyên là quy y với Tam Bảo. Những ai chưa thành Phật tử, bây giờ muốn có chủng duyên sâu dày với Tam Bảo, thì nên phát nguyện quy y. Khi quy y rồi, nhắc nhở cho thân quyến cùng hiểu đạo lý, cùng quy y. Ðó là gieo duyên cho mình và cho người.

Khi bà Ma Ha Ba Xà Ba đề phát tâm đi tu, tìm tới Phật cầu xin xuất gia, Phật từ chối. Bà buồn trở về. Lần thứ hai, bà tới nữa Phật cũng từ chối. Bà đứng ngoài cửa tịnh thất khóc ròng. Ngài A nan là Thị giả Phật, thấy vậy xót xa mới đến hỏi thăm. Bà kể lại đầu đuôi câu chuyện, khi đó ngài A nan liền xin Phật bằng cách kể ơn nuôi dưỡng của bà: “Khi Thế Tôn ra đời chỉ mới được bảy ngày Hoàng hậu mất. Chính Di mẫu là người nuôi dưỡng Như Lai từ thuở bé đến giờ. Công đức ấy rất lớn, tại sao Thế Tôn từ chối lời cầu xin xuất gia của Di mẫu?”  Phật bảo: “Công ơn của Phụ vương và Di mẫu, ta đã đền đáp xong”. Ngài A nan hỏi: “Thế Tôn đền đáp bằng cách nào?” Phật trả lời: “Ngay khi trở về thành Ca tì la vệ thăm Phụ vương và Di mẫu, ta đã độ cho hai vị phát tâm quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới. Ðó là ta đã đền ơn hai bậc sanh thành nuôi dưỡng ta rồi”.

Cho nên trong nhà Phật nói bố thí có hai loại: trước tài thí, sau pháp thí.

Song pháp thí quý hơn tài thí. Tại sao vậy? Một câu nói đạo đức người ta nghe, hiểu và nhớ mãi trong lòng, khiến cho cả cuộc đời chuyển đổi xấu trở thành tốt. Trong khi giúp tiền của chỉ giải quyết được tạm thời, đó là chưa nói họ ỷ lại vào đồng tiền nhân đạo, nên không thèm phấn đấu tiến lên.

Vì vậy nhà Phật chủ trương gieo duyên bằng cách truyền bá chánh pháp. Làm sao cho mỗi người đều có duyên với Phật pháp, để họ phát tâm tu hành tới được chỗ an lành tự tại. Ðó là gieo duyên bằng cách giáo hóa. Phật tử biết tu biết thương người, cũng có thể giúp bạn bè bằng cách rủ họ đi nghe pháp, hoặc tạo điều kiện cho họ có thể tiếp xúc với chánh pháp, nghe rồi họ hiểu, hiểu rồi họ tu. Như vậy chúng ta đã gieo duyên giùm họ. Như vậy vừa tốt cho đạo, vừa đẹp cho ta.

Chúng ta cũng rất cần gieo trồng hạt giống thiện lành trong tâm thức của con em từ thuở lọt lòng, bằng cách cho chúng quy y. Có thiết lập được căn lành cho con em thì mới định hướng ý thức cho chúng. Chính căn lành này tạo thành ngọn đuốc soi đường, làm nền tảng cho các giá trị chân chính và đạo đức…

Việc gieo trồng căn lành còn là những việc hết sức giản dị và cao đẹp như: khi đi đường thấy một mảnh chai bị vỡ, ta có thể lượm nó bỏ vào thùng rác, giúp cho người khác không bị thương tật khi vô ý giẫm phải; hoặc khi thấy rác ngoài đường phố, ta có thể nhặt chúng bỏ vào sọt rác, góp phần làm sạch đẹp môi trường sống. Việc làm cao đẹp này chính là đóa hoa thơm ngát cúng dường Chư Phật và tô đẹp cuộc đời

3. Trồng công đức ở Thánh chúng

Tăng bảo có vai trò rất quan trọng, nhờ Tăng bảo tận lực hoằng hóa mà Tam bảo mới trường tồn ở thế gian. Kính lễ, cúng dường, hộ trì, vâng theo sự hướng dẫn, nguyện nối gót tu học theo chư Tăng, là trồng công đức ở Thánh chúng để ngôi nhà chánh pháp mãi vững bền.

Chắc chắn trong chúng ta đây không ít lần suy nghĩ, tại sao không thấy Tăng Ni tham gia lao động sản xuất hay làm kinh tế… Điều này không phải bây giờ mới xảy ra mà ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng đã từng gặp câu hỏi này.

Có một lần điền chủ Bharadvaja, đã đón và đặt câu hỏi với Đức Thế Tôn khi Ngài cùng Tăng đoàn trên đường du hóa ngang qua cánh đồng của ông: “Này Cù Đàm, chúng tôi là nông dân phải cày sâu cuốc bẫm, phải chân lấm tay bùn gieo trồng, bón phân, gặt hái…, mới có được gạo ăn. Còn các vị không làm gì cả, không sản xuất gì hết mà vẫn ăn. Các vị không có ích gì cho cuộc đời này cả, các vị không cày, không cuốc, không gieo trồng, không bón phân, chăm sóc và gặt hái…”

** Đức Phật đã trả lời vị điền chủ vô cùng thâm diệu: “Ta cũng là một người cày ruộng, Ta có đức tin là hạt giống, giới luật là mưa thấm nhuần, trí tuệ là cấy cày, khiêm tốn là cán cày, tâm là dây cương dắt bò, niệm là cái roi để điều khiển bò. Như Lai sống với lục căn thu thúc (thanh tịnh)  và lời nói ăn uống vừa chừng, đó là pháp trừ cỏ dại. Như Lai thực hiện lằn cày bất tử, kéo cày xong thì không còn đau khổ”. Điền chủ nghe xong đảnh lễ và cúng dường Đức Phật.

Câu chuyện trên là một dẫn giải xác đáng cho trách nhiệm, vai trò cũng như công đức hoằng pháp của người xuất gia. Người xuất gia sống theo hạnh của Đức Phật, là người tình nguyện bỏ hết vinh hoa phú quý của thế gian, cả danh lợi địa vị cũng không ràng buộc ta, sống không gia đình, không vật sở hữu.

Do đó, các vị Tăng Ni có vị thế vượt ra ngoài địa vị quyền lợi xã hội với sứ mạng cao cả là “tự giác, giác tha”, trước tự giải thoát mình, sau là cứu vớt nhân loại. Khi hiểu về trọng trách và phước báo của người xuất gia như vậy, chúng ta sẽ củng cố niềm tin hộ trì Tam Bảo góp phần kiến tạo thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Như đã nói ở trên, may mắn của con người chính là sinh ra đầy đủ lục căn. Sự hoàn hảo này giúp mỗi con người có thể tự kết bè sang bờ sông giải thoát. Dẫu được thân người nhưng nếu thiếu một căn là bất hạnh rồi. Chẳng may người bị điếc thì làm sao nghe thuyết pháp mà hiểu đạo được?

 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 15

Post Views: 326