CN0236.Nhân sinh như khách trọ trần gian, thành bại trong đời ở 10 câu ngắn gọn

CN0236.Nhân sinh như khách trọ trần gian, thành bại trong đời ở 10 câu ngắn gọn

Nhân sinh tại thế, tâm hồn phong phú mới là điều quan trọng. Còn tâm mang dục vọng, truy cầu vật chất thì dẫu có nhiều bao nhiêu cũng là không đủ. Đây chính là tâm tham mà tự khổ…

 

1. Khoan dung

Nhân sinh một kiếp tưởng dài mà hoá ngắn, hà tất việc gì cũng phải rạch ròi trắng trắng đen đen. Tranh với người nhà, thắng lý mất tình, tranh với người ngoài, thắng rồi mất bạn, tình nghĩa phai mờ.

Có câu: Nước trong không có cá, người soi xét quá không ai gần, tranh luận có thể thắng lý nhưng lại mất tình, tổn thương người khác và tổn hại bản thân. Thêm một phần hoà ái sẽ thêm một phần ấm áp, cuộc sống cũng sẽ thêm một phần tươi sáng.

 

Thực ra cuộc đời không có gì là đúng sai tuyệt đối, khoan dung độ lượng với người cũng là khoan dung với mình. Người ta có thể sai nhất thời chứ không ai sai mãi mãi, mình nhường người khác 3 phần, khi người khác nhận ra sẽ nhường lại mình 7 phần. Vậy nên cho chính là nhận, thua lý nhưng thắng tình vẫn là người trí tuệ.

2. Giàu nghèo

Làm người biết đủ là vui, người biết đủ nằm dưới đất giấc ngủ vẫn an lành, nằm ngoài trời vẫn thấy đời tươi sáng. Còn người không biết đủ thì dẫu có chăn ấm nệm êm vẫn thấy đời thiếu thốn, giấc ngủ chẳng tròn, cơm ăn chẳng đặng.

Nhân sinh tại thế, một tâm hồn phong phú còn quý hơn vạn lần vật chất cao sang. Dục vọng là khởi nguồn của mọi bất hạnh, buông bỏ lòng tham, tìm về bản ngã của chính mình mới là suối nguồn hạnh phúc.

3. So đo

Cây sống một mình thì chẳng thể thành rừng, người sống đơn lẻ đâu thể thành nhà. Hay như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Đã làm người thì không thể sống chỉ biết mình, không thể độc lập sinh tồn. Thế nên sống làm người cần có sự tương trợ lẫn nhau, ta nhường người một bước, người kính ta một trượng. Nhân tâm như đường lộ, tâm hẹp thì đường nhỏ, tâm rộng thì đường lớn.

4. Buông

Không so đo, không gây khó dễ cho người khác chính là nhân hậu với chính mình, là đức tính của bậc chính nhân quân tử. Thực ra so đo thì được những gì, khoan dung nhường nhịn có gì mất đâu, hơn thua được mất trong đời cũng chỉ như gió thoảng mây bay. Có những chuyện hôm nay là lớn nhưng ngày mai lại chẳng là gì. Vậy nên hãy cứ buông tâm mà sống, an nhiên tự tại mà làm người.

5. Đơn giản

Làm người tâm đơn giản, đời cũng giản đơn, hạnh phúc hay khổ đau ấy đều thuộc vào quan niệm của mình. Vấp ngã, khó khăn, hay thậm chí bị đời lừa gạt, đó cũng chẳng qua là trường đời tôi luyện cho mình mạnh mẽ hơn thôi, vượt lên là chiến thắng, vượt không được hãy coi đó như là bài học trải nghiệm, lợi ích sau cùng vẫn là mình.

6. Nhân Tâm

Không nên lấy lòng tốt của người khác làm điểm yếu cho mình lợi dụng. Đôi khi người khác thiện lương, chịu thiệt chẳng phải bởi họ dại khờ ngốc nghếch mà là họ biết nghĩ cho người, khoan dung độ lượng mà thôi.

Người với người hơn nhau ở nhân cách, quý nhau ở tình cảm, không nên lấy lòng tốt của người khác làm niềm vui cho bản thân. Duyên phận có được không dễ, tu trăm năm mới đặng chung cầu một nhịp, tu ngàn đời mới một bữa chung mâm. Chân thành, trung hậu chính là cách tốt nhất để đối đãi thế nhân.

7. Hoạ phúc

Nhân sinh tại thế, tích đức tuy không có ai nhìn thấy, hành thiện tự có Trời biết. Bậc thánh hiền vẫn dạy: Người hành thiện tuy phúc chưa đến nhưng họa đã rời xa, kẻ hành ác họa chưa đến phúc đã chẳng còn.

8. Khoảng lặng

Khi đắc ý, giữ lại cho mình khoảng lặng để xét soi,

Khi khổ cực, giữ lại cho mình khoảng lặng để tự nhủ chính mình, có gian khổ mới có ngày vinh hiển.

Khi cô đơn, giữ lại cho mình khoảng lặng, cô đơn chính là tiền đề của trí tuệ khai thông.

Sống chậm, tìm cho mình những khoảng lặng để tìm về bản ngã chính là chìa khóa mở mọi cánh cửa của cuộc sống.

9. Cảm ơn

Cảm ơn người đã tổn hại ta, nhờ họ mà ta thêm ý chí.
Cảm ơn người đã lừa ta, nhờ họ mà ta tăng thêm kiến thức.
Cảm ơn người đã rời xa ta, nhờ họ mà ta thêm tự lập.
Cảm ơn người của thế nhân, nhờ họ mà ta có cuộc sống phong phú và đầy màu sắc này.

10. Tùy duyên

Nhân sinh tựa một chén trà, đậm cũng được, nhạt cũng chẳng sao, lạnh cũng tốt, nóng cũng lại hay. Mỗi cảnh mỗi hương, mỗi thời mỗi sắc. Vui với chính mình, tận hưởng với chính mình.

Nhân sinh suy cho cùng cũng tựa như khách trọ trần gian. Vì quan tâm, cho nên sầu khổ, vì thương nhớ mới bị tổn thương. Xem nhẹ hợp tan, coi thường được mất mới có đời hạnh phúc.

Ta xem nhẹ, chẳng bởi không trân trọng, mà bởi hiểu đời, vạn sự đều định bởi duyên. Duyên đủ sẽ đến, duyên cạn sẽ đi, cần chi níu kéo, tuỳ duyên mới là cảnh giới tối cao để làm người.

 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 17

Post Views: 347