CN1168.Sợ hãi chỉ còn là quá khứ

Nếu người nào đó hỏi bạn: “Bạn sợ hãi điều gì nhất?” Bạn sẽ im lặng hay trả lời?

 

Có lẽ bạn sợ một chú sâu nhỏ bé, một loài bọ sát dễ thương, hay một thế giới vô hình mà bạn chưa hề thấy! Cũng có thể bạn sợ chết, sợ bệnh, sợ khổ, sợ cô đơn, sợ phản bội, sợ chia ly, sợ nơi hoang vu vắng lặng… Nhưng tôi biết một điều chắc chắn là bạn sẽ chẳng bao giờ dám trả lời thật lòng câu hỏi đó. Chỉ vì, bạn sợ!

 

Bạn sợ không chỉ những điều mình đang sợ, mà còn sợ mọi người biết sẽ trêu chọc; sợ bị bẽ mặt vì xấu hổ; sợ luôn nụ cười hàm tiếu của những người lấy sự sợ hãi của bạn làm niềm vui. Vì vậy, bạn lại cố che giấu, giữ kín trong lòng. Vậy tại sao bạn không thử đối diện với sự sợ hãi của chính mình để vượt qua nó, thay vì mãi tránh né để suốt đời phải sống với sợ hãi? Sẽ có nhiều nguyên nhân đưa đến sợ hãi và cũng có nhiều cách thức để điều phục, chuyển hóa nó. Bạn có muốn vượt qua sự sợ hãi của mình không? Nếu có, bạn hãy cùng tôi đi chinh phục sự sợ hãi nhé. Bạn đã sẵn sàng chưa? Nào! Ta cùng lên đường.

Hồi còn bé, tôi rất sợ một con vật mà khi kể ra chắc ai cũng tức cười. Đối với mọi người có lẽ nó đáng yêu, hiền lành chẳng làm hại ai. Nhưng với tôi là cả một nỗi ảm ảnh của ký ức tuổi thơ cho đến tận bây giờ.

Quê hương với tuổi thơ

Trước khi kể về sự sợ hãi của bản thân và phương pháp để chuyển hóa nó, tôi sẽ đưa bạn về với dòng sông ký ức tuổi thơ, nơi đã chôn giấu biết bao kỷ niệm của một thời đã trôi về dĩ vãng.

Nhớ lúc nhỏ, ba hay nhờ tôi vào rẫy để canh trộm, vì sắp đến ngày mùa có nhiều người quanh năm không gieo trồng mà vẫn thích đi thu hoạch trước và canh cả những đàn trâu, bò không cho chúng vào vườn dẫm đạp. Căn chòi nằm ngay giữa cánh đồng, nên rất thích hợp để đưa mắt quan sát mọi thứ chung quanh. Chiếc chòi được ba tôi lợp bằng lá, dựng trên một gò đất cao, rất thoáng mát, giống như một căn nhà lá được dựng bên một bãi biển nên thơ, lãng mạn, phóng mắt ra là thấy cả một biển trời mênh mông.

Còn căn chòi của tôi, cũng không thua kém gì: nhìn ra là thấy cả một thảm màu xanh của những cánh đồng ngô kéo dài đến chân trời, nơi có các dãy núi trùng trùng điệp điệp; những cánh đồng lúa bạt ngàn đã ngả màu vàng chờ ngày gặt hái; những con đường làng quanh co, khúc khuỷu uốn mình trong những rặng tre; những chú bò đang vẫy đuôi hăng say gặm cỏ; những chú chim tự do cất tiếng hót yêu đời, múa lượn trên bầu trời bình yên; những làn khói lam từ bếp cơm chiều, bốc lên, len lỏi qua mái nhà tranh, uốn lượn, tạo nên dải lụa kết nối đất trời. Còn có những cơn gió chiều mang theo mùi hương ẩm ướt của lá cây, ủ mình trong đồng ruộng, pha lẫn mùi của cỏ dại, hoa rừng.

Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp nên thơ, mộng mị khiến chàng thi sĩ phải say mê quên cả lối về, và chú mục đồng có được phút giây an nhiên ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo, ngâm thơ. Đấy là quê hương tôi, thật thanh bình, yên ả.

Vào những ngày trong mùa thu hoạch, cũng thường rơi vào thời gian tôi được nghỉ hè. Nên từ sáng sớm, tôi và những đứa bạn cùng trang lứa, cùng nhau thi hành nhiệm vụ ba mẹ đã giao phó cho. Chúng tôi như những người chiến sĩ canh vườn. Vũ khí chúng tôi mang theo là một cái chằng ná dây thun, đeo bên mình một chai nước và camen cơm, lương thực cho buổi trưa.

Đây là khoảng thời gian những đứa trẻ như tôi thích nhất, vì không phải nghĩ đến bài vở mà suốt ngày rong chơi. Mấy đứa chúng tôi xúm lại chơi đủ các trò dân gian như kéo co, cướp cờ, bắn bi, rồng rắn lên mây, ô ăn quan, trốn tìm… Cuộc chơi nào cũng có kẻ thắng người thua, lẽ dĩ nhiên là có luôn những cuộc cãi vã; chúng rượt nhau chạy tán loạn; đứa mạnh cười ngạo nghễ khi đánh thắng, đứa yếu khóc om sòm đòi về méc anh. Ấy thế mà ngày mai lại quên hết, vẫn vui vẻ tìm nhau cùng chơi tiếp. Khi chơi chán, mỗi đứa tự tìm về vương quốc riêng; cái chòi bây giờ lại trở thành một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi.

Tôi nằm trên chiếc võng đu đưa, ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên và lắng tai nghe những thanh âm du dương của tiếng gió, thổi từng cơn ào ạt, lùa qua căn chòi làm cho nó rung rinh tạo nên âm thanh cót két; tiếng những chú ve kêu inh ỏi gọi hè; tiếng bé chim sâu ríu rít tìm mồi; tiếng ếch nhái kêu rôm rả dưới mương nước… mọi thứ như đang hòa quyện với nhau để tạo nên một bản nhạc giao hưởng đồng quê tuyệt vời.

Bí mật sự sợ hãi trong tôi

Mọi thứ đang ở trong một quỹ đạo bình yên, êm đềm, xinh đẹp. Bỗng trên mái chòi, xuất hiện một con “quái vật”, nó biết chuyển đổi màu da, từ đen sang xám chuyển dần qua trắng. Cứ thế nó thay đổi sắc màu liên tục. Khi nhìn kỹ, tôi thấy ngón chân nó có màu đỏ như máu, cái đuôi ve vẩy, đôi mắt thì đang nhìn tôi chằm chằm.

Người ta thường nói khi ở một mình, mà nơi ấy lại yên tĩnh quá, rất dễ suy nghĩ lung tung và bao trùm cả sợ hãi. Thú thật, trong tôi lúc đó hơi sợ; đang để mắt đề phòng con “quái vật”, bất ngờ nó lại nhảy xuống vồ lấy tôi. Một cảm giác hoảng sợ tột cùng, tôi vùng vẫy, đẩy nó ra khỏi người và cố gắng bật dậy chạy thật nhanh về nhà. Về đến nhà, mặt mày tôi tái mét, hốt hoảng, sợ sệt. Thấy thế, ba tôi vội vàng hỏi:

– Chuyện gì vậy con?

Tôi vừa khóc, vừa nấc, nghẹn ngào nói không ra tiếng.

Ba tôi thấy thế lo lắng lại hỏi dồn:

– Chuyện gì bình tĩnh kể ba nghe nào?

– Dạ…dạ…! Nãy… con… con ở trong chòi nghỉ trưa, con bị một con gì đó tấn công, nó vồ lấy con muốn ăn thịt. Kể đến đây tôi lại khóc thét lên. Vì sợ!

Ba ngồi xuống ôm tôi, xuống giọng hỏi tiếp:

– Thế nó ở đâu? Nó hình dáng như thế nào?

– Dạ nó ghê lắm. Nó cứ đổi màu da liên tục. Nó ở trên mái chòi. Nó có bốn chân, giống như con khủng long trong truyện tranh bữa ba mua cho con á.

– Thế nó lớn không con?

– Dạ nó không lớn lắm, bằng ngón tay cái của con thôi.

Chẳng biết khi ấy, ba tôi nghĩ gì mà chỉ mỉm cười, rồi nói:

– Thôi con vào tắm rửa rồi ăn cơm. Để ba vào rẫy đuổi con “khủng long” ấy đi cho con.

Đứa em trai tôi, nãy giờ ngồi nghe kể. Nghe đến đoạn con khủng long to bằng ngón tay, nó ôm bụng cười sặc sụa: “Haha..ha… anh hai bị khủng long tấn công, mà khủng long chỉ bằng ngón tay cái, chắc là con thằn lằn rồi”. Điệu bộ nó vừa cười vừa lải nhải: “Anh hai sợ con thằn lằn, anh hai sợ con thằn lằn…em biết rồi nha!”, làm tôi tức điếng người. Mẹ phải nói ngăn: “Không trêu anh nữa, để anh đi tắm, ăn cơm”. Khi ấy, nó mới chịu thôi không nói nữa, nhưng ánh lên khuôn mặt nó là một nụ cười nham hiểm.

Sau bữa hôm đó, tôi mới biết mình có đứa em “ngoan” khủng khiếp. Mỗi lần nó sai phạm gì, hay không chịu học bài, rất sợ tôi méc với mẹ; nhưng bây giờ nó không còn sợ tôi như lúc trước nữa. Nó ung dung, tự đắc nói: “Anh hai có sợ con thằn lằn không? Anh có muốn em bắt một con cho anh chơi chứ?” Trong túi nó luôn thủ sẵn một cái hộp và nuôi hẳn một con thằn lằn. Nó xem đó bảo bối để đối trị tôi. Chính vì thế, ký ức tuổi thơ tôi đã vẽ ra một trang mới, luôn là kẻ yếu thế với nỗi sợ hãi. (Tôi nghĩ khi đọc đến đây, bạn đang cười. Mà không sao, khi ấy tôi chỉ là đứa trẻ chín, mười tuổi nên không có gì là ngại cả. Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó đâu… ).

Khi lớn lên, tôi nghĩ theo ngày tháng sẽ không còn sợ nữa, vì đó chỉ là suy nghĩ dại khờ của một thời trẻ con. Nhưng không! Khi đã xuất gia, ở trong chùa tôi lại bị một phen chết khiếp với con vật ấy. Ngoài có đứa em hồi nhỏ rất “thương” tôi, nay vào chùa tôi lại có thêm một sư huynh còn tuyệt vời hơn. Có bao giờ sư huynh ấy tặng tôi thứ gì đâu. Thế mà đêm hôm ấy, sư huynh rộng rãi đem cho tôi một món quà. Sư huynh bước vào phòng tôi với nụ cười thân thiện:

– Sư huynh tặng đệ món quà này nè!

– Chà… hôm nay nhân duyên gì mà sư huynh tặng đồ cho đệ vậy?

– Không có gì hết, huynh nghĩ món này hợp với đệ, nên tặng đệ làm kỷ niệm.

Nói vừa xong, sư huynh nhét cái túi nylon vào tay tôi.

– Đệ mở ra xem ngay đi.

– Dạ! để lát đệ xem. Cám ơn sư huynh nha!

Tôi cũng tò mò không biết là thứ gì nên mở ra xem. Món quà được gói trong hộp rất đẹp, xé từng lớp giấy ra, một lớp, hai lớp, đến lớp thứ ba tôi mới mở nắp hộp ra được. Bất ngờ một thứ gì đó phóng lên tay tôi, một cảm giác mềm mềm, ướt ướt. Khi nhìn lại, cha mẹ ơi…! Lại là nó: “một con thằn lằn”. Tôi hét toáng lên, khiến cả khu Tăng xá đều nghe. (Tăng xá là nơi ở của những người xuất gia). Mấy huynh đệ phòng bên tưởng có chuyện gì, chạy qua xem. Khi biết chuyện, mọi người như đi dự tiệc về, được một trận cười no cả bụng. Có lẽ người cười lớn nhất vẫn là sư huynh chủ nhân của món quà kia! Ghét thật!

Khi dám trải lòng mình ra, để kể cho mọi người nghe điều bí mật về sự sợ hãi của mình, tôi đã có chút ít thay đổi trong suy nghĩ, nhưng không dám mạnh miệng nói là không còn sợ nó nữa.

Tôi nói như thế là lừa dối chính mình và bạn cũng chẳng bao giờ tin điều đó. Mỗi người đều có tâm lo sợ nhiều hoặc ít; có người sợ chết; có người sợ cô đơn; có người sợ ma; có người lại sợ cả những con côn trùng như sâu, bọ, rắn, rết… Khi chúng ta đứng trước hoàn cảnh nguy hiểm hoặc biết trước sẽ xảy ra một biến cố, tai nạn nào đó, tâm lý sinh ra bất an, lo lắng dẫn đến lo sợ.

Cao Tâm
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 6

Post Views: 280