CN0342.Nhiều trẻ mắc hội chứng Tic do xem nhiều tivi, điện thoại

CN0342.Nhiều trẻ mắc hội chứng Tic do xem nhiều tivi, điện thoại

Nhiều trẻ mắc hội chứng Tic do xem nhiều tivi, điện thoại – VnExpress Sức khỏe

Nhiều trẻ mắc hội chứng Tic do xem nhiều tivi, điện thoại

TP HCMBệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận gần đây nhiều trẻ đột ngột bị giật mắt, miệng, lắc cổ, gật đầu vô thức, chẩn đoán mắc hội chứng Tic do xem nhiều tivi, điện thoại.

Bác sĩ Lý Hiển Khánh, Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết trước đây viện chỉ tiếp nhận 1-2 trường hợp, nay trung bình mỗi ngày khám và điều trị 5-6 trẻ mắc hội chứng Tic.

Hội chứng Tic là các cử động hoặc phát âm xuất hiện bất thường, lặp đi lặp lại mất kiểm soát. Tần suất, cường độ và thời gian giật các cơ ở từng trẻ khác nhau, thường xảy ra ở trẻ dưới 18 tuổi, trầm trọng ở tuổi 11-12. Các triệu chứng xảy ra ở cơ vận động được gọi là Tic vận động, xảy ra ở cơ hô hấp thì gọi là Tic âm thanh.

Biểu hiện bệnh là nháy mắt, hóp mũi…, một số cháu triệu chứng là thở dài, lẩm bẩm, tặc lưỡi, hắng giọng, la hét, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm. Trẻ bệnh nặng sẽ nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy, hoặc nói các từ, câu lặp và không phù hợp bối cảnh.

Như chị Vân (ở quận 10), sáng 18/11 đưa con ra khỏi phòng khám Nhiễm – Thần kinh, gương mặt buồn, mồ hôi đổ thành dòng khiến mái tóc chị bết lại. Cầm khăn lau mặt, người mẹ như nghẹn, cho biết bác sĩ chẩn đoán con trai 8 tuổi của chị mắc hội chứng Tic.

Trước đó một tuần, bé đang bình thường bỗng xuất hiện các biểu hiện lạ như liên tục giật mắt, gật đầu, thỉnh thoảng lẩm bẩm một mình. Ban đầu chị nghĩ chỉ là hành động thoáng qua của trẻ nhỏ, nhưng các biểu hiện ngày càng dày đặc, chị nghỉ làm đưa con đi khám “cho ra bệnh”. “Bác sĩ nói con tôi bị như vầy là do xem tivi và điện thoại nhiều quá, cần phải hạn chế”, chị Vân nói.

Tương tự, anh Hà (ngụ Đồng Nai) đưa con gái 9 tuổi đến viện khám với các triệu chứng như nháy mắt, la hét, lắc đầu. Người cha kể thời gian Covid, con phải học online tại nhà nên đã quen với việc sử dụng các thiết bị điện tử. Đến nay, gia đình anh vẫn duy trì cho con học các môn khoa học và năng khiếu khác trên mạng nên không quản lý giờ giấc.

Gần đây, anh Hà phát hiện con mình bắt đầu cuốn theo các trào lưu trên TikTok, cứ đi học về là ôm điện thoại xem. Hai tuần nay, bé bị giật mắt, la hét liên tục. “Cô giáo nói con ở trường cũng có các biểu hiện lạ như vậy nên tôi đưa đi khám, bác sĩ nói con mắc hội chứng Tic rồi”, người đàn ông chia sẻ.

Anh Hà, chị Vân là hai trong nhiều phụ huynh đưa con đến khám tại phòng khám thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 với các biểu hiện tương tự.

Bệnh nhân chờ khám trước phòng khám thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Mỹ Ý

Khi trẻ mắc các dấu hiệu trên, phụ huynh lo lắng bị viêm não hoặc co giật nên đưa đi khám. Tuy nhiên, bác sĩ Khánh nhấn mạnh trẻ mắc hội chứng Tic không bị ảnh hưởng tri giác, ý thức vẫn tỉnh táo bình thường. Nguyên nhân số trẻ mắc hội chứng này gần đây gia tăng có thể do thời gian giãn cách xã hội, trẻ ở nhà và tiếp xúc màn hình máy tính, điện thoại, tivi quá nhiều. Bệnh có thể điều trị, các rối loạn sẽ biến mất khi trẻ lớn, song rất dễ tái phát.

“Hướng điều trị thường được khuyến cáo nhất là dùng mẹo. Khi trẻ bị giật, cần đánh lạc hướng sự chú ý, cho trẻ đếm số, chạy bộ, nhảy dây để bộ não không tập trung vào các cơ đang bị giật nữa”, bác sĩ Khánh nói.

Những trường hợp mắc hội chứng Tic nên vào viện để được bác sĩ kiểm tra chuyên sâu hơn. Trẻ thường tằng hắng, la hét ở lớp học ảnh hưởng đến môi trường học tập thì sẽ được kê thuốc. Trường hợp trẻ không đáp ứng thuốc hoặc không đủ liều lượng khiến bệnh trầm trọng hơn, cần nhập viện điều trị.

Bệnh nhân khám tại Phòng khám Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Mỹ Ý

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị Tâm lý, Bệnh Viện Nhi Đồng Thành phố, khuyến cáo sự thấu hiểu và đồng hành của cha mẹ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ ứng phó với hội chứng này. Theo đó, gia đình không nên phê phán trẻ và đảm bảo sự hỗ trợ, trấn an cần thiết.

Phụ huynh cũng không căng thẳng, stress vì các biểu hiện lạ của con, bởi sự tức tối của người lớn có thể lây nhiễm sang con trẻ khiến bệnh nặng hơn. Ngoài ra, bố mẹ dành thời gian tương tác, giao tiếp với trẻ, hạn chế tiếp xúc thiết bị điện tử, tăng cường vận động…, sẽ giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực.

“Sự thông cảm, kiên nhẫn của gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc trấn an và giúp trẻ gia tăng nhận thức về giá trị bản thân, đặc biệt trong giai đoạn thử thách này”, bà Nghi khuyên.

Mỹ Ý

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 22

Post Views: 315