Duyên kỳ ngộ

Hai hôm trước có viết ước rằng được gặp La-hán để chuyện trò, bất ngờ hôm qua không gặp La-hán mà lại gặp hai vị thiền sư. Một ông nghiêm túc, trầm ngâm, lý luận sắc bén như La-hán Khoái nhĩ, La-hán trầm tư, còn một ông thì như Tế điên trong truyền thuyết của Tàu, y áo xộc xệch, nói chuyện, tới lui lăng xăng. Thật lạ…

Nguyên cũng do chiếc điện thoại di động mà ra. Khi chở gạo cúng dường đến chùa thứ ba thì phát hiện trong túi áo không có chiếc điện thoại, hồi đi bà xã có nhắc nhớ đem theo mà, sao giờ nó mất tiêu rồi. Sau một hồi lục hết túi này tới túi nọ, chợt nghĩ hay là rớt ở chùa cúng dường gạo đầu tiên. Nghĩ vậy, sau khi giao gạo và cúng dường tiền cho chùa thứ ba xong,  tôi vội chạy xe về chùa đã đến đầu tiên xem sao, hy vọng là nó rớt ở đó. Ôi, Phật, Bồ-tát ơi, con đi cúng chùa mà sao để con mất của thế này. Cái điện thoại giá bèo bốn trăm ngàn, xài hơn 5 năm, màn hình sọc ngang gần hết thấy chữ, số, cũng đáng mất cho rồi nhưng ngặt một nỗi nó lưu cả đống số điện thoại của bạn bè, thân thích, con cháu tùm lum, mất rồi là rối lắm đây. Ôi trời ơi. Rầu thúi ruột…

Vừa đi, vừa rầu vì cái sự rắc rối mất điện thoại, chợt nghĩ giá mà mượn được điện thoại ai đó để gọi vào số máy của mình xem hiện giờ nó đang ở đâu để tiện tìm, nếu nó im lặng luôn là lọt vào tay người khác, là kẻ xấu nhặt của rơi không trả lại mà làm của riêng, thì đành chịu. Thoắt cái đã trở lại đến chùa đầu. Cũng vừa may vừa lạ, có một thanh niên một tay kéo chiếc xe kéo đi ngang cổng chùa, một tay cầm chiếc điện thoại quơ quơ trong không khí như khoe mình có điện thoại di động xịn vậy. Thấy dịp may tới, vội chạy ra chặn đầu xe anh ta hỏi nhờ gọi số điện thoại giùm, anh ta vui vẻ đồng ý liền, rồi đưa điện thoại cho, biểu nhấn gọi đi. Tôi cầm cái điện thoại đời mới, không biết cách dùng, trả lại anh ta, anh ta biểu đọc số rồi nhấn gọi, khi chuông đổ thì đưa cho nghe. Thật mừng hết lớn khi nghe tiếng bà xã trả lời, thì ra bỏ máy ở nhà mà cứ tưởng mang theo. Ôi, cái tuổi già lú lẫn.

Sau khi cám ơn rối rít người thanh niên tốt bụng, vui mừng vì thoát khỏi sự rắc rối mất điện thoại,  tôi hứng chí chạy luôn vào hậu liêu chùa tìm thầy trụ trì vì lúc nãy thầy đi vắng, giờ tìm xem có gặp được không. Đến nơi, cảnh vật vắng hoe, kêu thầy ơi thầy hỡi không ai trả lời, bèn lấy máy ra chụp vài tấm ảnh vì cảnh đẹp và thanh tịnh quá. Loay hoay chụp ảnh chợt nhìn sang một góc nhà thấy có một vị Tỳ-kheo nằm võng, đang nhìn mình. Giật mình đến chắp tay xá chào, vị Tỳ-kheo đó dậy đi pha trà mời uống, vừa pha trà thầy vừa nói ở chùa T.C mới xuống tới, chưa gặp sư trụ trì vì sư trụ trì đi công tác Phật sự.

Sau khi rót trà mời, vị thiền sư hỏi đến chùa có việc gì, tôi trả lời là hôm nay có đến cúng dường bao gạo cho chùa rồi đi cúng tiếp hai ngôi chùa khác, vì tưởng mất điện thoại nên quay lại đây tìm, không ngờ được gặp thầy, chắc là do duyên đưa đẩy.

Vị thiền sư hỏi:

– Thế có tìm được không?

– Dạ, không có mất, cứ tưởng đem theo nhưng nó ở nhà.

 Vị thiền sư lại hỏi:

– Đi cúng dường, làm Phật sự có vui không?

– Dạ vui khi thấy người vui, xong về quên hết.

– Vậy tốt, thực sự làm Phật sự chỉ là phước báo thế gian, phải biết mục đích của tu hành chứ không phải làm Phật sự là tu hành.

– Dạ, em hiểu.

– Chú là người làm nghề y, có trí tuệ, thế chú định nghĩa trí tuệ là thế nào?

Ngạc nhiên, ôi, sao ổng biết mình làm ngành y!

– Dạ, có nghe nhiều về từ này, nghe riết quen nên không suy nghĩ nó là gì, nhờ thầy dạy cho em.

– Đơn giản thôi, là thấy biết đúng.

– Dạ.

Thiền sư cầm cái ly uống trà lên hỏi:

– Cái này là cái gì?

– Dạ, cái ly.

– Thế nó có phải là cái ly không?

– Dạ, tại gọi nó là cái ly nên nó là cái ly, chứ thật ra nó không phải là cái ly, nó chỉ là duyên hợp của cát đá, hóa chất nhiệt mà nên hình thành hình dạng như vậy.

–  Đúng vậy, cũng như kia cái cột, cái nhà, cái bàn, cái ghế, ta đặt tên, cảm nhận và với tâm sở hữu nên nhận giả làm chơn, ngay cả thân thể ta vốn nhơ nhớp từ trong ra ngoài vẫn lầm nhận là trân quý, thơm tho, sạch sẽ…, tất cả từ tâm ái thủ mà ra. Phải biết sự chơn giả mà buông bỏ để quay về tánh chân thật hằng thường.

– Dạ.

Vị thiền sư cầm một lọ không lên hỏi:

– Sắc chứa hư không hay hư không chứa sắc?

Vã mồ hôi:

– Dạ, sắc chứa hư không.

– Sai, hư không chứa sắc chứ sắc sao chứa hư không! Ngoài vũ trụ bao la, các thiên thể thiên hà đầy dẫy nhưng hư không thì vô cùng, vô tận nên hư không chứa sắc.

– Dạ, tại em nghĩ khi thấy còn có khái niệm về sắc và hư không thì hư không là một khái niệm nên nó vẫn là sắc. Chừng nào không còn tâm phân biệt thì hư không mới chứa sắc.

Thiền sư, cười: Cãi bậy nhưng cũng có lý luận.

– Hi hi.

Thiền sư lại hỏi:

– Công phu chú tu tập thế nào?

– Dạ, hàng đêm lạy Phật, niệm Phật, tọa thiền, tụng kinh, trì chú.

– Thế có an lạc không? Tâm có định chưa?

– Dạ chưa, chỉ an lạc chút chút, còn tâm chưa định, nó như con trâu nhảy lung tung thầy ơi!

Thiền sư hỏi:

– Thế có biết vì sao tâm chưa định?

– Dạ, vì em khác các vị xuất gia, còn lo toan nhiều chuyện, có khi đang trì chú, tọa thiền lại nhớ chuyện này, chuyện kia, lo cái ăn, cái mặc, lo chuyện họ hàng thân quyến bệnh hoạn, chết chóc nên tâm còn lăng xăng, khi ở chỗ này, khi về chỗ khác…, thỉnh thoảng biết nó chạy lung tung, rầy nó thì nó quay lại.

– Tâm không định vì bình thường, trong sinh hoạt hàng ngày không biết mình đang làm gì.

– Dạ, sao ạ?

– Chú có biết quét rác, rửa chén, lau nhà… không?

– Dạ biết.

– Khi chú làm những việc như vậy, chú có biết là chú đang làm việc đó không?

– Dạ, khi biết, khi không, có khi rửa chén, quét nhà lại nghĩ đến chuyện cắt cỏ vườn, bón phân cho cây, hoặc nghĩ sắp đi đây, đi đó.

– Đấy chính là việc chú cần chú ý, biết việc mình đang làm, đừng để đầu óc lan man, rong ruổi đâu đâu. Từ cái việc biết việc mình đang làm, sẽ giúp chú dễ đạt được tâm định.

– Dạ, thầy nhắc em mới nhớ chuyện một vị Tỳ-kheo ám độn thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, Phật đã dạy cho vị Tỳ-kheo chỉ hai chữ cần nhớ, nói và thực hành là hai từ quét rác.

Vị thiền sư cười:

– Thì là vậy.

– Nhưng thầy ơi, dù thế nào đi nữa, tâm em vẫn khó định vì thấy số phận, định mệnh của mình hẩm hiu quá, bao nhiêu điều không may cứ đổ vào cuộc sống nên nhìn đời thấy chẳng vui.

– Sai rồi, đừng nói là định mạng hay số phận vì nó quá bi quan, tất cả buồn vui, hạnh phúc, khổ đau của ta, của người đều từ luật nhân quả mà ra. Biết nhân quả, gieo nhân nào, gặp quả đó, có thể thay đổi số phần, định mệnh. Bỏ từ định mệnh đi, cuộc sống sẽ vui, hạnh phúc hơn vì ta biết con đường phải đi, việc phải làm.

Thiền sư lại hỏi:

– Chú nói niệm Phật hàng ngày, chú niệm những gì, niệm như thế nào?

– Dạ, đọc lục tự Nam-mô A Di Đà Phật! Niệm lúc không phải làm việc gì,  niệm lúc đi, đứng, nằm, ngồi, niệm lúc tọa thiền vì người tọa thiền mà niệm Phật như hổ thêm cánh, như rồng trên mây, diệu dụng vô biên….

Thiền sư đột nhiên hỏi:

– Chú có con không?

– Dạ có, một đứa.

– Thế đứa con đó suốt ngày đêm cứ kêu réo chú hoài, chú chịu nổi không?

– Dạ, không, chắc bực mình.

– Vậy thì niệm Phật cũng vậy, niệm là nhớ nghĩ, Phật là đấng giác ngộ. Niệm Phật là nhớ nghĩ về bậc giác ngộ, từ đó sửa đổi thân, khẩu, ý của ta theo bậc giác ngộ, đó là ý nghĩa tu sửa chứ không phải là suốt ngày đêm cứ réo tên các Ngài rồi nói là mình tu niệm Phật, sẽ thành Phật.

– Thế còn niệm Phật bất niệm tự niệm thầy nghĩ thế nào.

– Đó là đạt đến định tâm thế thôi, như thiền định vậy.

Tôi hỏi lại:

– Thầy tu thiền, khi thầy mất đi, thần thức thầy sẽ đi về đâu?

Vị thiền sư vừa định trả lời thì có tiếng xe gắn máy nổ lạch bạch chạy vào. Một vị tu sĩ ngừng xe, đến bàn chúng tôi ngồi, chào và hỏi sư trụ trì có ở chùa không, vị thiền sư bảo sư trụ trì đi vắng. Vị tu sĩ nói đã đến chùa mấy lần, định để đồ đạc ở đây rồi đến chùa Sư Vãi Bán Khoai dự lễ giỗ cho biết vì người cháu kêu cậu nói chùa ấy linh thiêng lắm. Nói xong, vị tu sĩ ấy quay lại hỏi tôi, chú ở đâu tới, có biết chùa Sư Vãi Bán Khoai ở đâu không. Tôi trả lời ở gần đây, và chỉ đường cho ông ấy. Vị tu sĩ đứng dậy định đi tiếp, tôi cũng định giã từ nên bước ra ngoài lấy tiền để cúng dường vị thiền sư và vị tu sĩ mới đến, vị tu sĩ mới đến vui vẻ nhận, vị thiền sư nói đã cúng gạo rồi, đừng cúng tiền nữa… Tôi phải nói khéo, vị thiền sư mới chịu nhận.

Vị tu sĩ mới đến chào vị thiền sư rồi lên xe nổ máy, nhìn tôi nói:

–  Thôi, thầy đi nghe chú Hữu!

Nói xong rồ ga phóng đi mất.

Nghe vị tu sĩ kêu tên, tôi muốn nhảy nhổm lên, trời đất ơi, nãy giờ tôi có nói tên tôi đâu mà sao ổng biết mà kêu vậy. Tóc tai tôi nổi ốc cục, một thoáng luồng khí lạnh chạy vụt qua xương sống. Lạ kỳ thật.

Khi vị Tăng sĩ kia đi rồi, thấy vị thiền sư còn ngồi đó, tôi ngồi xuống tiếp tục trò chuyện cùng thầy.

Thiền sư hỏi:

– Hàng ngày chú hít thở, chú có chú ý đến cái mũi của chú không ?

– Dạ không, chỉ chú ý tới nó khi nào bị nghẹt, sổ mũi thôi.

– Thế đấy, nơi chuyện sinh tử ra vào nhưng ít ai chú ý, một hơi thở ra vào đều là vay trả, vay mà không trả, trả mà không vay khắc lìa đời… Thầy chỉ khuyên chú hàng ngày, hàng giờ quán tưởng về cái mũi của mình, sống chết vô thường mà lo tu hành, đừng để tâm như con ngựa trên đồng cỏ, như con khỉ trên cành cứ mãi rong ruổi, leo trèo, thoắt cái là vô thường tới liền.

– Dạ, em hiểu, em cảm ơn thầy rất nhiều vì thầy đã dành cho em buổi chuyện trò, pháp thoại rất hữu ích. Thưa thầy, em xin phép về.

– Chào chú.

Tôi chắp tay xá chào vị thiền sư rồi lên xe ra về. Trời đã về chiều. Xe đang chạy, tôi chợt giật mình, câu hỏi người tu thiền khi mất đi thần thức sẽ đi về đâu chưa được vị thiền sư trả lời. Tiếc nhưng thôi, cứ xem như do duyên chưa tới nên chưa được nghe câu trả lời vì cả hai đều quên do vị Tăng sĩ thứ hai xuất hiện bất ngờ.

Chuyện huyền vi đạo mầu mấy ai cảm thông, thôi thì, ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Nay kể chuyện này như một kỷ niệm vui trên đường làm Phật sự.

(Hương Đức)

Nguồn : Source link

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 24

Post Views: 489