“Ăn chắc mặc bền”
Một câu tục ngữ đã trở nên quen thuộc với mọi người trong đời sống hàng ngày. Đây là câu tục ngữ mang hàm ý khuyên nhủ và giáo dục sâu sắc đã lưu truyền qua bao thế hệ. Tinh thần “Ăn chắc mặc bền” đã xuất hiện từ rất lâu, nay truyền lại cho con cháu đời sau để tiếp tục lưu giữ và phát huy điều đó.
Trong việc ăn mặc, ông bà ta luôn chú trọng hơn về chất lượng. Thật ra, thức ăn hay quần áo không cần quá xa hoa, cốt yếu để người ta ngon miệng no lâu và mặc ấm mặc bền là đủ.
Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ “Ăn chắc mặc bền” được chia ra thành hai ý. Ý thứ nhất là “ăn chắc”, nghĩa là ăn uống lấy chất lượng làm cốt yếu. Chúng ta chú trọng ăn kỹ, no lâu, không ăn một cách qua loa, ăn đồ linh tinh hay lãng phí thức ăn. Ý thứ hai là “mặc bền”, nghĩa là mặc sao cho bảo vệ cơ thể, giữ gìn quần áo sạch sẽ, bền đẹp để thời gian sử dụng được nâng lên mức cao nhất. Nói chung, việc ăn uống chú trọng sao cho ăn đúng thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe. Còn quần áo, chọn quần áo vừa người, gọn gàng và giữ cho nó lâu hỏng,…
Đây là câu tục ngữ nhắc nhở mọi người về đức tính tiết kiệm và hiểu sâu hơn về những giá trị trong cuộc sống. Thời ông cha ta còn gian khổ khó khăn, chiến sự liên miên cùng với thiên tai lúc nào cũng chực chờ đổ ập xuống đầu nên việc ăn mặc rất được chú trọng. Đối với thời kì đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, người dân phải khổ sở vì miếng cơm manh áo, vật chất thiếu thốn,..Lúc đó, thức ăn rất quý và cái người ta cần chỉ đơn giản là việc “Ăn no mặc ấm”.
Cũng chính vì trải qua hoàn cảnh như thế, con người ta mới biết trân trọng những gì mình đang có. Sau khi có được thức ăn hay quần áo, họ chú trọng “Ăn chắc mặc bền” để không phải bỏ lỡ hay lãng phí một điều gì. Sống trong hoàn cảnh gian khổ, con người ta cũng phải dần thích nghi cho phù hợp.
Trở lại thời đại ngày nay, nhiều người cho rằng câu tục ngữ “Ăn chắc mặc bền” không cần được áp dụng nữa. Có chăng, nó chỉ dành cho tầng lớp lao động thiếu thốn điều kiện. Còn đối với những thành phần trung lưu hay thượng lưu, họ chú trọng nhiều hơn vào yếu tố “Ăn ngon mặc đẹp”. Khi mức sống lên đến một tầm khác, bạn có cần phải tiết kiệm nữa không?
Xem thêm bài viết tham khảo: “Liệu cơm gắp mắm”
Có nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này và câu trả lời chính xác vẫn chưa được tìm ra. Thật ra, sống thế nào là do quan niệm của mỗi người. Vào thời của ông bà ta, “Ăn chắc mặc bền” là rất đáng quý và nên được áp dụng. Nhưng với thời đại phát triển và đổi mới như thế này thì sao? Bản thân mỗi người đều đã tự có đáp án cho riêng mình rồi.
Tôi thì nghĩ rằng, câu tục ngữ “Ăn chắc mặc bền” vẫn là lời dạy mang nhiều giá trị hữu ích mà tất cả chúng ta đang ghi nhớ. Cho dù bạn thật sự giàu có và dư dả, bạn cũng nên sống một cách không lãng phí vì rất nhiều đồng bào ngoài kia đang phải chịu khổ. Tất nhiên rằng, bạn có quyền ăn ngon, có quyền mặc đẹp, có quyền xài đồ hiệu,..vì đó là công sức của bạn làm ra cơ mà. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta hãy sử dụng chúng một cách trân trọng và đừng quá lãng phí nó.
Mặc dù đang sống trong một xã hội hiện đại và phát triển, chúng ta cũng không thể nào chống lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Bằng chứng là, người dân miền Trung vẫn phải đối mặt với những cơn lũ lớn, người dân miền núi bị sạt lỡ đất,…Chưa kể, những phận người tha hương cầu thực, lấy gầm cầu làm nhà, lấy thức ăn thừa làm bữa tiệc thịnh soạn, mang túi vải làm quần áo mặc,…Ai mà không xót xa trước nỗi đau của đồng loại.
Đúng là, chúng ta không có nghĩa vụ phải cưu mang họ vì đây là do sự cố gắng của mỗi người. Thế nhưng, bạn hãy học cách trân trọng cuộc sống của mình khi nhìn những hình ảnh đó. Thức ăn rất quý nên xin đừng lãng phí, những bộ áo quần bạn mới mặc qua đôi ba lần đã vội vứt đi cfon người ta lại không có quần áo lành lặn để mặc. Chúng ta không bắt buộc ai làm theo khuôn khổ, không giáo huấn ai nhưng cơ bản hãy suy nghĩ về cuộc sống này.
Tôi thấy nhiều bạn trẻ đã quen được nuông chiều, sinh thói lãng phí mà không nghĩ đến mồ hôi công sức của ba mẹ. Ra đường, bạn mặc quần áo đắt tiền, đi giày hiệu, đồng hồ, điện thoại sang chảnh,..trong khi vẫn ngửa tay xin tiền ba mẹ. Chiếc điện thoại mới dùng một hai tháng đã cảm thấy lỗi thời, đôi giày hiệu mới mua đã không còn êm chân,…Sự lãng phí của bạn thật sự khiến người khác không thể chấp nhận.
Nếu đó là tiền bạn làm ra hoặc gia đình bạn quá dư dả để chi trả những khoản đó, bạn có thể sử dụng. Nhưng nếu bạn đang phải sống nhờ vào những đồng lương ít ỏi của ba mẹ hoặc đang cắm đầu cày cuốc làm thêm để đổi lấy những hào nhoáng đó thì bạn nên dừng lại để suy nghĩ. Chúng ta có cần phải làm như thế không? Bạ quan tâm đến những ánh mắt ngưỡng mắt ngưỡng mộ hay những lời xuýt xoa sáo rỗng đến như thế sao? Thay vì thế, bạn nên để tiền mua tặng cha chiếc áo mới, mua tặng mẹ chiếc kẹp cài đầu hay dẫn họ đi ăn một vài món ngon.
Cuộc sống của mỗi người mỗi khác nhau, người giàu thoải mái tiêu tiền vì họ biết họ đang ở đâu. Nhưng người nghèo phải e dè trong mọi thứ vì chúng ta thật sự không thể lãng phí. Nếu bạn cảm thấy quá bất công, bạn hãy trở nên giàu có. Chỉ có sự cố gắng và nỗ lực không ngừng mới giúp chúng ta vững lên thành công.
Dù ở thời đại nào, mỗi câu tục ngữ đều là tinh túy chắt lọc từ lời dạy của ông cha ta qua bao đời nay. Là thế hệ tiếp nối, chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn và phát triển những lý tưởng cao đẹp đó để mai này còn truyền lại cho đời sau.
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 21