CN0267.Hãy hoàn thiện chính mình, thành công sẽ tự đến

Cuộc sống không thiếu những kẻ truy cầu, nhưng cuộc sống chỉ thành toàn cho những người hoàn thiện chính mình

 

Vào cuối đời Minh, có một nhà sưu tập thư họa nổi tiếng là Ngô Hồng Dụ. Trước khi mất, ông chỉ vào một bức họa và nói: “Tôi phải đem theo bức tranh này đi cùng, mọi người đốt nó đi giùm tôi”. Bức họa đó chính là bức “Phú Xuân Sơn Cư Đồ” của một người tên là Hoàng Công Vọng.

 

Có lẽ cũng cần nói thêm một chút về bức tranh này.

“Phú Xuân Sơn Cư Đồ” là một trong 10 bức tranh nổi tiếng nhất Trung Quốc, cũng là tranh sơn thủy thủy mặc thời cổ Trung Quốc đạt trình độ nghệ thuật cao nhất. Bức tranh thể hiện phong cảnh tươi đẹp của hai bờ sông Phú Xuân tỉnh Chiết Giang vào đầu mùa thu. Họa sĩ là Hoàng Công Vọng đời nhà Nguyên.

 

Bức tranh hoàn thành chưa được bao lâu thì ông qua đời. Đến đời vua Thuận Trị nhà Thanh, bức tranh này từng bị hỏa hoạn, chia thành hai phần. Hiện nay, phần đầu được đặt tên là “Thặng Sơn Đồ” với chiều dài khoảng 50 cm, cất giữ ở Viện bảo tàng tỉnh Chiết Giang; phần sau được đặt tên “Vô Dụng Sư Quyển” với chiều dài khoảng 640 cm, cất giữ ở Viện bảo tàng Cố Cung Đài Bắc.

Một tác phẩm lớn như vậy chắc chắn sẽ có một giai thoại tương ứng cho sự ra đời của nó. Chính xác thì nó là bức tranh thực hiện bởi một họa gia có một sự nghiệp rất ly kỳ. Ông chính là Hoàng Công Vọng, họa sĩ thời Nguyên.

Vào thời đó, ông đã trải qua nửa đời coi như là một kẻ thất bại. Ông trải qua hàng chục năm thi cử mới làm được một chức lại nhỏ, sau đó bị vướng án oan mà phải vào tù. Lúc ra tù thì đã nửa đời người, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Một đời Hoàng Công Vọng long đong trắc trở, dường như tưởng đã đến lúc cuối đời. Mãi đến năm 50 tuổi, ông mới bái đại danh họa Vương Mông làm thầy.

Hoàng Công Vọng mất 4 năm để tâm sự với dòng sông

Danh họa Vương Mông khi thấy người đàn ông 50 tuổi này xin làm học trò thì không chịu được đã nói thẳng: “Đã quá muộn để học, ông quay về đi thôi”. Nhưng Hoàng Công Vọng không cho đó là muộn, ông cũng không để tâm lời nói thẳng của Vương Mông, mỗi ngày đều dành vài tiếng đồng hồ trèo lên một tảng đá lớn mà ngắm cảnh núi sông.

Qua một tháng thì tài nghệ vẽ của ông đã tăng lên nhiều, Vương Mông lấy làm lạ hỏi: “Mỗi ngày ông leo lên tảng đá to kia làm gì vậy?”

Hoàng Công Vọng trả lời: “Tôi ngắm nhìn núi sông, những bãi cỏ dài và các ngư dân quay về lúc chiều muộn”.

Hoàng Công Vọng quả thật đã bị mê hoặc với hội họa phong cảnh. Suốt 29 năm sau đó ông đi khắp danh sơn đại xuyên các nơi. Vào mùa thu năm ông 79 tuổi, ông cùng sư đệ nhân lúc rảnh rỗi đến chơi Phú Dương, Chiết Giang. Chỉ thấy vào buổi sáng dòng sông trong vắt như một tấm gương đồng, đến tối thì các ngôi sao như rơi xuống vắt ngang lưng trời.

Hoàng Công Vọng quyết định không rời đi nữa mà ở lại nơi này. Ông đã ở lại nơi này hết 4 năm. Trong 4 năm đó, ngày nào ông cũng đầu đội nón tơi, chân đi giày cỏ mà đi bộ hàng chục dặm dọc theo bờ sông. Bất kể nắng mưa cũng chưa từng dừng lại.

Người dân quanh vùng thấy một ông già đầu bạc trắng ngày nào cũng đi như thế, mới bảo rằng: “Ông đã già sắp chết rồi, hà tất mỗi ngày phải làm thế”.

Nhưng đối với Hoàng Công Vọng thì cái chết không phải là việc do ông quyết định, nên ông cũng không quan tâm đến nó. Điều duy nhất mà Hoàng Công Vọng có thể quyết định chính là vẽ, bởi vì có những bức tranh vẫn còn đang dang dở. Vào năm 80 tuổi, ông bắt đầu vẽ kiệt tác “Phú Xuân Sơn Cư Đồ”.

Trong lịch sử Trung Quốc, chưa từng có ai bỏ ra 4 năm ròng để đối thoại với một dòng sông. Và cũng chưa từng có ai quan sát sông Phú Xuân để hiểu về nó như ông. Bốn năm sau, danh tác “Phú Xuân Sơn Cư Đồ” hoàn thành.

Khi sư đệ của ông thấy bức tranh, đã bật khóc đến nỗi không nói nên lời.

Lúc bức tranh vẽ xong, Hoàng Công Vọng giơ bút lên và ném nó xuống sông. Ông hét to sung sướng: “Tôi đã hoàn thành”.

Thanh Nguyên Duy Tín – Thiền sư đời Tống sau khi giác ngộ có giảng:

“Lão tăng trong 30 năm trước, khi chưa học Thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Sau nhân theo bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước. Rồi nay khi đắc Đạo quy về bản thể y nhiên của mình thì thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”.

Hoàng Công Vọng chính là đã làm được như thế, ông không chấp vào sự thất bại trong 50 năm đầu đời của mình. Không oán thán phàn nàn, mà chỉ là bỏ hết rồi bắt đầu lại. Trong 30 năm tiếp theo của cuộc đời mình, đi khắp nơi ngắm núi xem sông, không cầu làm nên việc có thể dương danh ở đời, mà chỉ đơn giản là tìm ra bản ngã chân thực của mình.

Đời người vốn không có con đường nào bằng phẳng cả, mỗi bước đi đều gập ghềnh trắc trở. Để vượt qua chông gai trong đời, chỉ cần mỗi ngày đều thực hiện tốt, từng bước mà vượt qua.

Hãy hoàn thiện chính mình, thành công sẽ tự đến

Tôi từng đọc một câu như thế này: “Cuộc sống không thiếu những kẻ truy cầu, nhưng cuộc sống chỉ thành toàn cho những người hoàn thiện chính mình”.Mọi thứ trên thế gian đến và đi đều đã có định số. Cuộc đời con người cũng thế. Bạn phải xem cuộc đời như một trường tu hành và rèn luyện, thông qua đó bổ sung cho những khiếm khuyết của bản thân.

 
Cuối cùng đến một ngày nhất định bạn sẽ tìm thấy bản ngã chân thật vô cùng tốt đẹp của mình. Cuộc sống không thể cứ mãi nghĩ đến thành công, thật sự chỉ có “Thủy đáo cừ thành”, nghĩa là khi mọi sự đều đã đầy đủ thì thành công sẽ tự đến giống như nước chảy thành sông, hoàn toàn tự nhiên mà không cần phải truy cầu.
Bài viết: “Hãy hoàn thiện chính mình, thành công sẽ tự đến”

Tĩnh Thủy/ Vườn hoa Phật giáo

 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 13

Post Views: 296