CN0256.Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều

Trong Tây du ký có một chi tiết khi thầy trò Đường Tăng được mời ăn nhân sâm tại quán Trấn Nguyên đại tiên, Trư Bát Giới vì tham ăn nên đã nuốt trọn quả nhân sâm để rồi tiếc vì chưa kịp biết mùi vị nhân sâm như thế nào. Các bạn nghĩ sao về chi tiết này? Nên sống chậm hay nhanh?

Câu chuyện giữa tôi và chủ phòng net cùng thông điệp nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn


Mê đánh máy chữ nên tôi tự học trên máy cơ, gõ mạnh tay nét in qua giấy than lên giấy pơ luya mỏng tang mới đậm và nét.

Nhưng khi chuyển qua làm bài qua máy tính tôi thấy có sự khác nhau rất nhiều. Bàn phím nhạy, cơ chế tạo chữ và in khác hẳn, cho dù vẫn gõ lốc cốc song lực tác động có lẽ chỉ cần 1/1000 là được. Vậy mà do không thích nghi được, tôi vẫn gõ mạnh tay dù được nhắc nhiều, thói quen nhỏ đã khó bỏ. Song, biết mạnh tay, không hề nghĩ rằng mình đã đánh  “quá mạnh”. Nên mỗi khi bị chủ phòng net lớn tiếng nhắc nhở, bực lắm và đôi khi lớn tiếng lại. Tôi cảm thấy khó chịu nhưng không có máy riêng nên đành chịu.

Rồi một lần tôi đi xa tận miệt Đồng Nai, lại lọ mọ ra phòng net công cộng gõ tin sự kiện nóng. Tôi nhớ tiếng hét của cô chủ trẻ nơi xa lạ “chú đánh gì ghê vậy!” và nét mặt của cô thật khó quên.

Ngay sau đó tôi “ngộ” ra: đúng rồi, cách gõ chữ trên bàn phím máy tính của mình khủng lắm, chị chủ phòng net ở quê nhà cằn nhằn là nhẹ, so với tiếng hét của cô chủ ở chốn này chẳng là gì. Thấm. Mình không thấy rõ chính mình. Chợt bao nhiêu bực bội với chị chủ phòng nét ở xứ nhà tan biến…

Đúng, sống chậm lại suy nghĩ khác đi tất yêu thương nhiều hơn thay vì vị kỷ chỉ nghĩ đến mình, cho rằng bản thân “ta” hoàn mỹ.

Ngồi suy nghĩ tôi lại nhớ đến câu chuyện của một chị bạn tâm sự:  Nhà chị có một đứa em học khá giỏi vì thế nên cả nhà đã gom vào nuôi, nên cưng và cũng kỳ vọng nhiều đối với cậu ấy. Sau khi tốt nghiệp đại học, được việc làm ở ngân hàng lớn, nhưng cả nhà hoảng vì ngày cậu ngày càng “thiếu gia” vì  mỗi khi tan sở về nhà là cáu gắt với mọi người dù là không có chuyện gì, bầu không khí gia đình do vậy buồn. Rồi tìm hiểu kỹ chị mới hiểu: Ngân hàng nơi em trai mình làm việc cường độ lao động quá căng, đặc thù công việc đòi hỏi cao, áp lực đè nặng nhân viên và em mình bùng nổ khi mệt nhoài về nhà là chuyện  có thể hiểu. Chị thấy thương em mình hơn. Tôi không quên chuyện này.

Vậy đó, hãy nhìn mình, tiên trách kỷ hậu trách nhân để sống hòa ái hơn, nhất là khi xã hội vận động ngày càng nhanh, cường độ lao động ở xã hội công nghiệp rất cao và nhu cầu được sống ngày càng đòi hỏi nhiều hơn khiến gánh nặng cuộc sống tăng nhanh.

Nên hãy sống chậm lại giữa dòng đời vội vã

Cuộc sống là một trường đua và thì giờ là vàng, là bạc. Nhưng con người không phải là một cỗ máy vô cảm, con người có tâm hồn được tạo nên từ vô vàn những mảng màu lắp ghép, những cung bậc cảm xúc nối tiếp nhau: buồn-vui, thất vọng-hy vọng, chán nản-hạnh phúc, khinh ghét-yêu thương…

Giữa những nốt bổng và nốt trầm, giữa lúc buồn mà không bế tắc, tuyệt vọng; giữa lúc vui mà không mải mê, chủ quan, ta có những “nốt lặng”. Nốt lặng đó không vang thành lời, nó cho con người, cho tuổi trẻ thời gian để “Sống chậm, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn”. Dù là một giây, một phút thôi nhưng nó nạp cho ta năng lượng sống cả cuộc đời.

Sớm ra đường, xe cộ qua lại tấp nập, ai cũng mải miết và hối hả. Dừng lại đôi phút đèn đỏ, ai cũng sốt ruột, vẻ mặt thoáng chút lo âu và nghiêm nghị như đang suy nghĩ một việc rất hệ trọng. Đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, chúng ta đang lao đi như những con thiêu thân trên một hành trình bất định.

Vẫn biết với con người và đặc biệt là tuổi trẻ, sống là không chờ đợi…Vẫn biết nếu không nhanh nhẹn, không biết chạy đua, làm sao có được những gì mà mình muốn: thành công, tiền bạc, hạnh phúc…Vẫn biết xã hội đương phát triển một cách chóng mặt, thời gian được rút ngắn một cách tối đa: trồng trọt, sản xuất thì rút ngắn thời gian thu hoạch để một năm có thể xen gối thâm canh thêm mấy vụ nữa; máy móc công nghiệp cũng được cải tạo với công suất nhanh nhất; Internet được nâng cấp với tốc độ lan truyền đến chóng mặt…Cuộc sống buộc con người phải đi theo guồng quay đó, ai làm khác là tụt hậu. Phải chăng đó là nguyên nhân gây nên mặt trái xã hội khi lượng người bị trầm cảm, u uất, rối loạn tâm lý ngày càng nhiều hay với lớp trẻ tình trạng “sống thử”, “sống vội’, “sống sơ sài’ diễn ra như một định hướng chung.

Sống chậm là để cảm nhận những gì tốt đẹp trong cuộc sống: Ta dành chút ít thời gian tĩnh tại để ngắm nhìn một bông hoa đẹp, nghe tiếng chim đang ríu rít, lặng mình trong bản nhac nhạc cổ điển, hít thở và ngắm nhìn trời xanh… Tâm hồn con người như một mảnh đất với những mầm non vậy, nếu không có những thứ ấy tưới tắm, bón trồng thì đất sao màu mỡ và mầm xanh bé bỏng sao vươn lên tốt tươi được.

“Sống chậm”, “suy nghĩ khác” và “yêu thương nhiều hơn” là ba mặt biện chứng của một vấn đề. Sống chậm thực chất là thời gian con người suy nghĩ, mài nhọn các giác quan nhạy bén và thành lập tư duy sáng tạo, tích cực. Sống chậm còn là lúc con người được thảnh thơi, yêu thương, trân trọng những người xung quanh. Nhưng cũng chớ đánh đồng sống chậm trái nghịch với lối sống “vội vàng” của thi sĩ Xuân Diệu. Thi sĩ sống vội vàng là sống hết mình, sống một cách tận độ, sống sao cho có ý nghĩa nhất. Vậy nên tuổi trẻ phải vừa biết sống chậm để rèn luyện sự chín chắn, trưởng thành, vừa phải biết sống “vội vàng”, linh hoạt và hết mình.

Trong cuốn sách  “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” của Hae Min Đại Đức có đoạn:  

“Nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ một lát rồi đi tiếp.
Khi bị người khác làm tổn thương đến rơi nước mắt,
Khi điều bạn khao khát không trở thành hiện thực,
Khi người yêu thương rời bỏ bạn,
Hãy nghỉ ngơi rồi đi tiếp”.

Bài viết: “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn”
Nguyễn Thành Công/ Vườn hoa Phật giáo
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 9

Post Views: 268