Cuộc sống có muôn hình vạn trạng, muôn màu muôn vẻ. Chúng ta chỉ là những con người nhỏ bé, đứng trước số phận khó có thể làm được thay đổi gì lớn lao. Không phải lúc nào bản thân cũng chỉ biết đến một con đường mà đi tới, không thay đổi phương pháp khi gặp thất bại.
Ông bà ta có câu “Liệu cơm gắp mắm”, tùy vào hoàn cảnh mà mỗi chúng ta phải có cách ứng xử cho phù hợp. Có như vậy, bạn mới đi được đường dài và đường xa.
Mỗi câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam đều mang đến cho con người ta một lời khuyên ý nghĩa nào đó. Riêng về câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm”, đây là một câu tục ngữ khá quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Nó xuất phát từ lời dạy của ông bà trên bàn ăn, tùy theo lượng cơm nhiều hay ít mà gắp thức ăn cho phù hợp. Cơm còn nhiều thì gắp mắm nhiều, cơm còn ít mà gắp mắm nhiều ăn sẽ bị mặn.
Giống như trong đời sống hàng ngày, chúng ta cần căn cứ và hoàn cảnh thực tại mà có hướng giải quyết cho phù hợp. Ví như gia đình đang khó khăn thì bạn cũng cần tiết kiệm chi tiêu, bớt mua sắm những thứ linh tinh lại. Còn trường hợp tiền bạc dư dả, bạn có thể chi nhiều một chút cho việc sắm sửa hoặc chăm sóc bản thân. Tóm lại, chúng ta phải suy xét hoàn cảnh hiện tại rồi dựa vào đó mà giải quyết vấn đề của mình.
Cho dù cả núi vàng núi bạc mà ăn mãi thì cũng có ngày vơi cạn. Cuộc sống không ai nói trước được điều gì. Người biết tính toán, có tâm thế chuẩn bị mọi thứ chu toàn thì cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. Còn cứ mãi làm việc theo cảm tính, chờ chuyện xảy ra quá xa mới tìm cách cứu vãn thì tỉ lệ thành công hiếm khi nào cao.
Để có thể giải quyết được mọi vấn đề, chúng ta bắt buộc phải hiểu được bản chất của sự việc cũng như hiểu được người đối diện là ai. Xưa nay, ông bà ta vẫn luôn khuyên con cháu “Đừng trông mặt mà bắt hình dong”. Câu tục ngữ này tới nay vẫn là một lời dạy ý nghĩa và bổ ích. Nhiều người nhìn vậy chứ không phải vậy. Trông đứng đắn, đạo mạo chưa chắc đã là người tốt, ngược lại trông giản dị, tùy hứng có khi lại là chân nhân.
Xem thêm bài viết tham khảo “Đừng trông mặt mà bắt hình dong”
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta phải đối mặt với rất nhiều chuyện, gặp gỡ rất nhiều người. Có những câu chuyện vui nhưng cũng không thiếu những câu chuyện buồn. Có những lần may mắn mang đến, cũng có lần vận xui đeo đuổi. Tất cả chúng ta đều phải trải qua những chuyện như vậy nên bạn cũng đừng quá bận tâm. Đó chẳng qua chỉ là quy luật của cuộc sống thôi mà.
Ông bà ta dạy “Liệu cơm gắp mắm” thường xuất phát từ nghĩa tính toán chi tiêu hợp lý, không để bị hụt hẫng. Vì cuộc sống khó khăn, người biết lo lắng chu toàn thfi cuộc sống sẽ đỡ vất vả. Đây là câu chuyện quen thuộc và thường thấy trong các gia đình. Phải hiểu được gia cảnh của mình, dù có chút tiền cũng đừng “vung tay quá trán” kẻo mang nợ vào người.
Bác tôi tổ chức đám cưới cho anh trai, điều kiện gia đình không tệ nhưng cũng không phải giàu có. Mặc dù đám cưới đời người chỉ có một lần, không thể làm sơ sài nhưng làm quá long trọng thì lại không có khả năng. Vậy mà, anh trai tôi yêu cầu rất nhiều, biến nó thành một đám cưới xa hoa và chấp nhận mượn nợ để đổi lấy sĩ diện.
Lúc ấy, bác tôi chỉ lắc đầu ngao ngán, khuyên anh tôi “Liệu cơm gắp mắm” mà làm. Cái quan trọng ở đây là gì thì anh ấy lại không hiểu. Những ánh mắt ngưỡng mộ hay những lời tán thưởng bên ngoài cũng đâu quan trọng bằng hạnh phúc của mình. Một đám cưới ấm cúng, đơn giản có đầy đủ lễ nghi, họ hàng chúc tụng đã là vui. Nhưng cuối cùng, anh tôi vẫn nhất quyết làm theo ý mình.
Kết quả là bây giờ, vợ chồng trẻ phải làm ngày làm đêm, ăn uống tiết kiệm để bù lại số tiền đó. Áp lực của họ còn nặng hơn khi thành viên mới sắp chào đời. Đúng là cái giá của việc ham sĩ diện hảo. Lúc này, chỉ có bản thân mình tự cứu nổi mình chứ chẳng thể trông chờ vào ai. Nghĩ một nhưng lại không nghĩ mười, đây cũng là bài học cho chúng ta nhìn lại bản thân mình.
Ngược lại cũng là chuyện đám cưới nhưng người khác biết hoàn cảnh của mình. Tổ chức một cách vừa phải, niềm vui và hạnh phúc nhân đôi. Sau đám cưới, họ còn dư một khoản tiền để trang trải cho công việc sinh hoạt hàng ngày. Tất nhiên, mỗi người đều có tính toán của riêng mình. Chỉ là, bạn đã chọn điều gì thì nhất định phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó.
Xem thêm bài viết tham khảo “Một người biết lo bằng kho người làm”
Nếu chúng ta biết cách lo liệu, tính toán chi tiết mọi chuyện thì có thể lường trước khó khăn và đưa ra cách giải quyết phù hợp. Cuộc sống mỗi ngày biến đổi không ngừng, chúng ta phải linh hoạt và tìm cách để mọi chuyện luôn đi vào quỹ đạo vốn có của nó.
Hôm nay, chúng ta có thể sai nhưng ngày mai đừng để phải mắc phải sai lầm tương tự. Thật ra, sự nỗ lực của bản thân có thể khiến bạn kinh ngạc đấy. Bình tĩnh giải quyết mọi chuyện rồi tất cả cũng sẽ ổn thôi.
Những câu tục ngữ của ông bà ta truyền dạy lại đều mang những ý nghĩa bổ ích, là hành trang quý báu để con người ta tự tin bước vào đời. Chúng ta sống như thế nào chỉ có thể là do bản thân quyết định, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay số phận. Nếu bạn là người thông minh, hãy tận dụng sự thông minh đó. Còn nếu bạn không được thông minh, hãy phấn đấu hết sức mình. Tôi tin rằng, mỗi chúng ta đều có những khả năng riêng biệt và mọi chuyện sẽ dần tốt đẹp hơn khi bạn tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống và cố gắng đạt được nó.
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 29