CN0396.GÓC NHÌN CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI THÚ NUÔI CHIM CẢNH

GÓC NHÌN CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI THÚ NUÔI CHIM CẢNH

Cách đây hơn 2500 năm, với sự xuất hiện của đức Phật Sakyamuni, đạo Phật đã ra đời và mang đến cho con người sự hiểu biết hoàn toàn mới trên nền tảng của luật Nhân Quả về nhân sinh quan, vũ trụ quan và ý nghĩa của đạo đức thiện pháp đối với sự tồn tại của mỗi người và mọi sự sống quanh chúng ta. Đạo Phật không phải là tôn giáo mà là nền đạo đức quý giá của nhân loại, thông qua việc mang đến hiểu biết chính xác về luật Nhân Quả, Phật giáo giúp con người hiểu biết đúng về sự vận hành của nhân quả và từ đó sống có đạo đức, luôn ý thức nhắc nhở bản thân gieo nhân hành động thiện và từ đó gặt hái kết quả thiện, nhờ vậy đời sống của mỗi người bớt dần và hết khổ đau, đồng thời mang đến an vui cho mọi người và muôn loài sự sống khác.

Hành động thiện là hành động không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ mọi sự sống. Mỗi hành động của một người – cho dù rất nhỏ – trong đời sống đều tạo ra nhân, và nhân đó khi đủ duyên sẽ mang đến quả, đó là lý do vì sao đức Phật dạy con người về đạo đức Hiếu Sinh, yêu thương bình đẳng với bản thân, với mọi người, với các loài động vật, thực vật cũng như mọi sự sống trên hành tinh này. Gieo nhân yêu thương bình đẳng thì luôn được sống trong tình thương yêu và hạnh phúc chân thật.

Đức Hiếu Sinh của đạo Phật dạy cho con người luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và của sự sống khác để tư duy và tìm mọi cách để tránh gây đau khổ cho con người và các sự sống trong khi chúng ta thực hiện các hành động tìm cầu niềm vui và hạnh phúc cho bản thân mình.

Thú nuôi chim cảnh

Nhưng cái lồng cho dù có to đẹp và đắt tiền cũng không thay thế được cho cánh rừng rộng lớn với cây xanh và không gian tự do không ràng buộc vốn là môi trường sống tự nhiên của loài chim. Cái lồng chính là nhà giam của những con chim. Thử đặt mình vào hoàn cảnh tương tự, chúng ta đang tự do sống cuộc sống của mình, thích du lịch đến nơi nào thì thoải mái đi đến nơi đó để thưởng thức và trải nghiệm, có thể làm những điều mình thích, tuy vất vả kiếm sống nhưng được làm chủ đời sống của mình, đột nhiên một ngày bị người khác vô cớ bắt nhốt vào một căn phòng nhỏ, cho ăn mặc đầy đủ không thiếu gì nhưng không được ra khỏi căn phòng đó thì chúng ta sẽ cảm thấy khổ sở đến mức nào (ví dụ: trong tình hình dịch Covid-19 phải cách ly xã hội và hạn chế ra khỏi nhà có vài ba tuần mà rất nhiều người đã cảm thấy bức bách, tù túng không chịu nổi)? Giá trị của tự do không vật chất nào có thể thay thế được, tự do là quan trọng đối với con người chúng ta thì cũng quan trọng với mọi loài sự sống khác. Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử nhiều ngàn năm của dân tộc Việt Nam, ông cha chúng ta chấp nhận hy sinh xương máu của mình trên mảnh đất quê hương để bằng mọi giá giữ lấy tự do và độc lập, để con cháu chúng ta có thể ngẩng cao đầu làm người dân của đất nước có chủ quyền có tự do, chứ không chịu cúi đầu làm nô lệ cho người sai bảo. Tự do đáng trân quý đến như vậy! Đối với chúng ta tự do quý giá như thế thì đối với mọi sự sống khác, khao khát tự do của chúng cũng không ít hơn, mặc dù chúng ta không hiểu ngôn ngữ của chúng, nhưng lòng mong cầu tự do và mong muốn được yên ổn sống là điều mà mọi sự sống chắc chắn đều hướng đến. Chính vì thế, đức Hiếu Sinh của Phật giáo dạy con người thương yêu bình đẳng với mọi sự sống và mọi sự sống là bình đẳng trước Luật Nhân Quả.

Không nói đến những ai chỉ coi loài chim như hàng hóa kiếm lợi và những người không quan tâm đến cảm nhận của sự sống khác, nếu những người nuôi chim cảnh thực sự thương yêu những con chim mình nuôi thì nên suy ngẫm về điều này. Nếu đủ thương yêu thì hãy mở cửa lồng để chúng lựa chọn: tự do bay đi hay quyến luyến ở lại với họ (trong thực tế cũng có trường hợp có những con chim có duyên sâu nặng với người nuôi mà tự nguyện ở lại). Yêu thương chân thật là để người hay vật mà chúng ta yêu thương được sống đúng với nguyện vọng chân chính của họ. Tình yêu vạn vật là tình yêu để cho mọi sự thuận tự nhiên và thuận theo lẽ sống của muôn loài. Có thể sẽ có người nói rằng, nếu thả ra thì chúng sẽ bị săn bắt, bị loài khác giết…, thực ra mọi sự sống có sinh thì cũng sẽ có diệt, không có sự sống nào là vĩnh viễn, nhưng ra đi trong tự do vẫn hạnh phúc hơn là có ăn trong cảnh giam cầm nô lệ.

Cần phải làm gì để gieo “Nhân” thiện tránh “Quả” ác

Khi đã bắt đầu hiểu về đức Hiếu Sinh và nhân quả, chúng ta nên lập tức chấm dứt thú vui nuôi chim cảnh tưởng chừng như tao nhã nhưng bản chất là kìm hãm sự tự do của loài khác này. Trả lại tự do cho loài chim chính là thực hành lòng thương yêu chân thật, bồi đắp thêm cho nhân cách cao thượng trong tâm hồn, tạo từ trường nghiệp lực thiện và mang lại an vui và hạnh phúc chân thật cho đời sống của chính mình ngay trong hiện tại và tương lai.

Ngược lại, nếu đã biết là điều vô lương tâm mà vẫn tiếp tục làm thì chúng ta sẽ dần đánh mất đi lương tri của mình

Khi mất lương tri, con người sẽ làm nhiều điều vô lương tâm, rồi lại tạo đau khổ cho chính mình, cho người khác và các sự sống, từ đó bi kịch cứ thế tiếp diễn trong vòng tuần hoàn không dứt của nhân quả khổ đau.

Như vậy, mọi người nói chung và các Phật tử nói riêng cần nhắc nhở bản thân mình không nên thực hành thú nuôi chim cảnh này, không mua tặng và không khuyến khích người khác làm, đồng thời khi đủ duyên thì chia sẻ với nhiều người về bản chất “tạo nghiệp” của việc nuôi chim cảnh trên cơ sở hiểu biết về luật Nhân Quả và đạo đức Hiếu Sinh như đã nói ở trên, nhờ đó mọi người dần có hiểu biết đúng để thay đổi hành động.

Để thay thế cho việc nuôi chim cảnh, hiện nay có đa dạng cách thức và hoạt động có thể mang đến niềm vui cho con người và đồng thời thay thế cho việc nuôi chim cảnh, ví dụ: nếu chúng ta yêu thích âm thanh tiếng hót của loài chim, chúng ta có thể dùng âm nhạc để thay thế, lắng nghe những bản nhạc của tự nhiên đã được ghi âm lại; hoặc nếu chúng ta yêu thích hình ảnh của những loài chim, chúng ta có thể tìm đến với nghệ thuật nhiếp ảnh và hội họa, thậm chí có thể tự sáng tác ra những hình ảnh mình yêu thích; và nếu chúng ta thực sự yêu thương các loài chim muông, chúng ta có thể chung tay với những tổ chức chuyên bảo vệ các loài chim và động vật tự nhiên, góp sức duy trì các khu bảo tồn chim thú trong tự nhiên, bỏ công tìm hiểu để có hiểu biết đa dạng chuẩn xác và truyền cảm hứng đến cho nhiều người trong cộng đồng để cùng chung tay làm điều tốt. Và khi làm như vậy chúng ta sẽ thường xuyên được nhìn thấy những loài chim bay lượn trên bầu trời và tiếng chim hót lại vang lên trong các cánh rừng của Việt Nam.

Đại dịch SARS-CoV-2 – Quả đắng của thiên nhiên trả lại con người

Ngoài những hiểu biết trên nền tảng về luật Nhân Quả và đức Hiếu Sinh như đã nói trên, trên phương diện hiểu biết tự nhiên và khoa học, chúng ta cũng nên hiểu rằng, loài chim cũng như mọi sự sống xuất hiện trên hành tinh này đều có ý nghĩa đặc biệt riêng của chúng trong việc cân bằng hệ sinh thái, mỗi giống loài đều là một mắt xích không thể thiếu trong việc duy trì thế giới tự nhiên và có ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người. Chúng ta cũng cần hiểu rằng, sự sống của các loài chim, thú và sinh vật trong tự nhiên không phải để phục vụ thỏa mãn cho thính giác, thị giác và những ham muốn ích kỷ của con người. Sự ngạo mạn của con người khi đối xử không công bằng với tự nhiên và các giống loài khác chỉ mang đến cho con người những hậu quả đau thương, lịch sử nhân loại đã có nhiều bài học và sự xuất hiện gần đây của một số bệnh dịch lớn cũng là một ví dụ sống động cho chúng ta: như dịch bệnh virus Ebola, dịch cúm gia cầm, và gần đây nhất là đại dịch chưa có thuốc chữa SARS-CoV-2. Các chuyên gia y tế trên thế giới đang nghi ngờ loài tê tê và dơi là vật trung gian truyền vi rút corona tới con người gây ra đại dịch SAR-COV-2. SAR-COV-2 hiện đang lấy đi nhiều mạng sống tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục, mang đến sự sợ hãi trên khắp thế giới, bệnh dịch kéo dài gây ra những hậu quả nặng nề cho đời sống của con người trên nhiều phương diện từ sức khỏe thể chất và tinh thần cho đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội.

Chúng ta cần hiểu những bài học đến từ tự nhiên này về bản chất là sự vận hành của luật nhân quả, chính vì thế con người chúng ta cần học cách chung sống hài hòa và tôn trọng mọi loài sự sống. Còn nếu con người cố tình không chịu thay đổi cách thức sống và hành động thì luật Nhân Quả sẽ tiếp tục mang đến cho nhân loại những bài học đau thương khác. Vì thế, chỉ có cách duy nhất là hiểu cho đúng về nhân quả và sống với các hành động thiện với đạo đức Hiếu Sinh, không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ chúng sinh, thì đời sống của từng cá nhân, của cộng đồng và xã hội sẽ được đảm bảo trong bình yên và hạnh phúc chân thật.

Thượng tọa Thích Thanh Huân

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 26

Post Views: 301