Cứ độ trung tuần tháng bảy, mọi người lại tìm về những ngôi già lam để kỷ niệm ngày lễ Vu Lan – Ngày Báo Hiếu. Cho nên:
“Trung nguyên ngày hội vọng Vu Lan
Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn
Những ai là kẻ mang ơn nặng
Xin vận lòng thành đón Vu Lan.”
Vần thơ ấy như hồi chuông nhắc nhở chúng ta hãy làm một điều gì đó có ý nghĩa dâng lên đấng sinh thành nhân mùa “Báo Hiếu”. Đừng để guồng quay của cuộc sống bên ngoài khiến chúng ta quên đi người tuyệt vời nhất trong cuộc đời đang mãi dõi theo từng bước chân của chúng ta.
Nguồn gốc “Lễ Vu Lan”
Lễ Vu Lan – Mùa Báo Hiếu, được bắt nguồn từ thời Phật còn tại thế. Bằng tâm đại bi Ngài đã hướng dẫn phương thức báo hiếu song thân, và người đầu tiên tiếp nhận là Moggalla (Mục Kiền Liên). Sau khi Tôn Giả Mục Kiên Liên đắc thánh quả với “Thần thông đệ nhất” Ngài liền dùng thiên nhãn quán chiếu, thấy thân mẫu sanh làm ngạ quỷ, và liền đến bạch Phật để tìm cách cứu mẹ.
“Vu Lan” là danh từ gọi tắt của “Vu Lan Bồn”, tiếng Phạn là Ullambana. “Ullam” dịch là “treo ngược” (đảo huyền), nói về cái khổ của người chết như bị treo ngược, cực kỳ thống khổ. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana”, dịch là “cứu giúp”. Như vậy “Vu Lan Bồn” là giải cứu tội bị treo ngược. Phật đã dạy về phương pháp và cách thực hiện trong “Kinh Vu Lan Bồn, từ đó ngày lễ Vu Lan” ra đời.
Mặc dù đã trải qua hơn 2600 năm đầy biến động của lịch sử, nhưng lời Phật dạy vẫn trường tồn với thời gian. Ngày lễ ấy không còn được coi là nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo, và không chỉ nhìn trên phương diện tâm linh mà ngày nay được biết đến như lễ hội văn hóa đầy tính nhân văn của tình người.
Kinh tạng đã nêu rõ mục đích của ngày lễ Vu Lan nhằm hai mục đích:
Báo hiếu cha mẹ hiện tiền bằng những hành động về tinh thần lẫn vật chất
Báo hiếu cha mẹ đã hóa vãng nhiều đời nhiều kiếp bằng những việc làm thiện lành để hồi hướng công đức.
Ơn cha nặng lắm ai ơi, Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang
“Ơn cha nghĩa mẹ” tuy đã ngốn không biết bao nhiêu là giấy mực của những đại thi hào trên thế giới. Bersot đã từng cất lời ca ngợi “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”. “Trái tim người mẹ” thể hiện tình yêu bất diệt, vĩnh hằng mà người đã dành cho chúng ta. Đó cũng là bến đỗ bình yên cho chúng ta khi gặp sóng gió của cuộc đời. Cho nên:
“Cơm người khổ lắm ai ơi
Chẳng như cơm mẹ chỉ ngồi xuống ăn”
Qua đó cho ta thấy được chữ “tình” mà mẹ dành cho ta không thể tả hết bằng lời chỉ biết cảm nhận và thấu hiểu bằng con tim.
Ngày nay, ai cũng có cho riêng mình một thần tượng, một mẫu nam thần trong tư tưởng. Nhưng đối với tôi dường như chúng ta đang quên đi những sự hy sinh thầm lặng của người chiến binh đã có những chiến công lặng lẽ nhưng mang đến giá trị vô cùng tuyệt vời cho sự sống của chúng ta. Nói đến đây chắc mọi người cũng đoán ra đó là ai rồi phải không?
Đó không phải là những “Hoàng tử bạch mã” xuất hiện trên màn ảnh, lại càng không phải những soái ca trong “Hậu duệ mặt trời”, đúng vậy đó là “Cha”.
Nhắc đến “Công ơn sinh thành” ai cũng nghĩ đến “Mẹ” nhưng chúng ta lại quên mất hình ảnh lặng thầm của một người cha. Thật vậy Chế Lan Viên có câu:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”
Qua đây chúng ta vẫn chưa thấy bóng dáng của người đàn ông quyền lực. Ca dao có câu:
“Còn cha gót đỏ như son. Một mai cha mất gót con thâm xì.”
Nhắc đến “Cha” hình ảnh đầu tiên sự lam lũ, là chiếc áo đẫm mồ hôi, là làn da ngâm đen đầy sương gió của cuộc đời. Cha làm mọi thứ miễn cho con được bằng bạn bằng bè, nhưng cha mãi không nói ra ! Chúng ta vẫn thường nghe “Nước mắt đàn ông chảy ngược vào, trong không như người mẹ chảy ra ngoài”. Im lặng không có nghĩa là ngừng yêu thương, tình cha là vậy đấy lặng thầm nhưng hùng vĩ.
Mùa báo hiếu lại đến, những giá trị thực tế mà buổi lễ mang lại nhằm đánh thức chúng ta về công ơn sinh thành dưỡng dục của đấng sinh thành. Dẫu biết rằng còn rất nhiều người chưa ý thức công ơn ấy nên đâu đó chúng ta vẫn thường nghe trên nhiều mặt báo về hành vi giết cha, giết mẹ. Nếu xét về phương diện Phật giáo thì người đó đã phạm “tội ngũ nghịch” sẽ không có kết quả tốt trong tương lai.
Hãy nhớ “Người tuyệt vời nhất” trong đời ta chỉ có hai : Cha và mẹ – Đó là những con người đã không tiếc hi sinh bản thân của họ cho sự tồn tại của chúng ta.Vu Lan lại trở về làm cho hàng ngàn trái tim của bao người thổn thức. Những cành hoa hồng rực rỡ xin dành tặng và chúc mừng cho những ai còn mẹ, và những cành hoa hồng trắng xin chia buồn và gửi đến những ai đã mất mẹ.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 23