CN0169.Tản mạn Corona thời loạn: Đừng chỉ nghe những gì người ta nói…

CN0169.Tản mạn Corona thời loạn: Đừng chỉ nghe những gì người ta nói…

Vũ Hán sau một đêm, thành phố triệu dân trở thành đô thị ma. Hà Nội sau một đêm, thủ đô yên bình biến thành nơi hoảng loạn. Những thứ chúng ta vẫn tin và vẫn tưởng, trong phút chốc chỉ còn mây khói bay.

 

Hãy để tôi kể bạn nghe một câu chuyện, một câu chuyện kỳ dị, kỳ dị đến hoang đường. Hoang đường ấy, nhưng mà có thật!

Số là, sáng nay trong công viên tôi bất ngờ đâm đầu vào một chàng trai ngoại quốc. Rõ ràng là nền trời trăng trắng, cỏ non xanh xanh, vậy mà, khi đang tung tăng dạo bước tôi đâu ngờ lại bầm tay tím mặt vì một vật gì cứng như đá tảng. Thì ra là cái lưng của anh chàng. Tấm lưng rắn chắc có lẽ còn hơn cả võ sư hay đấu sĩ.

 

Chàng ta quay lại xin lỗi rối rít, đến lúc ấy tôi mới nhìn rõ cái vẻ ngoài kỳ dị của anh ta: lưng và mặt trắng như da trời, tay và chân xanh như màu lá, cả thân thể hòa tan vào khung cảnh của công viên làm một. Đó là lý do vì sao anh bạn ngoại quốc trông cứ như tàng hình trước mắt tôi. Tôi bảo rằng không sao, không sao, chỉ phiền anh hái giùm vài chiếc lá đắp lên vết đau là tôi sẽ khỏe liền. Và bạn hãy thử đoán xem? Anh ta ngoe nguẩy cái mũi vươn về phía cành cây, cái mũi dài hàng mét khiến tôi mắt xoe tròn…

“Tào lao! Vớ vẩn!” — Bạn thân mến, bạn đang nghĩ như vậy phải không? Và bạn nói tiếp: “Đúng là mấy thứ chuyện tầm phào! Làm gì có ai da nửa xanh nửa trắng? Làm gì có ai lưng cứng như đá tảng? Làm gì có ai mũi dài tới hàng mét?”.

Đúng vậy, chúng ta chỉ thấy có chủng da vàng, da trắng, da đen, chứ chưa từng thấy ai có làn da hai màu xanh – trắng, huống hồ là lưng cứng như đá và mũi ‘ngoe nguẩy dài’. Cho nên, phản đối cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng nếu anh chàng ấy không phải là “người”, mà là tắc kè, rùa, và voi, thì câu chuyện trên không còn khó lý giải nữa rồi. 

Tại sao? Bởi vì chúng ta chỉ tin vào tai nghe mắt thấy, còn điều không thấy thì luôn cho là tưởng tượng, là bịa đặt. Nếu tri thức của nhân loại chỉ giới hạn ở một vài vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà, thì hiển nhiên bạn cũng cho là nực cười khi ai đó mô tả về voi hay tắc kè. Điều ấy nghĩa là, chúng ta cũng giống như thầy bói xem voi, đã bị đóng khung trong quan niệm của chính mình.

Chúng ta đang mắc kẹt trong cái khung chật hẹp

Thế nhưng, những gì ta không thấy không có nghĩa là không tồn tại, những gì ta không tin không có nghĩa là không hiện hữu. Có rất nhiều quan niệm cố hữu trong một thời gian dài, thậm chí từng được coi là chân lý, là điều hiển nhiên, đến một ngày lại đột nhiên thay đổi. Giống như quan niệm thời cổ đại ‘mặt trời quay xung quanh trái đất’, cứ ngỡ là chân lý, nhưng hóa ra lại sai bét. 

Thời cụ kỵ chúng ta, sẽ chẳng ai tin có loại đèn không cần dầu vẫn sáng, gió thổi cũng không tắt, treo ngược lên trần nhà cũng chẳng sợ bị rơi. Thời ông bà chúng ta, nào có ai đem… hố xí đặt chình ình giữa nhà, nói chẳng dám nói đến, mà ngay cả nghĩ thôi cũng chẳng dám nghĩ nữa rồi. Còn bây giờ? Nơi từng bị coi là xú uế lại là nơi thơm tho, có khi còn thơm nhất trong nhà. Thời cha mẹ chúng ta, có ai dám cất tiền ngoài đường không? Thế mà bây giờ người ta còn thi nhau đào hố rồi chôn cái hòm tiền xuống đất, rõ ràng là tiền của mình hẳn hoi nhưng muốn lấy ra thì phải trả lời đúng câu hỏi, phải có đủ ‘chứng chỉ’, hầm bà nhằng đủ các thứ phức tạp, rồi người ta gọi nó bằng cái tên mỹ miều – ATM.

Dăm ba câu chuyện vui kể trên cũng chỉ để nói rằng: Chúng ta đang bị nhốt trong một cái khung chật hẹp, cái khung ấy giam hãm tư tưởng của chúng ta, lèo lái suy nghĩ và tầm nhìn của chúng ta, dẫn dắt chúng ta vào lối mòn quen thuộc, khiến chúng ta vô hình trung tự mê hoặc chính mình. Phật gia giảng: “Nhân tại mê trung”, người hoa mỹ hơn thì nói: “Nhân sinh là một trường mộng ảo”, một câu đơn giản nhưng ý tứ quả là sâu xa.

Cuộc sống thật lắm lúc “hóa ra là…”

Cái khung quan niệm chỉ là chiếc lồng con, và chiếc lồng con ấy lại bị nhốt trong một chiếc lồng lớn hơn, ấy chính là thế giới hiện thực, một thứ hiện thực đầy mê hoặc. Bạn nói xem, có phải chỉ một trận ôn dịch mà khiến cho hết thảy đều đảo lộn? Cứ ngỡ là yên bình, hóa ra thành hỗn loạn. Cứ ngỡ là an toàn, cuối cùng lại rập rình hiểm nguy.

Ở Vũ Hán ấy, hôm qua còn cáo buộc là tin đồn, hôm nay đã trở thành hiện thực, hôm qua là yến tiệc vạn nhà, hôm nay đã thành nơi tang thương chết chóc. Lúc người ta còn đông vui tấp nập đón giao thừa, nếu bạn nói với họ rằng ngày mai phong tỏa thành phố, người khỏe như voi nhưng bệnh tật đang cận kề, bánh trái ê hề nhưng cái đói đang chờ chực, “hết Tết là chết, chết rồi là hết”… thì hỏi ai tin? Ấy thế mà!

Vào cái thời người ta luôn tự hào nói về văn minh và hiện đại, có ai ngờ lại có ngày giành giật vì chiếc khẩu trang, tranh nhau vì thùng mì gói? Chỉ khi ôn dịch đến mới vỡ lẽ rằng vật chất lên ngôi, tình người xuống giá, nhân loại quá mong manh trước dịch bệnh, con người ta vì hoảng loạn mà giẫm đạp lên nhân phẩm, lương tâm.

Ở cái xứ sở mà tiền có thể mua được tất cả ấy – tiền mua chức, mua quyền, mua tình, mua danh vọng, mua quan hệ, mua nội tạng kéo dài mạng sống, thậm chí có người còn nói đùa “Tiền mua được cả nguyên thủ quốc gia” – thì khi đứng trước ôn dịch, tiền chỉ là mớ giấy lộn bỏ đi. 

Nước bạn khan hiếm khẩu trang, và rồi chúng ta cũng thế. Nước bạn có Vũ Hán cách ly, và rồi chúng ta cũng xảy ra điều tương tự. Nước bạn có bệnh viện dã chiến, giờ bạn có thấy bệnh viện dã chiến rải rác khắp Việt Nam? Những ngày đầu yên bình cho chúng ta viễn cảnh “dịch nó chừa mình ra”, nhưng ngày hôm nay nơi nao không hoảng loạn?

Một trận ôn dịch đến, chạy đâu cho thoát khỏi số Trời? Dịch bệnh chẳng sợ ngăn sông cách biển, cũng chẳng biết quỵ lụy trước thế lực hay cường quyền. Bạn thấy chăng, những thứ mà nhân loại trước kia vẫn hằng theo đuổi, phút chốc đều trở nên vô nghĩa. Những thứ trước kia bị coi là mê tín, đến giờ lại trở thành cứu cánh niềm tin.

Thế giới này, chỉ sau một trận ôn dịch mà thị phi trắng đen, hết thảy đều đảo lộn, khiến người ta tự hỏi: Đâu là ‘thực tế’, đâu là ‘thực tếu’? Phải chăng mình đã sống trong ảo ảnh quá lâu?

Thực tế, rất có thể không như ta vẫn nghĩ

Tổng kết lại, những gì chúng ta nhìn thấy đã là mê, mà thế giới này còn mê gấp vạn lần hơn thế, cũng chính là con người “mê ở trong mê”. Vậy thì, cuộc sống này có thật sự giống như những gì mà chúng ta vẫn lầm tưởng hay không?

Muốn nhìn rõ hình ảnh trong gương, bạn cần lau sạch lớp bụi mờ bám trên bề mặt. Muốn tìm ra chân tướng trong thế gian hỗn độn, bạn cũng cần rũ sạch lớp bụi bặm trần ai – những thứ tuyên truyền, những lời cáo buộc, những điều đồn thổi, những nhận định vội vàng… Hãy thử nhắm mắt lại, tách mình ra khỏi cái huyên náo của đám đông, tĩnh tĩnh mà nhìn, tĩnh tĩnh quan sát, bạn sẽ nhận ra rằng trí huệ không ở đôi mắt của người khác, không ở đôi tai và cái miệng của người khác, mà là ở trong trái tim của chính mình.

Giữa loạn lạc thời ôn dịch, thị thị phi phi, vàng thau lẫn lộn, hy vọng bạn sẽ phân biệt bằng lý trí và trái tim của mình. Bạn có thể đọc, có thể nghe, cũng có thể tin, nhưng mong bạn đừng vội vàng cho đó là tất cả. Trí huệ là của bạn, đừng hạn cuộc bản thân trong những gì người ta nói…

Tâm Minh/ Theo Daikinguyen
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 19

Post Views: 315