CN1060.Những câu danh ngôn thiền ngữ cho người Phật tử – Thích Đạt Ma Phổ Giác

CN1060.Những câu danh ngôn thiền ngữ cho người Phật tử – Thích Đạt Ma Phổ Giác

46 câu danh ngôn thiền ngữ dưới đây của tác giả – thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác dành cho cho người Phật tử được treo tại chùa Thiên Khánh, xã Hà Dương, Hà Trung,Thanh Hóa.

 

1 – Đời người là một bản hợp đồng chúng ta phải mua trọn gói với những niềm vui…nỗi buồn….., ghét thương, được mất, tốt xấu, nên hư, thành bại và hạnh phúc hay khổ đau. Chúng ta phải chấp nhận như thế nhiều hoặc ít mà thôi, người biết tu sẽ chuyển hóa những gì không được tốt đẹp và chỉ giữ lại những gì có lợi ích cho mình và người khác.

2 – Người Phật tử khi đến chùa đọc kinh nghe pháp, khi hiểu rõ lời Phật dạy sau đó mới đem áp dụng vào cuộc sống của mình để có được an lạc hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

3 – Người Phật tử khi đi chùa phát tâm cúng dường phải biết nhu cầu ở trong chùa là gì, để việc phát tâm cúng dường của chúng ta có được lợi ích thật sự mà không lãng phí xa hoa.

4 – Người biết đủ là người giàu có hạnh phúc nhất vì không thấy thiếu thốn, người tham lam ích kỷ, hà tiện keo kiệt dù có nhiều tiền vẫn là người nghèo nhất thiên hạ vì tâm toan tính hại người.

5 – Người Phật tử không nên quá coi trọng đồng tiền mà để tâm dính mắc chấp trước vào đó, sức khỏe mới là thứ quan trọng hơn nhiều, có sức khỏe thì mới làm được nhiều việc có lợi ích cho mình và người khác.

6 – Người Phật tử bất cứ môi trường và điều kiện nào cũng phải biết sống thích nghi, ta có thể sống một mình mà không cảm thấy cô đơn, vì ta lúc nào cũng sống trong chánh niệm tỉnh giác.

7 – Người Phật tử chân chính nên biết: “Thành công hay thất bại, là con đường thể nghiệm cuộc sống. Hạnh phúc hay khổ đau, trước sau gì ai cũng phải biết”.

8 – Người Phật tử biết gieo trồng phước đức thì sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong hiện tại và mai sau. Kẻ chỉ biết cho riêng mình thì sẽ trở thành người ích kỷ, làm tổn hại người và vật.

9 – Mọi thứ trong cuộc đời đều có giá của nó, ít ai được trọn vẹn. Được cái này thì phải mất cái kia, muốn nhận thật nhiều thì phải cho đi tất cả, muốn được thành công và hạnh phúc lâu bền thì ta phải trả giá bằng sự nỗ lực và cố gắng trong kiên trì bền bỉ.

 

10 – Phật tử tu hành hay bị thối chuyển, bởi vì hay cầu khẩn van xin không tin tưởng chính mình. Mọi người ai cũng có khả năng nhận diện tâm qua sự xúc chạm thấy nghe hay biết, mới có thể trở nên hiền từ, sống chân thật, đạo đức và biết giúp đỡ sẻ chia, bằng tình người trong cuộc sống.

11 – Gia đình người thân biết tu tâm, thì mới được bình yên, an vui, hạnh phúc. Xã hội có tu tâm, thì đất nước mới an cư lạc nghiệp trên tinh thần đoàn kết vì đạo pháp và dân tộc bằng trái tim có hiểu biết.

12 – Thế giới ai cũng biết tu tâm, thì mọi người sống trong hòa bình. Phật tử biết tu tâm, mới mau vượt qua biển khổ sông mê. Và Phật dạy không thấy ai là kẻ thù chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi.

13 – Người nhiều bận rộn trong công việc giúp đỡ sẻ chia sẽ tránh được thị phi, còn quá nhàn rỗi mà không biết tu sẽ dễ sinh ra những sai lầm đáng tiếc.

14 – Người Phật tử chân chính phải biết, kho tàng vô tận của ta là từ bi hỷ xả được thể hiện qua nụ cười chân thật và hành động dấn thân vì lợi ích chung.

15 – Người Phật tử nên tìm hiểu cho chín chắn lời Phật dạy để áp dụng trong đời sống hàng ngày. Mỗi ngày học Phật, mỗi ngày tu tập sẽ giúp cho ta thay đổi cách nhìn trong cuộc sống, vì không cố định nên ta mới tu hành được.

16 – Người Phật tử sống phải biết chuyên cần học hỏi rèn luyện tu sửa làm việc, dấn thân đóng góp phụng sự xã hội trong chánh niệm tỉnh giác, để không làm tổn hại mình và người khác.

17 – Người Phật tử không chê trách dèm pha phỉ báng người khác, luôn khen ngợi việc làm tốt, không tạo ra oan gia trái chủ gây chia rẽ hận thù. Tâm luôn định tĩnh sáng suốt, nhờ biết cách làm chủ bản thân.

18 – Người Phật tử chân chính biết thương yêu tôn trọng lẫn nhau bằng trái tim có hiểu biết, thì tình yêu ngày càng thêm gắn bó và an lạc hạnh phúc nhiều hơn.

19 – Người Phật tử chân chính hãy nên nhớ rằng từ bi là phương thuốc nhiệm mầu, trị lành các bệnh khổ đau ở đời, nhờ biết giữ giới, thiền định và buông xả.

20-Người Phật tử hãy giữ tâm mình không bị loạn động bởi những thứ ô hợp, phải quấy, tốt xấu, đúng sai. Muốn làm chủ bản thân thì phải định tĩnh, sáng suốt mới không bị dòng đời cuốn trôi.

21 – Người Phật tử phải biết buông bỏ những kiến chấp sai lầm và các tạp niệm xấu ác. Nhờ vậy cuộc sống lúc nào bình yên hạnh phúc trong từng phút giây.

22 – Trong cuộc sống, con người thường bị dính mắc vào những thứ như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng mà đánh mất bản thân mình. Chính vì thế, họ thường hay oán giận thù hằn mỗi khi có việc trái ý nghịch lòng.

23 – Cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại, với vô vàn những thứ cám dỗ thúc đẩy sự ham muốn của con người, bởi vậy, một người không tin nhân quả và rèn luyện đạo đức thì không thể có cuộc sống hạnh phúc thật sự.

24 -Người Phật tử phải nên biết đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã không còn nữa. Con người đối xử không tốt với nhau bởi thất tình lục dục mà ngày đêm hao tâm tổn chí, cuối cùng khi ra đi chỉ mang theo hai bàn tay trắng?

25 – Người Phật tử nên nhớ khi con người có quyền và tiền trong tay thì hạnh phúc tinh thần sẽ mất đi. Vì lo sợ mất mát, sợ người chiếm đoạt, những thứ không thuộc về mình mà cố nắm giữ chỉ gây thêm phiền muộn khổ đau.

26 – Người Phật tử nên biết không tranh thì an ổn, không giết không hại người vật thì an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh. Người hay giúp đỡ sẻ chia thì tâm từ bi rộng lớn mà sống đời an vui, hạnh phúc.

27- Người Phật tử hãy nên làm chủ khen chê, vì khi được khen ai cũng thích thú vui vẻ, khi bị chê ai cũng cảm thấy mình bị xúc phạm. Vượt qua mọi khen chê mà an ổn sống đời hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

28 – Học Phật để thông suốt được sự thật giả phân minh nhờ đó mới biết cách buông xả. Buông xả những thói quen có tính cách hại người vật, phát sinh từ tham lam, sân hận, si mê và tà kiến.

29 – Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải là chánh tín nhân quả, được xây dựng trên cơ sở có chánh kiến, chánh tư duy bằng sự thấy biết chân chính nhờ biết buông xả.

30 – Người Phật tử không nên tiếc nuối về quá khứ tốt xấu, đúng sai mà đánh mất chính mình trong hiện tại, vì ta đang sống hạnh phúc trong từng phút giây của hiểu và thương.

31 – Người Phật tử biết tu học và buông xả nên có niềm vui chân thật, thì người đó không chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn hiến tặng niềm vui đến cho nhiều người.

32 – Một niềm tin thiếu hiểu biết đúng như thật gây tác hại, ảnh hưởng xấu, làm trở ngại cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, gieo bất an, khổ não cho nhiều người thì đó không phải là niềm tin đúng đắn, chúng ta cần loại bỏ.

33 – Người Phật tử nên biết, vật chất chỉ giúp cho ta có được cuộc sống đầy đủ bởi nhà lầu, xe hơi, tiền bạc thức ăn ngon…nhưng để thật sự an lạc hạnh phúc, ta phải biết buông xả về sự chấp trước ta, người, chúng sinh.

34 – Sai lầm lớn nhất của đời người là không tin nhân quả, nên có thể làm tổn hại đến người vật một cách mù quáng. Ai tin nhân quả sẽ từng bước hoàn thiện chính mình và đóng góp lợi ích xã hội.

35 – Mỗi sáng thức dậy chúng ta vui vẻ đón chào một ngày mới tràn đầy tình thương yêu nhân loại, thở vào ta cảm thấy an lạc, thở ra ta trút bỏ mọi ưu phiền. Vậy cuộc đời có làm gì cho ta phải bận lòng với những phải quấy, tốt xấu, đúng sai. Vì ta đang là chính mình……bằng trái tim có hiểu biết.

36 – Cư sĩ thường xuyên quán niệm về Phật, Pháp, Tăng thì sẽ được tăng trưởng phước báo và dần hồi, giảm bớt tội chướng cùng với các phiền não khổ đau, sau khi mạng chung sẽ được tái sinh vào các cõi trời người mà hưởng phước an vui hạnh phúc.

37- Đạo lý nhà Phật giúp ta mở rộng tấm lòng từ bi sáng ngời về hạt giống yêu thương, từ việc bố thí giúp đỡ chúng sinh bình đẳng qua nhiều hình thức. Từ đó, ta thấy việc làm bố thí chia sẻ quan trọng ở tâm chân thành, nhờ vậy chúng ta sống với nhau có yêu thương và hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống.

38 – Làm phước, bố thí cúng dường hay nâng đỡ cho nhau là con đường dẫn đến tình yêu thương nhân loại, là cách thức để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc, nhằm giúp cho ta và người cùng ngồi lại bên nhau, để được sống bằng trái tim yêu thương có hiểu biết.

39 – Cuộc đời như thước phim, chính ta là người đạo diễn, diễn hay hoặc dỡ là do ta tự hành động, chính vì thế ta phải tin nhân quả để tránh ác làm lành mà sống đời hạnh phúc.

40 – Nếu bạn thất vọng và mệt mỏi trong cuộc sống, hãy quán chiếu về sự vô thường của con người và muôn loài vật như gió thoảng mây bay, lòng ta sẽ thanh thản nhẹ nhàng mà bớt phiền muộn khổ đau.

41 – Nếu bạn đau khổ vì sự tham ái luyến mến vì gia đình người thân, hãy quán chiếu về lẽ vô thường được mất. Bởi mọi việc đều nhất thời, tạm bợ, giống như hoa phù du sớm nở tối tàn.

42 – Nếu bạn đang đau khổ vì sự oán giận hay cuồng nộ do người khác đem lại, hãy quán chiếu về sự không thật có của lời nói. Quán chiếu như vậy ta sẽ chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

43 – Một kiếp người có bao lâu, hơi đâu mà giận với hờn để rồi đánh mất chính mình và chịu chết chìm trong đau khổ. Cuối con đường cùng là cảnh cửa giải thoát sẽ dang tay đón nhận chúng ta. Đã làm người trong thiên hạ, ai không một lần thất bại, nếu ta ngồi yên hay đứng lại một chỗ thì không bao giờ vấp ngã.

44 – Càng bước đi, càng dễ dàng vấp ngã, nhưng nó không làm chết đi những con người tài đức, mà chỉ là thử thách tôi luyện thêm ý chí, lập trường cho người có đức hạnh và tài ba. Ngược lại nó, sẽ quật ngã những kẻ mềm lòng, yếu đuối, bạc nhược, dễ duôi, không có khả năng kiên nhẫn, chịu đựng, để rồi rơi vào hố sâu của đam mê tội lỗi.

45 – Người Phật tử phải sống có trách nhiệm đối với gia đình người thân, biết hướng con cháu mình tin sâu nhân quả, sống mẫu mực đạo đức thì trong tương lai gia đình, xã hội, đất nước mới được hạnh phúc tốt đẹp.

46 – Trên đời này không có ơn nào vĩ đại hơn ơn mẹ, mẹ đã ban tặng cho chúng con những gì tuyệt diệu nhất. Con cám ơn mẹ…vì mẹ là mẹ của con. Không có mẹ thế gian này sẽ sụp đổ…mẹ ban tất cả yêu thương của cuộc đời.

 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 28

Post Views: 323