CN0261.Giật mình khi biết số tiền người Việt chi cho vàng mã mỗi năm

CN0261.Giật mình khi biết số tiền người Việt chi cho vàng mã mỗi năm

Theo tính toán từ số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê điều tra cho thấy người Việt Nam chi tiêu cho vàng mã, đồ cúng cao gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em.

 

Tính toán trên được tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân và hiện là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cứu phát triển Mêkông thực hiện.

 

Đốt vàng mã gây lãng phí lớn

Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường cho biết trong số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê có câu hỏi về số tiền mà hộ gia đình chi bình quân trong 30 ngày qua cho việc đồ cúng lễ. Số tiền này chỉ là tiền mua vàng mã, hương hoa và đồ cúng không phải thực phẩm (tức là không bao gồm bánh kẹo, quả hay thịt cá dùng để cúng lễ).

Từ đó, tiến sĩ Cường tính toán và thấy rằng vào năm 2012, bình quân mỗi hộ gia đình tại Việt Nam chi 575.000 đồng cho đồ cúng lễ. Con số này tăng lên tăng lên 654.000 đồng vào năm 2016 (đã loại bỏ ảnh hưởng của lạm phát).

Nếu nhân con số này với tổng số hộ cả nước của từng năm thì tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13.000 tỉ đồng năm 2012 và tăng lên khoảng 16.000 tỉ đồng năm 2016.

Tiến sĩ Cường cho biết, khảo sát của Tổng cục Thống kê được thực hiện vào tháng 5 và không bao gồm tháng tết nên không bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, các hộ chi tiêu quá cao cho đồ cúng lễ (gọi là giá trị ngoại lai trong thống kê) cũng đã được ông loại bỏ ra khỏi tính toán.

Điểm đặc biệt nhất, theo tiến sĩ Cường là khoản chi tiêu cho đồ cúng cao của người Việt gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Số tiền mà người dân Việt Nam chi cho sách truyện và đồ chơi trẻ em bình quân trong năm 2012 và 2016 là hơn 1.600 tỷ và 2.100 tỷ đồng.

“Trong khi đó, sách truyện và đồ chơi được cho là đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và là một trong những chỉ số đo lường nghèo đa chiều trẻ em của UNICEF. Theo báo cáo nghèo đa chiều trẻ em của UNICEF thì khoảng 20% trẻ em 0 – 4 tuổi không có đồ chơi vào năm 2014″, tiến sĩ Cường nói.

“Tín ngưỡng là quan trọng nhưng chi tiêu ra sao cho hợp lý cũng quan trọng không kém. Thay vì lãng phí quá nhiều tiền vào vàng mã hay đồ cúng, chúng ta nên mua thêm sách truyện cho trẻ nhỏ”, tiến sĩ Cường nói thêm.

Cần loại bỏ tục đốt vàng mã để tránh lãng phí

Vào ngày 22/2/2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 31 đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ: “Đề nghị chư tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”.

“Số tiền mà người dân mua vàng mã mang vào chùa đốt có thể nuôi được hàng triệu người Việt nghèo khó”, Thượng tọa Thích Nhật Từ

Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Theo quan điểm của Phật giáo, chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, hình thức, đó mới là điều cốt lõi. Đốt vàng mã nhiều như hiện nay là rất lãng phí.

Thượng tọa Thích Đức Thiện – Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – cho biết từ nhiều năm qua, đến mỗi mùa lễ tết và lễ Vu lan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có công văn hướng dẫn phật tử và người dân loại bỏ tục đốt vàng mã.

Cho rằng tục đốt vàng mã ở Việt Nam do có từ lâu đời nên đã trở thành nét văn hóa, nhưng đang bị lạm dụng như một sự mê tín, thượng tọa Thích Đức Thiện nhắn nhủ: “Trong đạo Phật không có chuyện đốt vàng mã. Nhưng vì đây là nét văn hóa nên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyên dạy phật tử và người dân loại bỏ tục đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo. Giáo hội không cấm những gì thuộc về văn hóa, nhưng cần loại bỏ những mê tín”.

“Muốn làm thay đổi suy nghĩ của người dân Việt Nam hiện nay thì chúng ta phải tích cực vận động, tuyên truyền làm sao để cho người dân hiểu được việc đốt vàng mã thực ra chỉ là thể hiện lòng thành kính, thành tâm về tâm linh, thể hiện tình cảm với tổ tiên chúng ta thôi.

Không phải cứ đốt vàng mã là người ở thế giới bên kia sẽ nhận được. Chúng ta cần phải thay đổi cái nhận thức, cái suy nghĩ về việc đốt vàng mã của người dân, khi mà đã thay đổi được suy nghĩ của người dân rồi thì sẽ giảm được tình trạng đốt vàng mã rất nhiều”, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TTTT T.Ư GHPGVN, trụ trì chùa Liên Phái.

Bài viết: “Giật mình khi biết số tiền người Việt chi cho vàng mã mỗi năm”
Thanh Tâm/ Vườn hoa Phật giáo
 
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 11

Post Views: 255