CN0347.Có bao giờ bạn nhớ…Thương mình

Thương là một cảm xúc tốt đẹp, một tình cảm gắn bó tha thiết mà ta dành cho ai đó. Khi thương ai, ta sẽ cố gắng không làm tổn thương người đó, đối xử với họ một cách tử tế và đem đến cho họ những điều tốt đẹp nhất.

Trong cuộc sống, chúng ta thương rất nhiều người nhưng có một người mà chúng ta đừng bao giờ quên, đó là bản thân.

Nói như vậy chắc bạn lấy làm lạ lắm. Vì các hiền nhân đều dạy ta phải vị tha và Đức Phật cũng dạy ta phải thương tất cả chúng sinh. Còn ở đây thì lại bảo là mình phải thương bản thân mình. Thật ra là do cách ta hiểu chữ thương và cách thương như thế nào thôi. Nếu thương mình mà chỉ biết lợi cho mình, còn người khác bị thiệt hại như thế nào không cần biết thì đó là ích kỷ. Thương mình kiểu đó đáng bị lên án. Nhưng nếu thương mình là làm cho mình được tốt đẹp, được vui vẻ hạnh phúc một cách lành mạnh thì cái thương đó đáng khích lệ.

 

Khổng Tử có nói rằng, người quân tử học là vì mình, còn kẻ tiểu nhân học là vì người khác. Có nghĩa là người quân tử học là để hiểu biết nhằm rèn luyện đạo đức cho bản thân mình. Kẻ tiểu nhân học là để cho người khác biết mình là người có học, dù cho họ có thực hành đạo đức đi nữa thì cũng là để cho người khác kính trọng mình, đó là đạo đức giả. Thương mình ở đây cũng có thể hiểu theo cách người quân tử học là vì mình vậy. Thật ra một người biết thương mình, nhất là biết thương đúng cách, thì họ mới có thể biết thương người khác. Chứ một người mà ngay cả bản thân mình mà còn không thương, không quan tâm, chăm sóc thì làm sao họ quan tâm người khác.

Trở lại với vấn đề thương thân, nếu ta biết thương bản thân mình thì phải đối xử với bản thân cho thật tử tế. Chúng ta không được làm điều gì tổn hại đến bản thân, không được làm cho mình bị đau khổ về thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta hãy nhìn lại trong thời gian qua chúng ta đã biết thương mình chưa, đã đối xử tử tế với bản thân mình chưa, hay là luôn làm cho mình bị tổn thương, bị đau khổ? Chúng ta đã làm gì khi mình yêu một người nhưng không được đáp lại, hay bị phụ tình? Chúng ta hành hạ bản thân mình, không ăn, không ngủ, hủy hoại bản thân bằng bia rượu, thuốc lá, thậm chí đi đến quyên sinh.

Tại sao vì một người xa lạ mà ta chỉ mới gặp đây thôi rồi hành hạ bản thân mình, “người” mà đã lớn lên và chia sẻ với ta trong một thời gian dài, và sẽ còn đồng hành với ta cho đến hết cuộc đời? Chúng ta làm như vậy có đáng không, có bất công với bản thân ta không? Những người kia, dù họ là ai thì cũng đến rồi sẽ đi, nhưng nếu chúng ta hành hạ bản thân mình thì người chịu khổ là chính bản thân ta. Không ai khổ dùm ta được. Không phải là ta không có tình cảm, cảm xúc mà không đau buồn trước những mất mát. Nhưng đau buồn là một chuyện, còn làm cho ta khổ là một chuyện khác. Ta phải nhận thức rõ điều này. Dù ta có khổ đến như thế nào thì cũng không thể thay đổi được thực tế. Biết vậy thì đừng để mình buồn nhiều, huống chi là cố tình làm mình đau khổ.

Biết thương thân là ta phải làm cho ta ngày càng tiến hóa, không chỉ kiếp này mà còn nhiều kiếp trong vòng sinh tử luân hồi. Đối với kiếp này chúng ta phải sống cho tốt, phải học tập và rèn luyện bản thân để trước hết có thể tự lo cho bản thân, sau là cống hiến cho cộng đồng. Ta thấy nhiều người được sinh trong hoàn cảnh hết sức thuận lợi, “con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi” nhưng không biết giữ gìn và phát huy những lợi thế đó, lại sa đà vào ăn chơi đến nỗi bịnh tật hay tù tội, rồi chết một cách oan uổng. Như vậy là không biết thương thân, là không biết giữ gìn những giá trị tốt đẹp mà mình may mắn có được.

Đức Phật dạy rằng làm được thân người là khó, mà làm được thân người có đầy đủ lục căn lại càng khó hơn. Cái khó được mà ta đã có được thì chẳng phải là một điều vi diệu, tuyệt vời sao! Vậy mà ta không biết trân trọng thì có phải cô phụ lắm không? Hãy khoan nói đến việc cô phụ cha mẹ đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn, mà trước hết là cô phụ chính bản thân mình. Tại sao cô phụ chính bản thân mình? Đó là vì để có thể làm người với thân thể vẹn toàn và trí óc minh mẫn như thế này thì phải biết rằng đó là kết quả của những công đức mà ta đã tích lũy từ nhiều kiếp trước.

Hãy nhìn xung quanh ta, biết bao người tàn tật, khiếm khuyết… Những cái này không phải là ngẫu nhiên mà đều do nghiệp cả. Sự bất hạnh là do thừa hưởng nghiệp xấu, còn sự tốt đẹp là do thừa hưởng nghiệp lành. Kiếp trước chúng ta đã xây dựng nghiệp lành thì kiếp này chúng ta không nên hủy hoại mà phải tiếp tục xây dựng để làm cho nó tốt đẹp, hoàn thiện thêm. Kiếp này chúng ta làm người đẹp ít, kiếp sau phải đẹp hơn. Kiếp này trí huệ ít, kiếp sau phải thông minh hơn. Chứ đừng có để kiếp sau thua kiếp này là ta không biết thương mình rồi đó.

Thật ra có ai cho rằng mình không thương mình đâu. Ai cũng thương mình hết, nhưng chúng ta hãy nhìn xem, họ đã thương họ bằng cách nào? Nếu mọi người thật sự biết thương mình thì Đức Phật chẳng nói rằng “Ta thấy chúng sinh từ cõi người rớt xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh nhiều như đất trên đại địa, còn chúng sinh từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh lên làm người ít như đất trên móng tay”. Nếu chúng sinh biết thương mình thì tại sao lại để cho mình bị đọa lạc như vậy, sao không làm cho mình ngày càng đi lên, ngày càng thanh cao, thanh tịnh và giải thoát? Có lẽ chúng ta cũng muốn. Muốn có một cuộc sống tốt đẹp trong đời này và đời sau, nhưng chúng ta chưa thật sự hiểu thế nào là tốt đẹp, cũng như con đường dẫn đến sự tốt đẹp đó.

Nói cách khác, chúng ta hiểu lầm về hạnh phúc và cách làm cho mình hạnh phúc. Chúng ta cho rằng phải có căn nhà lớn đẹp thì mình mới hạnh phúc. Như người bị ghẻ ngứa và gãi cho đã ngứa, chúng ta cho rằng cái cảm giác đã ngứa đó là hạnh phúc nhưng không biết rằng đó là bịnh, trong khi hạnh phúc thật sự là một cơ thể khỏe mạnh bình thường, không ngứa và cũng không đã ngứa.

Thời Đức Phật ở Ấn Độ có đến 96 đạo giáo nhưng có được mấy giáo phái có chủ trương đúng đắn có thể đưa đến an lạc và giải thoát thật sự. Không phải họ muốn như vậy, do cái thấy của họ chưa tới nên họ nghĩ rằng như vậy là đúng. Ngoài ra trên thế giới hiện có không biết bao nhiêu quan niệm sai lầm, như giết người sẽ được sinh lên thiên đường. Nói như vậy để thấy rằng mong muốn là một chuyện, còn có đi đúng đường, làm đúng cách hay không lại là chuyện khác.

Hãy nhìn những gì đang xảy ra quanh ta và trên thế giới: Giết hại, cướp của, gây chiến, lừa dối, thủ đoạn, chà đạp nhau để thăng tiến hay làm giàu… Với những việc làm như vậy, những người này tương lai sẽ đi về đâu, đi lên hay đi xuống? Ngay cả thân người còn khó đảm bảo huống là có thể thăng hoa, tiến hóa lên những loài cao cấp hơn. Chúng ta nên biết rằng thân người khó được nhưng dễ mất. Một bậc đại thiền sư nhưng chỉ cần nói sai một câu về nhân quả mà phải đọa làm thân chồn năm trăm kiếp, như câu chuyện của Thiền sư Bách Trượng và lão hồ ly, thật đáng cho ta suy ngẫm và kinh sợ.

Cũng có thể chúng ta hiểu được thế nào là hạnh phúc thật sự nhưng không làm được. Chúng ta biết rằng mình thật ra không cần căn nhà triệu đô mới hạnh phúc nhưng lại không muốn thua bạn bè hay xã hội. Và thế là cứ lao đi, lao đi mãi. Người ta có cái nào thì mình phải có cái đó hoặc hơn cái đó mới được mà không biết có và hơn để làm gì. Con người khổ, thật ra không phải vì họ thiếu thốn, mà vì họ so sánh với người khác.

Thử tưởng tượng chúng ta bị lạc trên một hoang đảo. Lúc đó những gì ta làm chỉ với mục đích tồn tại. Nhờ vậy chúng ta sống một cách an nhiên vì không có ai để so sánh. Chúng ta không thấy nhà mình thua hay hơn nhà người khác, cũng không cần sự đánh giá của cộng đồng về địa vị, danh tiếng rằng mình được nhiều người quan tâm hay không, họ có ngưỡng mộ mình hơn người khác hay không, cũng chẳng cần phải làm ra vẻ là người tử tế hay lịch sự… Và đó mới là nhu cầu thật sự, hạnh phúc thật sự cũng như con người thật sự của mình. Hãy một lần can đảm làm con người thật sự của mình, như một loài hoa nở tự nhiên giữa đất trời mà không cần so sánh vẻ đẹp với các loài hoa khác, cũng không cần biết người khác nghĩ về mình thế nào.

Thật ra, trên bình diện tương đối, so sánh với người khác để nhìn lại mình nhằm hoàn thiện mình hơn là điều tốt. Nhưng thông thường chúng ta không làm như thế, mà chúng ta so sánh để ganh đua, để hơn người khác. Và để hơn người khác, chúng ta đã tạo nghiệp xấu. Cá nhân muốn hơn cá nhân, quốc gia này muốn hơn quốc gia kia mà xung đột và chiến tranh xảy ra. Nếu mỗi người, mỗi quốc gia hiểu được cái gì là hạnh phúc thật sự thì họ chỉ làm những gì để có hạnh phúc đó thì mọi người sẽ sống yên ổn và vui vẻ, cũng không tạo ác nghiệp để rồi phải chịu đọa lạc.

Chúng ta cứ nghĩ rằng mình thương mình nhưng thật ra là đang hại mình, làm cho mình đau khổ (hoặc hạnh phúc giả) trong hiện tại và sẽ đọa lạc trong tương lai. Nếu chúng ta biết thương mình thì phải làm cho mình đi lên cho đến khi nào thành Phật mới thôi. Theo nhà Phật thì có mười cảnh giới trong bậc thang tiến hóa, gọi là Thập pháp giới. Thấp nhất là Địa ngục, rồi đến Ngạ quỷ, Bàng sinh, Người, A-tu-la, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và hoàn thiện nhất là Phật.

Phật là người biết thương mình nên Ngài đã không để mình thoái đọa, trừ khi ngài muốn thị hiện để độ sinh. Mỗi kiếp sống Ngài đều làm cho mình tiến bộ và cuối cùng là đạt đến quả vị Phật. Ta cũng có tánh giác và khả năng tu hành như Đức Phật nhưng sao Phật đã giác ngộ còn mình thì vẫn lặn hụp trong biển sinh tử khổ đau? Đó là vì chúng ta không biết thương mình, hoặc thương không đúng cách.

Bài viết: “Có bao giờ bạn nhớ…Thương mình”
Thích Trung Hữu/ Vườn hoa Phật giáo
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 5

Post Views: 242