CN0320.Thực tập yêu thương & chánh niệm từ… những cái tát

Câu chuyện về hai cái tát đến chảy máu tai mà cô giáo chủ nhiệm dành cho cậu học trò tiểu học Trương Ngọc Hải tại tỉnh Quảng Bình đến nay có lẽ cũng chưa thể gọi là nguội hẳn. Giáo dục vẫn theo mỗi gia đình suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, thì những cái tát ấy sẽ còn ám ảnh không thôi.

 

Và từ câu chuyện ấy, chúng tôi rút ra một bài học sâu sắc về ứng xử lẫn thực tập chánh niệm trong Phật giáo mà hình như ngày thường chúng ta rất xem nhẹ.
 

Răn đe lẫn trân trọng

 

Đầu tiên, về cách ứng xử. Nếu tôi là cô giáo, thì tôi sẽ không tát cậu học trò đến chảy máu tai như thế. Thứ nhất, tôi sẽ khen cậu bé là giỏi vì đã giải quyết luôn hai đề. Không giỏi mà nó làm kịp hay sao, trong khi những bạn khác làm một đề còn chưa xong.

Thứ hai, tôi sẽ nói với cậu bé nên tập trung sự chú ý để nghe kỹ lời cô dặn (chánh niệm), vì dù giỏi mà vi phạm luật thì cũng bị xử lý. Kinh nghiệm này bé sẽ còn gặp trong những việc lớn hơn trong đời. Luật pháp có những quy định khắt khe hơn nhiều, và em không thể biện minh rằng em “vô ý” để được khoan hồng, có khoan hồng thì cũng giới hạn mức độ, chứ thiệt hại em gây ra cho bản thân hoặc cho người khác làm sao cứu chữa được.

Thứ ba, tôi nghĩ dù sao thi tiểu học cũng không ghê gớm gì lắm, cho nên tôi sẽ nói: “Thôi bây giờ em quyết định chọn một trong hai bài đã nộp, còn cái không được chọn thì cô xóa. Vậy chấm điểm một cái thôi, điểm cao thấp thế nào thì em chấp nhận nhé. Và cô sẽ trừ 1 điểm coi như phạt cái tội em không nghe kỹ lời dặn”.  (Cô dặn chỉ chọn làm 1 trong 2 đề kiểm tra, nhưng em đã làm luôn 2 đề và nộp rất sớm).

Như vậy vừa có tính răn đe vừa trân trọng tài sức con trẻ. Nó còng lưng làm bài mà lại bị tát. Cô giáo xử lý như vậy sẽ tạo thành một dấu ấn xấu trong tuổi thơ của em, ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách sau này.

Bản thân tôi đã đi dạy từ thiện cho trẻ con 18 năm nay, nhiều đứa quậy kinh khủng luôn, rất đau đầu. Đôi khi quá sức chịu đựng thì mình cũng nổi bực, cũng la rầy các em dữ lắm, nhưng thật sự chưa dám đụng tới nó. Có phạt theo kiểu “đánh đòn” thì tôi chỉ áp dụng theo cách mà thầy cô tôi đã làm từ trước 1975, nghĩa là bắt đứng ngay ngắn xòe tay ra cho cô dùng thước khẽ vào tay, hoặc đứng úp mặt vô tường, bắt thụt dầu… Còn đối với những cái lỗi do tâm tánh con nít gây ra thì mình chỉ nhắc rồi thôi, chứ thật sự không đáng để phạt.

Riêng đối với em Trương Ngọc Hải này, em đã làm bài kiểm tra giỏi đến vậy thì đâu có gọi là “lỗi”, chỉ nên gọi là “nhầm” thôi, cô giáo nên rộng lòng với em, thậm chí nếu là tôi thì tôi còn cưng em hơn vì nó học giỏi. Trừ nó 1 hoặc 2 điểm cho nó nhớ chữ “chánh niệm” là đủ rồi. Tóm lại, chúng ta ứng xử với em trên cơ sở tình yêu thương, lòng từ bi.

Thực tập chánh niệm

Quan trọng hơn, tôi muốn bày tỏ ý kiến về sự thực tập chánh niệm, mong quý phụ huynh và thầy cô thường xuyên giáo dục các em. Trong nhiều năm dạy học, tôi nhận ra một điều là đa số người trong chúng ta, từ trẻ em cho đến người lớn, đều rất ít chánh niệm. Và người ta cũng rất coi thường hai chữ chánh niệm này, dù có khi người ta là Phật tử tham gia rất nhiều khóa tu, huống hồ là người bình thường không phải Phật tử thì càng không để ý gì đến chánh niệm.

Cuộc sống vội vã khiến người ta chưa làm xong chuyện này đã nghĩ sang chuyện khác, ngồi một nơi mà nghĩ đến nơi khác, xao động nhiều lắm. Chính kiểu sống đó tưởng chừng giải quyết cùng lúc được nhiều việc, nhưng thật ra lại dễ dẫn đến sai sót, và càng mất thời gian, mất tâm trí, mất tiền bạc để giải quyết cái sai sót ấy.

Thí dụ, nhiều người khách vào nhà tôi chơi, lát sau ra về là loay hoay tìm chìa khóa xe máy, tìm mắt kính, không nhớ là để ở đâu. Có người phải chạy ra đường hoặc xuống hầm xe tìm nát cả một vùng. Có người bước xuống xe mà quên rút chìa khóa. Có người đi khỏi nhà mà quên khóa cửa. Có người rút thẻ ATM mà quên lấy thẻ ra. Hoặc bắc nồi cơm mà quên bấm điện để nấu, trưa đi làm về thấy gạo sống nhăn. Đi taxi thì quên điện thoại, quên túi xách trên xe. Đưa tiền nhầm tờ 500.000 đồng với tờ 20.000 đồng. Ngồi trong phòng học mà thầy cô giảng cái gì lại không nhớ. Bác sĩ bảo uống thuốc ngày mấy lần cũng hay quên. Đi nhầm trạm xe do nhìn vé không kỹ. Chạy xe máy quên trả số, v.v… và v.v…

Mỗi người thử kể ra xem mình có bao nhiêu thứ nhầm lẫn, quên, sai sót như thế. Học trò của tôi cũng thường sai sót khi làm bài kiểm tra. Tôi dặn phải ghi tên vào bài thi, có em quên ghi. Dặn khoanh tròn khi chọn câu trả lời trắc nghiệm, thì các em đánh dấu chéo. Dặn cái này thì lại làm cái khác, lung tung cả lên. Nhiều em sinh viên đi thi đại học còn quên đem giấy tờ, hồ sơ, đánh số nhầm câu hỏi. Cho nên em Trương Ngọc Hải đâu phải là cá biệt.

Nhìn chung, cũng do mất chánh niệm mà thôi. Thật ra, thực tập chánh niệm là một phương pháp sống mà tôi nghĩ bất kể anh chị theo Tịnh Độ tông, Thiền tông, Mật tông, hoặc không theo Phật giáo đi nữa, đều có thể áp dụng. Bởi nó có lợi ích rất lớn trong cuộc sống thường nhật, chứ tôi chưa nói gì đến giải thoát cao siêu. Khi có chánh niệm thì hầu hết công việc của chúng ta chỉn chu, chính xác, đỡ mất công giải quyết hậu quả, rõ ràng là tốt hơn. Thực tập chánh niệm cũng khiến đầu óc chúng ta đỡ mệt, thay vì lộn xộn lăng xăng. Áp lực cuộc sống là có thật, nhưng khi giữ chánh niệm thì mọi thứ tuần tự trôi qua, tuần tự giải quyết, vẫn hơn là lăng xăng trộn lẫn mọi việc vào nhau, đâu có nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Vì vậy tôi thường khuyên học trò mình thực tập chánh niệm. Thậm chí bày trò vui vui trong lớp là khi tôi bất ngờ hỏi “chìa khoá con đâu?” thì em phải nói được ngay nó ở đâu. Nói không được là bị phạt đóng vô quỹ lớp 5.000 đồng. Vì khi cất chìa khóa phải “biết” mình cất chìa khóa, cất ở túi quần thì “biết” mình cất ở túi quần. Tập như thế vài lần là quen.

Với phụ huynh và thầy cô giáo, cũng nên giáo dục các em thực tập chánh niệm như thế. Tập từ hồi nhỏ thì lớn lên càng thuần thục, đỡ phải uốn nắn. Cả cha mẹ, thầy cô cùng thực tập với các em, tạo một môi trường rèn luyện rất hiệu quả.

Thật ra, dù có chánh niệm thì chúng ta vẫn sẽ còn quên, còn sai sót chứ chưa nói là hoàn hảo 100%, nhưng chắc chắn phải đạt chất lượng cuộc sống hơn là không hề thực tập. Kinh nghiệm cho thấy, những người cao tuổi mà có thực tập chánh niệm thì dù trí nhớ có giảm sút (do vỏ não cũng teo lại theo tuổi tác) nhưng họ vẫn không “quên” lung tung như người trẻ tuổi mà mất chánh niệm. Hai kiểu “quên” này khác nhau. Quên do vỏ não teo lại không thể ghi nhớ những ký ức ngắn hạn thì khi học bài sẽ mau quên.

Như tôi đã gần 60, học Anh văn, chữ nào mới học là chừng 1 tháng lại quên. Nhưng những hoạt động bình thường thì tôi nhớ rất rành mạch, không lẫn lộn lung tung. Còn các em trẻ học bài sẽ nhớ lâu (do vỏ não còn mới, còn ghi đậm ký ức ngắn hạn), nhưng các thứ trong sinh hoạt thì lộn xộn hơn, y như những thứ vừa kể phía trên. Cái quên do quy luật lão hóa của cơ thể khác cái quên do mất chánh niệm. Và nhờ có chánh niệm thì người già sẽ đỡ sai sót hơn, chứ nếu vừa quên do vỏ não teo lại mà vừa quên do mất chánh niệm nữa thì ôi thôi… đúng là bi kịch.

Bài viết: “Thực tập yêu thương & chánh niệm từ… những cái tát”
Diệu Kim/ Vườn hoa Phật giáo
 
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 10

Post Views: 271