CN1038.Làm người tử tế: Khó hay dễ?

Tôi không tin trời có mắt, nhưng sự tử tế luôn có ánh nhìn theo ta suốt cuộc đời. Sự tử tế được lan tỏa và nhân lên sẽ có một xã hội tử tế. Từ quan đến dân đều tử tế thì sẽ có quốc gia tử tế.

 

Sự tử tế mai một dần

 

Lãnh đạo tầm quốc gia hay tầm toàn cầu thì ngoài chuyện tử tế trong từng cá nhân, họ phải có thêm một tố chất quan trọng, đó là sự lan tỏa về sự tử tế của chính con người họ. Họ phải tạo ra môi trường pháp luật và đạo đức sao cho dân sống tử tế.

Nelson Mandela bị tù 27 năm. Sau khi ra tù lên làm tổng thống nhưng ông tha thứ cho kẻ giam mình vì muốn đất nước đoàn kết. Đó là sự tử tế tầm toàn cầu.

Lý Quang Diệu dù có bị mang tiếng độc tài nhưng ông giúp tạo ra thể chế mà mọi người đều được hưởng và đưa Singapore tiến lên hàng đầu thế giới. Đó là sự tử tế tầm quốc gia.

Người Việt từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc kể từ ngàn năm nay, nếu không có sự tử tế của phần đông dân chúng thì hỏi rằng, làm sao vượt được nỗi can qua.

Những năm 1970, Hà Nội đi sơ tán vì máy bay Mỹ đánh phá, cha mẹ dán lên cửa tờ giấy dặn, nếu con (đi bộ đội) về phép qua nhà, chìa khóa để ở dưới cái thảm chùi chân. Đi ba tháng quay về, nhà cửa vẫn nguyên, người hàng xóm còn sang giúp tưới cây và cho con mèo ăn.

Thế mà hôm nay, chỉ vì vài cen ti met đất lối đi chung người ta có thể đưa nhau ra tòa, giơ dao đòi xin tý tiết của hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Ngoài đường xe chen lấn, mạnh ai nấy đi, hội hoa xuân thì bẻ hoa xả rác, cửa quan thi nhau đút lót, sự tử tế cứ mai một dần.

Sự tử tế của mỗi cá nhân rất quan trọng nhưng sự lan tỏa còn quan trọng gấp bội phần.

Tôi đọc trên internet một chuyện của tác giả vô danh kể về một anh chàng có tên là Bryan Anderson đang lái xe trên đường cao tốc thì gặp một bà cụ già đang đứng cạnh chiếc xe hơi Mercedes mới cứng bị xịt lốp và dáng vẻ lo lắng.

Anderson liền dừng xe và đi bộ lại chỗ cụ bà. Thấy một anh đầu óc bù xù, quần áo nhếch nhác, vẻ mặt hơi dữ, râu ria không cạo, cụ già hơi sợ. Biết ý, Anderson hỏi từ xa, cụ có cần giúp không, cháu tên là Bryan Anderson. Cụ đành gật đầu vì đã đợi cả tiếng trên cao tốc dưới nắng gắt mà không ai dừng lại giúp.

Chỉ trong mươi phút, chàng trai đã thay xong cái lốp bị hỏng dù quần áo bị bẩn lem luốc thêm,  tay anh bị kẹt sưng tấy.

Khi xong việc, cụ bà hỏi, anh lấy bao nhiêu, nhưng Anderson cười và nói: “Cụ chẳng nợ chi cả. Nếu muốn trả tiền công, lần sau thấy ai cần sự trợ giúp thì cụ hãy giơ bàn tay thân ái. Và lúc đó cụ nghĩ đến cháu, thế là vui lắm rồi.”

Chiều tối đó, cụ già dừng ở một quán ăn gần đó và nhìn thấy một phụ nữ bụng chửa vượt mặt đang chạy bàn. Có vẻ cô rất mệt, tóc tai bơ phờ, mồ hôi lấm tấm nhưng có nụ cười rất tươi và thân thiện. Bỗng cụ nhớ lại anh chàng Bryan Anderson vừa thay lốp xe giúp mình.

Cụ ăn xong và để lại một tờ 100 đô la kẹp vào hóa đơn. Khi người phụ nữ mang tiền đi thanh toán tại quầy thì cụ bà đã đứng dậy và đi ra cửa. Bà để lại mấy dòng trên tờ giấy ăn – “Cô không phải trả lại tiền, của cô hết đó. Cô đừng nghĩ nợ nần gì tôi. Có ai đó chiều nay đã giúp tôi, bây giờ tôi giúp lại cô một chút. Nếu cô muốn trả nợ tôi thì hãy đừng để sự tử tế dừng lại ở nơi cô”. Người phụ nữ còn thấy vài tờ 100 đô nữa kẹp trong tờ giấy ăn.

Tối đó chị về nhà sớm hơn thường lệ, nghĩ về cụ bà và số tiền mà cụ tip nhiều một cách kinh ngạc. Và nghĩ sao cụ lại có thể biết nhà cô đang cần số tiền đó vì sắp đến ngày sinh con, rất nhiều thứ phải mua. Và chồng cô cũng rất lo điều đó. Vì vậy cô rất vui vẻ báo tin này cho chồng. Cô chỉ nói nhỏ nhẹ: “Bây giờ mọi việc ổn rồi. Em yêu anh, Bryan Anderson”.

Sự tử tế luôn có ánh nhìn theo ta

Có thể câu chuyện trên được hư cấu về sự trùng lặp, người giúp cụ bà chính là chồng của người chạy bàn, và sự đền ơn đáp nghĩa quay lại đúng với người đã giúp cụ. Nhưng thông điệp về sự tử tế cần lan tỏa rất quan trọng.

Người viết bài này từng làm một việc tử tế trong đời. Những năm đầu 1980, ai có xe máy đi là một điều mơ ước. Tôi cũng có một chiếc Honda 67 cũ vẫn chạy ngon lành, nhưng đi xa hay bị… chết máy.

Đôi lúc tôi dắt xe hàng chục km là thường, nên thông cảm với những ai cùng cảnh ngộ.

Tôi nhớ khi đó trời lạnh, gió mùa Đông Bắc tràn về, đi từ Ninh Bình ra Hà Nội gió ngược rất mệt. Đang bon bon một mình một xe thì thấy một anh dắt xe chết máy, phía sau là một cụ già cùng đẩy xe giúp con, trông rất thương.

Đi chậm lại tôi hỏi, xe làm sao vậy? Anh có cần giúp không? Anh nói xe có lẽ chết máy, chưa biết bệnh gì. Tôi bảo, hay để tôi đưa cụ về Hà Nội trước cho. Anh mừng quá gật đầu lia lịa, “Thôi trăm sự nhờ anh”.

Cụ già vui lắm vì có người đèo về Hà Nội. Dọc đường mới biết cụ bị lòa, lúc xe hỏng cụ phải bám xe của con mới đi được và cũng nhân đó đẩy xe giúp con. Tới Phú Xuyên ngồi nghỉ uống nước và hỏi địa chỉ, cụ bảo: “Làng tôi gần Văn Điển, nhưng ngõ bao nhiêu thì không nhớ”, vì hồi đó làm gì có số nhà.

Thế là hai ông con đi gần Văn Điển, vừa đi vừa dò hỏi làng cụ ở đâu. Dừng hỏi khoảng mươi lần, thì một bà bán nước bên đường bỗng reo lên: “Ôi, cụ đã về quê ra”. Thế là biết cụ trong xóm đó.

Tôi đưa cụ vào và cả nhà cảm ơn rối rít, nhất định giữ tôi lại ăn cơm. Nhưng do bận, chẳng kịp ghi lại địa chỉ tên tuổi của cụ, cứ thế tôi về Hà Nội và nghĩ mình làm được một việc tử tế.

Hơn tháng sau tôi về quê thăm nhà. Bố tôi cũng bị lòa từ mấy năm trước kể, mấy lần ông được người đi đường cho đi nhờ xe máy từ quốc lộ 1 về nhà cách đó mấy km và cụ chẳng hiểu đó là người làng nào. Giả như họ đưa lạc sang làng khác cũng không biết, vì mắt có nhìn thấy gì đâu.

Tôi không tin trời có mắt, nhưng sự tử tế luôn có ánh nhìn theo ta suốt cuộc đời. Sự tử tế được lan tỏa và nhân lên sẽ có một xã hội tử tế. Từ quan đến dân đều tử tế thì sẽ có quốc gia tử tế.

Bài viết: “Làm người tử tế: Khó hay dễ?”
Hiệu Minh – Vườn hoa Phật giáo
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 23

Post Views: 283