CN1056.Đừng tiếp nhận thông tin theo kiểu người mù sờ voi

Thời Phật còn tại thế, ở Ấn Độ, gặp lúc “trăm hoa đua nở”, rất nhiều tôn giáo, luận thuyết ra đời, nảy sinh nhiều xung đột. Họ cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Tất cả họ đều như những người mù sờ voi, vì thực chất, không ai trong họ có thể tiếp xúc được với chân lý, sự thực.

 

Người mù sờ voi là một ẩn dụ nổi tiếng trong kinh điển Phật giáo, cụ thể là trong Tiểu bộ kinh – kinh Phật tự thuyết, cũng như trong kho tàng văn học dân gian nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam…

Nội dung câu chuyện nói trên ở Việt Nam ta hầu như ai cũng biết: những người mù chỉ sờ được một bộ phận nào đó của con voi và tự nhận rằng mình đã “thấy” và rõ biết về nó. Khôi hài ở chỗ, con voi trong cái “thấy” của những người mù khác rất xa so với con voi thực tế.

 

Có lẽ vì sự khôi hài ấy mà khi đến Việt Nam, câu chuyện Những người mù sờ voi của Ấn Độ đã được tiếp nhận theo kiểu chuyện cười – châm biếm; người mù được cụ thể hóa, nhắm thẳng vào những đối tượng là thầy bói mù “nhân buổi ế hàng”. Với quan niệm bù trừ của tạo hóa, từ xưa, một số quốc gia châu Á mặc nhiên cho rằng nghề bói dành riêng cho những người mù để họ có thể kiếm sống. Nhưng không phải người mù nào cũng có thể trở thành thầy bói, và không phải thầy bói nào cũng nói trúng. Phần đông vẫn cho rằng coi bói, xem tướng là một biểu hiện của mê tín dị đoan, nên mới có câu: “Tử vi xem số cho người, số thầy thì để cho ruồi nó bâu”.

Trở lại với câu chuyện những người mù sờ voi trong kinh Phật. Đức Phật nêu lên ẩn dụ này không chỉ để bài trừ mê tín dị đoan, mà câu chuyện này bao hàm một triết lý sâu sắc của Phật giáo về vấn đề nhân sinh quan, nhận thức luận.

Thời Phật còn tại thế, ở Ấn Độ, gặp lúc “trăm hoa đua nở”, rất nhiều tôn giáo, luận thuyết ra đời, nảy sinh nhiều xung đột. Họ cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Tất cả họ đều như những người mù sờ voi, vì thực chất, không ai trong họ có thể tiếp xúc được với chân lý, sự thực.

Còn chúng ta thì sao? Nếu không tiếp cận và chạm đến chân lý, hay đơn giản, chạm đến những sự thật bình dị trong cuộc sống, chúng ta cũng chỉ là những người mù. Mù vì vô minh, cố chấp cho nhận thức – “cái thấy” của mình là đúng, trong khi thực sự là không phải như vậy; chúng ta bị trói buộc bởi nhận thức hạn hẹp theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”. Khôi hài – bi kịch thay, những người mù chúng ta lại tự cho mình cái quyền phán xét người khác thông qua cặp kính màu của kinh nghiệm, tri kiến cá nhân, cảm tính, do đó vô tình tạo ra không ít ác nghiệp…

Đơn cử như sự việc các sư cô đuối nước ở Long Hải hôm mùng 7 vừa qua là một minh chứng cho sự “mù” ấy của không ít người do hồn nhiên hay cố tình “ném đá” vào nỗi đau của người khác. Sự thực, đó là một tai nạn ngoài ý muốn; hơn nữa, những sư cô gặp nạn ấy hẳn nhiên không “đáng chết”“tu mà còn tắm biển” như một số người ác ý bình luận.

Không riêng gì sự việc trên, và cũng không riêng gì những thông tin diễn ra trên mạng xã hội, mà ngay trong những sự tiếp xúc hàng ngày với những người và những gì diễn ra quanh ta, chúng ta cần chánh niệm và tỉnh giác trong nhận thức để có thể học cách tiếp cận gần hơn với chân lý, sự thực, đừng vội vã tiếp nhận mọi thứ theo kiểu người mù sờ voi. Đó cũng chính là cách thức và con đường mà chúng ta tu tập theo lời Phật dạy.

 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 17

Post Views: 291