CN0299.Làm việc thiện mà không thấy phúc báo, mong cầu mà không được toại nguyện, rốt cuộc vì đâu?

CN0299.Làm việc thiện mà không thấy phúc báo, mong cầu mà không được toại nguyện, rốt cuộc vì đâu?

Có người làm việc tốt không ít nhưng phúc báo lại không thấy hiển hiện ra ngay. Thế là bắt đầu tính toán, so đo, những việc không vui chẳng thể nào quên đi được, phúc báo lại càng ngày càng ít. Nguyên nhân là gì? Truy cứu đến tận cùng thì do có một số điều mà họ chưa cảm ngộ ra được.

 

Rất nhiều người hy vọng có thể tu phúc, hy vọng bản thân sống cuộc sống tốt đẹp hơn, sống thoải mái tự tại hơn, đầy đủ hơn, vì thế họ đã làm rất nhiều việc thiện.

 

Nhưng họ đã bỏ qua mất một điểm, đó là đồng thời với việc tích cực tu phúc, có phải cũng đang không ngừng hao tổn phúc phận của bản thân mình không?

Có lẽ có người không ngừng tu phúc hoặc làm những việc thiện khác. Nhưng cảnh ngộ lại không thuận lợi, người có bệnh thì bệnh không thấy giảm nhẹ, người bần cùng thì vẫn bần cùng như cũ, những mong cầu đều không được toại nguyện. Thế là bèn oán trách ông Trời bất công, tại sao mình làm lợi ích cho người khác mà lại không bằng những người không hành thiện? Thế rồi bắt đầu bất mãn với Thần Phật, cho rằng Thần Phật không chiếu cố đến mình.

Nhưng họ không biết rằng, phúc mà họ tích được có thể đã bị hao tổn trong khi khởi tâm động niệm, nói năng thêu dệt mà họ không hay biết. Thực tế có nhiều người như vậy. Chúng ta có chú ý đến cái tâm của mình không? Những lời chúng ta nói, những việc chúng ta làm, chúng ta có thực sự quan sát xem xét không?

Khi thấy người khác thăng quan phát tài, đặc biệt là những người tài năng không bằng mình, thì cái tâm chúng ta có chua xót hay bực tức ghét bỏ không? Chúng ta còn có thể cảm thụ được niềm vui của người khác không, có chúc mừng họ không? Hay là chúng ta phẫn nộ bất bình, cười khẩy coi khinh họ?

Khi chúng ta ăn cơm, có những món ăn không hợp khẩu vị, chúng ta có bực tức đổ đi, hoặc oán trách thức ăn không ngon không? Hay là chúng ta lúc nào cũng cảm ân người làm ruộng đã cực nhọc vất vả, người trồng rau đã nhọc nhằn nắng mưa, người làm cơm đã dụng tâm gắng sức?

Thấy một người ăn xin ven đường, chúng ta có cho rằng ông ta giả tàn tật lừa bịp, hay là lúc cho ông ta tiền, trong tâm thì coi thường ông ta nhưng lại nghĩ mình đang làm việc tốt, làm việc thiện?

Khi thấy người nào đó hành vi bất chính, sau đó bị đổ bệnh, chúng ta có nghĩ: “Hãy xem, đây là báo ứng, kẻ hành ác cuối cùng sẽ bị ác báo”. Lúc đó chúng ta có ý thức được ra rằng bản thân mình đang vui trên nỗi đau của người khác không?

Cái tâm này rốt cuộc là khắc bạc hay là nhân hậu, chúng ta có biết không? Cần hiểu rõ rằng, trong khoảnh khắc thấy người khác bị tai họa mà trong lòng mình vui mừng, thì niệm đầu vui mừng ấy đã hao tổn phúc báo của bản thân mình rồi.

Bất kể việc gì, khởi tâm động niệm đều khởi tác dụng, đều sẽ hao tổn phúc báo bản thân, chứ không phải là không làm thì không tính. Tính toán tỉ mỉ ra như thế này, phúc báo của bản thân mình không biết đã bị tiêu tán mất đi bao nhiêu, quả thực thật đáng tiếc.

Giống như một chiếc thùng thủng, bạn không ngừng đổ nước vào, nhưng nước cứ luôn luôn chảy đi mất. Kỳ thực, tiếc phúc còn đáng quý hơn tạo phúc. Khi tiếc phúc, bạn sẽ biết cảm ân người khác đã cống hiến, hiểu được trân quý, hiểu được cần kiệm.

Nhưng khi tạo phúc, một mực hy vọng sẽ được thêm phúc báo một chút, thêm chút nữa… Cái tâm tham cầu này có lẽ đã khiến bản thân càng suy bại.

Nếu có thể một mặt tạo phúc, một mặt tiếc phúc, rồi lại chú ý không tổn phúc, thì nhất định phúc phận tích lũy sẽ tăng tiến rất lớn. Hơn nữa, khi phúc đến, bạn sẽ hưởng thụ thật vui vẻ, bởi vì cái tâm của bạn là chân thiện.

Nếu chỉ dùng tiền tài để bố thí, có lẽ cuộc sống của bạn vẫn cứ không dễ chịu như cũ, bởi vì bạn nhìn người khác không vừa mắt. Nhưng nếu có thể nhìn ngược lại cái tâm mình, bố thí lòng thiện lương, từ bi, niềm vui của mình cho người khác, thì những những gì bạn đắc được không chỉ là của cải mà thôi.

Vậy nên cần khiến bản thân mình hạnh phúc một chút, vẫn cần phải chú ý không được tổn hao từng tý từng chút phúc của mình. Là học sinh, thấy bạn khác có thành tích thi tốt, bạn có đố kỵ ghen ghét không? Người làm ăn cũng như vậy, thấy người khác đông khách hơn mình, thu lợi hơn mình, thì có thấy ‘cay mũi’ không?

Hoặc người đã ly hôn, thấy có người cũng ly hôn, trong tâm nghĩ ‘a, cũng có người như mình’, liền thấy có chút an ủi. Hoặc có người thường xuyên dùng lời lẽ cay nghiệt khiêu khích người khác, chê bai hạ thấp người khác để hiển thị bản thân, vạch những khuyết điểm của người ta, nói những sai lầm của người khác. Đây đều là cái tâm không đủ nhân hậu, đều đang hao tổn phúc phận của chúng ta.

Thế nên nhất định phải nhìn thấy cái tâm mình, có phải là từng suy nghĩ ý niệm đều mong muốn người khác tốt hay không. Thấy người ta có được thứ gì đó thì mình khó chịu, thấy người khác mất thứ gì đó thì mình thấy được an ủi, hoặc thấy người mà mình không thích bị chịu tội thì vui thích… Tất cả những điều này đều là biểu hiện đã mất cái Đạo nhân ái, đều đang hao tổn phúc báo của chính mình.

Trái lại, nếu tu phúc từ những cái nhỏ nhặt bình thường này thì phúc phận sẽ tăng tiến rất nhanh.

Thấy người khác tốt chúng ta vui mừng, thấy người khác không tốt chúng ta lo lắng buồn thay cho họ. Ngoài ra có thể dùng hết khả năng của mình để giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn, cho dù người đó có khúc mắc với mình, thì những việc nghĩa chẳng từ nan mà đi giúp đỡ họ – đó chính là cái tâm nhân hậu.

Có cái tâm nhân hậu này rồi thì không phải lo lắng mình không có phúc báo. Nếu lúc nào cũng nuôi dưỡng thiện tâm, từng suy nghĩ ý niệm đều thành tựu việc tốt cho người khác, khen ngợi công đức của người khác, có năng lực thì tận tâm tận lực – làm được như vậy chính là chúng ta đang tích lũy  phúc phận lớn rồi.

Gặp những người không giống với tính cách, suy nghĩ, nguyện ý của mình thì cũng không cố cưỡng cầu hòa đồng, nhưng cũng chớ tỏ ra hơn người khác người, chỉ cần tôn trọng quan tâm lẫn nhau là được rồi. Như thế bạn sẽ càng ngày càng thấy được tu phúc đắc phúc, thấy được hạnh phúc chân thực.

Có tiền không có nghĩa là có hạnh phúc, rất nhiều người tiền của dồi dào nhưng tâm hồn không vui vẻ, vẫn trong thống khổ không nguôi. Chỉ có thời thời giữ vững thiện tâm, sẽ có được một cái tâm thanh tịnh, một trái tim yêu thương và thiện lương. Tiếp đến dùng cái tâm đó đi an ủi bảo vệ những người xung quanh, khiến họ cảm nhận được sự thoải mái và tự tại.

Từng giờ từng phút trong tâm có thiện niệm thì chính là cái gốc chân chính cải biến vận mệnh.

Bài viết: “Làm việc thiện mà không thấy phúc báo, mong cầu mà không được toại nguyện, rốt cuộc vì đâu?”
Nam Phương/ Vườn hoa Phật giáo
 
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 7

Post Views: 301