Suy tư về hạnh phúc
182. Tôi nghĩ rằng mỗi người đều cảm nhận được một ý niệmmang tính cách nội tại về “cái tôi” của mình. Thật khó cho chúng ta giải thích được cảm tính đó phát sinh từ đâu, thế nhưng rõ ràng là nó hiện hữu (1). Từ “cái tôi” đó phát sinh ra sự thèm khát đạt được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Điều đó thật hết sức chính đáng: từ bản chất chúng ta có quyền được hưởng hạnh phúc tối đa, và cũng có quyền né tránh khổ đau.
Toàn thể lịch sửnhân loại đều diễn tiến xuyên qua cảm tính đó (tức là cảm tính về “cái tôi” của mình, và cái tôi đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến sự hình thành của toàn thể thế giới đầy biến động này. “Cái tôi” chính là “tác giả” đã viết ra lịch sử của nhân loại. Dòng lịch sử đó vẫn còn đang tiếp diễn, đó là tình trạng xã hội ngày nay của chúng ta).
Hơn nữa cảm tính đó không nhất thiết chỉ hiện hữu với con người, bởi vì theo Phật giáo thì ngay cả một con côn trùng bé tí xíu cũng có cảm tính ấy, và tùy theo khả năng của nó, nó cũng muốn tìm được hạnh phúc tối đa và né tránh các hoàn cảnh bất hạnh (ba thứ bản năng – sinh tồn, truyền giống và sợ chết – cũng hiện hữu nơi các loài thú vật, kể cả những loài côn trùng nhỏ bé nhất. Điểm khác biệt là đối với con người thì các bản năng đó biến dạng và trở thành phức tạp hơn nhiều so với thú vật).
(1) “Cái tôi” là một khái niệm vô cùng quan trọng liên quan đến thật nhiều lãnh vực hiểu biết: từ triết học, sinh học, tâm lý học, xã hội học và cả tôn giáo. “Cái tôi” là một “cảm tính” hiện ra bên trong tâm thức mỗi cá thể, do đó cũng là một thứ tạo tác tâm thần. Sự tạo tác đó là một tổng hợp gồm thật nhiều xúc cảm liên kết và tương tác với nhau. Các xúc cảm đó liên hệ với ba thứ bản năng: sinh tồn, truyền giống và sợ chết, và động cơ thúc đẩy phía sau các bản năng này là nghiệp của mỗi cá thể.
Cảm tính về “cái tôi” đôi khi cũng còn được gọi là “linh hồn” của một cá thể. Khi mới lọt lòng mẹ thì bản năng sinh tồn khiến nó biết khóc la đòi bú, đó là sự biểu lộ sơ đẳng nhất của bản năngnày. trước khi các cơ quan sinh dục nẩy nở và các kích thích tố tính dục phát sinh tạo ra các đòi hỏi tính dục.
Khi đứa bé bắt đầu cảm nhận được sự luyến ái và ý thức rõ rệt được giới tính của mình thì đấy là sự xuất hiện của bản năng truyền giống. Khi còn là một hài nhi thì một tiếng động mạnh cũng có thể làm cho nó giật mình và sợ hãi, lớn thêm một tí và nếu bị đứt tay hay vấp ngã thì sẽ làm cho nó đau đớn khiến nó khóc la, đấy là sự phát lộở thể dạng sơ khởi nhất của bản năng năng sợ chết, mặc dù nó chưa có một ý niệm nào về cái chết cả.
Trên dòng phát triển của một cá thể, ba thứ bản năng trên đây cũng dần dần trở nên phức tạp và cụ thể hơn. Bản năng sinh tồn, dưới hình thức khóc la đòi bú lúc còn là hài nhi sẽ chuyển thành các thái độ hành xử đa dạng và phức tạp hơn trong cuộc sống, liên quan đến của cải, nghề nghiệp…, đưa đến các cảm tính ích kỷ, tham lam, lường gạt, mưu mô, tranh giành quyền lực, hoặc cũng có thể là lòng rộng lượng, vị tha, từ bi, ngay thẳng, v.v…
Trên phương diện tập thể thì “cái tôi” qua các sự thúc đẩy của ba thứ bản năng là nguyên nhân sâu xa đưa đến sự hình thành của xã hội với tất cả sự phức tạp của nó: từ chính trị, luật pháp, giáo dục, truyền thông, triết học, chiến tranh… và đến cả tôn giáo – gccncntV.
183. Có nhiều cách cảm nhận hạnh phúc khác nhau. Một số người có tâm trí kém minh mẫn (dérangé/disturb/rối loạn, xáo trộn) thường đắm mình trong một thứ hạnh phúc lâng lâng (béat/beatific, blissful). Họ nghĩ rằng mọi sự đều hiện ra thật tốt đẹp. Chúng ta không quan tâm đến thể loại hạnh phúc đó (một thể dạng hạnh phúc vô ý thức, ẩn nấp phía sau một tấm màn u mê che lấp hiện thực bên trong và cả bên ngoài tâm thức, đó là một thể dạng hạnh phúc hời hợt thường thấy ở những người lúc nào cũng hớn hở, không một chút ý thức về bất cứ một điều gì cả).
Một số người khác tạo dựng hạnh phúc của mình dựa vào của cải vật chất và sự thỏa mãn của các cơ quan cảm giác (mùi, vị, sự đụng chạm…, một cách cụ thể là miếng ăn ngon, quần áo đẹp, ca hát, xoa bóp, chăm sóc sức khỏe, thỏa mãn tính dục, du lịch, v.v.) Trên đây chúng ta cũng đã có dịp nói đến tính cách phù du của các thứ hạnh phúc đó (xin xem lại các lời khuyên dành cho những người giàu có).
Ngay cả trường hợp khi nghĩ rằng mình cảm nhận thật sự được hạnh phúc và nghĩ rằng mình đã đạt được nó một cách vững chắc đi nữa, thì nhất định đến một lúc nào đó khi hoàn cảnh thay đổi, không còn thuận lợi như trước nữa, thì mình sẽ khó tránh khỏi khổ đau gấp bội.
Tuy nhiên, cũng có một số người cảm thấy hạnh phúc nhờ mình biết suy nghĩ và hành động đạo đức. Đấy mới thật sự là thứ hạnh phúc mà chúng ta cần đến, bởi vì nó được thiết lập dựa vào các cội nguồn thật sâu xa, vượt lên trên mọi cảnh huống.
184. Nếu không biết hành xử đúng đắn thì dù được bạn bè thân thiết săn đón, sống trong khung cảnh tiện nghi, các bạn cũng sẽ không sao tìm được hạnh phúc. Vì thế thái độ tâm thần quan trọng hơn các điều kiện bên ngoài. Dù vậy tôi vẫn nhận thấy dường như nhiều người chỉ biết quan tâm đến các điều kiện vật chất bên ngoài, nhưng không hề nghĩ đến thái độ tâm thần của mình. Lời khuyên của tôi là nên quan tâm nhiều hơn đến các phẩm tính của nội tâm mình.
185. Nếu muốn cảm nhận được những niềm hạnh phúc đích thật và lâu bền thì trước hết phải ý thức được hiện thực của khổ đau là gì (khổ đau là một cảm tính, một thể dạng xúc cảm hiện ra bên trong tâm thức đối với sự sống nói chung. Cảm tính đó phát sinh từ sự cảm nhận bản chất vô thường của hiện thực. Dù đôi khi không ý thức được một cách minh bạch, thế nhưng cảm tính đó về vô thường đã ăn sâu trong tâm thức, gắn liền với thân xác và bàng bạc trong môi trường chung quanh, và đó cũng là Sự Thật thứ Nhất trong số Bốn Sự Thật Cao Quý làm nền tảng cho toàn bộ giáo huấn của Đức Phật).
Sự ý thức đó về khổ đau lúc đầu có thể tạo ra sự yếm thế (déprimant/depressing, demoralizing/tuyệt vọng, chán nản, mất tinh thần), thế nhưng trong lâu dài sẽ mang lại thật nhiều điều lợi. Nhiều người không dám nhìn thẳng vào hiện thực, họ dùng ma túy để tạo ra cho mình một niềm phúc hạnh (béatitude/bliss) giả tạo, chìm đắm trong một khung cảnh tâm linh mù quáng, hoặc chạy theo một cuộc sống hối hả để khỏi phải suy nghĩ gì cả. Thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là một bản án treo ngắn hạn.
Khi nào các khó khăn hiện ra trở lại thật mãnh liệt thì họ sẽ hoàn toàn bó tay, và nếu nói theo người Tây Tạng thì họ chỉ còn biết thốt lên những lời ta thán “ngập cả quê hương” (dù thốt ra một lời khuyên nào thì Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng không quên một dân tộc đau thương, một quê hương đã mất). Giận dữ và thất vọng sẽ xâm chiếm họ và đấy cũng chỉ là cách ghép thêm các thứ khổ đau vô ích vào những thứ khó khăn mà mình đang phải gánh chịu.
186. Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem khổ đau của mình phát sinh từ đâu. Khổ đau cũng như tất cả mọi hiện tượng khác đều phát sinh từ vô số nguyên nhân và điều kiện. Nếu các sự cảm nhận của chúng ta chỉ đơn giản và thật sự lệ thuộc thật chính xác vào một nguyên nhân duy nhất và cụ thể nào đó, thì khi đó chúng ta sẽ có thể bảo rằng hạnh phúc cũng vậy chỉ cần một nguyên nhân duy nhất cũng đủ làm phát sinh ra nó. Chúng ta đều hiểu rằng điều đó không đúng một chút nào cả (hạnh phúc là một thể dạng tâm thần, lệ thuộc vào vô số các yếu tố bên trong tâm thức và cả môi trường bên ngoài.
Hạnh phúc dù vô hình nhưng cũng là một hiện tượng, tương tự như tất cả mọi thứ hiện tượng khác, vì thế nó cũng mang tính cách cấu hợp, tức là một thể dạng liên kết và tương tác giữa thật nhiều hiện tượng khác, thể dạng hay cấu hợp đó luôn ở trong tình trạng chuyển động không ngừng). Vì thế phải loại bỏ ngay ý nghĩ cho rằng luôn luôn phải có một nguyên nhân gây ra khổ đau và chỉ cần tìm ra cái nguyên nhân đó thì mình sẽ hết khổ đau (nói một cách tóm tắt và cụ thể là không nên quy tội cho một sự kiện, một vật thể hay một người nào đó để xem đấy là nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình. Cách suy nghĩ đó rất thô thiển và hạn hẹp).
Trong lời khuyên 182 trên đây Đức Đạt-lai Lạt-ma cho biết là “Toàn thể lịch sử nhân loại diễn tiến xuyên qua cảm tính về cái tôi”. Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu thêm về khái niệm về “cái tôi” này và sự liên hệ của nó đối với các niềm hạnh phúc và khổ đau của con người.
“Cái tôi” là một thể dạng tâm thần phức tạp, phát sinh từ sự liên kết và tương tác giữa thật nhiều các thứ tạo tác tâm thần khác nhau, mỗi thứ cũng lại là kết quả phát sinh từ vô số các nguyên nhân và điều kiện thật đa dạng. Nhằm cụ thể hóa và đơn giản hóa sự phức tạp đó, chúng ta hãy thử phân tích các thể dạng tâm thần khác nhau của quá trình diễn tiến đưa đến sự hình thành của tổng thể của “cái tôi” đó: chẳng hạn như cái tôi lúc còn là một hài nhi, cái tôi khi đã trở thành một đứa trẻ, cái tôi khi đã trưởng thành và cái tôi lúc già nua.
Hạnh phúc của mỗi “cái tôi” đó tất nhiên sẽ phải khác nhau trong không gian và qua thời gian, bởi vì chúng bị chi phối bởi các nguyên nhân và điều kiện khác nhau trên dòng phát triển thể xác và tâm thần của một cá thể.
Nếu gộp chúng các “cái tôi” ấy với nhau để tạo ra tổng thể của một “cái tôi” duy nhất trong hiện tại, thì thật rõ ràng “cái tôi” đó là do rất nhiều nguyên nhân và điều kiện trải rộng qua các lứa tuổi khác nhau để tạo ra nó. Nếu đồng hóa tổng thể của “cái tôi” đó với định nghĩa của một “linh hồn” thì cái “linh hồn” đó không mang tính cách duy nhất và bất biến, một sản phẩm của một vị Sáng Tạo nào cả, mà chỉ là một thể dạng tâm thần mang tính cách cấu hợp, luôn đổi thay và biến động..
Hạnh phúc cũng vậy, một khi đã lệ thuộc vào tổng thể “cái tôi” hay cái “linh hồn” đó cũng sẽ liên hệ và tùy thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện trải rộng trong không gian và thời gian. Người tu tập Phật giáo không đi tìm các thể dạng hạnh phúc lệ thuộc và do một sự kết hợp nào tạo ra nó, mà là một thứ hạnh phúc phi-nguyên-nhân và phi-điều-kiện, thoát ra khỏi “cái tôi” hay cái “linh hồn” chi phối bởi không gian và thời gian – gccncntV).
187. Chúng ta không khỏi phải thừa nhận khổ đau cũng chính là thành phần của sự hiện hữu, và nếu nói theo Phật giáo thì đấy là samsara/cõi luân hồi, có nghĩa là chu kỳ xoay vần bất tận của một sự hiện hữu trói buộc (conditioned existence, một sự hiện hữu do sự liên kết và tương tác giữa nhiều nguyên nhân và điều kiện mà có).
Nếu chúng ta xem khổ đau là một thứ gì đó tiêu-cực và bất-bình-thường mà chúng ta là nạn nhân thì nhất định cuộc sống này của mình sẽ là cả một sự khốn khổ (khổ đau là thành phần tự nhiên của sự sống, nằm bên trong sự sống). Các vấn đề khó khăn là do các phản ứng của mình tạo ra cho mình mà thôi (sự bám víu và các thúc dục bản năng không cho phép chúng ta chấp nhận khổ đau là bản chất tự nhiên của sự sống, và cũng là bản chất vô thường của hiện thực.
Các nỗ lực chống lại bản chất đó, trên cả hai phương diện vật chất và tâm linh, là cách tạo ra thêm các khổ đau khác ghép thêm vào bản chất khổ đau tự nhiên của sự sống). Hạnh phúc chỉ có thể thực hiện được khi nào chúng ta có thể xem những gì mà mình cho là khổ đau không thể làm cho mình cảm thấy bất hạnh (nói một cách khác là phải chuyển các cảm tính khổ đau mang tính cách hiện sinh (existentialism) trở thành khác hơn – biến chúng trở thành các cảm tính hạnh phúc chẳng hạn – hoặc nếu có thể thì loại bỏ chúng bằng sự tu tập).
188. Sự suy tư về hiện thực của khổ đau, qua góc nhìn của Phật giáo, không hề đưa đến các cảm tính yếm thế hay tuyệt vọng. Sự suy tư đó sẽ giúp chúng ta khám phá ra các nguyên nhân tiên khởi nhất mang lại những điều bất hạnh cho mình: các sự thèm khát, hận thù và u mê (u mê ở đây có nghĩa là sự nhận định sai lầm vể hiện thực, kinh sách Hán ngữ gọi là “vô minh”) kể cả các sự cố gắng loại bỏ những thứ ấy. Sự u mê/vô minh ở đây có nghĩa là sự thiếu hiểu biết về bản chất đích thật của tất cả chúng sinh và mọi sự vật. Sự u mê đó là cội nguồn làm phát sinh ra hai thứ độc tố là sự thèm khát và hận thù.
Khi sự u mê tan biến hết thì hai thứ độc tố còn lại là sự thèm khát và hận thù cũng sẽ mất hết cơ sở tồn tại của chúng, và cội nguồn của khổ đau cũng sẽ khô cạn (sở dĩ chúng ta bám víu hay hận thù là vì sự u mê trong tâm thức không cho phép mình nhận thấy được bản chất vô thường và vô thực thể của mọi sự vật, nói một cách khác là sự “trống không” của thế giới hiện tượng. Một khi đã ý thức được bản chất ấy của thế giới hiện tượng thì chúng ta sẽ biết “buông bỏ”, không còn bám víu hay hận thù bất cứ một hiện tượng nào trong bầu không gian ảo giác đó).
Những gì hiện ra sẽ là một niềm phúc hạnh thấm đượm lòng vị tha bùng lên một cách tự nhiên, và niềm phúc hạnh đó cũng sẽ hoàn toàn thoát khỏi mọi hình thức xúc cảm tiêu cực (khi nào không còn bám víu vào bất cứ một hiện tượng nào nữa thì một sự thanh thản mênh mông sẽ hiện ra với mình, và nếu nhìn trở lại thế giới thì mình sẽ nhận thấy vô số chúng sinh khác đang ngụp lặn trong sự bám víu và hận thù, và từ bên trong niềm hạnh phúc mà mình vừa cảm nhận được sẽ bùng lên lòng vị tha vô biên).
Tâm thức bị ô nhiễm bởi ba thứ độc tố thật khủng khiếp là sự thèm khát, hận thù và u mê, và động cơ thúc đẩy phía sau các độc tố đó là ba thứ bản năng: sinh tồn (thèm khát), truyền giống (bám víu) và sợ chết (u mê không chấp nhận vô thường). Một tầm nhìn xuyên qua góc cạnh của ba độc tố đó sẽ làm cho hiện thực bị méo mó, trái lại một tầm nhìn thoát khỏi ba độc tố ấy nhất là độc tố u mê – cỏn gọi là trí tuệ – sẽ giúp mình trông thấy được hiện thực đúng với nó, nói một cách khác thì đấy là sự trống-không và vô-thực-thể của thế giới hiện tượng. Sự trông thấy đó hay sự ý thức sâu xa đó về hiện thực Phật giáo gọi là sự Giải Thoát.. Đó là ý nghĩa trong lời khuyên trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma – gccncntV.
Suy tư về sự bất hạnh
189. Người ta nhận thấy trong các nước phát triển thường có nhiều người cảm thấy bất hạnh. Thật ra họ chẳng thiếu thốn gì cả, được hưởng mọi thứ tiện nghi, cuộc sống thật đầy đủ, thế nhưng họ vẫn không hài lòng với số phận mình. Họ tự làm cho mình phải khổ sở vì ganh tị hay tưởng tượng ra bất cứ một lý donào. Một số lúc nào cũng bị ám ảnh bởi các tai họa sắp xảy ra, một số khác thì nghĩ rằng ngày tận thế đã gần kề. Họ tự tạo ra khổ đau cho mình chỉ vì không đủ sức suy nghĩ một cách lành mạnh.
Nếu họ biết thay đổi cách nhìn vào mọi sự vật thì các niềm ray rứt đó cũng sẽ tan biến ngay (mở rộng lòng mình để yêu thương từng cọng cỏ, hạt cát, để trông thấy một con sâu thật dễ thương đang gặm một chiếc lá non, hay lắng nghe tiếng nô đùa hồn nhiên của đàn trẻ trong một sân trường mẫu giáo, cũng đủ giúp mình xóa bỏ những sự lo âu và đau buồn vô cớ trong nội tâm mình. Cách nhìn vào một vài nét chi tiết đó của thế giớichung quanh không phải là để đánh lạc hướng tâm thức mình mà là những sự chú tâm nho nhỏ giúp mình hướng vào hiện thực và sống với hiện thực qua một khía cạnh tích cực nào đó của nó và cả chính mình).
190. Tuy nhiên cũng có nhiều người phải khổ sở vì các nguyên nhân chính đáng hơn, chẳng hạn như ốm đau, lâm vào cảnh cơ hàn, nạn nhân của thiên tai, hoặc bị ngược đãi hay bị đối xử bất công. Thế nhưng, thêm một lần nữa, cũng xin nhắc lại là họ cũng có thể biến cải được tình trạng đó của họ. Nếu các khó khăn thuộc mặt vật chất thì họ phải tự xoay sở, chẳng hạn như tố cáo đích danh những kẻ đối xử tàn tệ với mình, đưa họ ra tòa để đòi bồi thường, hoặc nếu thiếu ăn thiếu mặc thì phải ra sức làm vìệc. Trên phương diện tinh thần thì phải tạo ra cho mình một tầm nhìn tích cực hơn.
191. Mức độ khổ đau tùy thuộc vào thái độ tâm thần của mình (đau buồn hay những cảm nhận đớn đau là các thể dạng tâm thần, nói một cách khác thì đấy là các phản ứng của tâm thức. Mức độ của các phản ứng đó tùy thuộc và liên hệ với bản tính hay tính khí của mỗi cá thể, và cả quan điểm của cá thể ấy về hiện thực, sâu xa hơn nữa là nghiệp của cá thể ấy). Chẳng hạn như khi đau ốm thì phải vận dụng tất cả mọi phương tiện chữa trị: đi khám bác sĩ, uống thuốc, tập một vài động tác trên thân thể… Thế nhưng thông thường thì người ta lại làm cho mọi sự trở nên phức tạp hơn, chẳng hạn như tự dày vò mình, bực tứcvề thân phận mình. Đấy cũng chỉ là cách ghép thêm khổ đau tâm thần vào khổ đau thể xác mà thôi.
192. Nếu là một căn bệnh trầm trọng thì thường chúng ta nhìn vào nó qua một góc cạnh thật tiêu cực. Nếu đau ở đầu thì chúng ta sẽ có thể nghĩ rằng: “Chẳng có gì tệ hại hơn như thế này được, nếu hai chân không đi được thì có phải là tốt hơn không!”. Chúng ta không ngớt ta thán và xem mình là kẻ duy nhất trên thế gian này phải gánh chịu những thứ khổ đau đó, thay vì tự an ủi bằng cách nghĩ đến vô số những người khác cũng phải gánh chịu khổ đau không kém gì mình.
Tuy nhiên chúng ta cũng có thể suy nghĩ ngược lại, chẳng hạn như nếu hai cánh tay bị bại thì chúng ta có thể nghĩ như thế này: “Dù không còn sử dụng được hai cánh tay, nhưng đôi chân thì vẫn còn khỏe”. Và nếu hai chân bị bại thì sẽ nghĩ rằng: “Tuy không còn đi đứng được nữa nhưng đã có xe lăn, và tay thì vẫn còn cầm bút được. Các cách suy nghĩ đơn giản như vậy cũng đủ để mang lại cho mình một chút an ủi nào đó (tuy là một cách tự đánh lừa mình trước hiện thực, thế nhưng cũng là một cách tự trấn an mình, không để các ý nghĩ đen tối xâm chiếm tâm thức mình).
193. Dù lâm vào bất cứ một hoàn cảnh nào thì mình cũng vẫn có thể nhận định nó qua một góc nhìn tích cực hơn, nhất là vào thời buổi tân tiến ngày nay khi mà các tiến bộ kỹ thuật có thể mang lại cho mình nhiều hy vọng. Thật vậy, không thể nào tìm được một phương pháp tâm thần khả dĩ có thể làm giảm bớt các sự đau đớn gây ra bởi các cảnh huống cụ thể (bệnh tật, thương tích, thiên tai…).
Thế nhưng quả hết sức hiếm hoi khi xảy ra các trường hợp mà chúng ta chỉ thấy toàn là các lý do khiến mình phải khổ sở, không tìm được một sự trấn an nào cả. Khi phải đối đầu với các sự đau đớn thể xác thì cứ hãy nghĩ đến các khía cạnh tích cực và giữ vững các ý nghĩ ấy trong tâm thức mình, đó là cách có thể làm nhẹ bớt đôi chút những sự đớn đau đang hành hạ mình.
194. Dù căn bệnh có kéo dài và trở nên trầm trọng đến đâu thì vẫn có một phương cách giúp mình không bị tràn ngập bởi sự tuyệt vọng. Nếu là người Phật giáo thì các bạn nên nghĩ như thế này: “Mong sao căn bệnh đang hành hạ tôi sẽ tinh khiết hóa được các việc tệ hại mà tôi đã gây ra trong quá khứ! Cầu xin khổ đau của kẻ khác cứ ghép thêm vào khổ đau của tôi, giúp tôi nhận chịu thay họ những khổ đau của họ!” (khổ đau của mình là do các hành động tệ hại của mình trong quá khứ tạo ra cho mình trong hiện tại, nhận chịu một cách ý thức các sự khổ đau đó là cách hóa giải “nghiệp” do chính mình tạo ra cho mình.
Đồng thời mở rộng lòng mình để nhận chịu thêm sự khổ đau của tất cả những người khác là cách phát động lòng từ bi bên trong chính mình. Tuy lòng từ bi đơn giản chỉ là một hình thức xúc cảm thế nhưng sức mạnh của xúc cảm đó có thể làm giảm bớt hoặc quên đi sự khổ đau của riêng mình, đồng thời nó cũng sẽ tạo ra thêm cho mình một sức mạnh khác, một thứ nghiệp mới mang tính cách tích cực hơn gọi là “công đức” hay “đạo hạnh” – tiếng Phạn là “punya”. Sức mạnh của công đức đó tùy thuộcvào quyết tâm và sự chân thành của mình có thể hóa giải hoặc làm chuyển căn bệnh của mình theo một chiều hướng thuận lợi hơn).
Đồng thời cũng nên nghĩ đến vô số các chúng sinh khác cũng đang khổ đau như mình và hãy cầu xin những khổ đau mà mình đang gánh chịu sẽ làm vơi bớt khổ đau của các chúng sinh ấy. Trong trường hợp nếu không còn đủ sức để suy nghĩ như thế thì cũng chỉ cần ý thức được là bệnh tật không phải chỉ xảy đến với mình mà cả với nhiều người khác nữa, họ cũng đang phải gánh chịu những thứ khổ đau như mình. Cách suy nghĩ đơn giản đó cũng đủ giúp mình chịu đựng dễ dàng hơn các sự đau đớn của riêng mình.
Nếu bạn là người Ki-tô giáo và tin vào một Vị Trời sáng tạo ra vũ trụ thì hãy tự an ủi bằng cách nghĩ rằng: “Sự khổ đau này dù tôi không mong đợi nó thế nhưng nhất định phải có một nguyên nhân tạo ra nó, chẳng qua vì lòng từ bi mà Trời đã cho tôi sự sống này” (vì Trời thương tôi mà cho tôi sự sống này, thế nhưng sống thì phải chấp nhận khổ đau, dù mình không biết đích xác được là nó phát sinh từ nguyên nhân nào hay vì lý do nào. Người Phật giáo hiểu rằng khổ đau là do các hành động của chính mình tạo ra cho mình).
Nếu các bạn không theo một tôn giáo nào cả thì hãy cứ nghĩ rằng niềm bất hạnh mà mình đang phải gánh chịu dù khủng khiếp đến đâu đi nữa thì cũng không phải là chỉ xảy ra với riêng mình. Dù các bạn không tin bất cứ một thứ gì đi nữa thì cũng hãy cứ tưởng tượng có một luồng ánh sáng từ bên ngoài xuyên thẳng vào chỗ đau của mình làm cho nó tan biến hết. Cứ thử làm như thế xem có bớt đau được chút nào hay không?
195. Có những niềm bất hạnh xảy ra thật bất ngờ, không tránh né được, chẳng hạn như cái chết của một người thân. Tất nhiên trong các trường hợp đó chúng ta sẽ không thể nào làm đảo ngược được nguyên nhân gây ra nó. Chính vì lý do không thể làm gì khác hơn được nên sự tuyệt vọng sẽ chẳng ích lợi gì, nếu không thì cũng chỉ làm cho sự đau đớn thêm gay gắt mà thôi. Sở dĩ nêu lên lời khuyên này là vì tôi nghĩ đến những người không có một niềm tin tôn giáo nào cả.
Trước cái chết của một người thân thuộc, thì người không tín ngưỡng sẽ dễ rơi vào một sự xao độngkhông lối thoát hoặc một sự đớn đau không kham nổi. Trái lại nếu người quá cố từng là một kẻ thù của mình thì người này cũng có thể nghĩ thầm: “Đáng đời cho mi!”.
Đối với một người tu tập Phật giáo chân chính thì sự ra đi của một người thân hay một kẻ thù cũng vậy, đều là một dịp cụ thể nhắc nhở mình về bản chất vô thường của sự sống trong thế giới hiện tượng. Các cảm tính bám víu sẽ chẳng mang lại một sự ích lợi nào cho kẻ ra đi và cả người ở lại. Hiểu được điều đó và để tiễn biệt người quá cố – dù là thân thuộc hay kẻ thù – thì mình cũng nên hồi hướng công đức của mình và gửi gấm tất cả tình thương yêu của mình cho người ra đi, đồng thời cũng nên nhìn lại các hành động của mình trong quá khứ xem có giúp được mình chút nào hay không khi đến lượt mình phải ra đi, tương tự như người thân hay kẻ thù vừa nằm xuống – gccncntV.
196. Phân tích các nỗi khổ đau của mình là điều cần thiết, đó là cách giúp mình khám phá ra các nguyên nhân làm phát sinh ra chúng hầu tìm xem có phương pháp nào làm cho chúng phải chấm dứt hay không. Thông thường chúng ta nghĩ rằng tất cả mọi lỗi lầm nhất định là do người khác hay một thứ gì khác tạo ra cho mình.
Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng điều đó luôn luôn đúng thật là như thế. Trường hợp trên đây cũng chẳng khác gì với các sinh viên thi trượt nhưng không chấp nhận là nếu học hànhchuyên cần hơn thì mình sẽ thi đỗ. Chúng ta trách cứ một Vị nào đó bằng cách đổ thừa cho Vị ấy đã tạo ra các cảnh huống toàn đưa đến những điều bất lợi cho mình. Thế nhưng đấy phải chăng cũng chỉ là một cách tạo ra thêm một thứ khổ đau khác trên phương diện tâm linh để ghép thêm vào các thứ khổ đau mà mình đang phải gánh chịu?
197. Rất nhiều cuộc xung đột đã từng xảy ra trong gia đình rộng lớn của nhân loại và cả bên trong từng gia đình nhỏ bé của các bạn, đấy là chưa nói đến vô số các cuộc xung đột khác giữa các tập thể và các quốc gia, và cả bên trong nội tâm của từng mỗi cá thể … Tất cả các sự kình chống và đối nghịch đó đều phát sinh từ các tư duy và quan điểm do trí thông minh tạo ra cho chúng ta. Quả thật đáng tiếc, điều đó cho thấy trí thông minh đôi khi cũng chỉ là cách đưa đẩy chúng ta rơi vào các thể dạng tâm thầntiêu cực mà thôi. Trí thông minh qua góc nhìn đó cũng chỉ là một thứ cội nguồn tạo thêm khổ đau cho con người.
Thế nhưng theo tôi thì dưới một góc nhìn khác dường như trí thông minh cũng là phương tiện duy nhất có thể giúp chúng ta vượt lên trên mọi sự xung đột và các hình thức dị biệt (từ các chủnghĩa, giáo điều, thể chế, triết học,… cho đến các hình thức mưu đồ, lừa đảo, quỷ quyệt…, đều phát sinh từ trí thông minh của con người, Khí giới được sáng chế ngày càng tinh xảo, chiến tranh xảy ra triền miên, xung đột bùng lên khắp nơi tất cả đều bắt nguồn từ trí thông minh của con người.
Thế nhưng con người thường không ý thức được là động cơ thúc đẩy phía sau trí thông minh là ba thứ độc tố vô cùng nguy hiểm là sự u mê, thèm khát và hận thù, và cũng không mấy khi con người ý thức được lòng từ bi và tình thương yêu là một sức mạnh đối nghịch, một liều thuốc có thể hóa giải được tất cả các thể dạng bệnh hoạn và ô nhiễm đó của trí thông minh).
198. Ngay cả đối với trường hợp khi phải xa lìa một người thân thiết, chẳng hạn như cha hay mẹ mình, thì các bạn cũng nên suy nghĩ chín chắn hơn. Hãy nghĩ rằng khi tuổi tác đã chồng chất thì sự sống tất sẽ đi đến chỗ chấm dứt của nó. Thuở ấu thơ, cha mẹ các bạn từng làm tất cả những gì mà họ làm được để nuôi nấng các bạn, giờ đây các bạn không có một điều gì để mà hối tiếc cả (cha mẹ đã làm tròn bổn phận của họ trước khi ra đi, nếu có hối tiếc là chính mình hối tiếc đã không làm trọn bổn phận mình khi cha mẹ còn sống.
Quả là một lời khuyên vô cùng kín đáo, sâu sắc và ý nhị). Tất nhiên nếu cha mẹ mình qua đời quá sớm, chẳng hạn như bị tai nạn xe cộ, thì đấy mới thật là điều đáng đau buồn (vì mình chưa kịp đền đáp công ơn của cha mẹ mình).
Suy tư về sự yếm thế
199. Đối với những người yếm thế và những người lúc nào cũng tự dày vò mình thì tôi cũng chỉ biết nói với họ rằng: “Các bạn quả thật dại dột!”. Một hôm trên đất Mỹ, tôi gặp một người phụ nữ lúc nào cũng cảm thấy mình vô cùng khổ sở nhưng không biết là vì lý do gì. Tôi nói với bà ta như sau: “Tại sao lại cứ làm cho mình khổ sở như vậy! Bà còn trẻ, còn nhiều năm trước mặt để sống, không có lý do gì để mà tự dày vò mình như thế”. Bà ấy nói với tôi rằng tại sao tôi lại xen vào chuyện của bà ta như vậy. Tôi cảm thấy buồn. Tôi trả lời bà ta rằng nói lên như thế cũng chẳng mang lại một chút ích lợi nào cả. Tôi bèn nắm lấy tay bà, vỗ khe khẽ một cách thật thân thiện và bà ấy liền thay đổi thái độ.
Người ta chỉ có thể giúp đỡ những người trong hoàn cảnh đó bằng tình thương yêu và sự trìu mến. Tình thương đó không phải là một thứ tình thương trên đầu môi, cũng không phải là những lời rỗng tuếch, mà là một cái gì đó phát xuất từ đáy tim mình. Trong những lúc tranh cãi người ta sử dụng lý trí, thế nhưng khi bộc lộ tình thương yêu đích thật hay sự trìu mến thì phải biểu lộ trực tiếp hơn (bằng con tim của mình). Cuối cùng thì người phụ nữ ấy đã thay đổi, bắt đầu cười nói thật hồn nhiên.
200. Nếu bạn là một người yếm thế thì hãy nghĩ rằng mình cũng là thành phần của xã hội con người, và một khi đã là con người thì tất nhiên từ nơi sâu kín bên trong chính mình luôn hiển hiện tình thương yêu giữa người này và người khác. Do vậy thế nào bạn cũng sẽ tìm được một người trong số họ, một người mà bạn xem như một tấm gương, hầu gửi gấm niềm hy vọng của mình. Tự dày vò mình như bạn đang làm chẳng ích lợi gì cả.
201. Hãy mở ra một khúc quanh mới tích cực hơn cho dòng tư duy của mình. Quả là cả một sự sai lầm khi cho rằng tất cả mọi người đều xấu xa. Tất nhiên cũng có những người không tốt, thế nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều xấu. Có rất nhiều người cao quý và rộng lượng.
202. Những người nhận định về thế giới qua cung cách đó sẽ không còn tin vào bất cứ một ai cả, họ sẽ cảm thấy cô đơn, cô đơn từ bên trong chính mình. Sở dĩ tình trạng đó xảy ra là vì họ không còn đủ sức để nghĩ đến kẻ khác. Vì không đủ sức nghĩ đến kẻ khác nên họ đánh giá kẻ khác xuyên qua chính mình và từ đó họ sẽ tưởng tượng rằng kẻ khác nhìn mình cũng tương tựnhư mình nhìn họ. Trong trường hợp đó thì cũng không nên ngạc nhiên trước các cảm tính cô đơn trong lòng họ.
203. Môt hôm có một người liên hệ mật thiết với Trung Quốc đến viếng Dharamsala (nơi lưu vong của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Ấn Độ). Nhiều người sinh sống tại đây biết được tin này, họ là những người có định kiến không tốt về nhân vật này. Điều đó đã khiến buổi họp diễn ra trong một bầu không khí hết sức ngột ngạt. Riêng đối với cá nhân tôi thì tôi chẳng có gì chống lại người này cả. Tôi nghĩ rằng người này cũng chỉ là một con người như tất cả mọi người khác. Chỉ vì không được tiếp nhận các nguồn thông tin đầy đủ nên người này đã quá tin vào những người Trung quốc mà thôi.
Trong buổi họp đầu tiên, người này ăn nói với tôi bằng một giọng điệu gây hấn, thế nhưng tôi vẫn cứ xem người này đơn giản là một con người và nói với người này về xứ sở Tây Tạng của tôi bằng những lời thật thân thiện. Trong buổi họp ngày hôm sau, thái độ của người này đã hoàn toàn thay đổi.
Nếu trước đó tôi cũng tỏ ra căng thẳng như người ấy thì mỗi người trong chúng tôi sẽ càng lúc càng nấp kín hơn phía sau quan điểm của mình. Tôi sẽ không còn màng đến các lập luận của người ấy, và người ấy cũng vậy cũng sẽ chẳng chú ý gì đến các luận cứ mà tôi đưa ra. Một khi đã xem người ấy là một con người thì tôi cũng tự nhủ nếu đã là con người thì tất cả mọi người nào có khác gì nhau, sự khác biệt nếu có là vì đôi khi họ không được thông tin đầy đủ mà thôi (có nghĩa là bị tuyên truyền, bưng bít…). Vì thế tôi luôn đối xử với người ấy thật thân thiện, và dần dần tôi đã giúp người ấy cởi mở hơn.
204. Có nhiều người chỉ toàn nhận thấy các khía cạnh tiêu cực của mọi sự vật. Quả hết sức lạ lùng. Chẳng hạn như trong tập thể những người Tây Tạng lưu vong, dù tất cả đều là những người tị nạn như nhau, cùng chịu chung một hoàn cảnh như nhau, thế nhưng một số luôn tỏ ra hài lòng, thuật lại toàn những câu chuyện lý thú khiến những người chung quanh đều vui lây.
Ngược lại một số khác dường như chẳng cảm thấy bằng lòng về bất cứ một thứ gì cả. Họ chỉ nêu lên toàn cái xấu của tất cả mọi thứ và lúc nào cũng tự dày vò mình (mỗi khi trách móc một điều gì thì Đức Đạt-lai Lạt-ma đều nêu lên trường hợp của những người Tây Tạng, thế nhưng thật ra thì đấy cũng là một cách nhắc nhở và khuyên bảo kín đáo tất cả chúng ta.
Thật vậy, quả hết sức lạ lùng, có nhiều người lúc nào cũng có những ý nghĩ đen tối, suy nghĩ và nói ngược lại người khác. Đấy cũng chỉ là một cách khiến họ tự nép mình vào một góc tối tăm nhất của hiện thực. Những người lớn tuổi từng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường hay rơi vào tình trạng đó, tuy nhiên đấy cũng có thể là hậu quả tạo ra bởi nghiệp từ lâu đời của họ).
205. Theo kinh sách Phật giáo thì thế giới có thể hiện ra với mình như một người bạn hay một kẻ thù, có nghĩa là đầy khiếm khuyết hay đầy những phẩm tính tốt, tất cả đều do nơi tư duy của mình mà ra cả (tầm nhìn của mình vào thế giới luôn luôn xuyên qua một tấm màn ngăn cách giăng ra bởi nghiệp tồn lưu bên trong tâm thức mình, tấm màn đó được dệt bằng những sợi chỉ gai chằng chịt của ba thứ độc tố là u mê, thèm khát và hận thù, nhưng cũng có thể là bằng những sợi tơ óng ả của từ bi, thương yêu và rộng lượng, tấm màn đó gồm có nhiều lớp là như vậy. Khi nào các lớp màn dầy đặc của vô minh rơi xuống, chỉ còn lại một tấm màn tơ mỏng thì đấy là sự Giác Ngộ.
Người Bồ-tát sẽ tiếp tục giữ nguyên tấm màn đó trong tâm thức mình, trong khi các vị Arahant/A-la-hán thì buông bỏ tất cả, kể cả tấm màn tơ lụa mỏng). Nói một cách bao quát hơn thì chẳng có một thứ gì chỉ gồm toàn là các điều thuận lợi. hoặc toàn là khó khăn. Tất cả những gì mà chúng ta tiêu dùng, hoặc liên hệ với chúng ta, từ thức ăn, quần áo cho đến nhà cửa, kể cả những người thân trong gia đình, bạn hữu, cấp trên, cấp dưới, bậc thầy hay hàng đệ tử, v.v…, tất cả đều mang một số phẩm tính và các khiếm khuyết. Mọi sự thể cũng chỉ là như thế.
Nếu muốn nhận định một cách chính xác hiện thực là gì thì phải chấp nhận các khía cạnh tồt cũng như xấu ấy đúng là như thế (hiện thực không tốt cũng không xấu mà “chỉ là như thê”, tốt hay xấu là các tạo tác tâm thần, liên hệ đến nghiệp ghi khắc trên dòng luân lưu của tri thức. Thuật ngữ “Như Thế” – tiếng Pa-li và tiếng Phạn là Tathagata, tiếng Hán là Như lai/如來 – nói lên một cái gì đó thật đơn giản, chẳng có gì là quan trọng cả, thế nhưng thật ra hàm chứa một ý nghĩa thật bao quát và sâu sắc, phản ảnh toàn bộ sự vận hành “tự nhiên” và “hợp lý” của hiện thực, đồng thời cũng là một đối tượng suy tư và thiền định giúp người tu tập vượt lên trên mọi sự bám víu vào các sự chuyển động – dù là tích cực hay tiêu cực – của thế giới hiện tượng).
206. Từ một góc nhìn nào đó chẳng hạn thì mình có thể nhận thấy mọi sự đều tích cực vào một ngày nào đó, kể cả khổ đau cũng có thể được xem là hữu ích. Tôi nhận thấy những người từng trải, từng phải đối đầu với thật nhiều thử thách trong quá khứ, thường không ta thán trước những khó khăn nhỏ nhặt (đây là một phản ứng ngược hẳn lại với trường hợp của những người yếm thế nói đến trong lời khuyên204 trên đây, tức là những người chỉ toàn nhìn thấy các khía cạnh tiêu cực của mọi sự vật.
Điều này cho thấy hai cách tác động khác nhau của nghiệp đối với hai nhóm cá thể cùng chịu chung một hoàn cảnh như nhau). Các đớn đau mà họ từng chịu đựng đã trui rèn tâm tính họ, mang lại cho họ một tầm nhìn bao quát hơn, một tâm thức thăng bằng hơn, nhất là gần hơn với hiện thực. Điều đó giúp họ nhận thấydễ dàng hơn tất cả mọi sự chẳng qua cũng chỉ là như thế. Những người chẳng bao giờ gặp phải khó khăn, trải qua cuộc đời mình trong nhung lụa, sẽ tự tách rời mình ra khỏi hiện thực. Khi phải đối đầu với một chút khó khăn thì họ làm “ngập tràn cả quê hương bằng những lời ta thán”.
207. Tôi đã đánh mất quê hương và phải trải qua phần còn lại của đời tôi trong cảnh lưu vong. Dân tộc tôi bị tra tấn, sát hại, đền chùa bị san bằng, văn minh bị quét sạch, xứ sở tan hoang, tài nguyên bị cướp phá. Trước cảnh đó quả thật chẳng có gì là vui sướng cả. Thế nhưng mặt khác thì tôi đã học được rất nhiều trong khi tiếp xúc với các dân tộc khác, các tín ngưỡng khác, các nền văn hóa khác và cả các nền khoa học khác. Tôi tìm thấy các hình thức khác về sự tự do và các tầm nhìn khác hơn về thế giới mà trước đây tôi không được biết đến (một sự nhận xét thật sắc bén, lạc quan, phản ảnh một trí tuệ khác thường và cả một sự khiêm tốn thật sâu xa).
208. Trong tập thể những người Tây Tạng lưu vong, người ta nhận thấy những người từng chịu đựng nhiều khổ đau thường là những người vui vẻ hơn cả, nội tâm họ cũng thật vững vàng. Trong số họ nhiều người từng phải chịu đựng hai mươi năm giam cầm trong các điều kiện vô cùng khủng khiếp, thế nhưng họ vẫn tâm sự với tôi rằng về mặt tâm linh thì những năm tháng đó quả là những năm tháng đẹp nhất trong đời mình.
Một nhà sư trong tu viện của tôi từng chịu đựng những sự tra tấn thật tàn ác suốt trong nhiều năm liền, nhằm mục đích bắt nhà sư này phải bỏ lòng tin của mình. Thế nhưng vị ấy đã vượt ngục và trốn được sang Ấn độ. Tôi hỏi vị này trong lúc bị giam có sợ hay không? Người này trả lời tôi rất thành thật và cho biết rằng sự sợ hãi duy nhất đối với mình là đánh mất lòng từ bi đối với những người cai ngục đã tra tấn mình.
209. Một số dân chúng sinh sống tại Pháp, Đức, Anh quốc và một vài nơi khác từng biết đến Thế Chiến Thứ Hai và từng chịu đựng cả một giai đoạn đói kém sau đó, sẽ thản nhiên trước những sự thiếu thốn lặt vặt. Họ luôn hài lòng với số phận mình vì đã từng trông thấy những cảnh đáng thương hơn mình rất nhiều. Trái lại những người chưa từng nếm mùi những gì xảy ra trong cuộc chiến ấy, sống phây phây trong hạnh phúc, chẳng khác gì như trong khu vườn trẻ của một trường mẫu giáo, thì rên siết hoặc ngã ra bất tỉnh mỗi khi gặp phải một chút khó khăn. Dù hạnh phúc có hiện ra với họ thì họ cũng chẳng hề ý thức được điều đó.
210. Một số người thuộc các thế hệ mới ngày nay không còn tin vào các tiến bộ vật chất nữa và đã bước theo con đường tâm linh. Theo tôi điều đó thật hết sức tích cực. Dầu sao cũng phải hiểu rằng thế giới này được xây dựng bởi những điều tốt đẹp và cả xấu xa, kể cả những gì mà chúng ta gọi là hiện thực thì phần lớn cũng chỉ là các thứ tạo tác tâm thần mà thôi (có nghĩa là những gì mà chúng ta nghĩ rằng là hiện thực, thật ra không đúng thật là hiện thực, mà chỉ đơn giản là các thứ tạo tác tâm thần.
Những gì mà chúng ta trông thấy, ngửi được, nếm được, nghe thấy được, sờ mó được hay hiểu biếtđược, cũng chỉ là các cảm nhận vô cùng hạn hẹp của ngũ giác và tâm thức, thế nhưng chúng ta thì lại đồng hóa những thứ ấy với hiện thực, cho rằng thế giới đúng là như thế.
Tóm lại hiện thực mà chúng tanhận biết được qua sáu giác quan – lục giác và tâm thần – cũng chỉ đơn giản là những gì hiện lên bên trong tâm thức sau khi đã được nhuộm bởi đủ thứ màu sắc của xúc cảm, có nghĩa là chỉ phản ảnh một phần rất nhỏ của hiện thực, sau khi đã bị khả năng giới hạn của ngũ giác và các tác động sâu kín của nghiệp tồn lưu trên dòng luân lưu của tri thức, làm cho méo mó).
Suy tư về sự sợ hãi
211. Nhiều người vừa thức giấc thì tâm trí đã bị tràn ngập bởi vô số các mối lo âu không nguyên cớ gì cả. Cảm tính đó bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số người lúc bé bị cha mẹ hoặc anh chị ngược đãi. Một số bị lạm dụng tình dục. Họ bị người khác đối xử tàn tệ nhưng không dám nói ra. Sự sợ hãi đó ăn sâu dần vào tâm thức khiến họ cảm thấy đau buồn.
Nếu họ tìm được một người gần gũi với mình để thổ lộ những gì mình từng phải chịu đựng, và nếu người này biết khuyên nhủ họ là các chuyện ấy đã qua rồi, tất cả đã đi vào quá khứ, thì nhờ đó họ cũng có thể khép lại một quãng đời mình. Trên xứ Tây Tạng người ta thường bảo nhau nếu muốn khai thông một cái kèn bằng vỏ ốc thì phải thổi vào đó (để tống hết các thứ dơ bẩn ra ngoài, đấy là cách giúp mình quên đi và tha thứ những chuyện đã qua rồi).
212. Lúc còn bé tôi rất sợ các gian phòng tối om. Thời gian trôi, sự sợ hãi đó cũng trôi theo. Chuyện đó cũng có thể xảy ra khi chúng ta tiếp xúc với người lạ: tâm thức càng khép kín (tương tự như một gian phòng tối om) thì sự sợ hãi sẽ càng gia tăng (sợ hãi sự tối tăm bên trong tâm thức mình) và các bạn càng cảm thấy kém an toàn hơn. Trái lại nếu càng cởi mở (tương tự như một gian phòng với các cánh cửa mở toang) thì các bạn càng cảm thấy thoải mái hơn, Đấy cũng là kinh nghiệm của bản thân tôi. Dù phải tiếp xúc với một người có chức phận cao sang, một kẻ ăn xin hay một người bình dị, thì đối với tôi giữa họ chẳng có một chút khác biệt nào, điều quan trọng hơn cả là một nụ cười trên môi và một gương mặt cởi mở, thấm đậm tình người.
213. Mỗi khi cảm thấy lo sợ vì mất hết tự tin và nghĩ rằng tất cả những gì mình làm sẽ không tránh khỏi thất bại, thì các bạn hãy suy nghĩ thêm một chút, hãy tìm hiểu xem tại sao mình lại chấp nhận thua cuộc khi mới bắt đầu.
Nhất định các bạn sẽ không tìm được một lý do chính đáng nào cả. Chính cách suy nghĩ của các bạn đã tạo ra các vấn đề khó khăn cho các bạn, nhưng tuyệt nhiên không phải là vì các bạn thiếu khả năng (chính các độc tố tâm thần khiến cho sự suy nghĩ của mình thiếu sáng suốt và mất tự tin, trong khi đó bản chất vá khả năng con người đều ngang hàng nhau nơi mỗi cá thể.
Thí dụ trường hợp hai người: một người bị bệnh tâm thần và một người được xem là “bình thường”. Độc tố vô minh trong tâm thần của người bệnh nhiều hơn và mạnh hơn so với độc tố trong tâm thần của người được xem là “bình thường” thế thôi. Đối với các khía cạnh khác thì cả hai đều như nhau).
214. Lòng từ bi đích thật chỉ có thể hiển lộ khi nào các bạn ý thức được kẻ khác cũng có quyền được hưởng hạnh phúc như mình. Lòng từ bi đó sẽ giúp mình ý thức được trách nhiệm của mình đối với kẻ khác. Khi đã phát động được sự ý thức đó thì tự nhiên sự tin tưởng nơi mình cũng sẽ gia tăng. Sự tin tưởng đó sẽ làm giảm bớt sự sợ hãi và giúp cho sự tự tin nơi mình càng vững chắc hơn.
Ngay từ lúc đầu, trước khi bắt tay vào một công việc gay go nào đó, nếu các bạn phát động được một sự quyết tâm thật mạnh rồi sau đó dù có thất bại thì các bạn vẫn giữ nguyên được nghị lực lúc ban đầu để bắt tay làm lại, dù là lần thứ hai hay thứ ba cũng chẳng có vấn đề gì. Nếu chủ đích minh bạch thì cứ cố gắng không nên lùi bước.
215. Phương pháp hữu hiệu nhất chống lại sự lo âu là cách bớt nghĩ đến bản thân mình và quan tâmđến kẻ khác nhiều hơn. Khi nào các bạn thật sự nhận thấy được các khó khăn của kẻ khác thì tầm quan trọng của các khó khăn của mình cũng sẽ giảm bớt đi. Khi giúp đỡ kẻ khác thì sự tự tin nơi mình sẽ gia tăng và các sự lo lắng trong nội tâm mình cũng sẽ giảm xuống. Tất nhiên sự giúp đỡ đó phải thành thực, nếu chỉ vì mục đích loại bỏ các sự bất an của mình, thì tác động sẽ ngược lại, đấy chỉ là cách khiến mình ngày càng thu mình kín đáo hơn bên trong chính mình và các sự sợ hãi của mình.
Suy tư về sự tự tử
216. Quả là một việc tế nhị khi phải đề cập đến vấn đề tự tử. Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến quyết tâm tự tử. Có những người tự tử vì bị tràn ngập bởi các cảm tính ưu phiền và lo lắng; có những người tự tử vì tuyệt vọng; có những người tự tử vì quá tự ái khi người khác làm hay không làm một việc gì đó đối với mình (đối xử tàn tệ hay thờ ơ với mình chẳng hạn); có những người tự tử vì tin rằng mình chỉ là một người vô tích sự, chẳng làm được trò trống gì; có những người tự tử vì quá tức giận khi bị tràn ngập bởi một sự thèm khát quá hung hãn không lối thoát; có những người tự tử đơn giản chỉ vì cứ để mặc cho những mối lo buồn xâm chiếm mình; ngoài ra cũng còn vô số các nguyên nhân khác nữa…
217. Nói chung tự tử là một cách chối bỏ tất cả các giải pháp trong tương lai có thể giải quyết các khó khăn của mình trong hiện tại. Dù đang trong lúc này mình gặp toàn những chuyện khó khăn, thế nhưng điều đó không có nghĩa là một ngày nào đó mình không tìm được một giải pháp khả dĩ giải quyết được các khó khăn ấy của mình.
218. Hầu hết các trường hợp tự tử đều xảy ra trong lúc xúc cảm gia tăng cực độ. Là con người chúng ta không được phép chọn một quyết định cực đoan như thế chỉ vì một sự giận dữ, thèm khát hay lo âu bất chợt bùng lên với mình (chữ “thèm khát” mang ý nghĩa rất rộng trong Phật giáo, không phải chỉ là một sự thèm muốn hay tham lam, mà là một hình thức “bất toại nguyện” thật hung hãn và sâu xa phát sinh từ bên trong tâm thức mình, do đó phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước các thứ tạo tác tâm thần hiện ra trong tâm thức mình, hầu chủ động chúng).
Các hành động bốc đồng đó khiến chúng ta dễ phạm vào sai lầm. Là con người chúng ta có khả năng suy nghĩ, vì thế tốt hơn là nên chờ lúc nào tìm được sự bình tĩnh và thư giãn thì hãy quyết định, trước khi phạm vào một hành động không hàn gắn được.
219. Vị giám hộ của tôi là Thrijang Rinpoché (khi còn trẻ Đức Đạt-lai Lạt-ma luôn có các vị giám hộ bên cạnh chăm lo cho Ngài, Trijang Yeshe là vị giám hộ lúc Ngài 19 tuổi) thuật lại với tôi câu chuyện về một người tại tỉnh Khams, người này cảm thấy mình vô cùng bất hạnh bèn có ý định nhảy xuống sông Tangpo tại Lhassa. Anh ta mang theo một chai rượu để uống trước khi nhảy xuống nước để tự tử. Lúc ra đi thì nội tâm bị tràn ngập bởi đủ mọi thứ xúc cảm nên rất hăng hái, thế nhưng khi đến bờ sông thì anh ta lại cảm thấy chưa muốn nhảy ngay, bèn mở chai rượu uống một ít. Một lúc sau vẫn cảm thấy chưa đủ can đảm, lại uống thêm một ít nữa.
Sau cùng thì quay về nhà cặp nách chai rượu không còn giọt nào (dù quyết tâm tự tử thế nhưng nếu cố gắng”cầm cự” thêm vài phút thì sự suy nghĩ của mình cũng có thể sẽ chuyển theo một chiều hướng khác. Tâm thức luôn ở trong tình trạng biến động và “bay nhảy”, nguyên nhân là do nghiệp và cơ duyên luôn tương tác với nhau và cùng nhau chuyển động. Trên dòng chuyển động đó của tri thức không nên tìm cách bám vào một thể dạng nào cả, nhất là các thể dạng cực đoan và tiêu cực).
Suy tư về tình trạng cô đơn và sự cô lập
220. Theo kết quả thăm dò thì một phần lớn người Mỹ cho biết mình rất khổ sở vì cảm thấy cô đơn. Cuộc thăm dò này kéo dài suốt hai tuần vừa qua (Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên sự kiện này khi được phỏng vấn năm 2001) cho thấy một phần tư những người trưởng thành (trong xã hội Mỹ) thú nhận mình cảm thấy vô cùng cô đơn, cảm tính này dường như vô cùng phổ biến.
Trong các thành phố lớn hàng ngàn người đi lại trên đường phố, thế nhưng không thấy ai buồn ném cho nhau một cái nhìn. Nếu bốn mắt bất chợt gặp nhau thì họ cũng chẳng nhìn nhau với một nụ cười, trừ trường hợp miễn cưỡng vì xã giao. Trong các toa xe điện, họ ngồi cạnh nhau hàng giờ, nhưng không hề trao đổi với nhau một lời nào. Điều đó chẳng phải là lạ lùng hay sao?
Chủ nghĩa cá nhân, luật pháp bảo vệ sự tự do cá nhân, xã hộiquy định các quy tắc sinh hoạt cá nhân, mỗi người có quyền nuôi dưỡng “cái tôi” ích kỷ của mình…, tất cả đã tạo ra một sự sinh hoạt đi ngược lại với nguyên lý tương liên và tương tác (interdependence) của thế giới hiện tượng, tách cá thể ra khỏi tập thể và cả hiện thực chung quanh. Đó là nguyên nhân sâu xa đưa đến các cảm tính cô đơn, lo âu và sợ hãi. Nhiều người rất sợ sự trống trải, cảm tính cô đơn và lẻ loi thường mượn những giây phút đó để bùng lên.
Các sinh hoạt ồn ào: ca hát, lễ hội, tiệc tùng, cờ bạc, thể thao, các trò chơi, nghệ thuật, triển lãm, du lịch…, nói chung là các hình thức giải trí do con người tạo ra để che khuất và lấp đầy những khoảng trống trải đó trong tâm hồn mình. Trái lại một trong các chủ đích của phép thiền định trong Phật giáo là làm hiện lên chính sự trống trải đó bên trong tâm thức mình, hầu tìm hiểu nó, hòa nhập và tinh khiết hóa nó, hầu biến nó trở thành một sự “trống trải” thật êm ả và trong suốt, một sự yên lặng thiêng liêng và sâu xa, một bầu không gian bao la, ngập tràn hân hoan, trong đó tất cả chúng sinh đều gần gũi với nhau và thương yêu nhau – gccncntV.
221. Tôi có cảm giác sự cô đơn phát sinh từ hai nguyên nhânchủ yếu. Trước hết là vì ngày nay chúng ta quá đông đúc. Khi thế giới còn thưa thớt, người ta còn ý thức được thật mạnh là mình thuộc chung trong một gia đình nhân loại, người ta hiểu nhau và cảm thấy gần gũi với nhau hơn.
Kể cả ngày nay trong các thôn ấp nơi đồng quê, người ta vẫn còn cảm nhận được điều đó, người dân quen biết nhau, cho nhau mượn dụng cụ và máy móc để canh tác, hoặc cùng hợp tác với nhau trong các công việc quy mô hơn. Ngày xưa người ta thường họp nhau thành đoàn, gọi nhau đi nhà thờ, cùng cầu nguyện. Họ có nhiều dịp gặp gỡ nhau và hàn huyên với nhau hơn.
Ngày nay, địa cầu lâm vào tình trạng thặng dư dân số, hàng triệu người chen chúc trong các thành phố lớn. Quả không khó để nhận thấy mối quan tâm quan trọng nhất của họ là việc làm và tiền lương mỗi tháng. Dường như mỗi người tự tạo ra cho mình một cuộc sống biệt lập. Máy móc gia dụng ngày nay thật tối tân tạo cho chúng ta một cuộc sống không cần lệ thuộc vào người khác, điều đó khiến chúng ta có cảm giác – nên hiểu rằng cảm giác này hoàn toàn sai lầm – là mọi người chung quanh chỉ giữ một vai trò ngày càng thứ yếu đối sự an vui của cá nhân mình. Tình trạng đó rất dễ đưa đến cách cư xử dửng dưng đối với những người chung quanh và tạo ra cảm tính cô đơn bên trong chính mình.
222. Nguyên nhân thứ hai tạo ra cảm tính cô đơn trên đây theo tôi là vì trong các xã hội tân tiến ngày nay tất cả mọi người đều bận rộn một cách khủng khiếp. Chẳng hạn như khi cất lời thăm hỏi một người nào đó với một câu thật ngắn: “Bạn có khỏe không?”, thỉ chúng ta cũng có cảm giác là mình vừa đánh mất hai giây quý báu trong cuộc đời mình. Công việc vừa xong là vùi đầu vào tờ báo: “Nào, xem có tin tức gì mới lạ không?”. Hàn huyên với một người bạn cũng là một cách phí phạm thì giờ
Mỗi khi đọc lại vài vần thơ Đường thì dường như qua hình ảnh con trăng giữa trời, tiếng thông reo và suối chảy, chúng ta cũng có cảm giác chia sẻ và thừa hưởng được một chút thanh thản và nhàn hạ nào đó của các thi nhân thời bấy giờ. Cách nay chưa đầy hai thế kỷ, Bà Huyện Thanh Quan dắt bốn con còn nhỏ trở về quê gần Hà Nội, sau khi chồng làm quan và mất tại kinh đô Huế.
Thời bấy giờ từ Bắc vào kinh đô Huế hoặc ngược lại thường là phải dùng thuyền, nếu lần theo đường bộ xuyên qua núi rừng thì phải dùng ngựa hay xe bò và phải mất hàng tháng. Lúc trèo lên đèo Ngang, bà đã cảm tác vài vần thơ thật man mác: “Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông rợ mấy nhà,…, Dừng chân đứng lại, trời non nước, Một mảnh tình riêng ta với ta”.
Quang cảnh vắng vẻ và mênh mông đó dường như rất xa lạ với những con người hối hả ngày nay. Nhiều người dường như cũng không hiểu được sự tinh tế trong các vần thơ của bà, và đã sửa cả thơ của bà, chẳng hạn như “lác đác bên sông rợ mấy nhà” thì lại sửa là “lác đác bên sông chợ mấy nhà”. Các chữ “chợ mấy nhà” chẳng mang ý nghĩa gì cả giữa cảnh núi rừng hoang dã.
Chữ “rợ” ngày nay không còn dùng nữa mà gọi là “các bộ tộc ít người” hay “dân tộc thiểu số”. “Rợ mấy nhà” là vài mái nhà sàn “lác đác” của các bộ tộc đó nơi rừng núi hoang vu. Quang cảnh đìu hiu đó phản ảnh niềm cô quạnhvà hoang vắng trong lòng người quả phụ. Thế nhưng qua “một mảnh tình riêng” bà Huyện Thanh Quancũng cảm thấy ấm áp và rất gần với người chồng vừa mới mất: “Chàng ơi, giữa cảnh hoang vu này, một mảnh tình riêng ta với ta”.
Trên đây là một thí dụ cho thấy dù “nghìn trùng xa cách” và ở một nơi hoang vắng, thế nhưng tình thương – dù nhuốm bởi một màu sắc nào cũng vậy – đều có thể kéo con người đến gần với nhau. Trái lại, ngày nay con người chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp, nhưng hoàn toàn xa lạ với nhau và với cả chính mình. Đó là cảm tính cô đơn thật sâu xa trong tâm hồn mỗi người trong chúng ta trong thế giới ngày nay mà Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên trong lời khuyên trên đây – gccncntV.
223. Sống trong các thành phố đông đúc người ta thường quen biết nhiều người, vì thế phải chào hỏi nhau, phải hàn huyên hết người này đến người khác. Quả hết sức phiền toái. Chính vì vậy mà người ta luôn tìm cách tránh né mọi sự giao tiếp. Chẳng may nếu có một người nào đó muốn gợi chuyện với mình thì mình có cảm giác là người ấy đang tìm cách xâm phạm vào đời sống riêng tư của mình.
224. Sống trong các thành phố lớn người ta thường cảm thấy cô đơn, điều đó cho thấy không phải là do thiếu người để mình kết bạn, mà đúng hơn là thiếu sự trìu mến giữa con người với nhau. Đấy là nguyên nhân khiến sức khỏe tâm thần của họ thật sa sút. Trái lại những người lớn lên trong một khung cảnh đầm ấm sẽ có một sự phát triển tích cực và hài hòa hơn về đủ mọi mặt, từ thân xác, tâm thần và cả thái độ hành xử trong cuộc sống.
225. Các xã hội ngày nay đã đánh mất hết các giá trị nhân bản, biến cuộc sống trở thành một sự sinh hoạt máy móc. Sáng sớm đi làm. Công việc chấm dứt thì giải trí trong các hộp đêm hoặc các nơi khác. Về đến nhà thì đã khuya, mệt nhoài, ngủ được vài giờ. Sáng hôm sau, nửa thức nửa ngủ, đầu óc mơ mơ màng màng, nhưng cũng phải đi làm. Chẳng phải người dân thành phố trải qua phần lớn đời mình trong cuộc sống đó hay sao? Mỗi người là một bộ phần cơ giới, dù muốn hay không thì họ cũng phải gia nhập vào sự vận hành chung của guồng máy đó. Sau một thời gian thì cuộc sống trở nên hết sức nặng nề, khiến mỗi người phải tự tìm cách nấp mình phía sau thái độ dửng dưng.
226. Không nên làm cho mình phải phờ phạc vào buổi tối. Sau khi hết việc thì nên về nhà. Ăn uống thong thả, sau đó thưởng thức một tách trà hay một thức uống khác, đọc sách, tạo cho mình một sự thư giãn và thoải mái trước khi vào giường. Sáng hôm sau dậy sớm. Nếu phải đi làm thì tâm trí cũng sẽ tươi mát và minh mẫn hơn. Tôi đoan chắc cuộc sống của các bạn sẽ thay đổi hẳn so với trước đây.
227. Tất cả mọi người đều công nhận cảm tính cô đơn chẳng ích lợi cũng chẳng thú vị gì. Chúng ta phải tìm mọi cách để chống lại cảm tính đó. Thế nhưng cảm tính đó lại phát sinh từ quá nhiều nguyên nhân và điều kiện, vì thế phải chận đứng nó thật sớm, ngay từ lúc còn sống trong gia đình. Thật vậy gia đình là đơn vị căn bản nhất của xã hội và cũng là nơi mà chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc và nẩy nở trong tình thương yêu và sự trìu mến (tình thương yêu và sự trìu mến trong bầu không khí gia đình sẽ giúp chúng ta ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của các phẩm tính đó.
Khi bước vào đời, với số vốn liếng mà trước đây chúng ta được thừa hưởng trong gia đình sẽ giúp chúng ta hòa mình dễ dàng hơn với người khác. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một cấp bậc rất thấp. Phải hiểu rằng cảm tính cô đơn là một sự tạo tác tâm thần, liên hệ đến nhiều nguyên nhân / nghiệp và nhiều điều kiện / cơ duyên. Nếu muốn loại bỏ dứt khoát cảm tính đó thì phải cần đến phép luyện tập thiền định đã đuợc nói đến trên đây).
228. Nếu chúng ta cảm thấy thù ghét và oán hận kẻ khác thì kẻ khác cũng rất có thể sẽ cảm thấy như thế đối với mình, sự nghi kỵ và sợ hãi theo đó sẽ phát sinh, tạo ra một khoảng cách giữa mọi người với nhau, và các bạn sẽ không khỏi cảm thấy cô đơn và trơ trọi. Nào có phải tất cả các thành phần trong tập thể xã hội đều có cái cảm tính tiêu cực ấy đối với mình đâu. Có thể một số nhìn mình qua một thái độ tiêu cực vào một ngày nào đó, thế nhưng phải hiểu rằng nguyên nhân chính là do mình gây ra.
229. Trong gia đình cũng như nơi học đường, nếu các đứa trẻ được giáo dục trong khung cảnh đầm ấm thì khi lớn lên, tiếp xúc với xã hội, thì chúng cũng sẽ có đủ khả năng để giúp đỡ kẻ khác. Khi tiếp xúcvới một người nào đó, dù là lần đầu tiên, thì chúng cũng sẽ cảm thấy thoải mái, không rụt rè khi mở lời với người ấy. Chúng sẽ biết cách tạo ra một bầu không khí tươi mát. Trong khung cảnh đó không mấy khi cảm tính cô đơn có thể hiện ra được.
Suy tư về sự nóng giận
230. Nếu cứ để cho sự nóng giận và hận thù chi phối thì chúng ta sẽ không thể nào tìm được sự thoải mái trên thân xác và trong tâm thức mình. Những người chung quanh sẽ nhận thấyngay điều đó và không một ai muốn đến gần mình. Ngay cả thú vật cũng bỏ chạy, duy nhất chỉ có đám rận và muỗi là còn bám lấy mình để hút máu! Chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên, bao tử bị lở loét, và nếu tình trạng kéo dài thì nhất định năm tháng còn lại trong cuộc đời mình cũng sẽ giảm xuống.
Vậy thì nóng giận để mà làm gì? Dù làm bất cứ gì để hả giận thì chúng ta cũng không sao thanh toán được tất cả kẻ thù của mình. Vậy xin hỏi các bạn xem có biết ai từng thanh toánđược hết kẻ thù của mình không? Cho đến khi nào chúng ta vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng kẻ thù bên trong chính mình, tức là sự nóng giận và hận thù trong tâm thức mình, thì khi đó dù chúng ta có thanh toán được vô số kẻ thù bên ngoài vào ngày hôm nay, thì vô số các tên khác sẽ xuất hiện vào ngày hôm sau.
231. Các thứ độc tố khuấy động bên trong tâm thức mình mới đúng thật là các kẻ thù của mình, đó là các thứ u mê (còn gọi là vô minh), hận thù, thèm khát, ganh tị, kiêu hãnh… Đó là các kẻ thù duy nhất có thể tàn phá hạnh phúc của chúng ta. Nguy hiểm hơn cả là sự nóng giận và thù hận, đó là nguồn gốc gây ra vô sốnhững điều bất hạnh cho thế giới này, từ các sự cãi vã nhỏ nhặt trong gia đình đến các cuộc xung đột thật to lớn. Các niềm bất hạnh đó có thể biến bất cứ một khung cảnh an vui nào trở thành một bầu không khí không sao chịu đựng nỗi.
Không có một tôn giáo nào ngợi khen các tính khí ấy cả mà nhất loạt đều nêu cao tình thương yêu và sự tốt bụng. Chỉ cần đọc qua các cách mô tả về thiên đường cũng đủ hiểu rằng trong cõi đó người ta chỉ nói đến sự an bình và tốt đẹp, các khu vườn tuyệt vời đầy hoa thơm, và ít nhất là theo sự hiểu biết của tôi thì tuyệt nhiên trong cõi ấy không bao giờ xảy ra xung đột và chiến tranh cả. Người ta không hề gán cho sự nóng giận bất cứ một phẩm tính nào.
232. Vậy thì phải xử trí như thế nào đối với sự nóng giận? Một số người cho rằng nóng giận không phải là một khuyết điểm (một điểm yếu hay một thứ khiếm khuyết “tự nhiên” của tâm tính con người). Một số người khác không quen tìm hiểu sự vận hành của tâm thức thì nghĩ rằng sự nóng giận là thành phần tự nhiên của tâm thức, do đó không nên đè nén nó mà còn phải để nó phát lộra bên ngoài (đây cũng là quan điểm phổ biến đối với ngành Tâm lý học Tây phương nói chung).
Nếu đúng là như thế thì sự u mê(vô minh) hay mù chữ cũng là thành phần của tâm thức hay sao, bởi vì khi mới sinh chúng ta chưa có một chút hiểu biết nào (mù chữ và sự hiểu biết sai lầm không phải là những thứ bẩm sinh. Sự thiếu hiểu biết hay hiểu biết sai lầm – còn gọi là vô minh – là các thể dạng tâm thần tuần tự sinh ra trên dòng phát triển của một cá thể; mù chữ cũng vậy là hậu quả của hoàn cảnh khiến mình không được học hành không phải là một hiện tượng bẩm sinh.
Tóm lại các thể dạng tâm thần đó – vô minh, giận dữ, mù chữ… – phát sinh dưới tác động của nghiệp, có nghĩa là những gì tự mình tạo ra cho mình trong quá khứ cũng như hiện tại). Đấy là những thứ (u mê, hiểu biết sai lầm, mù chữ…) mà chúng ta phải tìm mọi cách để loại bỏ, không có ai chống lại điều đó bằng cách cho rằng chúng mang bản chất tự nhiên, không được phép làm cho chúng phải biến đổi khác đi. Vậy đối với hận thù và nóng giận gây ra các điều tệ hại to lớn hơn nhiều, thì tại sao lại không tìm cách loại bỏ chúng tương tự như các thứ u mê và mù chữ trên đây? Tất nhiên là các điều đó phải nên làm.
233. Học hành cần phải kiên nhẫn, bởi vì không thể nào trong một lúc có thể hiểu hết được tất cả mọi thứ, mà chỉ có thể làm giảm bớt dần dần từng chút một sư u mê (vô minh) của mình mà thôi. Đối với sự nóng giận cũng vậy, khó mà loại bỏ nó một cách vĩnh viễn, thế nhưng nếu thành công được chút nào thì cũng nên làm. Dầu sau thì các bạn cũng có thể bảo với tôi rằng đấy là chuyện của các bạn, chẳng dính dáng gì với tôi cả! (Ngài bật cười).
234. Các bác sĩ tâm thần có thể sẽ khuyên các bạn không nên đè nén các thứ cảm tính như sự nóng giận, mà phải tống nó ra ngoài (đây là phương pháp trị liệu của ngành Tâm lý học Tây phương nói chung). Dầu sao thì họ cũng không khuyến khích các bạn tìm kiếm nó và làm cho nó bùng lên. Các bạn hãy cố gắng tìm hiểu các khía cạnh nguy hại của sự nóng giận và dù cho các bạn nhất mực cho rằng nó thuộc thành phần của tâm thức mình đi nữa, thì điều đó cũng không cấm các bạn chấp nhận tốt hơn là nên thoát ra khỏi sụ kiềm tỏa của nó (đây là quan điểm đối nghịch lại với ngành Tâm lý học Tây Phương.
Đối với sự nóng giận, hận thù, u mê… thì Phật giáo quan niệm rằng phải ngăn chận và hoá giải chúng từ bên trong tâm thức mình bằng các phương pháp thiền định; đối với môi trường bên ngoài thì phát huy lòng từ bi và tình thương yêu đối với tất cả chúng sinh, hầu ngăn chận trước không cho các sự nóng giận và hận thù từ bên trong phát lộ ra bên ngoài qua các hình thức ngôn từ và hành động).
235. Hãy cố gắng tránh mọi cảnh huống có thể khiến các phản ứng hung bạo bùng lên với mình. Thế nhưng nếu chẳng may các cảnh huống ấy cứ xảy ra ngoài ý muốn của mình thì cũng chớ để chúng lôi cuốn mình vào vòng kiềm tỏa của chúng. Nếu các bạn giao tiếp với một người có biệt tài chọc tức người khác thì các bạn cũng cứ cố gắng bỏ qua cái biệt tài gây hấn ấy của hắn và nhìn hắn qua một góc cạnh khác hơn (xem hắn là một con người đáng thương hại chẳng hạn).
236. Những người mà chúng ta xem là kẻ thù không hề mang tính cách thù địch khi mới lọt lòng mẹ. Họ chỉ trở thành kẻ thù của mình khi bắt đầu phát lộ một cách suy nghĩ hay một thái độ hành xử nào đó, và tức khắc chúng ta gán ngay cho họ nhãn hiệu “kẻ thù”. Thế nhưng sau đó nếu thái độ ấy của họ hoàn toàn thay đổi từ đầu đến đuôi thì trong trường hợp này họ sẽ phải trở thành “bạn hữu” của các bạn. Chỉ là một người duy nhất thế nhưng hôm trước là “kẻ thù” hôm sau lại là “bạn”. Chẳng phải là phi lý hay sao?
237. Phải ý thức được sự khác biệt giữa một cá thể con người và các thái độ nhất thởi (tạm bợ) của người ấy. Không nên chống lại một người nào cả (với tư cách là con người) mà chỉ chống lại một “thể dạng xúc cảm” hay một “thái độ hành xử” của người ấy. Phải loại bỏ ngay mọi sự mong muốn làm hại bản thân một người nào đó. Hãy tìm cách giúp người ấy biến cải và mang lại cho họ tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mình có thể làm được.
Phải tìm mọi cách khiến người ấy phải chấm dứt thái độ thù ngịch với mình, nhưng đồng thời vẫn biểu lộ được tình thương yêu của mình đối với người ấy, đấy mới thật sự là cách giúp người ấy nhanh chóng biết dừng lại các hành động thù nghịch của mình, và biết đâu nhờ đó người ấy cũng có thể trở thành một người bạn của mình.
238. Nếu không thể tha thứ những điều tồi tệ mà một người nào đó gây ra cho mình hay cho một người nào khác cũng vậy, thì cứ hãy chống lại hành động ấy nhưng không thù hận người gây ra hành động ấy, không nên để mình bị lôi cuốn bởi sự hung bạo chống lại người ấy hoặc tìm cách trả thù người ấy. Đấy là cách không để cho hành động của mình biến thành một sự phục thù, nói một cách khác là không được sử dụng sự nóng giận để đáp lại sự nóng giận. Đấy chính là sự nhẫn nhục đích thật.
Quả hết sức khó phản ứng một cách đúng đắn trong khi đang bị kiềm tỏa bởi một cơn nóng giận cực độ. Vậy thì hãy cứ quên đi cơn nóng giận ấy của mình (cố gắng không để ý đến nó, làm ngơ không hề hay biết gì cả về sự nóng giận đó, dường như nó từ nơi khác đến, tương tự như một thứ “ma quỷ” thật đáng ghét xâm nhập vào tâm thức mình, sự nóng giận đó không phải là của mình).
239. Gần đây khi đang ở Jerusalem, tôi có tham dự một cuộc tranh luận giữa sinh viên Do thái và Palestin. Trước khi kết thúc buổi họp, có một người Palestin phát biểu rằng bắt đầu từ giây phút này mọi sự tất sẽ phải diễn tiến êm thắm, Thế nhưng đấy cũng chì là những lời thốt lên trong khi thảo luận với nhau, thế nhưng khi ra đường thì lại khác. Nếu bị cảnh sát Do Thái bắt thì họ sẽ nổi giận ngay và xem người Do Thái là kẻ thù. Họ tự hỏi vậy thì phài giải quyết như thế nào về vấn đề này? Họ lại thảo luậnvới nhau và nảy ra ý kiến là nên xem người khác là “hình ảnh của Thượng Đế”.
Một sinh viên bèn phát biểu thêm: “Mỗi khi các bạn đứng trước một người nào đó gây ra những điều sai trái với mình và dù người ấy là ai cũng vậy, các bạn cứ xem người ấy là “hình ảnh của Thượng Đế”, thì tức khắc sự giận dữ của các bạn sẽ tan biến hết”. Phải chăng đấy là một ý kiến rất hay? Đối với riêng tôi thì ý kiến ấy thật hết sức tuyệt vời!
240. Có một người viết thư thuật lại với tôi mỗi khi ngồi thiền thì hình ảnh của Đạt-lai Lạt-ma lại hiện ra trong tâm thức mình, mang lại cho mình thật nhiều điều tốt đẹp. Hiện nay mỗi khi nổi giận thì người này tức khắc nghĩ đến tôi và cơn giận sẽ biến mất (Ngài bật cười). Theo tôi nghĩ thì mỗi khi cơn giận bất thần bùng lên trong nội tâm mình thì thay vì hướng sự chú tâm của mình vào đối tượng đó tức là sự nóng giận đó, thì chúng ta nên nghĩ đến một người hay một vật gì mà mình yêu quý, thì tức khắc tâm thức sẽ lắng xuống ngay, ít ra cũng được một phần nào.
Chẳng hạn như nghĩ đến người đàn ông hay đàn bà mà mình yêu quý (đó là cách mượn sức mạnh của bản năng truyền giống để hóa giải sức mạnh của bản năng sinh tồn là sự “giận dữ” tức là một hình thức “bảo vệ” chính mình) thì tâm thức sẽ chuyển sang một hướng khác, người ta thường nói “hai tư duy không thể hiển hiện cùng một lúc được” (không thể suy nghĩ hay chú tâm cùng một lúc vào hai đối tượng khác nhau. Tư duy hiện lên sau sẽ “che lấp” hay “loại bỏ” hẳn tư duy hiện lên trước nó). Tâm thức sẽ tự động hướng vào một hình ảnh mới, tất nhiên là hình ảnh này phải mạnh hơn, và trong trường hợp đó nó sẽ lấn lướt và làm cho hình ảnh hiện lên trước đó phải biến mất.
Các hình ảnh, các sự nhận thức, kể cả xúc cảm khổ đau hay hạnh phúc, hân hoan hay lo buồn cũng vậy, tất cả đều là các thứ tạo tác tâm thần. Chúng “tuần tự” hiện ra, nối tiếp nhau và xô đẩy nhau diễn tiến trong tâm thức, nhưng không thể chồm lên nhau được. Tâm thức tương tự như hai tay, không thể làm hai việc hoàn toàn khác nhau trong cùng một lúc, khổ đau và hạnh phúc cũng vậy không thể hiệnlên trong cùng một đơn vị khoảnh khắc trên dòng luân lưu của tri thức. Phép thiền định có thể giúp chúng ta theo dõi sự vận hành đó của các thứ tạo tác tâm thần hầu chủ động chúng tùy theo bản chấtcủa chúng – gccncntV.
241. Tôi thường nói là nếu chúng ta cứ để cho sự nóng giận tha hồ bùng lên, thì chưa chắc sẽ tạo ra thiệt hại cho kẻ thù của mình, mà chắc chắn sẽ gây ra đủ mọi thứ tai hại cho chính mình. Chúng ta đánh mất sự an bình trong nội tâm, không còn làm được việc gì ra hồn cả, ăn uống không tiêu, mất ngủ, xô đuổi khách khứa, nhìn những người cả gan đi chắn ngang mặt mình với cặp mắt giận dữ. Nếu có nuôi một con vật trong nhà thì quên không cho nó ăn. Chúng ta tạo ra cho những người trong gia đình một cuộc sống thật nặng nề, không sao kham nổi. Bạn bè thân thiết nhất trước đây cũng phải lánh mặt. Những người có lòng thương cảm mình trước hoàn cảnh đó của mình cũng thưa dần, chúng ta ngày càng lẻ loi.
Những người mà mình xem là kẻ thù biết đâu đang ngồi thảnh thơi tại nhà họ. Một ngày nào đó. những người hàng xóm của mình biết đâu cũng có thể thuật lại với kẻ thù của mình về những gì mà họ được nghe và trông thấy tận mắt, thì khi đó kẻ thù của mình sẽ không khỏi cảm thấy thích thú. Chẳng hạn như họ được nghe nói như sau: “Quả thật anh ta vô cùng khổ sở, mất ăn, mặt mày hốc hác, tóc rối bù, mất ngủ, phải uống thuốc an thần, không ai viếng thăm, con chó nuôi trong nhà cũng không dám đến gần và cứ tru lên liên hồi”, thì nhất định kẻ thù của mình sẽ cảm thấy thích thú vô cùng. Và nếu hắn biết được tin người ta đưa mình vào bệnh viện, thì câu chuyện đã đến hồi kết thúc.
Suy tư về sự kiềm tỏa dục vọng
242. Chủ đích của sự thèm khát là thỏa mãn. Một khi sự thèm khát đã điều khiển được mình và mình thí cứ đòi hỏi ngày càng nhiều hơn, thì chủ đích đó (tức là sự thỏa mãn) sẽ chẳng bao giờ thực hiện được, thay vì tìm được hạnh phúc thì chúng ta phải đối đầu với khổ đau.
Ngày nay người ta thường xem trọng sự tự dotính dục. Thế nhưng nếu cứ buông thả sự thèm khát tính dục tha hồ tung hoành duy nhất với mục đích tìm sự thích thú, thì chẳng những chúng ta sẽ không sao mang lại được cho mình một sự toại nguyện lâu dài mà còn tạo ra vô số các vấn đề tiêu cực khác – nào là niềm đau của người phối ngẫu bị bỏ rơi, lứa đôi tan vỡ, cuộc sống của con cái bị xáo trộn, bệnh hoa liễu, AIDS,.. – tất cả các thứ ấy thật hết sức thảm thương so với một chút thích thúngắn ngủi mà mình có thể đạt được (Đức Đạt-lai Lạt-ma nói lên lời khuyên này đã gần hai mươi năm.
Ngày nay chuyện tố cáo các hành vi xâm phạm tính dục đang sôi sục và trở thành cả một phong trào, liên lụy đến đủ mọi lãnh vực, từ chính trị, nghệ thuật, tín ngưỡng…, khiến nhiều người vào tù, danh vọng tiêu tan, uy tín bị sụp đổ. Tất cả cũng chỉ vì một chút thích thú tạo ra bởi sự đụng chạm và cọ sát, là những hình thức thúc đẩy với ít nhiều méo mó, phát sinh từ bản năng truyền giống!).
243. Bản chất của sự thèm khát là ngày càng trở nên mãnh liệt hơn, dù rằng trong sự gia tăng đó của sự thèm khát, đôi khi người ta cũng cứ nghĩ rằng là mình đã tìm được sự thỏa mãn (sự thèm khát là độc tố nguy hiểm và trực tiếp nhất mang lại khổ đau cho con người, nó liên hệ với các thứ bản năng của sự sống nói chung).
Đối với bất cứ ai, một khi đã rơi vào chiếc bẫy đó của sự thèm khát thì cũng tương tự như một người khát nước nhưng chỉ uống toàn nước biển: càng uống càng khát thêm (đối với bản năng sinh tồn thì cứ muốn ngày càng “giàu có” hơn, đưa đến mọi hình thức trang dành và xung đột; đối với bản năng truyền giống thì cứ muốn ngày càng được “thỏa mãn” hơn, có nhiều nhân tình hơn; đối với bản năng sợ chết thì ngày càng muốn được “an tâm” hơn, trước và cả sau khi chết, đưa đến mọi hình thức cực đoan. Ghép chung cả ba thứ bản năng trên đây sẽ tạo ra “cái tôi” của con người, đưa đến tình trạng ngày nay của nhân loại và thế giới).
244. Bất cứ thứ gì cũng có giới hạn của nó. Nếu muốn trở nên giàu có thì biết đâu chúng ta cũng có thể kiếm được nhiều tiền, thế nhưng một ngày nào đó khi hoàn cảnh chuyển theo chiều hướng khác thì chúng ta cũng có thể sẽ không còn kiếm thêm được một đồng nào nữa. Điều đó khiến chúng ta không khỏi tuyệt vọng. Vì thế cũng nên tự thẩm định một mức độ thuận lợi của các điều kiện bên ngoài để biết dừng lại, thay vì cứ để cho chúng áp đặt cái ranh giới đó cho mình sau này.
Do vậy trong lúc này hãy giảm bớt những sự thèm khát và tập quen dần với sự hài lòng (nếu nhìn dưới một góc cạnh khác thì các điều kiệnthuận lợi – từ bên trong cũng như bối cảnh bên ngoài – là kết quả mang lại từ “công đức” của mình trong quá khứ. Thay vì bồi đắp thêm các “công đức” đó để duy trì một hoàn cảnh ngày càng thuận lợi hơn, thì mình lại tiêu dùng hết các “công đức” ấy bằng sự tham lam, thèm khát và ích kỷ của mình, và khi đó thì hoàn cảnh bất thuận lợi sẽ không sao tránh khỏi xảy đến với mình).
245. Sự thèm khát chính là cội nguồn tạo ra đủ mọi thứ khó khăn, chúng lôi kéo nhau không bao giờ chấm dứt. Càng thèm khát càng phải tính toán và phấn đấu để tìm sự thỏa mãn. Cách nay ít lâu có một doanh nhân thuật lại với tôi rằng trước đây trong khi tìm cách phát triển xí nghiệp của mình thì anh ta cứ muốn nó phải ngày càng to lớn hơn, và trong lúc đó thì anh ta cũng càng phải nói dối nhiều hơn, đấm đá thẳng tay hơn với đám người cạnh tranh với mình.
Sau cùng thì anh ta nhận thấy rằng thúc đẩy sự ham muốn ngày càng nhiều chẳng mang ý nghĩa gì cả, anh ta bèn dần dần thu hẹp các dự án kinh doanh của mình, sự cạnh tranh theo đó cũng trở nên bớt khốc liệt hơn, nhờ vậy mà anh ta có thể làm ăn lươngthiện hơn. Tôi nhận thấy các lời thổ lộ đó thật hữu lý.
246. Tôi không có ý nói là không nên làm thương mại và khuếch trương xí nghiệp. Thành công trong lãnh vực kinh tế là điều tốt, vì là cách tạo ra công ăn việc làm cho người thất nghiệp, tóm lại không những tốt với minh, với người khác mà cả toàn thể xã hội . Giả thử nếu tất cả mọi người đều chọn cuộc sống của người tu hành, ngày ngày khất thực, thì kinh tế sẽ sụp đổ ngay, mọi người sẽ chết đói (Ngài bật cười)! Tôi tin rằng trước cảnh đó Đức Phật sẽ phải nói với các nhà sư rằng: “Vậy thì bây giờ tất cả phải ra tay làm việc đấy nhé! (Ngài lại tiếp tục cười).
247. Không nên chỉ biết phát triển kinh tế mà bất chấp các giá trị con người. Phải luôn ngay thật trong việc kinh doanh, không nên chỉ nhìn vào lợi nhuận và quên mất sự an bình trong chính nội tâm mình. Nếu xem lợi nhuận là chủ đích ưu tiên có thể bào chữa cho tất cả các hành vi tồi tệ khác, thì bãi bỏ chế độ nô lệ để mà làm gì? Theo tôi, các giá trị cao cả mới đúng là các yếu tố chính đáng mang lại sự tiến bộ.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 5