Đơn giản bởi lẽ, sự chân thành bao giờ cũng là điều được ưa chuộng nhất trong cuộc sống. Người ta cho rằng một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý.
Người chân thành luôn tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân. Sống bên họ ta cảm thấy yên ổn, thanh thản vì không phải dò xét, dè dặt, hoài nghi, sợ bị trở mặt hay phải khám phá ra những sự thật phũ phàng, đen tối.
Sự chân thành được thể hiện không chỉ trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục.
Hành xử trong sự chân thành, sẽ cho bạn sự tự tin, sức lôi cuốn và sự vững mạnh…Hãy thành thật với người khác và với chính mình. Muốn thế hãy đánh giá đúng bản thân, đừng tự huyễn hoặc mình và cũng đừng huyễn hoặc người khác.
Nhưng tất cả sự chân thành phải được thể hiện trong sự tế nhị, đôn hậu và có văn hóa, nếu không nó cũng dễ trở thành thô thiển khó chấp nhận. Hãy phân biệt sự khôn ngoan thực sự với sự khôn ranh giả dối, đó là kẻ chỉ ”khôn” để cầu lợi.
Nếu được sống giữa một cộng đồng của những người chân thành thì đó là lúc cuộc sống đang tiến dần đến một thiên đường nơi trần thế.
Lòng chân thành của đức Phật
Ðã là Như Lai thì chưa bao giờ Ðức Phật dối gạt chúng sanh dù nửa lời. Những gì nói được, Thế Tôn đã nói hết, những gì không thể nói, Như Lai không nói mà cũng không giấu. Thì đó, có Tôn giả Ðại Ca Diếp làm chứng cho Phật rồi. Vậy mà Ngài vẫn chưa yên lòng, sợ sau này ngôn năng làm loạn, nên hôm sắp nhập Niết bàn, Ðức Phật đinh ninh nhắn nhủ như vầy: “Suốt 49 năm Như Lai chưa từng nói một câu”. Thế đấy, Ðức Phật ở chặng đầu, chặng giữa, chặng rốt sau đều thủy chung như nhất, không hở môi. Bởi vì Phật rất chân thành.
Còn vì nó không sanh nên không diệt, không hề gian dối. Và tuyệt hơn thế nữa, còn vì tất cả chúng sanh đã có, đang có và sẽ có niềm tin rằng “Ta là Phật sẽ thành”. Từ vô lượng tâm, bi vô lượng tâm của đấng Cha lành thật không gì sánh bằng. Phải như thế mới gọi là “chân thành”. Còn chúng ta nói nhiều quá thành ra nói bậy, nói dối, nói để làm khổ cho nhau. Vậy mà người ta vẫn ngang nhiên bảo mình nói thật.
Thế gian thường thề thốt với nhau: Dù cho biển cạn núi mòn, “lòng này” vẫn không thay đổi. Nghe như thật! Làm gì có chuyện đó, mà nếu có chăng nữa, e rằng “lòng này” đã bị xơ cứng bởi vô minh si ái mất rồi. Cuộc đời là một dòng luân lưu, biến đổi không dừng, làm sao với một tâm vô thường mà lại không bao giờ thay đổi? Các pháp sanh diệt không thật, làm sao nói thật được. Vậy mà ta nói được, nói hoài, mới lạ chứ!
Ðã đến lúc ngôn năng cần phải khép lại. Ta cũng nên ngồi tịnh lặng ngắm lá xanh, ngắm dòng sanh diệt đi qua từng hơi thở, để thấy sự chân thành của Ðức Như Lai len lỏi trong từng nhịp đập tử sinh. Ta có mặt nơi đây thấy nghe, nói năng, động tịnh đầy đủ. Biết rõ như thế là được rồi, sướng rồi, đừng nghĩ ngợi lung tung nữa. May ra từ những sự thật hiển nhiên đó, bất chợt ta có được nụ cười chúm chím ngàn năm. Chừng ấy ta mới hiểu hết lòng chân thành của Như Lai là tuyệt đối, nan tư nghì.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 30