CN0141. Lười vận động và những lý do cần thay đổi

Lười vận động và những lý do cần thay đổi – Nhà thuốc Long Châu (nhathuoclongchau.com)

Lười vận động và những lý do cần thay đổi

Con người thường xuyên vận động sẽ có sức khỏe tốt, giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm và sống lâu hơn. Nhưng nếu lười vận động, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Điều đó cho thấy, vận động là rất cần thiết trong cuộc sống.

Tuy nhiên, không phải cứ vận động là tốt cho sức khỏe. Vậy vận động như thế nào là đúng và hiệu quả, hãy tham khảo bài viết sau nhé.

Tại sao chúng ta lười vận động?

Mọi người đều biết tập thể dục tốt cho cơ thể nhưng vẫn còn những người lười vận động, tập thể dục vì:

Cuộc sống hiện đại khiến con người chạy theo những nhu cầu của một cuộc sống tiện nghi, ít quan tâm tới sức khỏe bản thân. Thêm vào đó, sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ khiến con người bị sa đà vào những hoạt động trên mạng và trở nên lười vận động thể dục.

Do ảnh hưởng của Hormone, khi bạn lười vận động, cơ thể sẽ mệt mỏi, chán chường và càng ngày càng lười vận động hơn. 

Nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tăng cường vận động với sức khỏe, chưa xây dựng một chế độ tập luyện phù hợp cho mình hoặc vẫn lơ là việc vận động vì chưa tìm được các bài tập thể dục phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều cách vận động tốt cho sức khỏe, chỉ cần bạn muốn thực hiện.

Lười vận động có tác hại gì?

Lười vận động gây nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Đó là:

Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Người không thường xuyên vận động sẽ đốt cháy quá ít calo, khiến các thụ thể Insulin giảm độ nhạy, giảm tiêu thụ lượng đường trong cơ thể.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Thói quen lười vận động khiến năng lượng tích tụ lại trong cơ thể tạo thành mỡ, tăng lượng Cholesterol xấu (LDL) và giảm lượng Cholesterol tốt (HDL), làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Dễ mắc chứng nghẽn mạch và suy tĩnh mạch

Khi bước qua tuổi trung niên cộng với việc ngồi nhiều, lười vận động, bạn sẽ dễ mắc bệnh suy tĩnh mạch ngoại biên, từ đó, dễ hình thành huyết khối ở chân. Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi sẽ làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, với những người ngồi quá lâu, lưu lượng máu chảy về chân giảm đi, làm tăng thêm áp lực trong tĩnh mạch, dẫn tới tình trạng giãn tĩnh mạch, gây đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Làm chậm quá trình trao đổi chất

Quá trình trao đổi chất bị chậm lại do cơ thể không được vận động thường xuyên khiến máu lưu thông chậm, tăng nguy cơ mắc một số vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe.

Dễ gây stress và trầm cảm

Những người lười vận động thường dễ bị stress và trầm cảm do không hoạt động nên cơ thể không giải phóng Endorphin, một dạng Hormone giảm cảm giác đau và tăng cảm giác hạnh phúc.Lười vận động và những lý do cần thay đổi 2Lười vận động dễ gây stress và trầm cảm

Gây béo phì

Lười vận động là nguyên nhân chủ yếu gây thừa cân, béo phì vì lượng calo dư thừa trong cơ thể không được đốt cháy đã dẫn tới tình trạng tích tụ mỡ thừa. Người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, sỏi mật, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư vú, bệnh tim mạch, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng…

Hệ lụy khác 

Đau lưng và vai gáy, giảm tuổi thọ…

Lợi ích của việc vận động

Khi vận động sẽ xảy ra những phản ứng nào?

Khi vận động, mỗi người đã kích thích hàng loạt những phản ứng có lợi cho cơ thể như:

Quá trình trao đổi chất được cải thiện khi máu được bơm nhiều hơn đến các cơ quan.

Tinh thần phấn chấn hơn do não sẽ sản sinh ra những Hormone có lợi cho cơ thể như Endorphin và Oxytocin.

Tăng tính đàn hồi cho cơ bắp và tăng cường sức mạnh.

Nhờ dịch khớp tiết ra nên xương được củng cố, các khớp xương được nuôi dưỡng.

Cơ quan tiêu hóa được kích thích, cải thiện hệ thống miễn dịch, tăng cường bài tiết độc tố…

Khi chúng ta vận động sẽ kích thích khoảng 37,2 nghìn tỷ tế bào của cơ thể hoạt động, tuần hoàn và trao đổi chất. Đồng thời, còn có rất nhiều những lợi ích khác khi cơ thể vận động. Những lợi ích này sẽ được củng cố khi chúng ta có một chế độ tập luyện phù hợp và đều đặn.

Các hệ cơ quan có thay đổi gì khi vận động?

Vận động giúp cải thiện sức khỏe, chống lại bệnh tật, nâng cao ý chí kiên cường, mang lại sự tự tin và có thể kiểm soát được cảm xúc. Khi chúng ta vận động sẽ làm thay đổi các hệ cơ quan như:

Cơ bắp 

Thông qua hệ thống gân và dây chằng, các cơ bắp có thể kết nối với xương. Chúng hoạt động như một đòn bẩy, hỗ trợ cho xương. Khi chúng ta vận động cơ bắp thường xuyên sẽ kích thích các mô cơ phát triển.

Xương

Vận động giúp duy trì xương chắc khỏe, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, giảm tỷ lệ té ngã, gãy xương và tàn tật.

Tâm trí

Khi bạn vận động thường xuyên sẽ giúp tăng lưu lượng máu đến não, kích thích tăng khối lượng não, đặc biệt là ở vùng hải mã liên quan đến trí nhớ và lý luận. Càng lớn tuổi, việc duy trì khối lượng não sẽ ngăn ngừa, làm chậm nguy cơ mất trí nhớ. Các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em và người lớn chăm chỉ tập thể dục sẽ có sức khỏe tinh thần và cảm xúc tốt hơn so với người lười vận động. Vận động giúp giải phóng Endorphin, ngăn ngừa lo lắng và trầm cảm, cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

13 dấu hiệu sức khỏe cho thấy cơ thể đang khỏe mạnh

Tim và phổi

Khi vận động, để cung cấp đủ oxy cho cơ bắp thực hiện chuyển động buộc tim, mạch và phổi sẽ phải làm việc nhiều hơn. Quá trình này giữ cho tĩnh mạch và động mạch linh hoạt, không có mảng bám hoặc cục máu đông. Ngoài ra, khi vận động, hoạt động của tim mạch tăng lên, cho phép bạn làm việc hiệu quả hơn, ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ.

Vận động thế nào cho đúng?

Khi xây dựng chế độ tập luyện, bạn cần chú ý những nguyên tắc sau:

Chọn hình thức luyện tập hợp lý. Dù bạn chọn hình thức vận động nào cũng phải thích hợp với sở thích, độ tuổi, nghề nghiệp và tình trạng sức khỏe. Người có tuổi nên chọn những bài tập luyện nhẹ nhàng, mềm mại như đi bộ, thái cực quyền, dưỡng sinh, yoga… do sức lực cơ bắp đã suy giảm, phản ứng thần kinh chậm chạp, khả năng phối hợp kém linh hoạt. Người trẻ nên chọn những hình thức tập luyện, vận động đòi hỏi nhiều sức lực như chạy xa, chơi bóng rổ, bóng đá… Với những nhân viên bán hàng, đầu bếp… vốn phải đứng lâu khiến tĩnh mạch chi dưới dễ bị dãn thì khi vận động không nên chạy nhảy nhiều mà nên chọn các bài tập ở tư thế  nằm ngửa, giơ cao chân…

Việc luyện tập phải thường xuyên, đều đặn, không gián đoạn và phải kiên trì mới có hiệu quả.

Vận động phải vừa sức. Việc luyện tập chỉ hiệu quả khi bạn cảm thấy thoải mái, tinh thần sảng khoái, huyết áp, tần số mạch dao động không quá mức sau mỗi lần tập luyện.

Vận động phải tự nhiên, theo trình tự. Việc tập luyện phải từ từ, đi từ dễ đến khó, từ nhẹ đến nặng, từ đơn giản đến phức tạp. Tuyệt đối không được nóng vội, chẳng hạn chạy chậm phải đi từ cự ly ngắn đến dài, từ tốc độ rất chậm nhanh dần đến tốc độ vừa phải.

Phải lựa chọn thời gian vận động thích hợp. Tập vào sáng sớm là rất tốt vì không khí buổi sáng tương đối trong lành, nồng độ dưỡng khí nhiều, lượng khí cacbon thấp. Tập vào buổi chiều hoặc buổi tối sẽ giúp cho cơ thể giải tỏa mọi căng thẳng sau một ngày làm việc vất vả nhưng không nên tập quá nhiều vì sẽ khiến hệ thần kinh bị hưng phấn, làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. 

Việc tập luyện cũng nên tránh xa bữa ăn vì nếu tập ngay sau bữa ăn thì sẽ ảnh hưởng không tốt tới hoạt động hấp thu và chuyển hóa của tỳ vị, thậm chí có thể đưa đến những tai biến không đáng có.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 20

Post Views: 350