https://www.facebook.com/ThichNhatTu/posts/566265405118503
Lấy từ facebook Thượng Tọa Thích Nhật Từ
DÙNG ĐOẠN NGHIỆP ĐỂ SÁM HỐI
Đoạn nghiệp (Upaghatakamma) là loại nghiệp mạnh, có khả năng vô hiệu hóa sự trổ quả của các nghiệp khác, làm cho nghiệp khác mất đi tính hiệu quả.
Chướng nghiệp là khái niệm chỉ chung cho những chướng duyên, nghịch cảnh. Đoạn nghiệp là loại chướng duyên và nghịch cảnh ở cấp độ cao hơn, lớn hơn, mạnh mẽ hơn; làm thay đổi các nghiệp có trước đó hoặc có đồng thời mà về bản chất là khác nhau.
Ví dụ. Nước giá, nước chanh muối, nước chanh mật ong khi uống vào có thể giúp cho sự khan tiếng, khan cổ của tôi mau hết. Như vậy, các loại nước nêu trên được xem là đoạn nghiệp của sự khàn giọng, khô giọng, khan tiếng do thuyết giảng nhiều.
Bất cứ loại nghiệp thiện hay bất thiện nào đều có đoạn nghiệp của nó. Cho nên, sám hối nghiệp chướng trong Phật giáo, về bản chất, là gieo trồng các đoạn nghiệp.
Chúng ta đừng lầm tưởng cách giáo dục khích lệ là chân lý qua câu nói: “Tội tùng tâm khởi tương tâm sám / Tâm nhược diệt thời tội diệc vong / Tội vong tâm diệt lưỡng câu không / Thị tắc danh vi chơn sám hối”. Vì khi sám hối, tâm mình thanh tịnh thì sẽ không có rủi ro tạo thêm nghiệp xấu, ít trong lĩnh vực đó thêm một lần nữa hoặc nhiều lần nữa; còn các nghiệp xấu mà mình đã gieo tạo thì sám hối không hết được. Nó chỉ giải tỏa mặc cảm tội lỗi, ức chế tâm lý, dằn vặt lương tâm. Nỗ lực chính yếu của chúng ta là dùng đoạn nghiệp, tức là phải sám hối theo nghĩa ‘Gieo trồng vào đời sống thực tiễn các loại hành vi mà về bản chất đối lập với nghiệp cũ…’
Ví dụ. Cách đây 20 năm, mình móc túi, lừa người khác 500.000 đồng, tương đương 1 chỉ vàng và quy đổi ra hiện nay khoảng 5 triệu đồng. Vậy, chúng ta muốn kết thúc sự trổ quả nghiệp xấu móc túi, trộm cắp…thì phải làm việc phước là bố thí, cúng dường, giúp đời bằng tương đương thời giá hiện tại. Hai hạt giống này, về bản chất là đối lập nhau, cho nên dẫn đến sự triệt tiêu, gọi là đoạn nghiệp.
Do đó, Sám hối nghiệp chướng mà quên dùng đoạn nghiệp thì không hiệu quả. Đoạn nghiệp phải gieo tương đương hoặc lớn hơn thì sám hối theo đó mới có kết quả. Chứ còn dừng lại ở việc lạy Phật, niệm Phật, tin Phật, cầu nguyện Phật, thấy Phật phóng quang rờ đầu và mình nghĩ rằng đạt được thành tựu trong sám hối là chưa đúng.
Trích lời thầy Thích Nhật Từ giảng môn “Dẫn nhập triết học Phật giáo – Bài 12. Nhân sinh quan Phật giáo”, cho Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại TPHCM, sáng 13-4-2022)
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 87