Tâm tham lam ích kỷ, giận hờn trách móc, ganh ghét tật đố, cuồng si điên dại và lo lắng sợ hãi tất nhiên làm cho thân thêm bệnh hoạn vì tâm đã bị vẩn đục.
Chính vì vậy mà ngài Thần Tú nói:
Thân là cây Bồ Đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để dính bụi bặm.
Ngài Thần Tú ví thân này như cây Bồ đề cũng đúng, nếu không có thân làm sao mình có cơ hội làm những điều thiện ích. Chính đức Phật cũng nói sở dĩ ta được tu hành viên mãn là nhờ có thân này. Nhưng thân này từ đâu có? Nhờ mẹ sinh, cha nuôi dưỡng. Người không tu sẽ chấp vào thân mà làm các việc xấu ác như những người chấp thần ngã, chấp có cái ngã lâu dài; đời này như thế, đời sau cũng vậy nên mặc tình gây tạo tội lỗi; đến khi phước hết họa đến phải chịu khổ sở vô cùng. Tuy thân này rất quý nếu biết sử dụng đúng chỗ sẽ được lợi lạc lâu dài, nhưng không có tâm thân này coi như phế bỏ. Do đó, ngài Thần Tú nói “tâm như đài gương sáng”. Thân và tâm không thể tách rời nhau, thân làm việc tốt hay xấu là do tâm điều khiển, chỉ đạo.
Mặc dù tâm như đài gương sáng, trong sạch, tinh khiết, thuần nhất nhưng nếu ta cứ để cho lòng tham lam, ích kỷ, hờn giận, si mê, ghen ghét, hận thù chen vào thì sẽ dẫn đến tranh đấu, giành giựt, tìm cách sát phạt, triệt buộc lẫn nhau để vơ vét về cho riêng mình mà làm tổn hại cho người và vật. Tâm si mê, mù quáng do thấy biết sai lầm nên đưa thân đi tới những hành động nông nổi, thấp hèn mà tạo nghiệp tày trời làm khổ đau nhân loại. Tâm nóng giận, hờn mát dẫn đến ăn không tiêu, khó ngủ, lâu ngày phát sinh bệnh suy nhược thần kinh. Bởi vậy, tâm là chủ nhân của bao điều họa phúc, thiện ác, nên hư, thành bại trong cuộc đời.
Chính vì thế, muốn thân đứng vững mà không làm các việc xấu ác để sống lâu dài thì phải an tâm. Tâm an thì họa trở thành phúc, ngu trở thành trí, khổ đau phiền muộn trở thành an lạc hạnh phúc. Tâm không an thì họa khổ đau sẽ làm cho thân dễ bị nghiêng ngã. Cho nên từ xưa đến nay các bậc hiền thánh đều tu tâm trước rồi mới lập thân, nhờ đó mà thân đứng vững vàng để đi vào đời làm lợi ích cho tha nhân mà không bị dòng đời cuốn trôi. Ngài Thần Tú cũng vì thế mới chỉ dạy phải luôn luôn dọn dẹp phiền não tham-sân-si, muốn vậy ta phải siêng năng lau chùi bụi bặm bám dính đầy nơi thân.
Mặc dù tâm như đài gương sáng, trong sạch, tinh khiết, thuần nhất nhưng nếu ta cứ để cho lòng tham lam, ích kỷ, hờn giận, si mê, ghen ghét, hận thù chen vào thì sẽ dẫn đến tranh đấu, giành giựt, tìm cách sát phạt, triệt buộc lẫn nhau để vơ vét về cho riêng mình mà làm tổn hại cho người và vật.
Lời dạy của ngài Thần Tú phù hợp với số đông nên dễ hành trì vì chúng sinh nghiệp tập sâu dày. Bản chất của tâm được ví như đài gương sáng nhưng vì bị bụi phiền não dính vào, ta chỉ việc lau chụi bụi bám dính trên mặt gương, khi bụi hết gương sẽ trong sáng trở lại. Bài kệ của ngài Thần Tú khi được viết trên vách khi được Ngũ tổ đọc xong liền nói chỉ để lại một bài kệ này cho mọi người đọc tụng, thọ trì y như bài kệ này mà tu hành khỏi bị đọa vào ba đường ác địa ngục, quỷ đói, súc sinh.
Những ai y bài kệ này mà tu hành thì lợi ích rất lớn. Tất cả mọi người trong chùa khi tụng đọc bài kệ thảy đều khen hay. Rõ ràng, nếu nhìn ở chiều có sự quán chiếu thực thể hai mặt, kẻ si mê chấp thân là thật ta, rồi đến của ta. Tất cả đều vì “cái ta” thật này mà làm những việc xấu ác. Nhất là những ông vua trong thời kỳ phong kiến tham lam, chấp trước, tự cho mình là Thiên tử tức con trời nắm quyền hành sinh sát trong tay nên muốn giết ai thì giết, muốn phong quan tiến chức cho ai thì phong. Ai đụng chạm đến gia đình, dòng họ của vua đều bị giết chết đến 7 đời. Ngược lại với kẻ si mê là những người trí tuệ, tuy biết thân này giả có, không thực thể cố định nhưng không vì thế mà họ bi quan, chán nản. Họ biết lợi dụng thân này để tu tập chuyển hóa, nhờ vậy biết kết hợp nhuần nhuyễn tu thân-miệng-ý, do đó đạt được lợi ích thật sự. Kẻ mê thì bám víu vào thân để gây tạo những điều tội lỗi, người trí tỉnh giác nương nơi thân để làm những việc thiện lành, tốt đẹp mà giúp người, cứu vật. Trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:
Trong các pháp do tâm làm chủ
Tâm dẫn đầu tạo đủ các duyên
Tâm mê tạo nghiệp chẳng lành
Như xe lăn bánh, khổ liền theo sau.
Tâm giác tạo nghiệp thiện lành
Như hình với bóng, vui liền theo sau.
Đức Phật nói tâm làm chủ, tức là nói đến cái biết của con người; cái biết phân biệt do ý thức và cái biết thường hằng, tức là cái thường biết rõ ràng. Bài kệ xác định tâm làm chủ tạo ra các duyên tốt hay xấu, nếu biết cách vận dụng nó chúng ta sẽ thoát khỏi khổ đau luân hồi-sinh tử, bằng không sẽ sống trong đau khổ lầm mê. Một số người cho rằng thân là thật và quan trọng hơn hết. Ngược lại, Phật cho rằng nghiệp ý là quan trọng. Khi ý suy nghĩ, miệng nói năng rồi thân mới hành động.
Cho nên, đức Phật nói tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Chính yếu của sự tu hành là tu ngay nơi thân-miệng-ý mà tâm là chính vì sự tu hành của chúng ta phát xuất từ tâm. Tâm suy nghĩ chân chính rồi mới phát sinh ra hành động tốt đẹp. Tâm suy nghĩ tà thì phát sinh ra những hành động xấu ác. Vậy thân này hành động tốt hay xấu đều do tâm chủ động điều hành nên tâm là quan trọng hơn hết, không có tâm thân này như phế bỏ.
Đi xa hơn nữa, ngài Lục tổ Huệ Năng đi thẳng vào phần tinh thần, có nghĩa là trực chỉ nơi tâm mà thể nhập cái gốc ban đầu là Phật tính sáng suốt nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý. Chính vì vậy mà Ngài nói bài kệ:
Bồ đề vốn không cây
Gương sáng chẳng phải đài.
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi bặm?
Bồ đề là chỉ cho cái biết sáng suốt nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, cái biết ấy không có hình tướng mà chỉ thường biết rõ ràng thì làm sao thân là cây Bồ đề được. Thân tuy hiện hữu nhưng lại không có thực thể cố định nên có sinh-già-bệnh-chết thì làm gì có hình tướng thật. Cho nên, ngài Thần Tú nói thân là cây Bồ đề, còn Lục tổ nói Bồ đề là tính giác sáng suốt. Qua câu nói này ta thấy thân tâm không tách rời nhau. Tâm trong sáng, thanh tịnh thì biến hiện ra thân đẹp đẽ, trang nghiêm. Câu nói “tâm như đài gương sáng” của ngài Thần Tú ý nói gương thì nó tự sáng chớ không phải do đài mà gương được sáng trong.
Cái gì thật thì trước sau như một, không cần thứ gì tô điểm thêm cho nó. Bản chất của gương xưa nay là tự sáng, chỉ vì bị bụi lâu ngày bám dính nên bị lu mờ, khi bụi hết thì gương sáng rỡ chiếu khắp cả nhân gian. Ngài Huệ Năng lại nói chỗ đó không hình tướng nên xưa nay không có vật nào. Vậy chỗ nào dính bụi bặm? Lục tổ Huệ Năng thể nhập tính biết thanh tịnh, sáng suốt nên chỗ thấy của ngài trong sạch, lặng lẽ, sáng trong mà hay soi sáng muôn loài vật. Cái thấy của Lục tổ Huệ Năng là nói theo thể tánh không có hình tướng đối đãi, đó là đỉnh cao của Phật pháp. Chúng ta bị dính mắc đủ thứ nên phải xả bỏ từ từ, chính vì vậy mà chúng ta phải siêng năng lau chùi, bữa nào làm biếng thì lại để bụi dính bám đầy.
Ngài Thần Tú và cả Lục tổ Huệ Năng đều nói đúng. Ngài Thần Tú thì chỉ dạy theo thứ lớp để số đông dễ tiếp thu mà cố gắng kiên trì bền bỉ lau chùi, dọn dẹp cho đến khi bụi phiền não hết rồi cũng đồng một chỗ sáng. Ngày nay, có một số người không chịu tu sửa mà chỉ biết lấy lời tổ để dẫn chứng lý luận suông nên rơi vào Thiền trên miệng lưỡi, thực tế thì phiền não tham-sân-si đầy dẫy. Người sau này lại có bệnh người xưa nói sao mình nghe vậy mà không có sự chiêm nghiệm, quán xét, chiếu soi. Kinh điển lời Phật, tổ dạy chỉ là tấm bản đồ hướng dẫn người chưa được thì phải tiệm tu thứ lớp, người được rồi thì không cần phải lý luận nhiều mà chỉ y theo đó mà thể nhập cho đến khi thành tựu viên mãn mới thôi. Do vậy mà có tổ nói: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, nhưng việc lớn sáng rồi cũng như đưa ma mẹ.” Bởi vì chúng ta mới thấy biết Phật nhân mà thôi, còn quá trình sống với Phật quả cần phải có thời gian lâu dài mới được. Chính vì vậy mà Lục tổ phải mất 18 năm mới thành tựu viên mãn và mới bắt đầu ra giáo hóa.
Lại có hạng người tuy giàu có, dư dả nhưng lại sống khổ sở hơn cả người nghèo vì chẳng dám tiêu xài, nói chi đem ra giúp đỡ những người khác. Họ sống trong tham lam ích kỷ, lao tâm nhọc sức để tích chứa cho riêng mình. Muốn cho xã hội được phát triển vững mạnh, lâu dài, con người cần phải làm giàu tri thức và đạo đức. Tri thức giúp ta phát triển xã hội, đạo đức giúp con người sống có hiểu biết và yêu thương hơn. Tri thức và đạo đức như đôi cánh chim tung bay khắp cả bầu trời rộng lớn bồi đắp cho nhân loại sống có tình người, biết yêu thương, nương tựa vào nhau. Thiếu tri thức thì ta không thể giúp ích gì được cho ai. Ngược lại, có tri thức mà không có nhân cách đạo đức thì ta dễ dàng bị tha hóa, tiêu cực bởi sự hấp dẫn của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp mà làm thiệt hại cho nhau.
Con người là chủ nhân của bao điều họa phúc, bất hạnh hay an vui đều do chính mình tạo nên. Chúng ta hãy vì tình thương của nhân loại mà cùng nâng đỡ và chia sẻ cho nhau. Con người hơn hẳn các loài khác là vì có hiểu biết, có tri giác nên dễ dàng cùng nhau chia vui sớt khổ, thiết lập tình yêu thương chân thật theo nhịp cầu tương thân tương ái trong cuộc sống.
Những người không hiểu Chánh pháp có thể nói rằng: “Cái anh đó dại quá! Tại sao bị chửi, bị nói nặng, bị đàn áp như vậy mà không có phản ứng, không có la mắng trở lại, dại chi mà dại quá vậy!” Một nền giáo dục chân chính là biết cách hướng dẫn con người từ suy nghĩ, lời nói cho đến hành động đều mang tính chất đạo đức, tình thương và giúp họ thoát khỏi con đường sa đọa, trụy lạc để sống đời bình yên, hạnh phúc. Vấn đề then chốt là làm thế nào để xã hội có thể xây dựng nền giáo dục chân chính, hướng dẫn con người biết cách làm chủ bản thân mà vượt qua mọi thứ cám dỗ, dục vọng thấp hèn và có trách nhiệm cao cả, thiêng liêng với cuộc đời.
Mục đích giáo dục chân chính là làm sao thiết lập được chất liệu của tình thương để khai mở con người tâm linh của chính mình mà đánh bật đi bóng dáng tự ngã của “cái tôi” ích kỷ; xây dựng một con người đạo đức có khả năng bao dung và tha thứ, yêu thương và chia sẻ, biết nâng đỡ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống. Suy cho cùng, những ai biết quay lại chính mình để nhìn thấy rõ ràng từng tâm niệm phát sinh mà tìm cách chuyển hoá để sống với tâm chân thật ban đầu thì đó là thấy-nghe-hay-biết mà thường lặng lẽ, sáng trong. Tâm hồn của chúng ta lâu nay bị đóng khung bởi những bức tường xã hội, bởi những định kiến hẹp hòi của một số người thấy biết sai lầm. Giờ đây, qua con đường giáo dục tâm linh và sự trải nghiệm trong đời sống gia đình, chúng ta có thể xây dựng tâm mình bằng niềm tin nhân quả trong nhịp cầu tương thân tương ái. Đồng thời, mỗi cá nhân tự phấn đấu vươn lên để biết cách làm chủ bản thân, đừng để bị lôi cuốn vào những bức tường thành đen tối do tham lam, sân hận và si mê chi phối.
Muốn được như vậy chúng ta phải học hỏi và tu tập cho thấu đáo lẽ thật-giả trong cuộc đời. Chúng ta cần phải biết lắng nghe tiếng chim hót, biết nhìn dòng sông chảy, biết lắng nghe tiếng con người than thở trong nỗi khổ niềm đau của cuộc sống. Chính vì vậy, ngay bây giờ chúng ta hãy nên tìm cho mình một lối sống thanh cao, thánh thiện vượt ngoài những giáo điều cứng ngắt mà vươn lên làm đẹp cuộc đời. Có nhiều điều chúng ta cũng cần phải học nơi bản thân mình qua những lần vấp ngã để biết cách chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ từ bi, nhờ vậy cuộc sống của ta được bình yên, hạnh phúc.
Trong những nỗi lo lắng, sợ hãi, đau buồn, chán nản khi gặp khó khăn, thất bại con người thường mất hết niềm tin mà lao vào những canh bạc đỏ đen rồi dìm chết đời mình trong đêm tối. Vì muốn có được danh vọng hay nắm giữ quyền lực cho đến hơi thở cuối cùng mà con người nghĩ ra nhiều mưu mô, kế độc nhằm đạt đến ngưỡng cửa của tham vọng. Dù đó không phải là năng lực của chính bản thân nhưng ta vẫn ôm giữ mãi không chịu nhường cho ai. Chuyện này thường xảy ra nhan nhãn trong đời sống hằng ngày. Chúng ta chỉ vì lòng tham lam, ích kỷ, hẹp hòi mà tối ngày tranh giành địa vị, nuôi mộng đấu tranh để được quyền lực tối cao.
Nhân loại trên đà phát triển nhìn vào thực tế cuộc sống chúng ta thấy rõ thế giới con người đang phát triển, mở mang đến mức cực thịnh với nhiều hình thái rất phong phú, đa dạng, huyền bí và phức tạp đến vô cùng. Nền văn minh khoa học kỹ thuật phát triển đã đem đến cho con người một cuộc sống sung túc, phồn thịnh. Ăn uống sung sướng, quần áo sang trọng, trang sức hợp thời trang, nhà cao cửa rộng đầy đủ tiện nghi, thuốc thang trị liệu đa dạng, phương tiện đi lại dễ dàng, đường phố ngập tràn những chiếc xe hơi bóng loáng… Sự văn minh tiến bộ vượt bậc của nền khoa học kỹ thuật đã đem đến cho con người mọi nhu cầu thoả đáng, đời sống vật chất sung mãn, đầy đủ. Tuy nhiên, vật chất càng sung mãn thì càng làm sự tham muốn của con người không bao giờ biết đủ, biết chán, biết thỏa mãn để dừng lại và cuối cùng là không biết bằng lòng với hiện tại.
Tất cả mọi tiện nghi vật chất sung mãn vẫn không mang đến cho con người có được một cuộc sống bình yên, an vui và hạnh phúc thực sự. Ngược lại, chúng ta đều mang sẵn một nỗi niềm ưu tư, lo lắng, sợ hãi, bất an và phiền muộn. Con người cứ luôn đi tìm những cảm giác mới lạ để được tận hưởng những thú vui trong ngũ dục cuộc đời. Sự mong muốn này vừa được đáp ứng thì con người lại thấy không hài lòng, thỏa mãn và liền chạy tìm một nhu cầu mới khác có hiệu quả cao hơn để tận hưởng cảm giác lâu bền rồi tự giết đời mình trong vô minh mê muội. Một khi con người đã chạy theo dục vọng thì không biết chỗ dừng như túi tham không đáy, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn và thèm khát. Sự văn minh tiến bộ về tiện nghi vật chất làm cho tinh thần con người bị sa sút bởi sự đam mê, quyến rũ của dục vọng.
Nhưng chúng ta phải làm thế nào để trở thành một con người có đạo đức tâm linh hoàn chỉnh? Muốn trở thành con người tâm linh không phải đơn giản, dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta đối với bản thân phải luôn biết xét nét, nhìn kỹ lại chính mình để thấy được những lỗi nhỏ nhặt nhất mà tìm cách khắc phục, chuyển hóa chúng. Người có đức hạnh phải biết làm chủ bản thân qua các cảm thọ, xúc chạm để thấy biết rõ ràng sự thật nơi thân này. Biết cảm thông và tha thứ, bao dung và độ lượng cho những ai đã từng làm cho mình đau khổ tột cùng; luôn sống vì lợi ích chung, lấy niềm vui thiên hạ làm niềm vui chính mình. Ai sống được như vậy là người đức hạnh, đạo đức và đang đi trên con đường giác ngộ. Chúng ta hãy nên học theo hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm mà sẵn sàng chia vui, sớt khổ vì lợi ích tha nhân; sẵn sàng chấp nhận khổ đau để mọi người được an vui, hạnh phúc. Thế gian này có năm loài cùng chung ở trong sáu nẻo luân hồi nhưng con người là một chúng sinh cao cấp nhờ có suy nghĩ, nhận thức, biết phân biệt đúng sai. Nếu biết vận dụng đi theo chiều hướng tốt đẹp thì không ai bằng và ngược lại thì vô cùng cực ác.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều đó. Chỉ có con người tâm linh mới có đủ khả năng giúp nhân loại vượt qua rào cản của si mê, tội lỗi nhờ có hiểu biết và thương yêu trong tinh thần bình đẳng. Ai làm người cũng phải một lần biết thao thức, trăn trở để mở rộng tấm lòng mà cùng nhau kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống. Đời sống con người luôn song hành hai phần thân và tâm, tức thể xác và tinh thần. Nhưng đa số chúng ta chỉ chú trọng về phần vật chất nên cung phụng cho thân nhiều mà quên lãng đi yếu tố tinh thần, tuy sống trong giàu có, tiện nghi mà lại nghèo nàn tâm linh nên thường thất vọng, đau khổ. Tóm lại, thân và tâm không thể tách rời nhau, thân hành động tốt hay xấu đều do tâm điều khiển. Những ai đã sống được với bản tâm chân thật rồi thì làm việc gì cũng đều có lợi ích.
Tôi lúc trước si mê cùng lầm lỗi
Gây biết bao khổ não cho nhiều người
Nhờ Tam bảo, mẹ hiền đã tế độ
Tôi vượt qua bao tăm tối, ưu phiền
Để rồi đây kết nguyện với muôn loài
Hầu đền đáp, sẻ chia cùng tất cả
Để cùng nhau kết nối tình yêu thương
Cùng vui sống bằng trái tim hiểu biết.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 54