CN0362.Suy ngẫm :Thành bại đời người

Thành – bại đời người, thật ra chỉ gói gọn trong một chữ ”Độ”: Công việc có lực độ, sự nghiệp có cao độ, tầm nhìn có độ rộng…

 

“Đọc vạn cuốn sách, đi vạn con đường”. Một người muốn tiến bộ nhanh nhất thì chỉ có duy nhất một con đường, đó là không ngừng đọc sách, không ngừng học hỏi mới có thể thay đổi được cuộc đời của mình.

Tấm lòng độ lượng

 

Có lẽ chúng ta ai cũng đã từng tiếp xúc với người khoan dung và rộng lượng. Họ đơn thuần không toan tính cho bản thân mà luôn nghĩ và lo lắng cho người khác. Ai cần họ, họ sẵn sàng dành thời gian để giúp đỡ và chia sẻ với người đó. Những lời họ nói rất chân thật và thiện tâm, khiến người nghe cảm nhận lòng tốt và sự khoan dung toát ra từ họ.

Chính vì thế mà họ đã truyền cảm hứng đến nhiều người, khiến người khác thay đổi suy nghĩ và trở nên quan tâm hơn đến mọi người xung quanh. Người rộng lượng được đánh giá là người thành công trong cuộc sống, không những trong các hoạt động cộng đồng, trong công việc mà còn trong cuộc sống cá nhân.

Điểm đặc biệt chúng ta có thể nhận thấy chính là: bất cứ ai cũng có thể trở thành người rộng lượng cho dù họ kiếm được bao nhiêu tiền, giàu có đến đâu… chỉ cần họ thành tâm với người khác. Mọi việc không nên tính toán quá chi li, lùi một bước, biển rộng trời cao.

Không nên quá tính toán trước được mất của bản thân, hãy độ lượng đối đãi với những sự việc hay với người từng khiến mình bị tổn thương. Bạn cũng có thể là một trong những số ấy bằng cách trau dồi và rèn luyện tâm tính của mình.

Ăn nói có mức độ

Miệng đời kẻ khen người chê, nhưng đâu ai sống trong cuộc sống của mình đâu mà hiểu. Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan.

Người xưa cũng có dạy: “Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh”, tức là mở miệng nhiều lời sẽ hao tổn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê…để rồi phải tranh đấu, mạ lị lẫn nhau khiến sanh ra lắm chuyện thương tâm.

Phật cũng có dạy: “Làm thinh như Chánh Pháp, nói năng như Chánh Pháp” chính vì vậy nên con hiểu được rằng: Một lời nói ra phải giúp cho nhiều người thông hiểu, an lạc, lợi ích thì chúng ta không tiếc lời và phước đức cũng rất vô biên, nhưng rất phải cẩn thận trong từng lời nói ra khi phải nói ra những lời khiến người khác phải khổ đau, thiệt hại, thì chúng ta sẽ phải gặt hái những điều tương ứng.

Tạo Phước đức cả một đời, nhưng chỉ cần một lời ác ý với người khác là tiêu tan trong giây phút. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Phàm là người thông minh, thì họ biết nói những gì cần nói và những gì không, đó cũng là cách mỗi người tự tu dưỡng khẩu đức để không bị “họa từ miệng mà ra”.

Học tập có độ sâu

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Khí chất một người là do thiên bẩm, rất khó để thay đổi. Chỉ có đọc sách mới giúp con người thay đổi khí chất. Cổ nhân quý bởi tướng pháp, nhưng đọc sách cũng có thể thay đổi cốt tướng”.

Người luyện tập và người không luyện tập, sau một ngày nhìn không có sự khác biệt, sau một tháng nhìn có đôi chút khác, nhưng sau một năm đã hoàn toàn thay đổi. Người đọc sách, rèn luyện cũng vậy, đạo lý là như nhau, người thường xuyên đọc sách thánh hiền với người không đọc sách, khí chất sẽ khác nhau.

Một người có thể đọc rất nhiều sách, nhưng sau rồi đều quên hết, cho nên có người nói đọc nhiều vậy có ích gì? Kỳ thực đọc sách cũng như ăn cơm vậy, hồi nhỏ có thể nếm qua rất nhiều đồ ăn, nhưng lớn rồi lại quên hết mùi vị của chúng, nhưng có một điều không thể phủ nhận là nó đã thấm vào máu thịt chúng ta, hoà vào làm một.

Một người hàng ngày chịu khó đọc sách, tích lũy tri thức, sự hiểu biết sớm đã hoà quyện vào tâm hồn của họ. Từ cách nghĩ, cách nhìn, cách đối đãi với mỗi một sự việc của họ cũng đã ngày càng thay đổi, chỉ có điều đôi khi chúng ta không nhận ra mà thôi.

Cũng như câu nói: “Đọc vạn cuốn sách, đi vạn con đường”. Một người muốn tiến bộ nhanh nhất thì chỉ có duy nhất một con đường, đó là không ngừng đọc sách, không ngừng học hỏi mới có thể thay đổi được cuộc đời của mình.

Đương nhiên, thế gian không có cảnh nào là vĩnh cửu, con đường nào rồi cũng có sự đổi thay. Vậy nên mỗi con đường đều là tự mình phải đi, tự mình trải nghiệm để rồi đúc kết, để rồi tìm kiếm con đường cho riêng mình.

Tầm nhìn có độ rộng

Người ta thường nói:”Dùng một năm để học nói, nhưng dùng một đời để học cách im lặng”. Có người chỉ vì chút lợi ích nhỏ nhoi nhưng lại sẵn sàng mở miệng mắng người. Đôi khi chỉ hai đồng bạc lẻ mua rau ngoài chợ cũng khiến họ khẩu chiến với nhau, và kết quả là dù thắng hay thua thì cả hai đều mua cái bực tức vào mình. Nhưng cũng có người, dù bị bạc đãi hay hiểu lầm như thế nào thì họ vẫn ung dung tự tại, thản nhiên, điềm tĩnh. Sự khác biệt ấy nằm ở nhân cách của mỗi người.

Có người đứng trên tầng hai nhìn xuống thì thấy toàn là rác. Nhưng lại có người, đứng trên tầng thứ 22 thì lại nhìn thấy quang cảnh của thành phố với đủ mọi sắc màu tươi đẹp.

Tầm cao khác nhau, tầm nhìn khác nhau, và tâm thái cũng khác nhau. Làm người cũng như thế, khi có một tầm nhìn đủ xa, một nhân cách đủ lớn thì cuộc đời ắt cũng sẽ đủ thản đãng thênh thang.

Ếch xanh ở đáy giếng nhìn thấy trời như cái nia, đại bàng vươn đôi cánh nhìn bầu trời bao la vô hạn. Mỗi một người đều phán đoán sự việc trong phạm vi tầm nhìn của riêng mình. Ếch xanh nhìn bầu trời chẳng qua cũng chỉ như cái miệng giếng.

Tầm nhìn quyết định phán đoán, và cũng quyết định nhân cách mỗi người.

Công việc có lực độ

Con người đều có mục tiêu, dù lớn dù nhỏ, nếu muốn đạt được mục tiêu thì bạn phải làm việc, nỗ lực trong công việc càng lớn, thành tích sẽ càng nhiều, thì mới có thể biến mục tiêu thành hiện thực.

Đặc điểm chung của những người thành công là không ngững nỗ lực, kiên trì không ngơi nghỉ. So với những người bình thường, họ có khả năng chịu đựng gian khổ, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn, họ cũng làm việc nhiều hơn những người khác.

Nếu anh ta là một nhà khoa học thành đạt thì để giành được thành công, anh ta nhất định phải bỏ ra nhiều công sức lao động, phải trải qua biết bao nhiêu thất bại. Không ai là ngoại lệ, chẳng có người thành đạt nào lại không phải lao động vất vả.

Rèn luyện được thái độ làm việc tích cực là một việc vô cùng quan trọng. Một khi có được phẩm chất lao động không ngại khó khăn, vất vả, dám nghĩ dám làm, kiên trì tới cùng thì dù làm việc gì, trong bất cứ cuộc cạnh tranh nào, bạn đều có thể giành được thắng lợi.

Bill Gates cho rằng, vượt qua những việc mà người khác hy vọng bạn làm được là một điều rất đáng giá, giúp bạn mở rộng tầm mắt đối với nghề nghiệp của mình. Nếu chỉ làm phần việc của mình như một cỗ máy, bạn sẽ không thể hiểu một cách toàn diện về nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Trong công việc nhất định phải nỗ lực, mạnh dạn khám phá.

Sự nghiệp có cao độ

Con người đều hy vọng sẽ đạt được những thành tựu trong cuộc đời, vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp.

Sinh mệnh sẽ tỉnh ngộ khi đi về phía trước, tích lũy qua năm tháng sẽ đến lúc nảy nở. Cho dù là con đường sự nghiêp nào mà bạn chọn, đều phải tích lũy qua năm tháng, công việc thông thường cũng phải cố gắng hoàn thành tốt, mỗi ngày không ngừng đề cao.

Thọ mệnh có trường độ

Chúng ta không thể lựa chọn sinh mệnh, nhưng chúng ta lại có thể lựa chọn phương thức mà sinh mệnh sẽ đi qua. Chúng ta nên khoan dung độ lượng, không quá ham danh lợi, gió mát hay mưa phùn đều phong nhã và ý vị, làm việc nên có chút thong dong điềm tĩnh, dù ngẩng đầu hay cúi đầu cũng đều vui vẻ.

Không tận lực, không dối trá, cảm nhận sự mộc mạc chất phác của năm tháng đời người, có thể dưỡng sinh, cuối cùng là thản nhiên trước được mất hơn thua của thế gian. Kỹ năng lợi hại của người có tương lai: “Làm hòa” với chính mình, thuận theo gió mà đi.

Mộc Miên
Theo Trí Thức Trẻ
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 19

Post Views: 347