CN0601.Ban tặng sự sống – Suy Ngẫm

Kinh Phước Báo kể rằng: “Ngày xưa, có chú Sa di theo thầy học đạo. Một hôm, thầy nhập định và biết được túc nghiệp của chú Sa di chỉ còn sống trong khoảng bảy ngày nữa. Xuất định, vị thầy muốn chú được gặp cha mẹ liền bảo: 

– Con theo thầy tu học đã lâu, nay con có thể về thăm nhà, sau một tuần hãy trở lại.

Chú Sa di được thầy cho phép về thăm nhà, vui mừng đảnh lễ ra đi. Trên đường về gặp trời mưa lớn, nước chảy tràn lan. Bên vệ đường có một tổ kiến bị ngập nước, đàn kiến hoảng hốt bám lấy nhau và có nguy cơ bị cuốn trôi. Thấy vậy, chú Sa di nghĩ: “Là đệ tử của Phật thì phải có tâm từ và tận lực cứu mạng tất cả chúng sanh”. Rồi chú lấy đất đắp bờ bảo vệ tổ kiến và vớt đàn kiến lên một nơi khô ráo. Sau đó Sa di về nhà, bảy ngày trôi qua mà chẳng có việc gì xảy ra.

Sáng sớm ngày thứ tám, chú Sa di trở lại chùa. Vị thầy rất ngạc nhiên không biết vì nhân duyên nào mà mà chú Sa di này vượt qua được túc nghiệp. Rồi thầy nhập định quán sát, thấy việc Sa di cứu kiến nên được phước báo an lành, chuyển hóa nghiệp yểu mạng và tăng tuổi thọ.

Khi chú Sa di đến đảnh lễ và quỳ một bên, thầy hỏi:  – Con đã làm được một việc có công đức rất lớn mà có tự biết hay không?  – Thưa thầy, bảy ngày qua con ở nhà, không làm công đức gì cả.

Vị thầy bảo:  – Nhờ con cứu đàn kiến thoát chết nên thoát nghiệp yểu mạng, không những thế mà tuổi thọ còn được tăng thêm.

Chú Sa di nghe thầy nói xong lòng rất vui mừng và vững tin vào công đức, phước báo cứu mạng chúng sanh. Từ đó, chú luôn tinh tấn tu tập, thương yêu và bảo vệ sự sống của mọi loài, về sau đắc quả A la hán”.

Bài Học Đạo Lý:

Ban rải lòng từ, đem tình thương đến với mọi người, mọi loài và nỗ lực bảo vệ sự sống là sứ mạng của những người con Phật. Từ con sâu, con kiến cho đến những loài vật khác và con người, hễ có mạng sống thì đều mong muốn hạnh phúc, an vui. Suy ngẫm về mong ước của chính bản thân mình thì có thể cảm thông và chia sẻ với mọi loài.

Con người thường cậy tài, ỷ mạnh hiếp yếu, luôn sát hại các loài khác để phục vụ đời sống. Điều đáng nói ở đây là những hành vi hành hạ, giết hại sinh vật chỉ để thỏa mãn thú vui, tiêu khiển trên sự đau khổ của loài khác. Trong tâm mỗi người vốn đã in đậm dấu ấn của ác nghiệp giết hại từ quá khứ. Hiện tại nếu tâm ấy không được chuyển hóa, thay thế bằng lòng từ mà còn tăng trưởng sự sát hại thì ác nghiệp càng nặng thêm. Ngày nay chiến tranh, khủng bố, xung đột, bạo lực và giết chóc diễn ra khắp nơi trên thế giới. An ninh và an toàn cho đời sống con người bị đe dọa nghiêm trọng. Mặt khác, môi trường sinh thái bị phá hoại nặng nề do khai thác và săn bắt bừa bãi đã dẫn đến thiên tai, dịch họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Đây là hậu quả của ác tâm sát hại, thiếu tu tập về lòng từ, không nhận thấy mối tương hệ cộng sinh giữa mọi loài. Sự sống vốn nương tựa và liên hệ mật thiết với nhau. Con người với thiên nhiên và muôn loài là một. Tàn phá thiên nhiên, sát hại sinh vật để phục vụ đời sống con người là một quan niệm thiển cận, loài người cần phải xem xét lại. Đạo Phật thấy rõ về duyên sinh nên luôn tôn trọng mọi sự sống trong thiên nhiên. Nguyện không giết hại bất cứ sinh vật nào đồng thời ra sức bảo tồn sự sống bằng cách tu tập lòng từ, thực hành ăn chay, thương yêu loài vật, bảo vệ môi sinh… Chính việc làm nhỏ cứu giúp đàn kiến thoát chết mà đạt phước báo lớn của chú Sa di kia là điều đáng suy ngẫm để thực hành từ bi hỷ xả trong đời sống của mỗi chúng ta.

(st)

Nguồn : Source link

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 19

Post Views: 438