CN0805.Tâm bố thí: Của cho không bằng cách cho – Quảng Tánh

Tâm bố thí: Của cho không bằng cách cho (vuonhoaphatgiao.com)

Tâm bố thí: Của cho không bằng cách cho

Ai cũng biết bố thí là san sẻ, cho đi một phần những gì mình có. Bố thí thì được phước. Nhưng để bố thí đúng pháp, có kết quả tốt, phước báo đủ đầy thì không phải ai cũng biết và ứng dụng thực hành.

Người xưa cũng khái quát được vấn đề bằng câu “Của cho không bằng cách cho”. Cho đi là quý nhưng không phải cho suông mà đó là hiến tặng người với tấc lòng trân trọng. Gọi bố thí cho người có giới đức là cúng dường cũng không ngoài ý này.

Người Phật tử thực hành bố thí đúng pháp không bao giờ cho suông mà phải dụng tâm. Hiểu một cách đơn giản, dụng tâm nghĩa là khi bố thí cần hiểu và thấy rõ, chánh niệm cao độ với việc mình đang làm. Cho nhiều hay ít, tốt hay xấu không mấy quan trọng. Điều cần thiết là hãy cho bằng cả tấm lòng, nghĩa cử trân trọng và cung kính, nguyện với lòng tăng trưởng thiện pháp này cho cuộc đời thêm vui, thấy rõ và tin tưởng vào phước báo của việc lành đang làm, trước -trong – sau khi bố thí tâm đều hoan hỷ, chính là dụng tâm bố thí.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ trưởng giả Cấp Cô Độc đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Thế Tôn hỏi trưởng giả:

– Thế nào trưởng giả, trong nhà ông cũng thường bố thí chứ?

Trưởng giả bạch Phật:

– Nhà con bây giờ nghèo mà cũng thường bố thí. Nhưng thức ăn uống xấu tệ, không bằng lúc thường.

Thế Tôn bảo:

– Nếu lúc bố thí, hoặc tốt hay xấu, dù nhiều hay ít mà không dùng tâm ý, cũng không phát nguyện, lại không có lòng tin nên do quả báo của việc làm này mà sanh ra không được thức ăn ngon, ý không ưa vui, ý lại cũng không thích mặc quần áo đẹp, cũng không thích gia nghiệp ruộng vườn tốt, tâm cũng không vui ngũ dục. Cho dù có nô tỳ, đầy tớ, họ cũng không biết vâng lời. Vì sao thế? Chính vì trong lúc bố thí không dụng tâm, nên chịu quả báo này.

Nếu lúc trưởng giả bố thí, dù tốt hay xấu, nhiều hay ít, nên chí thành dụng tâm, chớ có làm tổn phí thêm cầu đò đời sau. Như thế nếu sanh ở đâu trưởng giả cũng có thức ăn uống tự nhiên, bảy báu đầy đủ, tâm thường vui trong ngũ dục. Cho dù có nô tỳ, đầy tớ, họ đều biết vâng lời. Sở dĩ như thế là vì trong lúc bố thí, có phát lòng hoan hỷ”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tứ đế [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.17)
LỜI BÌNH :

Pháp thoại này cho thấy, khi đại thí chủ Cấp Cô Độc bố thí gần hết gia sản của mình, ông vẫn nhiệt tình san sẻ nhưng lòng không vui vì những gì mình đem cho không được nhiều và tốt đẹp như xưa. Giống như phần lớn chúng ta ngày nay, cũng muốn hùn phước cúng dường, muốn san sẻ gì đó đến mọi người nhưng chợt ái ngại, băn khoăn vì cái mình sắp cho không lớn, không tốt, không nhiều… như những người khác. Không có gì phải ái ngại cả, chỉ cần dụng tâm bố thí thì phước báo vẫn đủ đầy.

Điều cần lưu ý là, có một số người thường bố thí những tài vật với giá trị lớn nhưng hiện thực đời sống của họ lại không mấy an vui. Vì sao? Vì bố thí mà thiếu dụng tâm, nói nôm na là cho thì có mà tu thì không. Họ bố thí vì tự ngã, chứng tỏ mình làm thiện nhiều để đánh bóng tên tuổi, tăng thêm uy tín cho mình. Bố thí vì miễn cưỡng phải làm, vì thương hại. Bố thí rồi tiếc nuối, nghi ngờ. Bố thí vì tài vật bất chính thu được quá nhiều, như một hình thức khác của “rửa tiền” v.v… Những cách bố thí như vậy cũng có phước nhưng chắc chắn không nhiều và đời sống không mấy an vui.

Cho nên, người đệ tử Phật tu tập hạnh bố thí cần dụng tâm, không ngại ít nhiều, chỉ đem hết lòng thành bố thí để trước, trong và sau khi bố thí thân tâm đều thanh tịnh, hoan hỷ.
Thích Quảng Tánh – Vườn hoa Phật giáo

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 14

Post Views: 244