CN1082.Lí luận của kẻ trộm ( Trích Chuyện Bách Dụ)

CN1082.Lí luận của kẻ trộm ( Trích Chuyện Bách Dụ)

Mỗi loài chúng sinh trong vũ trụ đều có cách sống không giống nhau. Con người có giàu sang và nghèo cùng, cuộc sống của họ cũng khác nhau; đó là nguyên do phúc báo và nghiệp báo.

 

Người có phúc báo được hưởng thụ văn minh vật chất thời hiện đại; người không có phúc giống như cuộc sống thời nguyên thủy; cho dù có máy móc và các dụng cụ tối tân hiện đại họ cũng không biết sử dụng. Giống như phương tiện giao thông ngày nay ngày càng đổi mới, có người vận dụng nó làm rất nhiều việc, đạt được lợi ích rất nhiều. Có người chẳng những không biết vận dụng, mà còn vì nó đánh mất sinh mạng quý báu.

 

 

“Thuở xưa, có một người rừng ở trong núi thẳm, quanh năm chưa từng trải việc đời, cuộc sống của hắn là những ngày rất chất phác và đơn giản.

Một hôm, có gã thợ săn đuổi thú rừng đến rừng sâu này. Gã nói với người rừng:

– Này anh! Cuộc sống thành thị sung sướng và giàu sang như thế này, như thế này.

Nghe thợ săn nói, hắn rất ngưỡng mộ cuộc sống xa hoa ở thành thị. Một hôm, hắn trèo đèo vượt núi đi đến thành thị, hắn nhìn thấy nam thanh, nữ tú đều xinh đẹp, đâu đâu cũng nhà cao cửa rộng; thức ăn là những món sơn hào hải vị, thịt cá ê hề; thật sự quá sung sướng. Nhưng ta hai bàn tay trắng phải làm thế nào?

Một hôm thừa dịp đêm khuya, hắn lén đột nhập vào cung trộm lấy long bào của nhà vua. Nhưng chỉ qua vài ngày, hắn bị quân lính bắt trói đem về cung giao cho nhà vua. Hắn vẫn cãi leo lẻo:

– Tâu bệ hạ! Long bào này là phẩm vật tổ tiên của thảo dân để lại.

Nhà vua bảo:

– Ngươi nói phẩm vật của tổ tiên ngươi để lại thì hãy mặc cho trẫm xem thử?

Vì vậy, ở trước mặt nhà vua hắn muốn mặc long bào nhưng cứ lật qua lật lại mặc thế nào cũng không đúng. Nhà vua nhìn thấy cười lớn nói:

– Ngươi nói của tổ tiên để lại mà ngay cả mặc cũng không biết. Quân sĩ đâu! Bắt hắn giam vào ngục cho trẫm.

Thế là hắn bị nhà vua tống vào nhà ngục”.

Bài học đạo lí

Đức Phật thuyết pháp có tư tưởng đặc biệt trong giáo pháp của Ngài. Mỗi tôn giáo đều có tôn chỉ và giáo pháp riêng của họ, chúng ta đem Phật pháp ứng dụng vào tôn giáo khác thì không phù hợp; huống gì tà giáo, quan điểm bất đồng rất lớn.

Đức Phật dạy: “Vạn vật là do nhân duyên sinh”. Từ sinh tử khổ vui, cho đến họa phúc, thiện ác của tất cả chúng sinh đều là mình làm mình chịu. Theo tư tưởng của các tôn giáo khác, tất cả mọi việc đều do thần điều khiển chi phối. Như thế, cách thuyết pháp mỗi tôn giáo không giống nhau, có thể hợp lại được không?

Phật giáo có giới luật và phương pháp tu hành của Phật giáo, các tôn giáo cũng có pháp tu riêng của họ. Có những người tu hành không nương theo Phật pháp mà chỉ trộm những danh từ, tùy tiện sửa đổi, hay xen tạp những tà thuyết; hoặc chỉ học những nghi thức để làm nổi bật bề ngoài của mình. Chẳng những tâm mình không biết hổ thẹn mà còn lộ ra nhân cách thấp hèn. Bọn họ nói ba tôn giáo hợp lại một, hoặc nhiều tôn giáo trở về một, trời ban chân đạo, thần nào đó, Phật nào đó giáng xuống đàn tràng giảng đạo; lại vâng lệnh của trời v.v…chẳng ra cái gì, chỉ là dọa nạt và dụ dỗ mọi người; dựa vào trời, thần để mượn thánh chỉ, lừa gạt nhân dân. Thực sự vừa buồn cười vừa đáng thương.

Nhân loại có một chứng bệnh giống nhau, thích nghe nói giả dối; giống như người làm kinh doanh nói: “Chịu lỗ vốn gốc”, “bán giảm giá khuyến mãi” hay “bán hàng thanh lí”… thì mọi người kéo đến mua hàng giảm giá đông như kiến. Nếu như họ kinh doanh chân thật thì làm ăn chịu nhiều thiệt thòi. Điều này không phải làm cho kẻ gian lường gạt hay sao?

Một số danh từ: lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, mượn danh nghĩa để làm bậy, không phân biệt trắng đen v.v…đều là tham và ngu. Có người vì danh, có kẻ vì lợi, có kẻ tham của rẻ mà đánh mất lí trí. Những kẻ tham tài, tham lợi mới có thể phủ lên sự giả dối. Tham và lừa gạt muôn sự ở thế gian, họ chỉ đạt được một chút lợi ích trước mắt mà chịu nhiều thiệt thòi về sau. Trong tín ngưỡng, tu hành lừa dối là việc nhiều đời nhiều kiếp; lại lừa thần, dối Phật thì tội lỗi càng chồng chất. Hiện tại, tuy chưa thấy được báo ứng nhưng tội lỗi lại chịu nhiều đời nhiều kiếp; giống như đứa bé vì được lợi ích viên kẹo mà đời sau lại mất tài sản vô lượng. Quả thật vừa đáng thương vừa đáng buồn.

Trích từ “Chuyện Bách dụ”
Sư cô Viên Thắng dịch
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 10

Post Views: 372