Trong cuộc sống, bình an là thứ mà tất cả chúng ta đều mong muốn. Dù là người nào, xã hội nào thì nó luôn mang giá trị thiết yếu. Vậy bình an đến từ đâu…? Có phải từ vật chất, tinh thần, hay cầu xin từ đấng thần linh nào chăng? Xin thưa là không, nó không đến từ một nơi nào xa xôi mà nó đang có sẵn trong cuộc sống của chúng ta.

 

Thông thường, chúng ta cứ nghĩ có thể tìm kiếm ở nơi vật chất, hay một đấng thần linh nào đó có thể ban cho chúng ta sự bình an. Thế nên, trên đường đời cứ mãi mê kiếm tìm, mà quên mất rằng bình an thật sự là ở nơi tâm hồn. Con đường đi đến sự bình an đấy là do chính bản thân ta tạo. Vậy bạn còn chần chừ gì nữa mà không tìm cho mình một chốn bình an?

 

Đức Phật đã từng dạy, khổ đau hay hạnh phúc là do chúng ta tự quyết định, và Ngài đã chỉ ra một con đường đưa đến sự bình an tuyệt đối. Con đường ấy không đâu khác, chính là giữ gìn giới pháp. Nếu không sát sinh, lòng từ bi sẽ ngày một tăng trưởng, gần gũi được vạn loài, tuổi thọ cũng theo đó tăng thêm, không gặp phải nạn chết yểu, giảm thiểu bệnh tật, đời sống được an vui. Không trộm cướp thì được đầy đủ vật chất, không bị mất mát từ vật chất đến tinh thần. Không tà dâm thì gia đình được hạnh phúc. Không nói dối thì được mọi người tin tưởng mến yêu. Không dùng các chất gây nghiện, thân tâm sẽ được nhẹ nhàng, không tiêu hao tiền của và tránh được tai nạn đáng tiếc xảy ra khi không làm chủ được chính mình. Trên đây là những yếu tố đưa đến sự bình an tuyệt đối, không những ở hiện tại mà còn gieo trồng được yếu tố tốt đẹp cho tương lai, không bị rơi vào những đường ác. Chỉ cần sống đúng, chân thật thì không cần phải cầu gì, thân tâm tự nhiên an ổn.

Cuộc sống vô thường mong manh tạm bợ. Không ai biết được rồi chúng ta sẽ sống được bao lâu. Mạng người trong một hơi thở. Kiếp người khó được như trong biển lớn có con rùa mù trăm năm mới trồi đầu lên mặt nước một lần, tìm cách chui vào bọng cây. Để có được thân người cũng khó như việc của con rùa mù ấy.

Câu hỏi được đặt ra là: Đến bao giờ rùa mù mới có thể làm được cái việc cực kỳ hy hữu ấy? Chúng ta cũng vậy, mất đi thân này thì bao giờ mới được đầu thai làm người nữa!

Theo kinh Trung Bộ (tập III), kinh Hiền Ngu, chúng ta đầy đủ phước duyên được làm người, được biết chánh pháp, vì thế chúng ta phải sống sao cho thật ý nghĩa, sống cho đáng một kiếp người. Ngoài việc giữ gìn giới pháp để không phạm những đều xấu ác, ngày ngày cần phản tỉnh bản thân, sống chánh niệm tỉnh thức, không để lòng ganh tỵ, đố kỵ che mờ lương tri. Cuộc sống của chúng ta luôn cảm thấy bất an vì chúng ta còn hơn thua với mọi người xung quanh. Cứ muốn mình hơn người, giỏi hơn người, vượt lên họ bằng mọi cách cho dù cái đó trái với lương tâm đạo đức. Cũng chính từ những hành động nghịch lý như vậy làm cho tâm hồn chúng ta luôn bất an. Chúng ta chỉ cần buông bỏ gánh nặng ấy dần dần, nhờ những lời Phật dạy, lời của các bậc Thánh nhân, và cả những người đi trước sẽ giúp ta tìm lối thoát khi đi lạc. Đến một lúc nào đó quay đầu nhìn lại, chúng ta chẳng còn gì ngoài tình yêu thương. Hãy sống chậm lại để cảm nhận, để suy nghĩ sâu sắc về sự thật mà ngày nào chúng ta cũng vô tâm lướt qua như những vật thể vô hình.

Đạo Phật đi vào đời sống với mục đích giúp con người nhận thấy bản chất của khổ đau, và luôn có an lạc xuất hiện khi nỗi khổ niềm đau vắng mặt. Phật giáo không chỉ nói mà còn đi đôi với thực hành. Lời Phật dạy giúp chúng ta tìm được sự an lạc, bình yên ngay trong hiện tại, giúp chúng ta trở về với con người thật của chính mình, không bị chi phối bởi vô minh não phiền trong cuộc sống hằng ngày hối hả và bận rộn.

Là người con Phật chúng ra cần hiểu rõ rằng, không có bất cứ một ai có thể ban cho chúng ta sự bình an, bởi không có quả nào không từ nhân mà ra. Thế nên, muốn bình an, bạn phải gieo nhân bình an.

Bài viết: “Bình an có từ đâu”
Tâm Khuyến/ Vườn hoa Phật giáo
 
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 7

Post Views: 313