CN0164.Tướng mạo có thể thay đổi được theo thời gian

Nhiều người rất từ bi và bao dung độ lượng nên có khuôn mặt phúc hậu hiền lành, người dịu dàng lương thiện thường có khuôn mặt xinh đẹp dễ nhìn.

Người xấu ác thể hiện nét mặt hung dữ, rất nhiều người có phẩm tính không tốt, vẻ mặt thường cay nghiệt, nên dễ làm tổn thương nhiều người khác. Tướng mạo sẽ biểu lộ ra vận mệnh tương lai của một người theo hai chiều hướng tốt và xấu, tướng do tâm sinh cho nên từ tâm biết được vận mệnh của chính mình.

 

Đặc thù của tướng mạo có quan hệ với sự di truyền của bố mẹ, như màu da sắc tộc, tính nết của con người hoặc đẹp hay xấu đều ảnh hưởng nửa đời trước của chính mình, nghĩa là ảnh hưởng từ kiếp trước, nửa đời sau của một kiếp người, chính là mình tự quyết định. Chính vì vậy mọi người sẽ chịu trách nhiệm đối với hành vi của chính mình trong khoảng thời gian nhất định nào đó.

 

Lòng từ bi là một yếu tố quan trọng để kết nên một con người có phúc hậu. Người có thiện tâm, thường tỏa ra từ trường khiến nhiều người khác cảm thấy dễ chịu nên thích gần gũi tiếp xúc. Ngược lại người xấu ác tất khó nhìn, thậm chí người đó có khuôn mặt đẹp đẽ, thì trên mặt cũng lộ ra chỗ khiếm khuyết khiến người không thích, người xưa nói khuôn mặt không có duyên, khiến nhiều người không muốn hợp tác trên nhiều lĩnh vực. 

Chúng ta hãy hiểu rằng, tướng mạo là có thể từng bước thay đổi theo thời gian! Nhất là một khuôn mặt xinh đẹp phúc hậu sẽ có một lực hấp dẫn, khiến người sinh lòng mến mộ. Chính vì vậy, muốn có tướng mạo đẹp phải từ nội tâm trong sáng và từ bi. Một con người cam tâm chịu thiệt về mọi mặt, lại nhận được càng nhiều vì tâm họ trong sáng thuần khiết. Con người có thể chịu thiệt thòi một chút cũng không sao, nhân duyên tốt và cơ hội tốt sẽ đến nhiều hơn mình mong muốn. Người thích chiếm phần hơn thường chẳng được gì cả, vì họ phải bỏ ra con tôm để bắt con tép. Người có ánh mắt tiểu nhân, tâm địa nhỏ hẹp thường chỉ phô trương chủ nghĩa cá nhân, chẳng khác nào loài ốc sên chuyển thế. Mỗi người phải biết nỗ lực vun bồi duyên phước của mình.

Đối xử tử tế với người thân, quan tâm người bên cạnh, biết khoan dung độ lượng với những người làm mình tổn thương, để mở rộng lòng rộng lớn. Nội tâm trong sáng có thể bao dung người khác gọi là lòng từ vô hạn. Luôn vui vẻ hòa hợp với mọi người là một năng lực rèn luyện và biện pháp tốt nhất để hóa giải phiền muộn khổ đau là hãy quên đi. Không tranh giành là lòng từ bi rộng lớn, thấy biết thật giả phân minh là trí tuệ, biết đủ chính là buông xả.

Khiêm tốn để xả bỏ tâm ngã mạn

Khiêm tốn để được học hỏi và xả bỏ tâm cống cao ngã mạn: là một loại đức hạnh làm chỉ cho người khác thương mến chúng ta, vì nó trái ngược tính cống cao ngã mạn, chỉ đưa đến sự hiềm thù mà oán ghét lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn mọi người thích gần gũi mến thương, thì ta phải biết khiêm tốn. Người biết khiêm tốn luôn được mọi người yêu mến, quý trọng. Người khiêm tốn là người luôn có tấm lòng từ bi quảng đại, biết bao dung và độ lượng trong mọi vấn đề.
Chúng ta hãy tâm niệm như sau: “Xin cho tôi được làm đất, để mọi người được dẫm lên”.

Người sống ở đời biết khiêm tốn mới học hỏi được nhiều điều hay, tu dưỡng phẩm chất đạo đức thanh cao, để làm gương sáng cho người học hỏi bắt chước tu tập theo. Người biết khiêm tốn là đi ngược lại với tâm cống cao ngã mạn, nên được nhiều người mến thương, người trí hoan hỷ chỉ dạy và giúp đỡ trong làm việc và tu sửa đạo đức. 

Nếu chúng ta tìm cầu danh vọng, phú quý giàu sang mà không thực hành hạnh khiêm tốn, thì khó mà thành tựu như mong muốn. Người hiểu biết nhiều và có địa vị cao thì càng phải khiêm tốn nhiều hơn nữa, đối với những người thấp kém hơn mình. Nhờ vậy, cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, bởi ta biết thương yêu mọi người bằng trái tim hiểu biết. Người Phật tử chân chính phải có lòng yêu thương người vật, biết khiêm tốn nhún nhường trước mọi người, và hằng xét lại lỗi mình để tìm cách sửa đổi cho tốt.

Như vậy, người khiêm tốn luôn đem lại niềm an vui hạnh phúc cho nhân loại, bằng tình người trong cuộc sống với tấm lòng từ bi rộng lớn.

Hồi hướng phước đức mỗi khi làm việc tốt

Hồi hướng phước báu mỗi khi làm việc thiện, có nghĩa là ta hoan hỷ muốn cho nhiều người khác cùng làm việc tốt với mình, nhờ vậy nhân loại sẽ bớt khổ đau nhiều hơn. Chúng ta có thể hồi hướng phước báu cho những người đang sống, vì có nhiều người đang sống trong si mê lầm lạc.

Chúng sinh ở thế gian đâu phải ai cũng có hiểu biết chân chính, nên mỗi khi ta làm việc thiện hay tu tập được an lạc, để hồi hướng công đức cho mọi người cũng được như ta. Ngoài việc hồi hướng phước đức cho những người cùng sống với ta, chúng ta cũng cần phải hồi hướng cho những chúng sinh sống trong cảnh giới quỷ đói, đang thèm thuồng khao khát miếng ăn vật thực bằng sự tưởng tượng của con người. 

Chỉ cần chúng ta có lòng thành, mỗi khi ăn uống hay làm điều gì có ích cho người, ta hãy hồi hướng cho kẻ dương người âm được hưởng phần phước báu, đó là ta đang mở rộng lòng từ bi đến với muôn loài. Chính vì vậy, mỗi khi chúng ta làm điều gì có ích lợi hoặc thiện lành như giúp đỡ người khác, ta điều hồi hướng để mọi người được chung hưởng. 

Tóm lại, chúng ta muốn việc hồi hướng có lợi ích cho tất cả chúng sinh thì ta phải biết giữ giới, bố thí, thiền tập, tùy hỷ việc làm tốt, khiêm tốn, không cống cao ngã mạn và vận dụng lời Phật dạy để ngày càng được sống tốt hơn bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Tùy hỷ việc làm tốt của người khác để chuyển hóa tâm ganh ghét

Tùy hỷ công đức để chuyển hóa tâm ganh ghét tật đố: là hoan hỷ với những ai đã làm những việc thiện lành tốt đẹp bằng cách chia sẻ hay nâng đỡ người khác. Như thấy người làm việc giúp đỡ kẻ khác vượt qua cơn hoạn nạn. Đa số chúng ta, ai cũng mang sẵn thói quen ganh ghét tật đố, cống cao ngã mạn, tham danh hám lợi… Bởi có những tính xấu ấy, nên khi thấy ai làm điều gì tốt đẹp, chúng ta liền có phản ứng ngay bằng cách chỉ trích phê phán đúng sai về người đó.
Vậy thế nào là tùy hỷ công đức? Tùy hỷ là vui theo, công đức là những điều lành, điều tốt, những điều đem lại lợi ích, hạnh phúc cho người khác. Nghĩa là thấy ai làm việc gì tốt, có công đóng góp lớn cho xã hội thì ta đều hoan hỷ phát tâm vui mừng và còn tán thán người đó. Hoặc thấy họ làm điều phước thiện, chúng ta hoan hỷ vui vẻ với việc làm của người, mừng thế gian có thêm một người tốt và bớt đi một người xấu. Sự hoan hỷ vui vẻ giúp cho con người sống yêu thương gần gũi với nhau nhiều hơn, bằng trái tim hiểu biết. Người phát tâm làm việc bố thí, chính họ đã khởi lòng từ bi thương xót giúp đỡ người khác. Thấy người bố thí, ta phát tâm tùy hỷ hoặc tìm cách trợ giúp theo, chính ta đã chuyển hóa được tâm ganh ghét tật đố ích kỷ của mình…

Phật ví dụ ngọn lửa của một cây đuốc dù đem trăm ngàn cây đuốc khác đến mồi, ngọn lửa ấy vẫn không bị hao mòn mà còn làm cho chung quanh đó sáng thêm. Tuy cùng làm một việc làm phước thiện, mà người phát tâm nhỏ hẹp thì công đức sẽ có giới hạn, người phát tâm rộng lớn thì công đức vô cùng tận.

Trong kinh Phật dạy: “Người phát tâm rộng lớn để bố thí vật chất, của chỉ bằng hạt cải mà quả báo như núi Tu di. Ngược lại, người ôm lòng nhỏ hẹp bố thí, của bằng núi Tu di, công đức chỉ bằng hạt cải”. Khi thấy người làm việc bố thí, chúng ta phát tâm tùy hỷ việc tốt của người khác, chắc chắn người đó sẽ cảm mến ta. Ta tùy hỷ việc làm tốt của người khác không tốn hao tài sản, hay hao mòn sức lực mà đem lại niềm an vui hạnh phúc cho mình và người. Thấy người làm điều thiện, ta không phát tâm hoan hỷ, mà còn sanh tâm ganh ghét tật đố, khinh chê coi thường người ấy, làm họ thối Bồ đề tâm, ta và họ sẽ trở thành kẻ thù của nhau. Chính tâm ích kỷ tật đố, cống cao ngã mạn, đã làm cho mọi người càng trở nên xa lánh không thích gần gũi. 

Thích Đạt Ma Phổ Giác
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 49

Post Views: 413