Từ ngàn xưa, ông bà ta đã nói:
“Đất xấu trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu.”
Vốn tưởng rằng chỉ những người thô tục, không được học hành đến nơi đến chốn, không đủ nhận thức và tri thức thì mới dễ có những phát ngôn sai lầm, gây ra những sự hiểu lầm không đáng có. Nhưng hôm nay, một TIẾN SĨ TÔN GIÁO, người đáng lý phải được trang bị đầy đủ những kiến thức thâm sâu về tôn giáo. Người đáng lý phải cẩn trọng trong từng câu, từng chữ của mình khi phát ngôn bởi cái danh xưng TIẾN SĨ TÔN GIÁO mang tính định hướng dư luận rất cao, rất được xã hội tôn trọng. Một người như thế nhưng lại phát ngôn như một người vô học, vô thần hay nói không ngoa là mang tính chất báng bổ Phật giáo. Thử hỏi hành động ấy có xứng đáng với học vị Tiến sĩ hay không?
Còn nhớ năm 2016, chính vị TSTG Dương Ngọc Dũng này khi được cử làm người hướng dẫn Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm chùa Ngọc Hoàng cũng có một hành động gây bức xức cho Tăng ni và Phật tử nước nhà là ngăn ông Obama cắm nhang tại bàn thờ và có những lời giới thiệu đánh đồng Triết lý Phật giáo với văn hóa dân gian bản địa, mang đậm màu sắc mê tín, dễ gây hiểu lầm cho phần lớn người nghe. Lịch sử Phật giáo ghi nhận hơn 2000 năm du nhập và tiếp biến nền văn hóa bản địa Việt Nam. Thế nhưng tiếp biến và đánh đồng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam, hòa mình vào cuộc sống hằng ngày, có những thay đổi nhất định về mặt hình thức và phương pháp truyền bá để phù hợp cũng như dễ dàng lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam nhưng những giá trị cốt lõi của Phật giáo vẫn mãi mãi không thay đổi. Dùng chủ trương, đường lối đổi mới của Nhà nước như bài trừ mê tín dị đoan, sự văn minh trong tín ngưỡng để quy chụp cho Phật giáo Việt Nam một hình ảnh không hề tốt đẹp. Những người dân bình thường có thể suy nghĩ giản đơn, có thể nhầm lẫn, có thể không phân biệt rạch ròi giữa văn hóa bản địa và Triết lý Phật Giáo nhưng một người được đào tạo bài bản, có thứ lớp và được công nhận trên tầm cỡ quốc tế như ông Dương Ngọc Dũng không thể nào mang cái “Người ta tin rằng…”, “Người ta cho rằng…” để đại diện cho cả một nền tôn giáo của Việt Nam khi trò chuyện với bạn bè Quốc Tế. Điều đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hình ảnh tốt đẹp mà Phật giáo Việt Nam đang cố gắng gây dựng qua ba lần đăng cai thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc VESAK (2008, 2014 và 2019).
Lại nói tiếp về những phát ngôn gần đây của Ông Dương Ngọc Dũng khi tiếp nhận phỏng vấn của đài báo về sự việc Đại Đức Thích Thanh Toàn. Chúng ta không thể phủ nhận cái sai của Đại Đức Toàn cũng như một vài cá nhân đã lợi dụng Phật giáo để tạo đời. Nhưng tự bao đời nay,thời nào, nhà nước nào, xã hội nào mà chẳng có những thành phần tốt xấu, vàng thau lẫn lộn. Bản thân Tăng đoàn Phật giáo cũng chỉ là một xã hội thu nhỏ, nào có thể tránh khỏi một vài trường hợp không hay?
Rồi ông giảng về cái “nghề tu”: “Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống”. Đã nói là rất nhiều thì xin ông hãy cho biết thống kê cụ thể, số lượng người theo “nghề tu” chiếm bao nhiêu phần trăm trong số hàng vạn Tăng Ni Phật tử hay đó cũng chỉ là thiểu số, là trường hợp cá biệt. Đến đứa trẻ lên ba cũng biết không thể lấy cái thiểu số để chỉ cho đặc trưng của một tập thể. Một cây mai mọc giữa hàng ngàn cây trúc thì bạn sẽ gọi đó là vườn trúc hay vườn mai? Cả một dòng sông đổ ra biển nhưng vì sao nước biển vẫn mặn? Vì dòng sông tuy nhiều nước nhưng khi so với biển cả bao la thì nó cũng chỉ nhỏ bé như một cốc nước trà, không đủ cả lượng và chất để thay đổi đặc trưng của biển. Đó là những suy nghĩ, nhận thức căn bản của một con người chưa cần xét đến văn hóa hay học thức. Vậy cớ sao một TIẾN SĨ lại cố tình đi ngược điều cơ bản ấy?
Lại dùng sự việc Đại đức Toàn để quy chụp cho cả nền Phật giáo? Vì sao ông không nhìn thấy những con người tốt đẹp, ngày ngày không quản ngại khó khăn đi làm từ thiện, lặn lội đến những nơi vùng sâu vùng xa hoằng truyền chánh pháp, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo hay thậm chí cao cả hơn là những vị Tu sĩ đang ngày đêm đứng trên đầu sóng ngọn gió nơi hải đảo Trường Sa, Hoàng Sa để cùng quân và dân giữ gìn từng tấc đất cho Tổ Quốc?
Ông nói: “Người không có công ăn việc làm, mồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽ chết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng.” Khi nói ra câu nói này, chính là thể hiện sự yếu kém trong hiểu biết về tinh thần Phật giáo của Ông. Phật giáo luôn nêu cao “Từ bi – Trí Tuệ – Bình đẳng”. Việc các tự viện luôn giang rộng vòng tay, đón nhận, chở che và cưu mang những mảnh đời không may mắn trong xã hội là một trong những biểu trưng cho sự từ bi vô lượng của Phật giáo. Phật giáo đang kề vai, sát cánh cùng xã hội để tất cả mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó đáng lý phải là một việc làm đáng được tuyên dương và trân trọng chứ không phải là cái cớ để ông phỉ báng Tăng đoàn Phật giáo. Không lẽ ông muốn đợi đến khi trên vỉa hè, mỗi đêm mưa lại có thêm vài em bé co ro, run rẩy hay xã hội có thêm một thanh niên hư hỏng vì thiếu đi sự quan tâm dạy bảo thì ông mới vỗ đùi khen hay?
Nghiêm trọng hơn, có lẽ ông đang có một lỗ hổng kiến thức ghê gớm khi nhầm lẫn giữa từ thiện và cúng dường. Những mảnh đời cơ nhỡ được chùa cưu mang, không nhất thiết phải theo con đường trở thành tu sĩ. Vẫn có rất nhiều cơ sở tự viện là nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cho các em đi học đến lúc thành tài, làm việc và sinh sống như bao người khác trong xã hội. Trong quá trình nuôi nấng các em, các tự viện nhận được sự hỗ trợ, góp sức của xã hội. Đó gọi là từ thiện chứ chẳng ai gọi là cúng dường. Những trường hợp các em chọn theo con đường tu tập, để nhận được sự cúng dường đúng nghĩa của Phật tử, các em cũng phải trải qua một quá trình không hề dễ dàng.
Người Việt Nam ta có câu: “Tấm áo không làm nên thầy tu” cho thấy ngay từ xa xưa, ông bà ta đã phân định rạch ròi, chẳng dễ đâu mà lừa mà gạt. Tu hay không tu không hiển hiện nơi hình thức, mà hiển hiện nơi nhân cách. Tâm sinh tướng. Ở một vị thầy chân chính luôn ẩn hiện nét từ bi và trí tuệ qua các hành vi ứng xử, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Một vị thầy “đầu tròn, áo vuông” đạo mạo, cốt cách chẳng thể nào bị nhầm lẫn với mấy anh thanh niên giang hồ nghiện hút dù cho có cạo đầu, khoác áo màu lam. Việc nhầm lẫn giữa hình ảnh người tu sĩ và người đời thường không có gì hiếm lạ. Nhưng đó chỉ là nhầm lẫn trong chốc lát, chẳng mấy mà bị tỏ rõ phơi bày. Nói nôm na thì nó giống như một người sử dụng văn bằng, học vị giả. Lúc đầu khi anh vừa trưng ra học vị Tiến sĩ, có lẽ sẽ có rất nhiều người ngưỡng vọng. Người ta cũng gọi anh bằng “THẦY” để tỏ lòng tôn trọng, Nhưng sự ngưỡng vọng ấy chỉ kéo dài đến trước khi anh bước vào công việc thực tế hay phát ngôn. Bởi khi ấy, sự giả dối sẽ hiện lên quá rõ ràng và khi ấy, dù cho học vị vẫn còn đó, nhưng trong mắt mọi người, anh cũng không còn gì đáng để được ngưỡng vọng. Lúc đó “thầy” hay “thằng” chẳng còn do học vị quyết định.
Mà chưa cần bàn đến anh có thực tài hay không, “có tài mà không có đức là người vô dụng”. Một TIẾN SĨ TÔN GIÁO mà lại có quá nhiều phát ngôn không đúng đắn. Đây là chứng tỏ cái nhìn của ông là phiến diện, kiến thức của ông là hạn hẹp hay có thể nói khi phát ngôn ra những điều này, ông đang ẩn chứa một mưu đồ không tốt với Phật giáo? Dù có là thế nào đi chăng nữa, thì toàn thể Tăng Ni Phật tử nước nhà sẽ cùng nhau đồng lòng nhìn về một hướng, vững tin vào chánh pháp của Đức Phật, vào sự lãnh đạo của GHPGVN và vào chính nhân cách, sự kiên định của bản thân mình, bỏ qua những lời dèm pha, phỉ báng, dùng những hành động thiết thực nhất để tiếp tục hoằng dương chánh pháp, xây dựng một nền Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững và đẹp mãi trong mắt bạn bè quốc tế.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 11