CN0184.Đức hạnh của sự điềm đạm

Điềm đạm là đức hạnh của người có tấm lòng thiện lương và cũng là chìa khóa hạnh phúc. Tâm lý tiêu cực cũng như tích cực. Những điều tiêu cực là những điều mang tới sự phiền não, những điều tích cực là vui thích, say đắm, si mê về một điều gì đó của thực tại vô thường.

 

Cuộc sống có muôn hình vạn trạng, và cuộc đời là sự biến dịch của các pháp thông qua các hình tướng, trạng thái như là “thành – trụ – hoại – diệt”, “có – còn – được – mất”, “sinh – lão – bệnh – tử”, “buồn – vui, khổ đau – hạnh phúc”, “có – còn, được – mất”…Và nguyên nhân của sự đau khổ là do bám chấp vào các pháp vô thường, thay đổi mà cho đó là niềm vui cuộc sống, hạnh phúc truy tìm, mục đích hướng đến… mà không thấy được những gì đã là vô thường thì không thực mãi mãi, chỉ giả danh duyên hợp hư dối trong mộng huyễn bào ảnh của thế gian mà thôi.

 

Những gì đeo đuổi, ước vọng, hướng tới đó cũng chỉ là giả tạm mà nếu đạt được thì cũng chỉ là vui trong thoáng chốc, mà không được thì đau buồn, phiền não. Đó chỉ là niềm vui giả tạm trong cái tâm sinh diệt bám chấp phân biệt mà thôi. Sự Điềm Đạm là đức hạnh mà có được chỉ khi ta nhận thức được lẽ vô thường, sống với chân tâm thanh tịnh. Và mọi cảm xúc tích cực hay tiêu cực hiện hữu trong tâm nhiều hay ít đó là biểu hiện cái tâm còn bị buộc ràng hay không, còn chấp nặng hay nhẹ mà thôi..

Điềm đạm là cảnh giới mà người sống điềm đạm là người đã làm chủ được mọi cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực mà không bị nó ảnh hưởng tới thân tâm. Điềm Đạm với sự “thiểu dục, tri túc, biết đủ” trong cái tâm rộng lớn với nếp sống thanh cao trong sáng, của tâm hồn cao thượng.

Điềm là sự điềm tĩnh, bình lặng, yên bình, an nhiên khi mà tâm không còn bị ràng buộc nơi cảnh, cảnh không có thể chi phối được tâm trí cho dù thân có sống trong cảnh thuận hay cảnh nghịch thì tâm cũng không bị xao động.

Đạm là bình dị trong cuộc sống, trong tâm hồn. Ít suy tư nghĩ suy, ít lo âu buồn phiền, ít tâm tư ảo não, ít mơ mộng hảo huyền…thì đó là sự bình dị trong tâm hồn. Để bình dị trong tâm hồn thì người hành đạo hãy “sống tùy duyên, tri túc, biết đủ, an nhiên đón nhận những thuận nghịch mà cuộc sống đem lại” vì ” đời là vô thường nên không có gì là mãi mãi, không có gì là thật sự hiện hữu” cả về vật chất lẫn tinh thần mà tất cả chỉ là do duyên hợp mà thành, còn duyên sẽ có mà hết duyên sẽ mất.

Trong dòng chảy của vô thường nếu người nào chấp trước, chấp thủ vào pháp nào thì dính mắc vào pháp đó. Pháp là chỉ tất cả mọi sự mọi vật, mọi hiện tượng,mọi tướng trạng, mọi tâm tư, mọi ý nghĩ mà chỉ cần khởi nên mỗi một niệm cũng đều là gọi là một pháp. Mà người dính mắc là người bị trói buộc chìm đắm vào dòng chảy vô thường của cuộc sống, của tâm trí, phải chịu trôi lăn trong luân hồi sinh tử, trải qua các đường dữ trong cái tâm trí bị vô minh che dậy mà tạo tác ác nghiệp rồi cứ vậy xoay vần trong lục đạo luân hồi mà không biết khi nào ra khỏi phiền não trầm luân. Chỉ khi ta sống với cái tâm trong sáng, yêu thương dành cho mọi người, mọi loài, thiện lương trong từng ý niệm, nghĩ suy, hành động thì với cái tâm điềm đạm thanh tịnh đó thì chính là chân hạnh phúc, chân giải thoát mà ta không phải mất công tìm kiếm ở đâu xa, mà nó hiện hữu và đầy đủ ngay nơi bổn tâm thanh tịnh trong ta.

Hãy mỉm cười nhẹ nhàng đối diện với các sóng gió cuộc đời, cho dù cuộc đời còn nhiều điều bất như ý, phiền não nhưng bằng con mắt điềm đạm trí tuệ nhìn đời vô thường không bám chấp thì sẽ không bị ràng buộc, tâm đón nhận tất thảy mọi cảm xúc tiêu cực cũng như tích cực, không loại bỏ cũng như không chấp thủ, phân biệt thì nó tự sinh ắt tự diệt, và nó sẽ không còn ảnh hưởng tới thân tâm mình. Và Điềm Đạm là chính là đức hạnh của tâm hồn cao thượng.

Bài viết: “Đức hạnh của sự điềm đạm”
Quang Minh/ Vườn hoa Phật giáo
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 5

Post Views: 250