Việc giúp người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trao cho họ “con cá” hay cái “cần câu” đã được rất nhiều người bàn đến từ lâu, chính chúng tôi đã từng trăn trở và thao thức, phải làm cách nào để giúp người bất hạnh vượt khó và thoát khỏi nghèo đói và bất hạnh. Nhiều người cho rằng, chính cái sự giúp đỡ không đúng cách, thay vì các tổ chức, cơ quan chức năng nên có những chính sách hỗ trợ lâu dài như giúp người bất hạnh được học nghề và động viên khuyên nhủ họ tin sâu nhân quả, siêng năng làm việc là cách thức vượt thoát nghèo cùng khốn khổ nhanh nhất. Muốn giúp người vượt qua bế tắc trong lâu dài, chúng ta cần cho họ một cái “cần câu” và hướng dẫn cách sử dụng cái “cần câu” để làm sao câu được nhiều con cá.
Trong nhiều năm qua, chúng tôi làm từ thiện khắp cả ba miền Nam, Trung, Bắc nơi nào có đủ duyên thì chúng tôi đến vừa trao cho họ con cá, cái cần câu và niềm tin về nhân quả để mọi người có ý thức và trách nhiệm hơn, mà biết cách thoát khỏi nghèo khổ để vươn lên vượt qua khó khăn, chúng tôi luôn động viên và khích lệ họ cố gắng siêng năng làm việc, biết tiết kiệm trong chi tiêu.
Hiện nay rất nhiều tổ chức từ thiện trên thế giới đang đáp ứng nhu cầu cần thiết để giúp họ có cơ hội học hành, đào tạo và hỗ trợ việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một trong những cách thức làm có hiệu quả về lâu về dài, tức là trao cái “cần câu” cho họ và sự hiểu biết chân chính.
Để có cơ hội được giúp đỡ nhiều người bất hạnh vượt qua khó khăn và biết cách hoàn thiện chính mình. Vào ngày 15/02/2008, chúng tôi đã thành lập Hội ấn tống từ thiện duyên lành sau chuyến đi từ thiện tại chùa Hội An, huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai, phát quà cho 300 hộ gia đình nghèo. Lúc này vai trò của chúng tôi là phó giám đốc ĐPNN kiêm trưởng ban từ thiện, do Thượng tọa tiến sĩ Thích Nhật Từ làm chủ tịch.
Từ đó chúng tôi có những suy nghĩ lại, phải cho con cá và cái cần câu cùng với sự hiểu biết chân chính, có niềm tin nhân quả, tin chính mình có khả năng chuyển hóa, mới mong giúp mọi người vượt qua khó khăn trong hiện tại và mai sau. Tinh thần “trao cái cần câu trong khi giúp họ con cá” được thực hiện triệt để với phương châm “tốt đạo đẹp đời”, xây dựng cho con người biết tự lực vươn lên, vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Nhiều câu lạc bộ, các nhà thiện nguyện, các nhà hảo tâm cũng luôn trăn trở là sự giúp đỡ không chỉ đến được đúng đối tượng mà còn có thể giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên làm mới lại chính mình bằng tinh thần cầu tiến và lòng tự trọng. Phương châm hoạt động của Hội ấn tống từ thiện duyên lành là dù cho cái “cần câu”, hay “con cá”, thì việc cốt yếu chính là thể hiện tình người trong cuộc sống, giúp họ vượt qua hoạn nạn bằng sự siêng năng làm việc có phương pháp và tin sâu nhân quả, để dứt ác làm thiện bằng ý nghĩ, lời nói và hành động.
Theo lời Phật dạy, bố thí, giúp đỡ sẻ chia là việc đầu tiên mà người phật tử chân chính cần phải thực hành, vì đạo Phật là đạo của tình thương, đạo của tỉnh thức, đạo của từ bi hỷ xả. Đạo Phật đi vào cuộc đời nhằm chuyển hóa phiền muộn khổ đau thành được an vui, hạnh phúc.
Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, được kết hợp với đạo thờ ông bà tổ tiên, cùng với tinh thần đoàn kết dân tộc, nhanh chóng hòa quyện triết lý sống cao đẹp của người dân như “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” và “một miếng khi đói bằng một gói khi no”… luôn nêu cao tinh thần “tốt đạo đẹp đời”.
Hoạt động từ thiện là một biểu hiện tình người trong cuộc sống bằng trái tim có hiểu biết, để hỗ trợ tích cực cho xã hội được phát triển hưng thịnh, bền vững và lâu dài. BTS Phật giáo từ T.Ư cho đến các tỉnh thành địa phương, thường xuyên tổ chức các chương trình từ thiện nhằm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, để họ được vui vẻ và ngày càng sống tốt hơn.
Một thực tế không thể phủ nhận là hiện có rất nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội, xuất phát từ nguyên nhân nghèo đói, khó khăn của bản thân, gia đình. Những con người vốn sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh đói ăn, thiếu mặc, không nhận được tình cảm chia sẻ, đùm bọc của người thân và thiếu sự giáo dục của nhà trường, rất dễ nảy sinh những thói hư tật xấu, hoặc mặc cảm tự ti rồi sinh ra biếng nhác mà dính vào vòng tệ nạn xã hội.
Những đối tượng này, trước hết, cần được quý ban chính quyền các cấp quan tâm về giáo dục nhân cách sống, tạo điều kiện công ăn việc làm thích hợp và sẵn sàng áp dụng hình thức răn dạy nghiêm khắc, để giúp họ có ý chí tự lực là chính, không thể trông chờ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện và những nhà hảo tâm.
Do tập khí thói quen huân tập trong nhiều đời, nên mỗi con người đều có sẵn bản tính tham lam và ích kỷ, do si mê chấp thân tâm này làm ngã mà chiếm đoạt của người khác bằng nhiều hình thức. Ngay cả những người tu chân chính cũng phải thường xuyên rèn luyện nhân cách đạo đức, mới mong vượt qua mọi phiền muộn khổ đau nhờ hạnh buông xả và không chấp trước.
Bên cạnh đó, tình thương yêu đồng loại cũng là bản tính của mỗi con người, bởi vì ai cũng có tâm Phật sáng suốt. Tuy nhiên, sự hỗ trợ và giúp đỡ mọi người như thế nào mới là đúng, để cho người được giúp đỡ có cơ hội làm mới lại chính mình và sống tốt hơn. Chúng ta không thể cứ lấy tiền ra là có thể bù đắp những tổn thương về mặt thể xác cũng như tinh thần, mà không quan tâm đến việc giáo dục, tạo công ăn việc làm, khuyên họ tin sâu nhân quả mà biết cách vượt qua nghèo khó.
Hiện nay nhà nước có chủ trương nhân đạo, việc cấm hành nghề ăn xin và đưa họ vào các trung tâm bảo trợ xã hội, tạo công ăn việc làm cho họ, chính là cách cho họ cái “cần câu”, chứ không cho họ con cá nữa, để họ sống quãng đời còn lại có ý nghĩa hơn. Mọi người thường cho rằng giúp đỡ người ăn xin, đó là cách thể hiện tình người trong cuộc sống. Thật ra, với người nghèo khổ, chúng ta có thể giúp họ một vài lần, nhưng không thể nào giúp họ suốt cuộc đời, ngoại trừ những người bại liệt hoặc bệnh tật trầm kha.
Bất đắc dĩ lắm, người nghèo khổ mới đi ăn xin, vì họ không có nghề nghiệp chính đáng hoặc quan niệm sai lầm. Có khi ăn xin là một nghề để kiếm sống nhẹ nhàng hơn những nghề khác, mà lại có nhiều tiền. Mà đã gọi là nghề ăn xin thì người ta phải dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để thu hút người cho, chính vì vậy mà họ có thể làm tổn thương tấm lòng tốt của nhiều nhà hảo tâm.
Chủ trương của chúng tôi là cho con cá và cho họ cái cần câu cùng một lúc, hướng dẫn họ tin sâu nhân quả và siêng năng tu tập. Ngày nay có chính sách đưa người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội để dạy nghề, để dạy họ lòng tự trọng, tự kiếm ăn là cách làm có tính cách nhân đạo, giúp một số người không mặc cảm tự ti và ỷ lại lòng tốt của người khác. Có thể ban đầu họ sẽ cảm thấy chật vật, tù túng và khổ sở nhưng khi đã quen, họ sẽ mang ơn tất cả mọi người, vì họ kiếm sống bằng chính khả năng của mình.
Chúng tôi hàng tháng vào Trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, tỉnh Bình Dương để giúp đỡ bà con trại viên một chút về vật chất, sau đó chúng tôi tổ chức chương trình kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống bằng cách sám hối và đọc kinh Hạnh Nguyện Bồ tát Quán Thế Âm để giúp họ có đủ niềm tin và bằng lòng với những gì đang có trong hiện tại. Nhờ vậy mà họ cảm nhận được niềm vui và sống hòa thuận trong tình thương yêu chân thật.
Nói đến trung tâm Chánh Phú Hòa là một trung tâm kiểu mẫu, có bước thay đổi mang tính nhân văn và đạo đức, nên đã được nhà nước, chính quyền sở tại cho xây dựng một ngôi chùa trong trung tâm, tên là Phước Thiện, đúng với ý nghĩa cao quý của nó. Hội ấn tống từ thiện duyên lành, không những cho con cá mà còn cho cái cầu câu và hướng dẫn đạo lý làm người theo lời Phật dạy.
Giờ đây, giám đốc cùng cán bộ nhân viên và tất cả bà con cùng vui sống với nhau bằng tình trong cuộc sống, họ học tập, rèn luyện lao động tốt để hưởng những sản phẩm chính từ đôi tay của họ làm ra. Ngoài những chính sách đặc biệt của nhà nước giúp họ có miếng ăn, chỗ nghỉ an toàn, không phải lo toan bận bịu những thứ khác, họ còn được các nhà hảo tâm thường xuyên đến giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần.
Hiện tại họ lại yên tâm hơn, bởi vì họ đã một phần nào thấm nhuần Phật pháp nhờ những lời chia sẻ và động viên của chúng tôi, họ không còn oán trời trách đất, đổ thừa tại bị thì là… và họ đã cố gắng nhiều hơn nữa trong việc tu tâm sửa tính, nhằm chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.
Nhiều người đã coi ăn xin là một nghề, họ ngồi không mà xin tiền, vì họ cho rằng nghề này dễ kiếm sống và ít mệt nhọc hơn. Có lẽ, đó chỉ là một sự biện hộ cho sự lười biếng của họ mà thôi. Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều người già trên 70 tuổi vẫn còng lưng buôn gánh bán bưng trên khắp các nẻo đường. Lại có những bà mẹ lượm ve chai nuôi cả một bầy con ăn học đến nơi đến chốn…
Bản thân chúng tôi đã làm từ thiện trong rất nhiều năm, vậy mà vẫn có một số người họ vẫn lợi dụng để lừa đảo. Chúng tôi đã bị rất nhiều lần như thế, thậm chí số tiền lên đến vài chục triệu, từ đó chúng tôi thao thức trăn trở tìm ra giải pháp giúp người mà không bị kẻ ác lợi dụng.
Chúng tôi rất hoan nghênh sáng kiến và việc làm của thành phố Đà Nẵng – được cả nước ca ngợi là thành phố có văn hóa, có văn minh, có hiểu biết, có tình thương. Nơi đây không còn nghề cái bang nữa, nhờ quyết định đúng đắn và kiên quyết, triệt để của quý ban chính quyền các cấp. Mới đầu thì chúng ta thấy việc làm đó dường như đánh mất tình người, nhưng khi suy xét lại việc làm đó mang tính nhân văn và đạo đức, vì tình thương hơn là ghét bỏ và giúp cho họ thể hiện lòng tự trọng cao.
Còn nếu chúng ta cứ tiếp tục thể hiện lòng từ bi thương xót, bố thí giúp đỡ người khác, điều này rất tốt trong trường hợp cứu tế khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt hoặc những tai nạn bất ngờ. Ngược lại chúng ta giúp người khác mà vô tình tạo cho họ tính ỷ lại, hoặc lười biếng thì coi như ta tuy có từ bi mà thiếu trí tuệ.
Việc chăm lo giúp đỡ những người cơ nhỡ, khó khăn cũng là việc làm từ thiện chung cho tất cả mọi người, chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau bằng tấm lòng vị tha. Nhà nước và mọi người cùng đóng góp xây dựng thì chắc chắn trong tương lai đất nước ta sẽ thoát nghèo mà vươn lên sánh vai cùng thế giới.
Ở các nước tiên tiến, họ vận động người dân đóng góp vào quỹ từ thiện bằng cách cho đặt hộp từ thiện khắp mọi nơi. Hiện tại rải rác có một số nơi của đất nước ta đang làm và đã làm như thế, bên ngoài ghi rõ mục đích làm gì để mọi người tùy hỷ phát tâm, nhằm bảo trợ cho những người bất hạnh khó khăn.
Chúng tôi rất hy vọng rằng với chủ trương đúng đắn và kịp thời của quý ban chính quyền các cấp, tiên phong trong công việc đóng góp cho vay vốn chăn nuôi và sản xuất có sự hướng dẫn nhiệt tình, sẽ đem lại cơm no áo ấm cho mọi người. Đây cũng là trách nhiệm chung, nhà nước và nhân dân cùng làm tùy theo khả năng. Nhờ vậy họ sẽ có con cá và cái cần câu bằng sự hiểu biết chân chính, nhằm giúp cho họ sống có ý thức trách nhiệm hơn, để họ biết cách vươn lên siêng năng làm việc trong sáng tạo, bằng chính đôi bàn tay và khối óc của họ.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 26