Thi ca Xuân Diệu từng phác họa nỗi đau khổ của tình yêu vô cùng sâu sắc: “Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. Cho rất nhiều song nhận chẳng có bao nhiêu”. Có lẽ cũng từ nỗi đau thương, u uất ái tình mà cố nhạc sỹ Châu Kỳ mới đủ “sầu” để viết nên tình khúc vượt thời gian: Đừng nói xa nhau trong điệu buồn da diết: “Đừng nói xa nhau cho tâm hồn đau khổ, đừng nói xa nhau cho mắt lệ hoen mờ”.
Tình yêu là đau khổ
Hễ yêu là “chết” một ít ở trong lòng vậy mà Xuân Diệu cũng từng tuyên bố rằng: “Đố ai sống được mà không yêu, không nhớ không thương một người nào”. Ở đây rõ ràng tồn tại một mâu thuẫn: biết yêu là đau khổ nhưng con người vẫn cứ yêu. Đức Phật nói rằng: “nếu trên đời này có cái thứ hai giống như nghiệp tình ái, thì thế gian này không ai tu được, may mà chỉ có một thứ mà đã làm điêu đứng loài người” và liệt nỗi đau khổ ái tình vào một trong 4 thứ khổ về tâm: yêu thương xa lìa khổ, cầu mà không được chính là khổ, ghét mà phải gặp hằng ngày là khổ, no cơm ấm cật quá mà khổ.
Nói như thế không có nghĩa là đạo Phật phản đối tình yêu của nhân loại mà ngược lại Ngài xem nó là bản năng vốn có và dạy con người phải phát khởi tình yêu chân thành với 4 yếu tố từ – bi – hỷ – xả; đồng thời cho lời khuyên quý báu về bổn phận của người vợ, người chồng để có đời sống hôn nhân hạnh phúc.
Nếu tình yêu của con người trên thế gian lúc nào cũng tuân theo quy luật là yêu và được yêu thì hà cớ gì Đức Phật cho rằng yêu là đau khổ? Và thực tế con người ai mà chẳng ước ao tình yêu của mình lúc nào cũng ngọt ngào hạnh phúc. Dù vậy, nỗi lo lắng, buồn khổ, vị đắng của tình yêu luôn hiện hữu trong đời sống khiến cho người ta mệt mỏi và đặt câu hỏi vì sao ta lại thiếu may mắn trong tình yêu đến vậy?
Có đôi uyên ương yêu nhau tha thiết nhưng vì không được gia đình đồng thuận hoặc vì một cách trở nào đấy như chiến tranh mà phải chia lìa; người thì đơn phương yêu say đắm mà chẳng được đáp lại; lại có kẻ trước thì nói yêu thật lòng mà sau lại phụ bạc chạy theo người mới… Những hoàn cảnh éo le, trắc trở trên đã gây ra nỗi đau tình ái dai dẳng cho biết bao kiếp người, thậm chí có người ôm nỗi hận tình đến chết chưa thôi. Đặc biệt, trong xã hội ngày nay, người ta dùng nhiều thủ đoạn để thỏa mãn ham muốn ích kỷ của bản thân như dùng tiền lợi dụng người khác để được “tình một đêm”, hoặc một số kẻ lợi dụng thân xác của người khác để lại kết quả là bào thai rồi “cao chạy xa bay”; lại có người yêu mù quáng đến mức biết vợ, chồng phản bội thì đau đớn kết liễu cuộc đời mình và đứa con mình đứt ruột đẻ ra như một sự trả thù; cũng có không ít phụ nữ vì yêu mê muội mà cứ chấp nhận chung sống với một người chồng vũ phu, cờ bạc…
Nhìn nhận về tình yêu theo lời Phật dạy
Đức Phật dạy tất cả mọi thứ trên thế gian đều vô thường và có nhân duyên của nó, tình yêu – thuộc về bản năng con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Hơn thế, bản chất của tình yêu luôn tồn tại yếu tố “si”. Vì vậy, là Phật tử chân chính, chúng ta cần sống và làm việc trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm, đi trong chánh niệm và nhất là hành xử trong chánh niệm. Trước những đau khổ, bi lụy trong tình yêu mà mình thiếu may mắn vướng phải, chúng ta cần có chánh niệm tỉnh giác để quán chiếu, soi xét hoàn cảnh tình yêu hiện tại của mình rồi có hành động sáng suốt, khôn ngoan nhất.
Thứ nhất chúng ta phải quán chiếu tình yêu theo luật nhân quả để đối diện với thực tại: thí dụ, nếu ta yêu ai đó mà không được đáp lại thì ta phải hoan hỷ chấp nhận vì ta và người ấy không có nợ với nhau; nếu ta bị người phụ bạc thì nên biết rằng gieo nhân nào sẽ gặp quả ấy, người phụ bạc ta sớm muộn cũng phải nhận lấy trái đắng bội tình và một khi duyên nợ của mình và người ấy đã hết thì buộc phải xa rời, tình cảm không thể níu kéo được.
Thứ hai, chúng ta phải dùng nhìn nhận, hành động khôn ngoan nhất để bảo vệ bản thân trước sự thật có thể là rất phũ phàng: chẳng hạn, người nam và nữ đến với nhau bằng tình yêu tự nguyện nhưng trong cuộc sống một trong hai không thọ được một trong năm giới là không tà dâm mà lăng nhăng với nhiều người, đem về biết bao hệ lụy hoặc người vợ có chồng tệ bạc thường xuyên bị đánh đập, hành hạ thì cần tỉnh táo mà hiểu rằng mình đã trả hết nợ kiếp trước với người ta để giải thoát cho bản thân khỏi nỗi dằn vặt bởi tình yêu mù quáng; khi đau khổ chúng ta hãy tìm đến Đức Phật cầu xin, tìm đến người thân yêu trong gia đình để được chia sẻ và nương tựa. Là Phật tử chân chính, không bao giờ được có ý định chấm dứt mạng sống quý báu của mình vì bất kì kẻ nào. Hãy luôn nhớ rằng thời gian chính là phương thuốc xoa dịu mọi nỗi đau.
Nỗi đau khổ của ái tình không chỉ xảy ra khi bị phản bội hay hoàn cảnh chia lìa mà còn có nguyên do là bản thân chúng ta chưa thực sự yêu bằng tỉnh thức: từ – bi – hỷ – xả như Đức Phật đã dạy. Yêu phải hiểu được đối tượng mình yêu, có hiểu thật nhiều, mới yêu thật lâu và yêu được người hiểu mình, tình yêu mới bền chặt. Từ bi là yêu thương trong tha thứ và chia sẻ, với tình thương bao la, cho và không đòi nhận, yêu mà tính phải có lời không được lỗ hoặc đặt ra điều kiện kinh tế, vật chất…, đó là nguồn gốc của chia tan và thù hận. Hỷ xả là yêu bằng niềm vui và buông bỏ lỗi lầm. Từ bi hỷ xả là thứ tình yêu bất diệt, yêu bằng chánh niệm và yêu mãi không thôi. Dù không được đền đáp, bị bỏ rơi, hay thế nào đi nữa, thì tình yêu ấy vẫn tồn tại và luân hồi mãi mãi. Làm được điều đó là chúng ta đã biết nương duyên, gieo nhân lành thiện để thoát được khổ đau, sống chân như, hưởng an lạc với tình yêu của mình.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 11